Ðánh thức Láng Sen

Thứ Hai, 07/11/2016, 16:04
Khoảng một năm nay, người dân huyện Tân Hưng nói riêng và Long An nói chung phấn khởi khi hay tin khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được công nhận là khu Ramsar thứ 2.227 của thế giới và thứ 7 của Việt Nam. Và cũng từ đó, cái tên Láng Sen đã được nhắc đến nhiều hơn, du khách cũng đến với Láng Sen đông hơn. Một vùng Ðồng Tháp Mười thu nhỏ đang được đánh thức.

1.Cách trung tâm thành phố Tân An, tỉnh Long An khoảng 90 km, Láng Sen không còn là điểm đến quá xa xôi, vất vả nữa khi giao thông giờ đây thuận lợi hơn nhiều. Từ Quốc lộ 62, chúng tôi rẽ vào con đường 79 đi thẳng về xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng. Con đường vừa được trải nhựa, âm thầm xuyên qua những cánh rừng tràm xanh ngát. 

Người bạn đi cùng với tôi cho biết, từ khi tuyến đường này được hình thành, nhà mới mọc lên nhiều hơn. Những cánh rừng tràm cũng không còn dày đặc như trước. Có dấu chân người, những cánh đồng lúa, đầm sen bắt đầu xuất hiện, nếu đi vào mùa lúa trổ hay mùa sen nở, người đi đường sẽ cảm nhận được mùi hương dìu dịu theo gió tỏa thơm khắp nơi.

Từ đoạn vào kênh 79 cho đến Láng Sen chừng 35km. Chúng tôi đến nơi khi nắng những ngày cuối hè bắt đầu rực rỡ. Để vào khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen phải qua con kênh 79. Vì thế, Ban quản lý khu bảo tồn bao giờ cũng phân công một số nhân viên phụ trách ở nhà chờ để đưa khách qua. 

Người đưa chúng tôi qua kênh tên là Út. Anh công tác ở Khu bảo tồn Láng Sen đã trên 8 năm. Tiếp chúng tôi bằng nụ cười cũng tỏa nắng không kém, anh Út nói: Giờ đã có đường bộ đi vào khu trung tâm bảo tồn rồi, nhưng đến đây thì đi xuồng thích hơn, và mới cảm nhận được nét đặc trưng của nó. 

Theo lời anh Út, chúng tôi xuống tắc ráng để bắt đầu chuyến khám phá khu vực vốn được ví như tiểu Đồng Tháp Mười này. Con kênh nội đồng dẫn vào khu trung tâm bảo tồn mọc đầy sen. Anh Út lái chiếc tắc ráng thật chậm để lướt qua những chiếc lá sen đang phủ kín mặt nước cùng những hoa sen đang nở rộ. Đang vào đợt sen nở nên những con kênh nội đồng trong khu bảo tồn trở nên rực rỡ và thơm ngát. 

Anh Út cho biết, ngoài trồng sen trên những con kênh nội bộ, khu bảo tồn còn dành  hơn 50ha để trồng sen. Đang mải mê ngắm những cánh sen hồng rung nhẹ trong gió, chúng tôi bị một loài vật nào đó làm cho  giật mình. “Chim trích đó”- anh Út kêu lớn. Thì ra, người bạn bí ẩn đó bay lên từ dưới những đám lá sen khi nghe tiếng động. 

Và không chỉ có một mà nhiều loài chim khác cũng đồng loạt bay vút lên cao khi chúng tôi đi tới. Không chỉ dưới nước, những loài chim rẽ quạt, dòng dọc… ẩn mình trong đám rừng tràm hai bên bờ cũng bay dáo dác khi nghe tiếng động lạ. 

