Hàng không tầm xa Nga, từ "Ilya Muromets" đến "Thiên nga Trắng"

Thứ Hai, 28/12/2020, 10:37
Ngày 23-12, Liên bang Nga kỷ niệm Ngày Hàng không Tầm xa, xác lập năm 1999 theo lệnh của Tổng Tư lệnh Lực lượng Không quân Nga. Kể từ năm 2015, ngày này được gọi là Ngày Hàng không Tầm xa của Lực lượng Hàng không và Vũ trụ Liên bang Nga.


Lịch sử trăm năm

Ngày 23-12-1913, chiếc máy bay ném bom hạng nặng 4 động cơ đầu tiên trên thế giới C-22 "Ilya Muromets" do Igor Sikorsky thiết kế đã cất cánh. Những đặc điểm lúc bấy giờ rất ấn tượng. Trọng lượng cất cánh từ 4,6 đến 7,5 tấn. Trần bay 2.000 – 3.500m, thời gian bay 4 - 5 giờ. Tốc độ bay 105-135km/h. Tổng công suất của các động cơ (cả động cơ của nước ngoài và của Nga) từ 560 đến 880 mã lực. Vũ khí- từ 2 - 8 súng máy,  500-1500kg bom. Phi hành đoàn từ 5 đến 8 người.

Máy bay TU 160.

Một đóng góp đáng kể trong việc thiết lập sản xuất những chiếc máy bay này là của bạn của Igor Sikorsky, kỹ sư Mikhail Shidlovsky (1856-1921) Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nhà máy toa xe Nga - Baltic ở Riga (lúc đó thành phố này thuộc Đế chế Nga). Năm 1912, Shidlovsky mở ra bộ phận chế tạo máy bay của nhà máy ở thủ đô St.Petersburg. Một năm sau, việc lắp ráp dây chuyền Ilya Muromets bắt đầu tại đó.

Ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, đơn vị máy bay ném bom hạng nặng đầu tiên trên thế giới được thành lập - phi đội Muromets với số lượng 12 chiếc. Quyết định này được Hoàng đế Nicholas II phê chuẩn vào ngày 23-12-1914. Mikhail Shidlovsky được bổ nhiệm chỉ huy phi đội, và được thăng cấp thiếu tướng - kỹ sư. Đó là lý do tại sao ông được coi là người sáng lập Hàng không Tầm xa của Nga.

Tháng 2-1915, phi đội tổ chức tấn công một căn cứ quân sự của Đức ở Đông Phổ. Từ thời điểm đó cho đến tháng 11-1917, họ đã bay khoảng 400 phi vụ trinh sát và bắn phá các mục tiêu đối phương. Trong các trận không chiến, 12 máy bay chiến đấu của địch bị bắn rơi (và phi đội mất 4 chiếc), 39 thành viên nhận Huy chương Hiệp sĩ Thánh Georghi -  giải thưởng quân sự cao quý nhất thời bấy giờ. Vào năm 1917, phi đội có 20 chiếc, nhưng thật không may, một số chiếc bị phá hủy khi bộ binh đối phương tấn công căn cứ.

Một giai đoạn mới trong quá trình phát triển Hàng không Tầm xa Liên Xô bắt đầu từ đầu những năm 1930, sử dụng máy bay ném bom hạng nặng TB-3 do Andrey Tupolev thiết kế, với trọng lượng cất cánh tối đa là 19,5 tấn và tải trọng bom 5 tấn. Điều này cho phép Liên Xô vào năm 1933 lần đầu tiên trên thế giới hình thành lực lượng máy bay ném bom hạng nặng. Năm 1940, họ trở thành một phần của không quân ném bom tầm xa, có khả năng giải quyết các nhiệm vụ tác chiến chiến lược. Phi đội máy bay được bổ sung các máy bay tiên tiến hơn- Il-4 hai động cơ (Sergey Ilyushin thiết kế) và Er-2 (của Robert Bartini - Vladimir Ermolaev), cũng như Pe-8 bốn động cơ (Vladimir Petlyakov). Một số chuyên gia coi Pe-8 là máy bay ném bom chiến lược đầu tiên của Nga.

Máy bay ném bom - tên lửa Tu-22M3.

