Ai về Lý Học cùng say

Thứ Tư, 18/11/2015, 09:34
Nhiều người trong xã cũng không giải thích được vì sao lại có tên Lý Học. Nay xã thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, nổi tiếng là đất khoa bảng và có khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một danh nhân văn hóa lớn của nước ta. Nhưng ít người nhắc đến Lý Học còn là thủ phủ của món thuốc lào Vĩnh Bảo nổi tiếng. Câu ca dao: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào. Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên” được ra đời chính từ mảnh đất hương thơm lịm người này.

Về nơi chồng hút, vợ say

Có một thời, người ta đưa ra cuộc tranh luận, so sánh giữa thuốc lào ở Vĩnh Bảo và thuốc lào ở Tiên Lãng đâu thơm ngon hơn. Thế là họ đưa ra một cuộc thi hút thuốc lào giữa hai làng Lý Học (Vĩnh Bảo) và Kiến Thiết (Tiên Lãng). Xem ra cũng một chín một mười, nhưng độ phê của thuốc lào Lý Học sâu và kéo dài; hương thơm ngây ngất đến nỗi những chàng trai ngấm thuốc lào Lý Học đã lịm đi với giấc ngủ ngon lành. Có người còn lảo đảo khi đứng dậy, rồi sau đó cảm giác lâng lâng, bay bổng.  

Nhưng có điều ai cũng biết, đất thuốc lào Lý Học nổi tiếng từ lâu, với câu ca dao cổ: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào. Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Không những thế mà đất Lý Học còn có những vần thơ dài hài hước, ghi dấu một mảnh đất văn hóa khoa bảng, với nét văn hóa thuốc lào: “Thuốc lào chồng hút, vợ say. Thằng con châm điếu lăn quay ra nhà. Có anh hàng xóm đi qua. Hít phải khói thuốc say ba, bốn tuần. Thêm chú gà  trống ngoài sân. Mổ nhầm bã thuốc cánh, chân... cứng đờ. Lại còn chị mái hoa mơ. Hơi thuốc bay đến bơ phờ cả... lông...”.

Bát điếu xưa.

Sự nghiện thuốc lào của các đấng nam nhi cũng giống các bà, các cô nghiện trầu thuốc ở mọi vùng quê phía Bắc vậy. Theo thời gian, thuốc lào còn được trồng ở nhiều địa phương khác nhau, và mỗi đất một hương vị và độ phê khác nhau. Đồng thời mỗi nơi lại hình thành một kiểu cách thưởng thức thuốc lào riêng biệt. 

Tự nhiên một nét văn hóa thuốc lào được hình thành giống như “miếng trầu là đầu câu chuyện” vậy. Một bộ đồ dùng để thưởng trầu chỉ có cơi, hay cối hoặc dao cau. Nhưng với thuốc lào lại có vô vàn kiểu dáng điếu hút. Nói đến thuốc lào là nói đến điếu và âm thanh vang lên từ lõi điếu. Ngay cả với những loại điếu khan không dùng nước thì cũng rạo rực âm sắc từ độ rít, đến độ cháy của điếu thuốc vê tròn mà làm: “say nhau lăn lóc như điếu cày khan”. 

Người nghiện nặng thì hút điếu cày khan. Còn người thưởng thức hương vị thuốc lào thì dùng điếu bát và điếu cày nước. Gần đây, ở Tiên Lãng người ta có trưng bày một chiếc điếu cày lớn để thể hiện một nét văn hóa lâu đời. Đó là một điếu cầy bằng chất liệu tre bương, dài tới 4,7m, miệng điếu có đường kính 15cm, nõ điếu cao 27cm. Tất nhiên, nếu ai muốn hút, phải có người châm điếu và vê thuốc, phục vụ chung quanh. 

Nhưng đó là chỉ chuyện trưng bày. Nhưng xưa các nhà quý tộc hút điếu bát họ cũng phải có người giúp khi dùng chiếc xe điếu dài cho vệ sinh. Hàng chục kiểu dáng điếu bát đã ra đời, cùng với đó là những chiếc xe điếu cũng được phô bày, với những nét văn hóa của mỗi người thưởng thức, và qua đó cũng thể hiện sự giàu sang hay nghèo hèn. Nay ai cũng biết nét văn hóa thuốc lào đã hiện diện trong văn thơ và đặc biệt nhà thơ Hồ Xuân Hương đã miêu tả bóng gió, đúng cái chất phê đến độ của nó: “Bình tròn phành phạch, đít bảnh bao. Mân mân mó mó đút ngay vào. Thủy hỏa tương giao sôi sùng sục. Âm dương hỏa khí sướng làm sao”.

