Xuân trên những đôi chân bụi trần...

Chủ Nhật, 26/01/2014, 11:11

Họ là những người trẻ chất đầy phế tích oái ăm của số phận. Xuân không nhà, những đôi chân ấy vẫn rong ruổi khắp nơi, để tung tẩy vũ điệu hip hop, để kể về cuộc đời lấm láp bụi đường. Câu chuyện buồn trong tiếng nhạc, điệu nhảy làm bao người bỏ quên tuổi xuân trong dốc trượt cuộc đời về soi mình lại trong gương…

Từ nước mắt cô gái mồ côi…

Bích Ngọc (thường gọi là Ngọc Nguyễn) khác xa trí tưởng tượng của tôi. Nghe qua điện thoại, giọng cô gái sinh năm 1988 khàn khàn, câu nào câu nấy gọn lỏn. Gặp ngoài đời, Ngọc váy hoa chấm gót, bông tai, vòng cổ, vòng tay đủ màu. Lẽ ra Ngọc phải mặc áo rộng thùng thình, quần đáy xệ, mũ lưỡi trai to bản đội lệch. Những cái vòng tay, vòng cổ bảy sắc cầu vồng kia phải là vòng kim loại trông sắc lẻm. Đôi bông tai buông chùng điệu đà kia phải là vòng khoen ráo hoảnh… Tất tần tật như thế mới thỏa trí tưởng tượng của tôi về một cô nàng nổi loạn, thủ lĩnh của một nhóm hip hop đường phố.

Quê Ngọc ở Đồng Tháp. Cha cô vĩnh viễn ra đi sau vụ tai nạn thảm khốc. 6 tháng tuổi, Ngọc khóc oe oe trong vòng tay của các sơ. 5 tuổi, ngoại lên cô nhi viện dắt Ngọc về khi mẹ cô vẫn khăng khăng không chịu nhận con. Nhà nghèo nhưng ngoại vẫn cho Ngọc đi học. Hễ không học thì phải đi câu cá, kiếm củi về bán. Hết ngày, nếu không đủ số tiền ngoại định thì ăn roi. Về nhà sợ ngọn roi của ngoại, lên lớp khiếp cây thước của cô. "Sao đi học mà mặc đồ rách như ăn mày vậy hả?". "Có chịu về thay đồ không?", "Lì này! Lì này!". Sau mỗi tiếng "lì này" là một thước vụt vào da thịt.

Nhưng ngọn roi ấy không đau bằng ngọn roi miệng. Mỗi lần thấy Ngọc ngồi chơi, họ hàng nhà ngoại, nhà nội đi ngang qua lại nguýt dài: "Cái thứ con hoang, thấy nó đầu đường xó chợ tội nghiệp mới lượm về để nó ăn bám cái nhà này". Nước mắt Ngọc rớt không kịp lau. Chui sau hè rưng rức, ước ngoại đừng đánh, cô đừng đánh, họ hàng đừng mắng nhiếc "đồ con hoang". Nhưng điều ước ấy có khác mấy điều ước mong cha Ngọc sống lại.

Các bạn trẻ trong Ban tổ chức "Vũ điệu đường phố".

Ngọc học xong lớp 12 thì nghỉ. Ngọc khăn gói lên Sài Gòn làm việc ở một cây xăng. Một ngày dài với mùi xăng nồng nặc, ngồi lặng trong bóng tối, cô tự hỏi: Cuộc sống của mình cứ như vầy hoài đến cuối đời sao? Gia đình dọa: "Nếu mày bỏ việc thì mày phải cút ra khỏi nhà". Không nói không rằng các cô ném đồ đạc của Ngọc ra khỏi nhà ngay giữa đêm hôm khuya khoắc. Cô gái 20 tuổi lau vội nước mắt, khoác đồ đạc lên vai. 0 giờ và bốn ngàn đồng, Ngọc không biết đi đâu. Đến giờ, Ngọc ân hận khi mình chưa kịp hỏi tên người dân phòng tại Công viên Gia Định đã cho cô ngủ nhờ ở chốt trực, cho cô ổ bánh mì và 20 ngàn dắt túi năm nào. Lang thang giữa thành phố xa hoa mênh mông cạm bẫy, Ngọc đói lả. Cô lê đến cổng chùa, xin các ni cô cho mình xuống tóc.

