Xứ Mặt trời vẫn thiếu ánh sáng?

Thứ Sáu, 23/06/2017, 08:35
báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do ngôn luận đã cáo buộc xứ mặt trời mọc đang siết chặt tự do báo chí và bóp nghẹt những tranh luận công khai về các vấn đề như cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, cũng như những gì nước này đã làm trong Chiến tranh thế giới thứ 2...


Nhật Bản bấy lâu nay được nhìn nhận như một đất nước tự do, tiến bộ và phát triển nhất châu Á.

Thế nhưng mới đây, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về tự do ngôn luận đã cáo buộc xứ mặt trời mọc đang siết chặt tự do báo chí và bóp nghẹt những tranh luận công khai về các vấn đề như cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, cũng như những gì nước này đã làm trong Chiến tranh thế giới thứ 2...

Những vết đen

Trong một báo cáo đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền LHQ, David Kaye cho biết ông đã nhận ra “những dấu hiệu đáng lo ngại” về tự do ngôn luận ở Nhật Bản. Cuộc điều tra của David Kaye, người đầu tiên điều tra tự do báo chí ở Nhật, bị thôi thúc bởi những quan ngại về áp lực của chính phủ nước này đối với các phương tiện truyền thông.

Các nhà phê bình đã chỉ ra sự chậm trễ của phương tiện truyền thông nước này trong việc thông báo vụ nổ hạt nhân hồi tháng 3-2011 tại Fukushima. Điều này phản ánh nỗ lực của chính phủ nhằm làm nhẹ thiệt hại nghiêm trọng của thảm họa này.

Năm 2014, tờ Asahi Shimbun đã bị chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe gây áp lực buộc rút lại bài báo đưa tin 650 công nhân tháo chạy khỏi Nhà máy Fukushima Daiichi ngay sau thảm họa, dù người quản lý Masao Yoshida lệnh cho họ phải ở lại tới phút chót để giành lại quyền kiểm soát các lò phản ứng.

Sau đó, tờ báo đã thừa nhận có sai sót trong việc đưa ra số liệu trên, do hiểu sai ý của ông Yoshida. Tuy nhiên, việc rút lại bài báo đã làm cho tổ điều tra của Asahi tan rã. Đây là tổ điều tra đã từng đưa một số tin bài phê phán cách xử lý cuộc khủng hoảng của chính phủ.  

Báo cáo viên LHQ David Kaye.

David Kaye cũng bày tỏ quan ngại về việc xóa bỏ nội dung liên quan đến việc sử dụng nô lệ tình dục của binh lính Nhật Bản trong sách giáo khoa. Kaye nhận thấy sự biến mất dần dần các tài liệu tham khảo về “những phụ nữ giải khuây” trong nhà trường.

Kaye cho biết việc thiếu các cuộc thảo luận công khai về vai trò của Nhật Bản trong chiến tranh, những hạn chế về tiếp cận thông tin và áp lực của chính phủ đã khiến giới truyền thông phải thực hành tự kiểm duyệt.

Đại sứ Nhật Bản tại LHQ, ông Junichi Ihara, cho rằng những cáo buộc của ông David Kaye về việc Tokyo bóp nghẹt tự do báo chí là “không chính xác”. Trong một tuyên bố trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, ông Junichi Ihara nói: “Đáng tiếc là một số phần trong báo cáo của Kaye thiếu chính xác về những quan điểm cũng như những giải thích của chính phủ”.

Hiểu nhầm?

Ông Ihara bác bỏ tuyên bố của Kaye rằng điều luật cho phép chính phủ đình chỉ các giấy phép phát sóng truyền thanh và truyền hình vì “báo cáo không công bằng” được sử dụng để ép các biên tập viên cấp cao giảm nhẹ hoặc bỏ qua các vấn đề chính trị nhạy cảm.

Năm 2016, Bộ trưởng Nội vụ Sanae Takaichi gây bức xúc khi tuyên bố các đài phát thanh truyền hình dù đã bị các cơ quan chức năng nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn đưa tin “không công bằng” về các vấn đề chính trị, sẽ bị đóng cửa.

Ngay sau đó, 3 biên tập viên kỳ cựu, những người nổi tiếng với việc “nướng” các chính trị gia, đã đồng thời nghỉ việc, làm dấy lên những cáo buộc rằng họ chịu sức ép phải bỏ việc sau khi ông Abe và đồng sự phàn nàn về họ trong suốt những bữa ăn tối riêng với các giám đốc truyền thông.

Báo cáo của Kaye cũng chỉ trích luật bí mật nhà nước năm 2014, theo đó các nhà báo có thể chịu tù 5 năm nếu bị tố giác làm lộ thông tin mật. Ông nói rằng luật này “quá rộng” và có nguy cơ bị áp dụng tùy tiện, không nên trao quyền cho chính phủ “quyết định điều gì là công bằng”.

Sự rạn nứt giữa Nhật Bản và LHQ tăng lên sau khi ông Joseph Cannataci, Báo cáo viên đặc biệt về quyền riêng tư, cho biết một dự luật chống sách nhiễu được thảo luận tại Quốc hội có thể “dẫn đến những hạn chế không cần thiết đối với quyền riêng tư và tự do ngôn luận”.

Trong những năm gần đây, đối đầu giữa các đại diện của Nhật và LHQ càng “nóng” lên. Năm 2015, Tokyo tạm ngừng thanh toán cho UNESCO sau khi cơ quan này thêm các tài liệu về vụ thảm sát ở Nam Kinh, Trung Quốc vào Di sản Tư liệu thế giới.

Ông Yoshihiko Noda, Tổng thư ký của đảng đối lập lớn nhất của Nhật, đã cáo buộc chính phủ ông Abe về việc “chặn cửa” các phóng viên đặc biệt của LHQ. Đầu năm nay, Tổ chức Phóng viên Không biên giới xếp Nhật Bản đứng thứ 72 trong chỉ số tự do báo chí toàn cầu, đứng cuối bảng trong nhóm G7. Thứ hạng của nước này đã trượt dốc không phanh từ năm 2010, khi đó Nhật đứng thứ 11.

Phải chăng xứ sở Mặt trời mọc đang dần thiếu đi ánh sáng?

Bàng Cương
.
.
.