Xót xa "làng góa bụa"

Thứ Năm, 28/07/2016, 11:11
Chỉ cần đếm nhẩm thì cả làng cũng đã có tới 80 người phụ nữ chết chồng, 15 người đàn ông chết vợ. Thôn Lan Mát (Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam) hàng ngày đang phải oằn mình chống đỡ với khói bụi từ những mỏ khai thác đá, rồi cả những tai nạn từ nghề này đem đến. Ngôi làng nhỏ ấy bấy lâu nay được người ta vận cho cái tên "làng góa bụa".


Người chết trẻ vì ung thư ngày càng nhiều

Trước đây thôn Lan Mát được mệnh danh là tiên cảnh nơi hạ giới, người dân quanh năm sống chan hòa với sông núi, thiên nhiên. Vậy mà từ ngày người ta về đây khai thác đá, mọi thứ ở đây đảo lộn hết. Giữa trưa hè thôn Lan Mát hiện lên tiều tụy đến khó tin, những ngôi nhà cấp 4 nằm gọn lỏn giữa những dãy núi đá nham nhở.

Bụi mù mịt bám trắng xóa, chốc chốc lại có những chiếc xe tải cỡ lớn lao rầm rầm kéo theo bụi đá. Thấy người lạ, ông Trần Văn Thức - Trưởng thôn Lan Mát ra sức trình bày, kêu cứu: "Các anh về đây mà xem, chúng tôi khổ quá rồi. Cứ thế này mãi chắc chúng tôi bỏ làng đi hết. May quá có các anh về đây kêu hộ dân".

Một góc thôn Lan Mát.

Quả thực, như lời ông trưởng thôn, chúng tôi đứng tại ngã ba của thôn chừng 5 phút gần như không chịu được khói bụi do ôtô chạy qua. Để chống chọi với khói bụi, nhà của các hộ gần đường đều được làm 2 đến 3 lớp cửa. "Nhà nào cũng phải làm 2 đến 3 lớp cửa nhưng ngày nào cũng phải lau bàn ghế, đồ đạc. Đấy nền nhà buổi sáng lau đến trưa đã thấy sạn chân rồi" - Ông Thức bức xúc.

Hàng ngày người dân phải sống chung với bụi đá nên vài năm trở lại đây dân Lan Mát đối mặt với rất nhiều bệnh tật, đặc biệt là bệnh ung thư. Theo phản ánh của người dân, số người mắc bệnh ung thư, chết trẻ gần đây gia tăng đột biến. "Chết trẻ nhiều lắm, tháng nào cũng phải có người chết vì ung thư đấy. Cứ thế này chắc chúng tôi phải bỏ làng mà đi thôi" - Ông Nguyễn Văn Thắng buồn rầu chia sẻ.

Để chứng minh cho điều mình nói, ông Thức đưa chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Mạc (82 tuổi). Gia đình ông Mạc là một trong những nạn nhân của sự ô nhiễm và căn bệnh ung thư. Vợ ông Mạc là bà Nguyệt mới mất vì ung thư năm ngoái, sau hơn chục năm vật vã chống chọi trong đau đớn.

Ông Mạc tụng kinh để cầu siêu cho những người làng đã mất vì ung thư.

Ông Mạc là người nổi tiếng thương yêu vợ, cả chục năm cặm cụi chăm vợ bệnh tật, cả làng cả xã ai cũng khen ông tận tình. Thế nhưng sự chăm sóc, thương yêu của ông cũng không chống lại được căn bệnh ung thư quái ác của vợ mình.

Chứng kiến cái chết của vợ, rồi lần lượt những người trong làng ra đi vì ung thư, ông Mạc thấy bất lực, chỉ còn biết mua kinh Phật về đọc cho thanh thản. Ông bảo: "Sao mà lắm người chết vì ung thư thế. Cũng vì cái nghề đá mà dân làng tôi chết không biết bao nhiêu người. Chết vì đá đè đã nhiều, nay lại chết cả vì ung thư nữa. Đây là cuốn sổ mà tôi ghi chép hết những người chết vì ung thư, đá đè đấy".

Lật giở từng trang sổ nhỏ, ông Mạc cho chúng tôi xem tên tuổi từng người, chết vì ung thư gì mà mắt ông cứ ngân ngấn nước: "Đây, cả thảy có 80 phụ nữ góa chồng và 15 người đàn ông mất vợ. Chết vì tai nạn khai thác đá cũng nhiều, mà ung thư cũng chẳng kém đâu".

Nỗi ám ảnh kinh hoàng

Hàng chục năm trở lại đây tai nạn trong quá trình khai thác đá ở thôn Lan Mát đã không còn là chuyện hiếm. Bản thân gia đình ông Thức cũng phải chịu nhiều bi kịch từ nghề đá. Bố ông Thức chính là người đầu tiên trong thôn bỏ mạng bởi nghề bạc bẽo này.

Chồng mất nên bà hà không thể nuôi các con học hành tới nơi tới chốn.

Ông Thức bùi ngùi kể lại: " Năm 1967, bố tôi là xã viên của HTX Thanh Lâm, là trụ cột trong gia đình. Không may trong một lần khai thác đá ông cụ đã bị đá lăn, giập nát cả cơ thể. Đến giờ tôi vẫn còn chưa thể quên được ngày kinh hoàng ấy". Chưa dừng lại ở đó, đến năm 2001, em trai ông Thức là ông Trần Văn Trụ cũng mất vì đá. Ông Trụ bị ngã núi, mũi đá nhọn đâm xuyên thủng hộp sọ.