Nhưng nghiệp của cô vẫn vướng nặng cõi trần tục. Khi tóc Ngọc dày lên, một người chị Việt kiều Mỹ tốt bụng nuôi nấng và cho cô học tiếp Trung cấp ngành Quản trị kinh doanh. Mỗi lần lang thang trên đường đi học hay đi làm, cô lại dừng ven đường, xem đám trẻ khoe những vũ điệu điêu luyện. Ngọc chơi với chúng, nghe những câu chuyện đầy nước mắt của chúng. Cô bắt đầu tập nhảy hip hop. Dù là con gái, hay bị trật tay, trật chân khi nhảy nhưng những vũ điệu đó giúp cô quên đi cơn bĩ cực của mình. Nhóm hip hop đường phố của cô ra đời từ đó. Xuân mỗi năm là ngồi vỉa hè đón giao thừa và nhảy. Đó là lúc họ được nhảy hả hê nhất, nhảy mà không sợ bảo vệ hay dân phòng cầm gậy đuổi. Giao thừa, họ đã về nhà hết rồi. Đám trẻ nhảy để quên đi cô đơn khi chỉ còn những thân phận đơn độc dựa vào nhau trong thời khắc giao mùa. Để rồi xuân này, khi nỗi buồn sắp bủa vây đôi mắt của những đứa trẻ coi vỉa hè là nhà, Ngọc đau đáu về một dự định…

Đến điệu nhảy lấm bụi đam mê

Minh, Thành, Hoàng Duy, Luân, Trung Thành chỉ mới 15, 17 tuổi. Luân đọc rap, Thành chơi beatbox, Minh nhảy và Duy DJ. Phòng trọ Minh ở đường Nguyễn Văn Trỗi chưa đầy 20 mét vuông nhưng nhét hơn 10 thành viên trong gia đình. Minh mê nhảy từ hồi còn là cậu học trò thập thò nơi công viên học lỏm các anh chị. Cậu có năng khiếu bắt chước lại các điệu nhảy rất nhanh. Luân học hết lớp hai đã viết được vài câu rap ngắn. Lớn lên, nghe sơ qua đoạn nhạc Luân đã có thể ứng tác tức khắc. Đến giờ các bài rap của nhóm đều là tác phẩm của cậu.

Luân bị ba mẹ bỏ rơi phải giã từ sách vở từ năm lớp 9 để lao vào đời giành giật cơm áo bằng những lần đi múa lân, đọc rap và đủ nghề lê la đường phố. Còn Duy mê DJ đến nỗi cậu dành dụm hết tiền sinh hoạt để mua dàn DJ. Mua xong, mỗi tối Duy đi làm thêm để trả nợ bởi nhà cậu cái ăn còn phải chạy từng bữa. Trung Thành mồ côi cha, bị bệnh chậm phát triển, nhưng nghe tiếng nhạc xập xình, chân tay Trung Thành lại lắc lư theo nhịp.

Một buổi biểu diễn hip hop đường phố của các bạn trẻ có hoàn cảnh éo le.

Yêu hip hop, những cậu bé mỗi người mỗi cảnh ấy hay tụ tập nhảy nhót tại công viên, đó là nhà, là sàn tập và cũng là nơi biểu diễn. Nhưng khi nhạc xập xình được dăm phút, khán giả mới túm tụm vài tốp, bảo vệ công viên lại xua đuổi như thể chúng là những kẻ phá phách, gây rối nơi công cộng. Thành buồn rầu: "Mẹ em không cho tụi em nhảy vì nghĩ rằng vũ công dễ bị gãy tay gãy chân lại không kiếm được nhiều tiền như ca sĩ. Nếu lập nhóm, có bài nhảy riêng thì khoảng trăm ngàn một đêm còn múa phụ họa cho ca sĩ chỉ có mấy chục thôi. Thấy tụi em tụ tập để nhảy là mẹ đánh chửi liền". Chuyện của Thành đâu còn chuyện của riêng em. Các bạn khác đâu hơn bởi hip hop vẫn nhận nhiều ánh mắt định kiến.

"Có cậu bé tên Mạnh vừa khóc vừa nói với mình rằng chị ơi em chỉ mong có một chỗ thực thụ để em nhảy trọn bài nhảy 3 phút. Em không cần nhiều khán giả, chỉ cần có mỗi chị xem em nhảy là được rồi. Ngọc thấy thân phận các em như mình, cũng chịu nhiều bất hạnh nhưng có chung niềm đam mê. Vậy nên Ngọc muốn tìm một con đường sống cho hip hop đường phố ở Việt Nam, qua đó tạo sân chơi để các em thoả đam mê và hy vọng có nhiều người phát triển tài năng của các em, giúp các em thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn".