Theo lời anh Út, hiện tại Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có khoảng 142 loài chim, 86 loài cá, trong đó có những loài quý hiếm như sếu đầu đỏ, gian sen, cò quắm đen, cá hô, cá tra dầu… Thảm thực vật ở đây cũng vô cùng phong phú với 156 loài, chủ yếu là những loài đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười như tràm, gáo, cà na, mướp gai, dây leo… 

Láng Sen bao gồm 4 hệ sinh thái tiêu biểu như: hệ sinh thái đầm lầy, hệ sinh thái rừng tràm, hệ sinh thái đồng cỏ ngập nước theo mùa, và hệ sinh thái đai rừng ven sông. Nơi đây còn có 4 sinh cảnh đặc trưng đó là sinh cảnh đồng lúa ma, sinh cảnh năng, sinh cảnh hội đoàn sen, súng và sinh cảnh rừng tràm.

Trong không gian mát lạnh vì xung quanh được bao bọc bởi bạt ngàn rừng tràm, những cây cà na đặc trưng miền nước nổi, anh Út lần lượt đưa chúng tôi đi tham quan đầm sen, những cảnh vật còn giữ nét hoang sơ trong khu bảo tồn. Nhưng thú vị nhất có lẽ là cánh đồng lúa ma trên 40ha mà khu bảo tồn đang khôi phục lại. 

Anh Út cho biết, hiện nước nổi đang đổ về nhưng có lẽ không nhiều bằng các năm trước vì thế ngắm cánh đồng lúa ma bây giờ chưa thích lắm. Muốn ngắm cánh đồng lúa ma một cách trọn vẹn thì phải chờ nước lũ về thật cao, những cây lúa ma với khả năng sinh tồn mạnh mẽ sẽ vươn lên qua những cây cỏ khác để trổ bông. 

Trong tương lai, Ban quản lý khu bảo tồn cũng muốn đặt những chiếc xuồng nhỏ trong khu cánh đồng lúa trời này để du khách có thể tham quan và trải nghiệm cách thu hoạch lúa ma như thời xưa.

2.“Được công nhận là khu Ramsar,chúng tôi mừng nhưng cũng lo lắm” - Anh Trương Thanh Sơn - Giám đốc Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen cho biết. Chúng tôi cảm nhận được nỗi lo của anh vì giờ đây Láng Sen phải được đầu tư nhiều hơn để vừa phát huy tốt công tác bảo tồn vừa phát triển được du lịch. 

Với diện tích trên 5.000ha, được chia làm 3 phân khu, để đạt được những yêu cầu trên không phải là chuyện đơn giản. Tuy nhiên, anh Sơn cho biết dù phát triển du lịch nhưng trong vùng đặc khu sinh thái chỉ để du khách tham quan nhằm tránh tác động, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn. 

Cảnh thiên nhiên hoang sơ trong khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Tân Hưng, Long An).

“Còn nhiều khó khăn lắm như phương tiện chữa cháy, con người, chế độ. Nhưng dù sao hiện tại chúng tôi cũng có đội ngũ cán bộ yêu công việc này mà dám hy sinh những lợi ích cá nhân để gắn bó với khu bảo tồn” - anh Sơn trải lòng. 

Khu bảo tồn hiện có khoảng hơn 47 người, phần lớn là những người trẻ. Vì tính chất công việc nên hầu hết thời gian trong ngày mọi người đều phải quanh quẩn trong mấy ngàn ha rừng tràm để phòng chống cháy rừng, để nghiên cứu. Từ đường 79 chưa có cầu bắt qua khu bảo tồn nên cảm giác vào đây như vào một vùng đảo tách biệt. 

“Khi mới đến Láng Sen, tôi buồn lắm vì ngoài công việc ra, chúng tôi ít tiếp xúc với ai. Ngày làm, tối lại đi ngủ sớm giữa rừng tràm mênh mông. Nên khi có đoàn nào đến tham quan chúng tôi mừng lắm” - anh Út kể. 

Để anh em cán bộ trẻ vơi bớt nỗi buồn ấy, chi đoàn của khu bảo tồn thường xuyên tổ chức những đợt giao lưu, kết nghĩa với các chi đoàn bạn để anh em có dịp gặp gỡ, trao đổi lẫn nhau. Nhờ những hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao như thế mà những người trẻ trong khu bảo tồn không còn thấy mình tách biệt như ban đầu. 