Hàng không tầm xa trong những năm sau chiến tranh

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc không cho bất kỳ lý do gì để "thư giãn", vì "chiến tranh lạnh" giữa Hoa Kỳ và Liên Xô bắt đầu. Ở giai đoạn đầu, máy bay ném bom tầm xa được coi là phương tiện chính đem vũ khí hạt nhân. Nhưng chính bom hạt nhân hoặc máy bay khi đó chưa có khả năng tiếp cận lãnh thổ của "đối thủ tiềm năng". Đất nước bị chiến tranh tàn phá phải khẩn cấp chế tạo cả bom và phương tiện mang cùng một lúc. Nhà thiết kế máy bay Andrey Tupolev quyết định theo hướng... sao chép "pháo đài bay" B-29 của Mỹ. May mắn thay, có một số mẫu hiện hữu: một số chiếc máy bay này đã bay vào lãnh thổ Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tháng 5-1947, máy bay ném bom Tu-4 đầu tiên (mã NATO "Bull") đã cất cánh. Thiết kế, trang thiết bị, cho đến nội thất của cabin, điều áp, đều được sao chép từ mẫu của Mỹ, vũ khí, máy phát điện và radio vô tuyến của Liên Xô. Không lâu sau, Tu-4 trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu trên không, và đã có thể tiếp cận các căn cứ Mỹ ở lục địa châu Âu và Vương quốc Anh, nhưng vẫn khó bay đến gần lãnh thổ Mỹ, cần sân bay trung gian và chỉ "có bay đi một chiều". Nhưng có "cái gì đó" vẫn tốt hơn là "không có gì cả". Năm 1949, Liên Xô sản xuất được bom nguyên tử, và chiếc Tu-4 được đưa vào biên chế duy trì hoạt động cho đến cuối những năm 1950.

Thay thế Tu-4 là các máy bay ném bom phản lực chiến lược tiên tiến hơn. Năm 1954, chiếc Tu-16 hai động cơ của Andrey Tupolev xuất hiện (mã NATO - Badger). Năm 1956, máy bay 3M bốn động cơ của nhà thiết kế Vladimir Myasishchev (mã NATO -Bison-B) có khả năng mang 2 quả bom hạt nhân 9 tấn mỗi quả. Cùng lúc đó, máy bay mang tên lửa phản lực cánh quạt Tu-95 huyền thoại (mã NATO - Bear) xuất hiện, trải qua vài lần hiện đại hóa và hoạt động cho đến ngày nay.

Ba loại máy bay này cung cấp cho Liên Xô “phương tiện hạt nhân ngang bằng” trên không so với phương Tây. Năm 1962, máy bay tên lửa - ném bom siêu thanh tầm xa Tu-22 (mã NATO - Blinder) được trang bị, nhưng tỏ ra không đáng tin cậy lắm và sau 10 năm, được thay thế bằng một chiếc khác về cơ bản- Tu-22M (mã NATO - Backfire).

Giữa những năm 1980, Hàng không Tầm xa bắt đầu tiếp nhận máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-160 "Thiên nga trắng" (mã NATO-Blackjack)  cánh cụp cánh xòe. Theo dữ liệu từ các nguồn mở, trọng lượng cất cánh tối đa của Tu-160 lên tới 275 tấn, tổng lực đẩy của động cơ “đốt sau” lên tới 100 tấn và tốc độ tối đa là 2.200 km/h (Mach 1,8).

Hàng không Tầm xa của Nga ngày nay

Các phi công Hàng không Tầm xa của Liên Xô, và sau đó là Nga, đã tham gia vào các cuộc chiến ở Afghanistan những năm 1980, tại Kapkaz những năm 1990 và tháng 8-2008. Năm 2015-2017, họ tấn công các sở chỉ huy và kho tàng IS ở Syria bằng tên lửa chính xác cao từ khoảng cách tối đa. Đây là lần đầu tiên sử dụng trong thực chiến của các "máy bay chiến lược" Tu-160 và Tu-95MS. Ngoài ra, lực lượng Hàng không Tầm xa còn có máy bay ném bom - tên lửa Tu-22M3, máy bay trinh sát Tu-22MR và máy bay “tiếp dầu” Il-78.

Hiện tại, phi đội Tu-160 đang được hiện đại hóa, hơn nữa, chế tạo các máy bay mới theo phiên bản hiện đại hóa mới nhất. Vào tháng 9-2020, 2 chiếc Tu-160 đã lập kỷ lục thế giới mới về phạm vi và thời gian của một chuyến bay thẳng. Chúng đã ở trên không trong hơn 25 giờ, bay hơn 20.000km trong không phận trên vùng biển trung lập  Bắc Cực và Thái Bình Dương.

C-22 "Ilya Muromets".

Thông cáo báo chí chính thức của Bộ Quốc phòng Nga ghi nhận: “Hàng không Tầm xa (DA) là một phương tiện của Tổng tư lệnh tối cao Lực lượng vũ trang Liên bang Nga, nhằm giải quyết các nhiệm vụ chiến lược và tác chiến. Là một thành phần trong "lực lượng hạt nhân chiến lược", DA thực hiện nhiệm vụ răn đe "hạt nhân" và "phi hạt nhân" đối với các đối thủ tiềm tàng... Một minh chứng thực tế về khả năng tác chiến của DA là các chuyến bay của máy bay tên lửa chiến lược tuần tra đường không tầm xa... Trong trường hợp chiến tranh bùng nổ, DA sẽ thực hiện các nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu kinh tế, quân sự quan trọng của kẻ thù, gây thiệt hại cho sự kiểm soát nhà nước và quân đội của địch thủ.

Máy bay Tu-160 có khả năng hoạt động 24/24, trong mọi điều kiện thời tiết và địa hình.
Minh Trang (Theo Sputnik)
.
.
.