Nay ở Lý Học, ngoài điếu cày, hiện người ta dùng điếu bát và điếu dóng nhiều hơn. Hai loại điếu này có nhiều biến thể về hình khối và kèm nhiều họa tiết điêu khắc hay bọc đồng, trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Không ít người đã về đây sưu tầm điếu bát cổ, với quả điếu độc đáo. 

Bên cạnh bát điếu, người dùng còn quan tâm đến xe điếu mà ai cũng muốn ngậm vào miệng mà rít thuốc. Xe điếu thường làm bằng cần trúc nhỏ, đục rỗng ruột được chau chuốt như một món đồ lạ mắt. Có người còn tìm được những chiếc điếu bát cổ, kèm theo chiếc xe điếu trúc cong mềm, dài hơn 1m. Mỗi khi dùng phải có người châm đóm và vê thuốc cho vừa nõ điếu nhỏ xinh. 

Xưa, vua Lê Thánh Tông có lúc mệt mỏi trên con đường chính sự đã hình ảnh chiếc xe điếu để biểu hiện tâm trạng của mình: “Động sóng tuôn mây khi chán miệng. Nghiêng trời lệch đất thuở buông tay”. Trong dân gian cũng có bài đồng dao viết về chiếc xe điếu, nghe vui mà cũng đầy nỗi ưu phiền: “Điếu không se, điếu lăn điếu lóc. Gái không chồng, ngồi khóc cả đêm”.

Có những nỗi niềm gửi vào khói thuốc như thế hẳn biết bao người đã gắn bó cuộc đời mình với chiếc điếu mỗi khi trầm tư. Ngay cả với tình yêu, nhiều anh chàng cũng mơ màng theo làn khói mà ngóng trông: “Thoáng bóng ai về trong khói thuốc. Mắt cười lúng liếng lá răm tươi”. Cái giá của thuốc lào là thế, một nét văn hóa của miền đất phù sa Lý Học được bồi đắp nên, giữa hai con sông Thái Bình và sông Hóa. Nơi đó còn ẩn giấu câu chuyện tình về sự tích cây thuốc lá, mỗi tháng tư mùa về, hoa trắng điểm tô nét tím thủy chung của người con gái, hương của tình yêu mênh mông cuối xuân nắng thơm.

Ông trạng của làng Trung Am

Nói chuyện về thuốc lào của Lý Học thì phải dành cả tháng trời. Nhưng về cái sự học của Lý Học thì cả một đời mới hết chuyện ngàn năm của làng. Đặc biệt có ông Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) thuộc làng Trung Am, xã Lý Học. 

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một hiện tượng duy nhất trong những ông trạng nước Việt về lý số kinh dịch và cả cuộc đời làm quan. Phải nói ông là một quan trạng kỳ lạ nhất từ xưa đến nay. Học và học cả đời nhưng đến tận 45 tuổi (1535) mới tỉ thí trường thi cho biết. Đỗ Trạng Nguyên được nhà Mạc bổ làm quan, nhưng chẳng được bao năm đã dâng sớ chém 18 kẻ lộng thần. Không được toại nguyện, ông bỏ về làng dậy học (1543). Từ đó được gọi với danh xưng Trạng Trình, theo tên làng cổ của Trung Am là Trình Tuyền.

Trạng của làng Trình (Trạng Trình) tạo nên danh vang khắp chốn, với nhiều tiên đoán cùng những lời sấm truyền, trong dân gian và có sức lay động đến cả sự sống còn của những vương triều. Gặp lúc nhà Lê suy tàn, ông cũng đã từng chia sẻ qua hình ảnh khói thuốc lào, với những vần thơ đầy tâm trạng: “Thôi thôi mặc lũ thằng hề. Gió mây ta lại tìm về gió mây”. 

