Xóm trọ công nhân cùng vượt khó khăn mùa dịch COVID -19

Chủ Nhật, 22/03/2020, 09:02
Từ khi dịch COVID -19 bùng phát, không chỉ làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn làm cuộc sống người dân bị đảo lộn. Trong đó có những công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất. Họ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Không chỉ ảnh hướng đến thu nhập, phòng chống dịch mà còn cả đời sống sinh hoạt hằng ngày.


Cuộc sống đảo lộn

Chúng tôi có mặt tại khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) vào đúng những ngày Hà Nội liên tiếp ghi nhận các ca dương tính với COVID -19. Không khí tại đây vốn đã căng thẳng nay lại trở nên căng thẳng hơn, nhiều công nhân không giấu được sự lo lắng.

Tại Nhà đơn nguyên 6 (khu nhà công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long), chị Trần Thị Bạch Yến, công nhân Công ty TNHH Canon - Việt Nam tranh thủ giờ nghỉ trưa vội vã về dọn dẹp nhà, lo cơm nước cho 2 con nhỏ. Ngay phía cửa ra vào phòng chị luôn có một lọ nước rửa tay khô để gia đình sử dụng.

Chị Yến, công nhân Công ty TNHH Canon – Việt Nam, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) tranh thủ giờ nghỉ trưa về nấu ăn cho hai con nhỏ.

Chị Yến vừa nấu cơm, vừa chia sẻ với chúng tôi: “Hai cháu nhà tôi dù đã lớn và tự trông nhau được, nhưng tâm lý của tôi vẫn rất bất an khi để các cháu ở nhà mà không có người lớn. Nếu dịch COVID -19 cứ kéo dài, tôi buộc phải nhờ ông bà ở quê lên để trông các cháu cho an tâm”.

Cùng chung tâm trạng như chị Yến, chị Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Bắc (đều là công nhân Công ty TNHH Canon - Việt Nam) cũng không giấu được vẻ lo lắng. Chị Hương cho biết: “Trước khi đi làm, tôi đã nhờ hàng xóm để ý đến các con hoặc khi cần gì thì cháu lớn nhất sẽ nhờ trợ giúp. Cơm nước đã được gia đình chuẩn bị sẵn, các cháu tự bảo ban nhau ăn uống, rồi học bài. Thực sự đây là giai đoạn rất khó khăn của các công nhân, đặc biệt là công nhân nữ như chúng tôi. Ngày thường các cháu đến trường, chúng tôi mới an tâm đi làm, giờ thì không thể toàn tâm toàn ý vào công việc được. Chỉ sợ các cháu ở nhà có chuyện gì thì hối hận cả đời”.

Bên cạnh một số công nhân vẫn giữ con ở lại vì quê xa, ông bà lại già yếu không đủ sức chăm sóc thì không ít công nhân gửi con về quê. Chị Phạm Thị Hằng, công nhân Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam (KCN Thăng Long, Võng La, Đông Anh, Hà Nội), khoảng nửa tháng nay, chị đã phải gửi hai con nhỏ về Bắc Giang để nhờ cậy ông bà chăm sóc.

Chị Hằng cho biết: “Cuối tuần tôi lại về thăm con. Sốt ruột lắm nhưng chẳng còn cách nào vì vợ chồng tôi không được nghỉ. Đây cũng là biện pháp tốt để phòng dịch COVID -19 cho các con”.

Nỗi lo phòng dịch, trông con cũng chỉ là một phần, công nhân tại các khu công nghiệp chế xuất còn phải đối mặt với mức thu nhập ngày càng giảm đi bởi một số nhà máy đã cho công nhân nghỉ luân phiên. Giải thích về vấn đề này, một số công nhân tiết lộ là do nguồn nhập nguyên liệu rất khó khăn, đồng thời sản phẩm làm ra cũng rất khó tiêu thụ. Vì thế, việc cho công nhân luân phiên nghỉ là tất yếu hiện nay.

Chị Đinh Thị Vân là công nhân Công ty Yokowo (Khu công nghiệp Đồng Văn 2) cho hay, vì nguyên liệu nhập về giảm, số thời gian làm việc cũng giảm đi 1 nửa nên thu nhập vì thế cũng giảm đi nhiều. Trước đây, một tuần chị Vân đi làm đủ 7 ngày, tăng ca đủ, giờ thì chỉ làm 5 ngày và không có tăng ca.

Trẻ em được nghỉ học, tự trông nhau trong mùa dịch.

“Cuối tuần này là hết nguyên vật liệu, nếu không nhập được hàng chắc bọn em sẽ phải nghỉ. Thực sự bây giờ là giai đoạn rất khó khăn với bọn em, có nhiều thứ phải lo lắm. Từ tiền thuê nhà, ăn uống sinh hoạt hằng ngày, rồi con cái học hành. Nếu cứ dịch dã kéo dài thế này chắc vợ chồng con cái cũng phải về quê kiếm việc làm chứ sống sao được ở đây”.