Làm nghề đá như đánh cược số phận với tử thần. Ai cũng biết là nguy hiểm nhưng họ chẳng còn làm nghề gì để kiếm sống. Trước đây khi còn HTX, cứ một tháng các xã viên lại gặp mặt, ăn uống vui vẻ. Họ chia sẻ những kinh nghiệm trong nghề, rồi chia sẻ những vui buồn. Động viên nhau, bởi họ biết cái nghề này sinh ly tử biệt là chuyện cơm bữa. Cứ tưởng vất vả, nguy hiểm, đánh đu với số phận trên các mỏm đá để đổi lấy cuộc sống đủ đầy cho gia đình. Nhưng lương tháng của họ cũng chỉ được 3 đến 4 triệu, đủ rau cháo qua ngày.

Với mức thu nhập như vậy lại còn được người dân liệt vào hàng khá giả, bởi dù sao họ cũng còn có cơm ăn đủ ba bữa. Còn bao gia đình mất đi trụ cột, cảnh mẹ góa con côi thì cơ cực gấp trăm ngàn lần. Như chuyện của gia đình bà Nguyễn Thị Hải, 3 năm nay bà một mình phải cáng đáng mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình. Bà gồng mình làm đủ thứ nghề để lo cho 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng thêm cơ cực khi chồng bà bị tai nạn trong lúc khai thác đá. Bà kể: "Hôm đó chồng tôi vừa đi khỏi nhà khoảng một tiếng đồng hồ thì đã thấy có người đến báo tin dữ rồi. Họ bảo chồng tôi bị đá đè đã đưa lên bệnh viện. Tôi hốt hoảng chạy lên bệnh viện huyện nhưng không kịp nhìn mặt chồng lần cuối. Từ ngày ông ấy mất con cái cũng chẳng được học hành tử tế".

Dứt lời, bà Hà chỉ về phía nhà mình: "Con bé út nhà tôi đấy, chẳng biết làm gì mở quán tạp hóa kiếm thêm. Cũng chẳng ăn thua, bán lèo tèo vài thứ ngày kiếm vài chục bạc cũng khó". Chiều tà, từng đợt bụi đá cứ thốc vào nhà bà Hà khiến nó càng tiêu điều. Cô con út cặm cụi dọn vài ba quả cam héo trên sạp hàng khiến cho không gian càng thêm hiu hắt.

Người làng hay nói với nhau là, bị tai nạn làm đá có khi chết lại may hơn sống. Bởi nhiều người ở đây sau tai nạn, sống còn kinh hoàng, đau đớn, ám ảnh hơn cả cái chết. Câu chuyện của anh Nguyễn Bá Hùng (SN 1982) là một minh chứng cho sự đau đớn mà anh phải gánh chịu còn khủng khiếp hơn cái chết. Năm 2010 trong lúc treo mình trên vách đá để khoan, không may anh Hùng rơi xuống từ độ cao hơn 20 mét.

Dù không bị đá đè nhưng cú rơi ấy khiến Hùng bị gãy tay, cột sống bị chấn thương nghiêm trọng. Cả nhà vui mừng khi các bác sĩ cứu anh thoát khỏi tử thần, nhưng rồi ai cũng nhận ra một điều đau đớn rằng, 6 năm qua anh sống còn khổ hơn cả cái chết.

Bà Nguyễn Thị Thọ (mẹ anh Hùng) khóc không thành tiếng: "Chúng tôi đưa cháu đi khắp nơi mà không chữa được. 6 năm nay nó nằm liệt như vậy đó, tôi phải đặt cháu ở cái giường gần đường đi để cháu thấy người qua lại cho đỡ buồn. Thế nhưng cửa không đóng vào thì bụi bay mù mịt, khổ lắm".

Cột sống bị hỏng, hai chân anh Hùng ngày một teo tóp, phần hông và lưng cũng đang hoại tử và bốc mùi khó chịu. Bà Thọ đưa chúng tôi đi quanh nhà, khoe những bức hình chụp anh Hùng ngày còn chưa bị tai nạn. Nào là tấm ảnh thời còn là lính hải quân, đẹp trai vạm vỡ. Rồi bức hình vợ chồng Hùng chụp cùng hai cô con gái đẹp như tranh.

Nhiều lần bị con cáu gắt vô cớ nhưng bà Thọ hiểu hơn ai hết nỗi bất lực của con mình.

Cứ thế bà Thọ khoe với chúng tôi như thể giải thích rằng, con trai bà đẹp lắm, con trai bà khỏe lắm. Nhưng bà cũng chẳng thể giấu được cặp mắt đỏ hoe. Quay ra nhìn đứa con quắt queo nằm bất động trên giường bà Thọ khóc nức nở: "Mọi sinh hoạt của cháu đến tay tôi hết. Biết làm thế nào được, đẻ con lành lặn lại thành ra con thế này. Nó đau đớn cũng hay cáu gắt tôi lắm, cũng phải thôi, đang sức vóc thế lại nằm cả mấy năm bất động. Nhiều lúc nó quát tháo om thiên lên nhưng tôi chẳng giận, tôi hiểu nó mà".

Nắng đã nhạt, những chiếc ôtô tải chở đá thưa dần… đó cũng là lúc thôn Lan Mát bình yên nhất. Ông Thức đưa chúng tôi trở lại nhà rồi bỗng dừng khựng lại khu nghĩa địa của thôn. Ông nói: "Đấy, lúc nào nghĩa địa của thôn cũng có vòng hoa còn tươi. Đây là mộ của người mất vì khai thác đá này, còn kia là mộ của mẹ tôi, chị dâu tôi. Chị dâu tôi mất sau mẹ tôi đúng 7 ngày. Cũng vì ung thư đấy".

Phong Anh
.
.
.