Cô bé ở "cổng trời" Mường Lát

Thứ Hai, 23/07/2018, 08:00
Đoạn clip ghi cảnh Vàng Thị Pàng không có quần áo ngồi bệt bên mương nước giữa tiết trời giá rét ở Mường Lát (Thanh Hóa) đã “găm” vào trái tim hàng triệu người xem. Họ xót xa, thương cảm cho số phận đứa trẻ vùng cao. Từ TP. Hồ Chí Minh, vợ chồng chị Phương quyết định đi tìm cô bé bằng tình yêu thương…


Đường lên "cổng trời"

Huyện Mường Lát vào tốp huyện nghèo nhất cả nước; xã Mường Lát nghèo nhất huyện và nhà Vàng Thị Pàng nghèo nhất xã. Đường vào xã Mường Lát, nơi gia đình Pàng sinh sống trắc trở trăm phần. Từ TP Thanh Hóa, vượt gần 300km mới đến được Mường Lát. Mưa trắng trời, giá rét cắt da.

Những đoạn đường cua tay áo lầy lội, nhầy nhụa bùn đất càng trở nên nguy hiểm. Có đoạn nóc xe như chạm vào đám mây lơ lửng cổng trời, có lúc lao xuống dốc cao hun hút. Con đường như sợi chỉ dài vắt qua thân núi. Sống ở TP. Hồ Chí Minh nên chị Nguyễn Thị Ngọc Phương không biết Mường Lát ở đâu, chị cứ tưởng Mường Lát cũng chỉ loanh quanh TP Thanh Hóa.

Pàng vui khỏe bên gia đình mới.

Ngày đi mới biết Mường Lát như “cổng trời” trập trùng, thăm thẳm. Còn anh Tín thì chỉ biết đi theo vợ, che chở, bảo vệ. Tuy nhiên, điều ám ảnh đối với vợ chồng chị Phương không phải là sự khủng khiếp của con đường, cũng không phải mùa đông rét buốt mà là gia cảnh đói nghèo bủa vây lấy những đứa trẻ và bà mẹ ở đây. Chị Phương muốn khóc nhưng kìm nén sợ chồng lo lắng vì chị đang mang bầu.

Không may mắn như những anh chị em khác trong gia đình, Pàng chỉ ngồi một chỗ, muốn di chuyển phải lê lết. Điều Pàng cần nhất lúc này là được chăm sóc và khám chữa kịp thời. Với quá nhiều bệnh, Pàng chỉ biết khóc và chịu cảnh chết dần chết mòn.

Ngày chị Phương tìm đến, Pàng đang bị một đám trẻ con vây quanh đánh vì tội lết theo xin đồ ăn. Khuôn mặt cô bé mốc meo, xám ngắt, không mảnh vải che thân, nhưng đôi mắt thì sáng lấp lánh khi nhìn thấy người lạ. Đó là phản xạ đặc biệt ở cô bé “người rừng”.

Dự định của vợ chồng chị Phương là chỉ về để giúp bé Pàng có đôi chân lành lặn, nhưng khi nhìn vào hoàn cảnh thì chị đã không thể cầm lòng nổi. Bố Pàng mất khi đứa con thứ 4 vừa chào đời. Những ngày sau, mẹ Pàng phát bệnh tâm thần. “Có lẽ bi kịch đổ xuống bà quá nhanh. Bà không thể cáng đáng nổi một đàn con nheo nhóc đói rách suốt ngày nên mới sinh bệnh” - anh Tín tâm sự.

Vợ chồng chị Phương ngủ một đêm ở Mường Lát rồi sáng hôm sau ra chính quyền địa phương đề đạt nguyện vọng. Chính quyền đồng ý nhưng bảo phải có cả sự đồng ý của gia đình nữa. Chị Phương quay trở lại nói chuyện với mẹ Pàng. Bà cả đời không ra con dốc đầu bản nên không nghe nói được tiếng Kinh.

Cuộc trao đổi có người phiên dịch. “Không rõ mẹ Pàng buồn hay vui nhưng bà ấy nói rất to, cứ khua chân múa tay rồi khóc, tôi tưởng bà phản đối. Khi hỏi phiên dịch mới biết, bà vui và biết ơn” - anh Tín cho biết.

Người làng ở đây nói, mẹ Pàng thương cô bé tật nguyền nhiều lắm mà không thể làm gì để cứu con, cho con có cuộc sống no ấm, lành lặn. Thật ra bà không biết mấy người đến đón Pàng là ai nhưng bà tin họ là người tốt, sẽ giúp được cô bé.

Vàng Thị Pàng ngày ở bản.

Pàng theo mẹ Phương, ba Tín chào tạm biệt Mường Lát để đến “chân trời mới”. Ngày đi, bà nội đứng ở bậu cửa chấm nước mắt còn mẹ thì thẫn thờ, ngẩn ngơ. Ngay từ giây phút đó, chị Phương đã có ý định nuôi Pàng khôn lớn, bởi nếu chỉ cho em đôi chân sau này trở về bản liệu cuộc sống của em có thay đổi hay vẫn cứ quẩn quanh ở “cổng trời”.

Hơn hai tháng sau, ông nội Pàng qua đời do già yếu. Mẹ Pàng lên cơn bệnh đi lang thang rồi chết. Nghe tin ấy, chị Phương xót xa thốt lên: “Em còn nhớ cách đây hơn hai tháng gặp chị.

