Ðàn bà… đi biển

Thứ Tư, 31/08/2016, 11:27
Với những người phụ nữ ở Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi, biển là một phần cuộc đời, một phần máu thịt. Bất chấp bao khó khăn, nguy hiểm, họ vẫn kiên cường vươn khơi. Nhiều người trở thành trụ cột gia đình, thay chồng gánh vác khi các anh vĩnh viễn nằm lại biển khơi sau những trận bão kinh hoàng.

Hơn 40 tuổi nhưng chị Phi già hơn nhiều so với tuổi của mình. Hơn 20 năm lấy chồng thì cũng bằng ấy năm chị gắn bó với nghề đi biển. Ngày ấy anh chị không có điều kiện mua thuyền lớn ra khơi, nên đành chắt chiu, tằn tiện mua con thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ.

Nhà có 6 miệng ăn, tất cả trông vào con thuyền nhỏ này. Sáng nào cũng thế, hai vợ chồng dậy từ sáng sớm, cơm đùm, cơm nắm ra khơi đánh bắt để về lúc rạng sáng cho kịp buổi chợ bán cá.

Những ngày đầu theo chồng đi biển, chị say song, nôn thốc nôn tháo, mặt mũi tái mét chẳng còn giọt máu. Chồng động viên chị ở nhà buôn bán lặt vặt, có thời gian chăm sóc con cái nhưng thương anh một mình vất vả giữa muôn trùng khơi, chị một mực đòi đi theo.

Có chị, anh được đỡ đần. Mưa gió phong ba, có vợ có chồng vẫn thấy an tâm và ấm lòng hơn. Đi riết rồi thành quen. Một ngày không được ra biển, làm gì chị cũng bứt rứt không yên.

Có những hôm chồng ốm, một mình chị vẫn thả neo ra khơi. Chị bảo, không đi thì lấy gì mà ăn, đi một mình biết là nguy hiểm nhưng người vùng biển được trời phú cho linh cảm tốt, nhìn trời nhìn biển là biết ngày nào có bão, biển có động hay không để mà tránh.

Sinh được 4 đứa con thì cả 4 lần bụng to vượt mặt, chị vẫn cùng chồng ra khơi đến tận 7, 8 tháng mới nghỉ ở nhà sinh. Cũng may trời thương nên cả bốn đứa đều khỏe mạnh, an toàn. Sinh song một tháng chị lại vất bọn trẻ con ở nhà cho bà nội lại tiếp tục theo chồng ra khơi.

May mà trẻ con vùng biển dường như trời phú cho sức khỏe, sự chịu thương chịu khó và khả năng tự lập cao nên dù bố mẹ chúng có đi biển cả tháng trời thì chúng vẫn tự lo được cho nhau.

Không may mắn như chị Phi, cuộc đời của chị Lương bất hạnh hơn nhiều. Cách đây gần chục năm, chồng và con trai chị tử nạn cùng 10 ngư dân sấu số sau chuyến ra khơi định mệnh gặp bão lớn.

 Mấy tháng liền dân làng buồn, không ai buồn ra khơi. Nhưng rồi cuộc sống mưu sinh tàu lại lặng lẽ ra khơi, mang bao nỗi đau thương chất chứa. Trong những chuyến tàu ấy, có cả những người phụ nữ lặng lẽ gạt nước mắt, giấu nỗi đau mất mát, thay chồng làm chủ tàu.

Trước mỗi chuyến đi xa, chị Lương ra mộ gió thắp hương cho chồng và con trai. Hơn 10 năm, chị đã hết hy vọng tìm thấy thi thể của hai bố con anh. Ngày bố con anh mất tích, chị bỏ mọi việc, theo những người phụ nữ cùng xóm cùng cảnh đến các bến tàu nào hỏi han, nghe ngóng.

Ba tháng liền chị rạc người đi trong khi tin tức về bố con anh vẫn như bóng chim, tăm cá. Cuối cùng chị cũng phải chấp nhận tin dữ đến với gia đình mình. Nghĩ đến 3 đứa con ở nhà chị lại gạt nước mắt, tự tay đào bới làm hai ngôi mộ gió cho bố con anh. Tất cả nỗi niềm chị gửi vào hai ngôi mộ gió ngay gần bờ biển để rồi lấy đó là niềm tin, là động lực để đối đầu với mọi hiểm nguy.

Người ta vẫn bảo “đàn bà đi biển mồ côi một mình”, hơn chục năm anh mất, người con trai thứ 2 cũng theo chị ra khơi thay bố và anh, dù gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng chị vẫn không khuất phục, bởi chị tin luôn có bố con anh ở bên động viên, che chở.

Ngoài 60 tuổi, bà Thạnh vẫn một mình một chiếc thuyền thúng đánh bắt gần bờ để có tiền chăm lo cho đứa con duy nhất bị tật nguyền. Vợ chồng ông bà đến với nhau muộn mằn, ngoài 40 tuổi mới có một đứa con, nhưng bất hạnh thay đứa bé sinh ra đã bị mắc bệnh thần kinh, chẳng nói chẳng cười, chỉ nằm một chỗ.

Giờ ngoài 20 tuổi anh vẫn như một đứa trẻ lên ba, mọi thứ vẫn phụ thuộc vào mẹ già. Chồng không may gặp nạn bất ngờ rồi mất trong một lần lặn bắt cá, để hai mẹ con bà bơ vơ. Khó khăn chồng chất khó khăn, ghe hỏng cũng không có tiền để sửa.

Bà quyết chèo thuyền thúng ra biển đánh bắt cá. Ngày được ngày không, có ngày chỉ được dăm ba chục mua tí thức ăn cho con… Sáng nào bà cũng phải dậy từ 3-4 giờ sáng, bắt đầu một ngày tất bật. Từ quăng lưới, kéo lưới, chèo thúng, việc gì cũng phải giơ vai gánh vác tất tần tật.

Cập bờ lại lo bán cá, bán tôm, lo cơm nước cho con rồi vá lưới chuẩn bị cho chuyến biển sau. Biết là hiểm nguy, tuổi đã già, sức đã yếu, nhưng bà bảo, những người làng biển như bà không đi biển thì biết làm gì nuôi con.  Dẫu sao bà vẫn còn có mục đích mà sống, có đứa con mà làm chỗ dựa tinh thần. Nếu không vì nó chắc bà cũng đi theo ông luôn, chứ chẳng phải khổ cực như thế này.

Bà Thạnh tâm sự, ở cái vùng biển nghèo của Quảng Ngãi này và cả nhiều vùng biển khác nũa, đàn bà đi biển nhiều lắm. Phần lớn họ theo chồng đi biển, phần đông họ trở thành trụ cột trong gia đình khi chồng mất trong những con bão lớn.

Biển nuôi người, nhưng biển cũng cướp đi nhiều thứ quý giá nhất của dân đi biển. Sau mỗi cơn cuồng phong, vùng biển Bình Sơn lại có thêm những người phụ nữ góa bụa, những đứa trẻ mồ côi cha.

Có một điều lạ: các làng dọc biển Bình Sơn, hiếm có người phụ nữ nào đi bước nữa nếu không may chồng tử nạn, dù có người góa bụa khi còn rất trẻ. Con cái lớn lên lại theo nghiệp của bố...

Người ta vẫn bảo “đàn bà đi biển mồ côi một mình”, hơn chục năm anh mất, người con trai thứ 2 cũng theo chị ra khơi thay bố và anh, dù gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng chị vẫn không khuất phục, bởi chị tin luôn có bố con anh ở bên động viên, che chở. 

Mai Ngọc
.
.
.