Nhưng ông đâu có mặc được chốn thị phi. Nhất là các triều vua Mạc, sau Mạc Đăng Dung vẫn vời ông lên kinh đô bàn thế sự, coi như một quân sư đặc biệt về chiến lược. Kể cả những lúc đất nước lâm nguy, triều đình còn về tận Trung Am rước ông cùng ra trận. Sau chiến thắng, ông lại bỏ về mà không màng danh lợi. Thậm chí, đến khi nhà Mạc suy vong, ông còn đưa ra lời dự báo và chỉ điểm nơi hội tụ cuối cùng của vương triều trên Cao Bằng trị vì được tới 70 năm sau mới tan rã.

Khu di tích Trạng Trình.

Cùng với đó, ông còn được một số vương triều tiếp theo về tận quê xin quẻ định hướng hành động, gìn giữ sự sống còn và tương lai. Đặc biệt trong đó, lời tiên tri của ông đã làm nên nghiệp lớn cho chúa Nguyễn (Nguyễn Hoàng thời nhà Lê) sau này. Ông khuyên Nguyễn Hoàng tránh họa chúa Trịnh Kiểm, hãy vào Nam dựng cơ đồ lâu dài. Quả nhiên, Nguyễn Hoàng đã theo lời ông mà thoát âm mưu thâm độc của Trịnh Kiểm, và trở thành một ông chúa trị vì cả một vương triều rộng lớn phương Nam. 

Đồng thời, chính chúa Nguyễn là sự khởi nghiệp cho một đế chế nhà Nguyễn kéo dài hơn 500 năm sau cho đến thời vua Bảo Đại là cuối cùng. Kể cả Trịnh Kiểm, kẻ thù số một của Nguyễn Hoàng, vào năm 1556 cũng tìm đến xin lời chỉ bảo của Trạng Trình, khi định cướp ngôi nhà Lê. Nhưng rồi, sau khi nghe lời ví von dạy dỗ của ông, Trịnh Kiểm nghe theo không cướp ngôi vua, mà đi tìm con cháu nhà Lê (Anh Tông) lên ngôi. Từ đó sĩ phu khắp nơi hướng về nhà Lê không còn ai nghi kỵ lo lắng nữa. Vua Lê, Chúa Trịnh nhờ thế mà ngày càng vững mạnh...

Nhưng có lẽ cuộc đời của Trạng Trình gắn bó với quê hương sau thời kỳ từ quan, mới càng ngày càng tỏa sáng. Ngoài dạy học đào tạo nhân tài cho đất nước, ông còn là một nhà thơ kiệt xuất, thể hiện tình yêu nước và có trách nhiệm sâu sắc với dân tộc. Người đời gọi ông là đại sư, còn dân Lý Học coi ông là một ông giáo làng gần gũi với dân, thương yêu người lao động, đúng như ông đã từng bày tỏ triết lý sống trong sự nghiệp văn chương: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Và, cũng không trạng nào được như ông, đến khi mất (1585) vẫn được vua nhà Mạc phong làm tể tướng. Sau đó, vua Mạc còn ban cấp cho làng Trung Am 3.000 quan tiền và 100 mẫu ruộng để lập đền thờ ông (1586), có gắn biển mang hàng chữ: “Mạc triều Trạng Nguyên tể tướng từ”.

Cụm tượng đồng dao

Trong khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có tới 9 hạng mục quan trọng. Nhưng có lẽ cụm tượng đài Trạng Trình với dân làng Lý Học tạo nên một cảm xúc sâu sắc và lung linh như một bài thơ đồng dao mãi mãi vang lên. Đó là giây phút từ quan về với dân làng. Trở lại với con sông quê hương, dưới mái nhà thân yêu, ông đã sống lại với tuổi thơ và ăn cùng với dân làng những hạt gạo thơm trên mỗi luống cày. 

Đúng như ông đã từng viết: “...Thu ăn măng trúc, Đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao. Rượu đến gốc cây, ta sẽ uống. Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”. 

Tiếng lòng dân Lý Học luôn ngày đêm vang lên theo năm tháng nhớ thương ông. Đúng như nhà thơ, Giáo sư Vũ Khiêu đã bày tỏ khi đến viếng đền: “Ngậm ngùi hai mái tuyết sương. Lận đận một đời gió bụi. Ngoài vòng danh lợi - Đôi làn mây trắng bay cao. Trong cuộc bể dâu - Một tấm lòng son chẳng đổi”.

Mộ La
.
.
.