Lo phòng dịch, trông con đã là một khó khăn, công nhân tại các khu công nghiệp còn phải đối mặt với thị trường thực phẩm, rau xanh, trang thiết bị phòng chống dịch bệnh. Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), thuê nhà tại tổ dân phố 1, thị trấn Quang Minh cho biết, giá rau quả, thực phẩm sau Tết vẫn ở mức cao. Song, đáng sợ nhất là sự tăng giá và khan hiếm khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, nước muối sinh lý...

Khác với nỗi lo con cái, thực phẩm, hàng hóa, anh Nguyễn Văn Khải, công nhân Công ty TNHH Thời trang Star, Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) may mắn có nhà gần công ty nên hạn chế được phần nào khó khăn.

Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu có dịch bệnh, anh và đồng nghiệp có chút khó chịu vì mỗi ngày đến công ty đều phải đo thân nhiệt, kê khai đã gặp ai, làm gì... Song khi được doanh nghiệp tuyên truyền, giải thích, anh Khải và mọi người đều vui vẻ chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân và cộng đồng.

Cùng phòng ngừa dịch bệnh

Trước tình hình dịch bệnh COVID -19 có diễn biến ngày càng phức tạp, trong khi đó các khu công nghiệp là nơi tập trung đông người, lại có nhiều người nước ngoài. Chính vì thế các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương đã có những biện pháp đồng hành hỗ trợ công nhân lao động và doanh nghiệp.

Ông Hoàng Đức Khang, Chủ tịch UBND xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Toàn huyện đã đồng loạt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch: Tổng vệ sinh môi trường ở tất cả các khu vực dân cư, xóm trọ, khu nhà ở công nhân; liên tục rà soát lượng người nước ngoài đến làm việc và tiếp xúc với công nhân để kịp thời có biện pháp phù hợp.

Ngoài ra, Công an xã đã làm việc với các cửa hàng bán thuốc trên địa bàn, đề nghị ký cam kết không găm hàng, tăng giá đối với khẩu trang y tế, nước sát khuẩn. Một số hiệu thuốc như nhà thuốc Bình Ngân 2 ở gần Chợ Bầu còn phát miễn phí khẩu trang y tế cho công nhân; hoặc nếu bán thì bán trợ giá ở mức 8.000 đồng/10 chiếc khẩu trang, mỗi người được mua 10 chiếc để nhường phần cho người khác”.

Công nhân được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào nhà máy.

Bên cạnh những hỗ trợ của chính quyền địa phương, các công ty cũng luôn ý thức được sự quan trọng của việc phòng chống dịch. Chị Đinh Thị Vân là công nhân Công ty Yokowo cho biết: “Công ty em cũng áp dụng rất nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Trước khi vào nhà máy, công nhân phải được đo thân nhiệt, đeo khẩu trang cẩn thận. Cứ làm khoảng 1 tiếng là anh chị em có ý thức đi rửa tay, vệ sinh, bây giờ những việc như vậy gần như thành thói quen rồi. Ai cũng ý thức được rằng, dịch bệnh này rất nguy hiểm, chính vì thế phải hết sức cẩn thận, phòng tránh trước”.

Huyện Chương Mỹ, Hà Nội cũng là địa bàn tập chung khá nhiều công ty, nhà máy và khu công nghiệp, chính vì thế chính quyền địa phương tại đây cũng đã có biện pháp kịp thời. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ Tạ Văn Thiềng cho biết, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Khu công nghiệp Phú Nghĩa và chính quyền sở tại.

Hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài trong việc nắm bắt thông tin người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh đạt kết quả cao nhất.

Tương tự, Ban quản lý Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng Công an làm việc với các doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch bệnh. Bà Đỗ Thị Ngọc Bích, Giám đốc điều hành nhân sự, Công ty TNHH Thời trang Star (huyện Chương Mỹ) cũng thông tin, từ ngày 31-1 đến nay, công ty đã triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như phát khẩu trang miễn phí cho công nhân, kiểm tra thân nhiệt hằng ngày, khử khuẩn tại nơi làm việc...

Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết: “Trong những ngày qua, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã yêu cầu các công đoàn cơ sở chú trọng phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, trang thiết bị bảo hộ... cho người lao động. 

Bên cạnh đó, các đơn vị theo dõi, quản lý tốt sức khỏe công nhân lao động, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kiên quyết không để dịch lây lan trong doanh nghiệp. Các đơn vị tạm dừng tổ chức hoạt động tập thể để phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe công nhân lao động.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Dân khẳng định: Sở đã rà soát, yêu cầu 1.129 lao động là người Trung Quốc đang làm việc tại Hà Nội phải trích thông tin cá nhân để cơ quan chức năng và các địa phương theo dõi, giám sát. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã tạm dừng cấp phép mới cho lao động là người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam, cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Phong Anh
.
.
.