Nước mắt phụ nữ Marốc trong ngành “công nghiệp vàng đỏ” ở Tây Ban Nha

Chủ Nhật, 07/07/2019, 15:52
Ngành công nghiệp dâu tây còn được gọi là “công nghiệp vàng đỏ”, đóng  góp gần 600 triệu euro mỗi năm cho nền kinh tế Tây Ban Nha. Thời gian gần đây, một số phụ nữ Marốc làm công việc hái dâu tây tại đây đã lên tiếng tố cáo rằng, đã bị bóc lột sức lao động, lạm dụng tình dục.


Người lao động không được nghỉ ngơi nếu không đủ định mức

Hai tháng trước, tờ The Observer có bài viết về trường hợp 10 phụ nữ Ma rốc đã dũng cảm lên tiếng về tình trạng bị cưỡng hiếp, bóc lột và lạm dụng sức lao động trong những trang trại dâu tây ở Tây Ban Nha. Những phụ nữ này cùng hàng ngàn phụ nữ Ma rốc khác đã đến Tây Ban Nha vào năm 2018 để làm việc trong vụ thu hoạch dâu tây thông qua một thỏa thuận thị thực song phương giữa hai nước.

Sau khi nhiều báo cáo về tình trạng lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động trong ngành công nghiệp dâu tây xuất hiện trên các phương tiện truyền thông địa phương và quốc tế, Chính phủ và các cơ quan liên quan cho biết, đã đưa ra các biện pháp để ngăn chặn nguy cơ rủi ro tiềm ẩn, bao gồm việc ban hành quy định ứng xử trong toàn ngành.

Một phụ nữ Marốc đang thu hoạch dâu tây trong một trang trại ở Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, gần đây, tiếp tục xuất hiện những cáo buộc mới. Đầu tháng này, một nhóm phụ nữ Ma rốc khác, những người đến Tây Ban Nha vào tháng 5 vừa qua đã báo cáo với cảnh sát rằng, bị lạm dụng và tấn công tình dục. Tất cả đều muốn quay trở lại lại Ma rốc nhưng chưa thể vì không có tiền.

Trong các cuộc phỏng vấn với The Observer, những người phụ nữ cho biết họ được Bộ Lao động Marốc tuyển dụng vào tháng 2. “Chúng tôi được hứa hẹn sẽ có nơi ở tốt, thức ăn miễn phí và mức  lương xứng đáng nếu làm việc trong ba tháng. Chúng tôi cũng phải trả khoảng 700 euro phí làm visa, phương tiện di chuyển đến Tây Ban Nha, quần áo bảo hộ lao động, ủng và găng tay”, một phụ nữ nói.

Tuy nhiên, khi đến Tây Ban Nha, mọi thứ hoàn toàn khác so với những gì họ tưởng tượng. Những người phụ nữ phải sống trong nhà không có khu vệ sinh, không có nước uống sạch. “Chúng tôi bị đe dọa, phân biệt chủng tộc và tận mắt chứng kiến những phụ nữ khác bị tấn công tình dục. Khi phàn nàn, chủ lao động đe dọa sẽ đưa chúng tôi trở lại Marốc mà không được trả tiền lương.

Họ nói sẽ đối xử với chúng tôi như những lao động chuyên nghiệp nhưng khi đến Tây Ban Nha, họ làm cho chúng tôi cảm thấy bị đối xử như động vật. Tôi đã làm việc được ba tuần nhưng chỉ được trả tiền công trong vài ngày. Tôi không phải là nô lệ hay gái điếm. Tôi muốn về nhà”, một người phụ nữ đã bỏ cô con gái nhỏ ở Marốc đến Tây Ban Nha vừa khóc vừa nói.

Người phụ nữ này cho biết nếu không hái đủ trái cây theo định mức, người lao động không được nghỉ ngơi hoặc đi vệ sinh. Nhiều phụ nữ Marốc nói rằng, họ phải làm việc trong tư thế cúi người liên tục và chỉ có một lần nghỉ 30 phút mỗi ngày. Môi trường làm việc khắc nghiệt dưới lớp nhựa kính, nhiệt độ lên tới 40 độ C.

Cuộc đấu tranh chưa có hồi kết

Tây Ban Nha là nước xuất khẩu dâu tây lớn nhất ở Châu Âu. Loại trái cây này mang lại lợi nhuận lớn, có giá trị với nền kinh tế quốc gia đến nỗi được mệnh danh là “vàng đỏ” ở Tây Ban Nha. Interfresa, Hiệp hội ngành công nghiệp dâu tây Tây Ban Nha khẳng định rằng, không có cáo buộc lạm dụng nào được chứng minh trước tòa và luật pháp đang được duy trì ở Huelva.

“Công tác tuyển dụng nhân sự và các vấn đề pháp lý về lao động đều được quản lý và giám sát bởi chính quyền, công đoàn và thực tế là những hành vi lạm dụng theo cách chung chung là không thể xảy ra”, Pedro Marín Andrés, Tổng giám đốc của Interfresa nói. Pedro Marín Andrés nói rằng, ngành công nghiệp này có một hệ thống các biện pháp nhằm đảm bảo hành vi lạm dụng không thể xảy ra.

Tuy nhiên, luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng, hệ thống pháp luật Tây Ban Nha không quan tâm đến các khiếu nại của phụ nữ Marốc. Không có cuộc điều tra chính thức nào được đưa ra bởi cả tòa án hoặc cảnh sát. 

Hannah Wilson, luật sư của “Liên kết phụ nữ toàn cầu”, một tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Tây Ban Nha, chuyên hỗ trợ và cung cấp dịch vụ pháp lý cho phụ nữ di cư, hiện đang đại diện cho bốn phụ nữ Ma rốc lên tiếng tố cáo bị lạm dụng và khai thác sức lao động nói rằng, gần đây tòa án hình sự đã bác bỏ các cáo buộc vì cho rằng, hành vi được mô tả trong báo cáo thiếu người làm chứng.

Những việc như không trả lương, bị lạm dụng bằng lời nói và thể xác… không cấu thành việc khai thác lao động.  Ước tính, khoảng 20.000 phụ nữ Marốc đến Tây Ban Nha để giúp thu hoạch dâu tây trong  năm nay. Phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động thời vụ ở Tây Ban Nha. Mặc dù vụ thu hoạch dâu tây năm nay đã kết thúc, các nhóm nhân quyền kêu gọi Chính quyền làm nhiều hơn để bảo vệ quyền của những người lao động sẽ tới Tây Ban Nha vào năm tới.

Belen Saez, một luật sư đại diện pháp lý cho 14 phụ nữ Marốc nói rằng, những người phụ nữ phải đối mặt với nạn lạm dụng khi làm việc ở Tây Ban Nha. “Họ phải đưa ra lựa chọn khó khăn: ở lại và chiến đấu với một hệ thống đang chống lại họ hoặc trắng tay trở về nhà với gia đình. Nếu họ không được tiếp cận với công lý thì sẽ không có gì thay đổi. Những người phụ nữ đáng thương đang bị phớt lờ vì giới tính, chủng tộc và tình trạng kinh tế của họ. Tất cả những gì chúng tôi mong muốn là người lao động được trả lương xứng đáng và được đối xử nhân đạo”, Belen Saez nói.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.