Xử lý ”tin vịt” trên mạng

Thứ Bảy, 04/04/2020, 11:50
Pháp luật quy định đã rất rõ ràng, vì vậy các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những kẻ cố tình làm loạn xã hội bằng tung tin giả đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp


Ngày 30/3, chủ tài khoản Facebook Nguyễn Sin đã lên làm việc theo yêu cầu của Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM.

Trước đó, tài khoản này đăng tin "Vậy là chúng ta đã có ca đầu tiên tử vong" trên mạng xã hội Facebook. Dòng trạng thái này được nhiều người dùng chia sẻ, bình luận và sau đó được cơ quan chức năng nhận định "đăng thông tin có nội dung nghiêm trọng", "gây hoang mang dư luận".

Tại buổi làm việc, Thanh tra Sở thông tin- truyền thông đã yêu cầu chủ tài khoản Facebook Nguyễn Sin giải trình bằng văn bản về các vấn đề, như: nội dung thông tin đăng tải nói về ai, về vụ việc gì... Chủ tài khoản Nguyễn Sin phải gửi báo cáo giải trình trong tuần này để Thanh tra Sở thông tin- truyền thông xem xét, xử lý theo quy định.

Tại buổi họp trực tuyến của Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp thông tin Việt Nam có ca tử vong đầu tiên do dịch bệnh COVID-19.

Trước đó, ngày 27/3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho biết đã làm việc với ĐNQ (trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), là một "KOL" nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook, để làm rõ hành vi đăng tải hàng trăm thông tin chưa được kiểm chứng, thất thiệt về dịch bệnh COVID-19 trên tài khoản Facebook cá nhân "ĐNQ".

Từ tháng 2/2020 đến nay, ĐNQ đã trực tiếp đăng tải gần 300 bài viết liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nhiều địa phương trên cả nước. Trung bình mỗi bài viết có từ vài trăm đến hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận, trở thành điểm nóng, nguồn phát tán thông tin thất thiệt thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trên mạng xã hội thời gian qua.

Tại cơ quan Công an, ĐNQ khai nhận được tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn  gửi đến. Sau đó, chỉnh sửa, lồng ghép quan điểm cá nhân tạo thành nhiều tin chưa được kiểm chứng; trong đó, một số văn bản của cơ quan chức năng khi chưa công bố về thông tin bệnh nhân nhiễm COVID-19 hoặc cần đưa vào diện cách ly được ĐNQ đăng tải đã ảnh hưởng đến công tác chủ động phòng chống dịch bệnh tại một số địa phương, gây tâm lý hoang mang, khiến người dân phải sơ tán, chuyển chỗ ở, tích trữ lương thực làm mất an ninh trật tự trên địa bàn,  trong đó có thông tin cách ly tầng 38 tòa HH1a, Khu chung cư Linh Đàm.

ĐNQ đã phải gỡ bỏ 216 bài viết với nội dung thông tin chưa được kiểm chứng và bài viết có chứa bình luận của người xem với nội dung xuyên tạc, đưa tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam. Hiện cơ quan chức năng đã khẩn trương củng cố tài liệu để xử lý nghiêm hành vi vi phạm của ĐNQ và những người có liên quan theo quy định của pháp luật.

Nhưng đây chỉ là 2 trong số hàng trăm người đã tung tin sai sự thật về tình hình dịch COVID-19 trong thời gian qua. Đến nay, Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đến nay đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 đối tượng.

Hành vi tung tin thất thiệt không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo các chuyên gia pháp luật, tại Khoản a Điều 101 Nghị định 15/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện (thay thế Nghị định 174/2013) có hiệu lực từ tháng 4/2020, đã quy định người nào cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người đó phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Mới đây nhất, ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tại Công văn này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự. Ở tội danh này, mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù, phạt tiền cao nhất lên đến 1.000.000.000 đồng.

Pháp luật quy định đã rất rõ ràng, vì vậy các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những kẻ cố tình làm loạn xã hội bằng tung tin giả.

Tân Lương
.
.
.