Ngay cả anh Út khi mới vào làm cứ nghĩ nếu chôn mình trong khu rừng tràm thế này thì bao giờ mới... lấy được vợ. “Nhưng giờ tôi hết lo rồi”- anh Út cười lớn. Cuối năm ngoái, anh Út vừa xóa đi nỗi lo sống “mình ênh”. Giờ đây, sau giờ làm, anh Út đều chạy về nhà để chăm sóc gia đình nhỏ của mình.

Công tác với khu bảo tồn phải có tình yêu với nó thì mới có thể gắn bó lâu dài. Điều này dường như để giải thích việc một kỹ sư nông lâm như anh Nguyễn Linh Em vừa mới ra trường đã chọn vùng đất xa xôi Láng Sen để lập nghiệp. Tên là Linh Em nhưng mọi người trong khu bảo tồn đều gọi anh với biệt danh là “Linh chim”. Được phân công theo dõi các loài chim trong khu bảo tồn, nên cuộc sống hàng ngày của anh bạn 27 tuổi này là quan sát sự phát triển của các loài chim nước ở Láng Sen. 

Với chiếc máy ảnh trên tay, Linh Em cứ mải mê đến từng cánh đồng, từng đầm lầy, từng cánh rừng trong khu bảo tồn để nắm được số loài chim mình phát hiện được trong ngày. 

Công việc và tình yêu với chim trời giúp Linh Em giờ đây hiểu rất rõ về bản tính, thói quen của các loài chim trong khu bảo tồn. Mùa nào chúng hay sinh sản, loài nào hót hay, loài nào thường trở về khu bảo tồn để kiếm ăn… Linh Em đều nắm trong lòng tay. 

Anh cho biết, có những loài khu bảo tồn đã ghi nhận nhưng có khi phải đi nhiều tuần anh mới phát hiện. Mỗi ngày gắn bó với chim nước khiến anh yêu công việc này là luôn cảm thấy hạnh phúc khi được hòa mình với thiên nhiên. 

“Có lẽ do từ nhỏ tôi hay theo cha ra đồng xem ông gặt lúa nên cảnh chim trời, hoang sơ của vùng Đồng Tháp Mười đã trở nên thân thuộc và khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Nên khi về làm việc tại Láng Sen tôi không cảm thấy có quá nhiều khác biệt”- Linh Em tâm sự. 

Niềm vui hàng ngày của Linh Em là trong mỗi chuyến đi giám sát, bất chợt được thưởng thức một bản nhạc tuyệt vời của chích chòe than hay chim nghệ. Khi ấy, chàng trai quê ấp Cả Sách, xã Vĩnh Đại, Tân Hưng lại quên đi mệt nhọc và cảm thấy yêu đời hơn.

Theo anh Sơn, để có tình yêu với công việc bảo tồn như anh Linh Em, anh Út thật sự không phải là chuyện dễ dàng. Con người ở khu bảo tồn luôn biến động khi nhiều bạn trẻ đi tìm tương lai nơi khác sau khi làm việc ở đây một thời gian vì không thích ứng với tính chất công việc cũng như chế độ. Chính vì thế, việc anh em gánh vác công việc cùng nhau là chuyện bình thường, và điều đó càng giúp những người trẻ yêu hơn vùng đất này.

Chiều xuống dần. Anh Út chuẩn bị đưa chúng tôi ra đồng xem chim về tổ. Ngồi nơi trung tâm khu bảo tồn, chúng tôi đã nghe tiếng hàng nghìn con cò đang “nhiều chuyện” với nhau sau những vạt rừng tràm. Chúng tôi lại lướt qua mùi hương của sen, của bông tràm đang rơi trong nắng nhẹ, lại thu vào mắt những tổ chim dòng dọc treo hờ hững khắp nơi mà cảm thấy chưa bao giờ mình gần với thiên nhiên như thế.

Bài, ảnh: Võ Mạnh Hảo
.
.
.