Ý tưởng ấy ấp ủ không dám nói. Bởi mới nghe Ngọc thủ thỉ về một tour hip hop dành cho những thanh, thiếu niên mồ côi, vô gia cư… ai cũng bảo chuyện hoang đường. Hoang đường thật khi trong tay Ngọc đâu có một xu nào, chính cô lo cho miếng ăn của mình còn chưa đủ. "Nhưng mình vẫn mong có ai đó ủng hộ mình. Chỉ cần một người ủng hộ cũng đủ thổi bùng lên điều mình muốn".

Tiết mục trong chương trình "Vũ điệu đường phố" (Street Dance Tour).

Cái ám ảnh ngọn roi của ngoại, của cô giáo ngày thơ ấu năm nào đã khiến Ngọc  vẫn lang thang bám đuổi khát vọng chôn vùi của mình. Rồi Ngọc gặp nhạc sĩ Tuấn Khanh. Anh thảng thốt: "Trời ơi, sau hai mươi mấy năm anh mới tìm được người giống mình thời trẻ. Trước đây anh cũng có khát vọng giống em nhưng anh không dám làm chỉ vì sợ đủ thứ".

Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã dẫn Ngọc đi gặp Tiến sĩ Lê Văn Tuấn, là Giám đốc của Trung tâm UNESCO Khoa học Nhân văn và Cộng đồng. Mới nghe qua dự án của Ngọc, ông đã đồng ý đứng ra tổ chức. Dự án trở thành chương trình "Vũ điệu đường phố" (Street Dance Tour).  Ngay sau khi được triển khai, Ngọc nhanh chóng rao tin trên facebook để tìm những nhóm nhảy, vũ công đường phố. Cô ưu tiên cho những thanh, thiếu niên lang thang, cơ nhỡ hoặc có hoàn cảnh khó khăn nhưng đam mê bước nhảy. Chính từ trang facebook đó mà Thành, Luân, Hoàng Duy, Minh, Trung Thành trở thành bạn. Khi được mời vào chương trình, Luân đã khóc mà ôm chầm lấy Ngọc, miệng lắp bắp mãi: "Chị ơi, có thật là em được nhảy trên sân khấu của chị không? Em được nhảy trước hàng ngàn người hả chị?".

Tour diễn chọn điệu nhảy hip hop - điệu nhảy mà Ngọc và trẻ đường phố đã gắn bó lâu nay. Minh giải thích: "Hip hop là một thể loại âm nhạc và trào lưu văn hóa do tầng lớp lao động mà chủ yếu là người Mỹ da đen ở trong các khu ổ chuột sáng tạo nên. Đó là điệu nhảy giải thoát của những người chịu nhiều bất công trong xã hội, bị kỳ thị, bị áp bức bóc lột. Những mặc cảm, tủi phận buộc bọn em phải nhảy, coi như sự giải thoát, phá bỏ bất công, đau khổ mà bọn em phải chịu lâu nay. Hip hop cho tụi em thêm năng lượng sống. Tết này, tụi em không nhảy một mình mà nhảy cho mọi người".

Hip hop còn thể hiện bao trăn trở, âu lo của người trẻ trước các vấn đề xã hội một cách thẳng thắn. Đơn đặt hàng mới nhất của tour diễn này là nạn bạo hành trẻ em mẫu giáo từ bức xúc vụ nhà trẻ Phương Anh. Đêm diễn ở Kí túc xá Đại học Quốc gia Tp HCM trong không khí xuân tưng bừng như bùng nổ trong tiếng reo hò của sinh viên theo những bước nhảy xì tin năng động, đầy sức sống. Những bước nhảy gửi tới thông điệp: "Dù bạn là ai, xuất thân từ đâu, điều đó không quan trọng. Miễn là bạn có ước mơ và quyết tâm thực hiện nó"  

Diễn ra từ ngày 25/12/2013 đến cuối tháng 1/2014, chương trình “Vũ điệu đường phố” (Street Dance Tour) sẽ đến với 10 trường đại học tại Tp HCM như: ĐH Nông Lâm, ĐH Sư phạm, ĐH Mở, ĐH Tôn Đức Thắng, Nhà văn hóa Thanh niên… Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng được giới trẻ mến mộ như: ca sĩ Lân Nhã, Hoàng rapper, Võ Trọng Phúc Got Talent… Sau chuyến lưu diễn tại các trường đại học, "Vũ điệu đường phố" sẽ đến phục vụ và trao quà tại các bệnh viện, cô nhi viện, mái ấm, trẻ lang thang… trên địa bàn thành phố. Dự kiến đến tháng 3, chương trình sẽ đến với cộng đồng người Việt ở Thái Lan.

Quỳnh Nga
.
.
.