Chị khỏe và tỉnh táo lắm. Em còn có lời hứa chữa lành Pàng xong còn đem trả lại chị nữa mà, đâu có bắt con chị được. Thế mà nay Pàng mới chập chững biết đi thì chị đã lìa xa con mãi mãi...” 

Sẽ cho con cả cuộc đời

Ngày đầu về nhà mẹ Phương, Pàng ăn uống rất khó, lại hay khóc. Nhiều lần bà ngoại (mẹ chị Phương) thấy Pàng gồng mình lên, người co rúm lại, có vẻ rất đau đớn mà không thể nói được. Bé Pàng được đưa đi Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh) khám. Bác sĩ cho biết Pàng bị trĩ, hai thận ứ nước, viêm đường tiểu nặng, viêm đường máu nhẹ.

Pàng phải đi tàu 3 ngày 2 đêm vào TP. Hồ Chí Minh vì em không có giấy khai sinh.

Với bệnh tình này, nếu không được chữa trị thì chỉ khoảng 3 tháng nữa Pàng sẽ không qua khỏi. Ngay hôm sau, Pàng được đưa lên bàn mổ sỏi bàng quang. Thời gian sau, Pàng thực hiện nhiều xét nghiệm để phát hiện ra bệnh, có phương pháp chữa trị tốt nhất.

Pàng giống như bộ máy bị hư, bây giờ phải sửa chữa lại từng chút một. Vượt qua gia đoạn nguy hiểm, Pàng trở về nhà bắt đầu hành trình sự sống mới. Pàng được dạy thói quen chào hỏi, lễ phép với người lớn. Sau đó tập đi, tập ăn và tập mặc quần áo.

Ngày mới về, Pàng không chịu mặc quần áo, cứ mặc vào là cô bé tự động cởi ra. Riêng vấn đề vệ sinh thì Pàng còn chậm. Pàng được cho đi học, cô bé tiếp thu cũng nhanh nhưng khoản đi vệ sinh lại không biết nhắc khiến cô giáo rất vất vả. Vậy là cô trả Pàng về nhà.

Vợ chồng chị Phương thuê cô giáo tới dạy kèm tại nhà cho Pàng. Bây giờ thì Pàng tỏ ra khá dạn dĩ. Cô bé cười nói, ngoan ngoãn cúi chào cảm ơn khi nhận được quà, biết đùa giỡn, làm nũng khi sợ bà ngoại bỏ đi. Bà ngoại cho biết Pàng học rất nhanh, đến giờ em có thể gọi được ba, mẹ, dạ, thưa...

Pàng là đứa trẻ thông minh, hoạt bát dù chưa thể nói nhiều bởi di chứng bệnh tật ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Nếu so với một đứa trẻ cùng lứa ở bản, thì Pàng đã hơn rất nhiều.

Bởi trước khi rời nhà, Pàng hoàn toàn là tờ giấy trắng, không biết một từ tiếng Kinh. Nay chỉ mới 7 tháng mà khả năng nghe, nói như vậy chứng tỏ chỉ số thông minh của cô bé rất tốt.

Dự định của vợ chồng chị Phương là thời gian tới sẽ sắp xếp đưa Pàng về quê thăm gia đình. “Pàng đủ khôn lớn để hiểu về hoàn cảnh, chấp nhận nỗi đau mất cha mẹ. Từ đó, con sẽ suy nghĩ và sống kiên cường hơn. Sau này trưởng thành, tôi muốn con sẽ về giúp ích cho quê hương của mình”-anh Tín chia sẻ.

Đối với nhiều người, quyết định cưu mang một đứa trẻ về nhà là chuyện không hề nhỏ, lại là trẻ đặc biệt như bé Pàng thì không dễ dàng chút nào. Nhưng vợ chồng chị Phương và tất cả những thành viên trong gia đình đều đón nhận Pàng bằng tình yêu thương và sự đồng thuận.

Ông bà ngoại đã bỏ hết công việc về chăm sóc Pàng, còn bên nội cũng ủng hộ hết mình. Hai con của vợ chồng chị Phương một đứa 5 tuổi, đứa 3 tuổi đều rất yêu quý Pàng, chúng chơi với nhau suốt ngày.

Mỗi ngày, em chăm chỉ tập đi.

Kinh tế gia đình ổn định, chị Phương chuẩn bị chào đón đứa con thứ 3. Dù thế nào đi nữa thì Pàng vẫn là một thành viên không thể thiếu trong gia đình. Từ ngày có Pàng, trong nhà chị Phương luôn rộn rã tiếng cười. Nhiều người tới thăm Pàng, sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ.

Anh Tín cho biết, có một nhóm bạn sẽ làm vật lý trị liệu cho đôi chân của con. Điều này khiến gia đình rất cảm kích. Trước mắt, bác sĩ sẽ chữa trị những căn bệnh cho Pàng ăn uống đầy đủ chất rồi mới bắt đầu hành trình tìm lại đôi chân.

Câu chuyện về Vàng Thị Pàng đã lay động trái tim hàng triệu người với cái kết có hậu. Pàng là đứa trẻ may mắn trong rất nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở Mường Lát. “Nếu chúng ta chịu đi, chịu cảm nhận và chịu yêu thương thì tôi tin chắc những đứa trẻ như Pàng sẽ có cuộc đời tươi sáng hơn”- chị Phương bộc bạch.

Ngọc Hoa - Văn Hào
.
.
.