Da diết hòn Bé

Thứ Hai, 09/05/2016, 16:34
Tàu cập cảng, đảo Bé đón chúng tôi bằng những hàng dừa cao vút trước gió trên nền dải cát trắng tinh khôi. Trời vần vũ giông lốc không níu giữ được bước chân khao khát tò mò của chúng tôi, và nụ cười mặn mòi của người đàn bà đảo Bé làm mọi cơn say tan chảy…


1.Đảo Bé (xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi) cách đảo lớn Lý Sơn chừng 3 hải lý, tức hơn 4 cây số đường biển, dân số trên đảo chỉ khoảng hơn một trăm người. Đứng từ cầu cảng Lý Sơn có thể nhìn rõ mỏm đất thân thương của đảo Bé, nhưng để đặt chân lên cù lao Bờ Bãi ấy thì không dễ chút nào trong mùa biển động.

Được đôi vợ chồng ngư dân có chuyến chở lương thực qua đảo Bé cho đi nhờ, chúng tôi hăm hở lên tàu. Hôm qua cấm biển do giông lốc, nên hôm nay biển vẫn "gầm gừ" đẩy sóng dọa tàu. Trời âm u, mây xám xịt kéo về từng cơn mà không thể mưa. Con tàu cưỡi sóng ra biển, đảo Bé trong tầm mắt nhưng mãi vẫn không thể chạm chân tới. Chúng tôi ngồi giữa đống dầu ăn, mắm muối, hành tỏi, bao nhiêu thứ mùi hỗn mang hợp lại xộc thẳng vào miệng vào mũi. Nhưng vẫn không cưỡng lại nổi cơn say sóng, nước mắt chảy và nước dãi bung trào.

Hơn 30 phút dập dềnh, quằn quại trên tàu, cuối cùng cũng đặt chân lên đảo Bé.

Con đường thơ mộng của hòn Bé.

Con đường duy nhất từ cầu cảng nối về các ngả dân cư của đảo Bé tấp nập xe ba gác chở khách du lịch. Đảo Bé không huyền bí như nhiều nơi tôi từng đến, nhưng không gian hoang sơ, trong lành thì chưa ở đâu sánh bằng.

Người ta ví đảo Bé chỉ cách thiên đường một bước chân quả không ngoa. Ở đây, cư dân sống hiền hòa với con tôm con tép, với củ hành củ tỏi. Từ khi có điện lưới, du lịch đã manh nha và hòn đảo "cô đơn" bao đời nay không còn cô đơn nữa. Cách làm du lịch của bà con cũng ngồ ngộ, đáng yêu làm sao ấy. Họ chẳng biết ma lanh, lươn lẹo với khách mà thật thà như gốc cây, hòn đá. Với họ, được thấy người từ đất liền qua thăm, được chuyện trò, tâm sự đã là một đặc ân. 

Chẳng thế mà những anh bộ đội sau một thời gian đóng quân ở đảo Bé đã lần lượt bị con gái đảo Bé "bắt rể". Điển hình như nhà bà Nguyễn Thị Đây bắt được những bốn chàng rể bộ đội. Hỏi bà Đây có bí quyết gì mà "mát tay" thế? Bà móm mém cười, che hàm răng rụng gần hết: "Có biết mô, chúng rủ nhau đến rồi phải lòng con gái tui. Tui lại rất có cảm tình với bộ đội, anh nào ưng là cho cưới liền".

Lấy chồng bộ đội ở đảo, các cô phải chịu nhiều thiệt thòi. Từ việc chồng thường xuyên đi công tác đến những gánh vác gia đình đều về tay người vợ. Ấy vậy mà bà Đây còn vui vẻ nói: "Tiếc quá, ngày xưa biết thế đẻ lấy chục cô thì bây giờ đã có một đàn rể rồi".

Con gái đảo Bé da ngăm, răng trắng và nụ cười tươi như mặt trời lúc bình minh. Vẻ đẹp mang đậm chất biển, không lẫn vào đâu được. Các cô qua tuổi dậy thì, bắt đầu trổ tướng là đã có nhiều anh "trồng cây si" trước cửa nhà. Các cô phải chọn lựa, một là vào đất liền học tập, làm ăn còn không ở nhà thì trước sau cũng theo chồng bỏ cuộc chơi.

Dứa rừng mọc hoang trên đảo được người dân tận dụng nấu nước bán cho khách du lịch.
Ngư dân đảo Bé mưu sinh trên biển.

2.Tương truyền rằng, đảo Bé từ vài trăm năm trước là lãnh địa của bọn cướp biển. Chúng dùng đảo Bé làm bàn đạp để tấn công sang đảo lớn Lý Sơn rồi ra Sa Kỳ cướp bóc. Của cải cướp được, chúng chở về đảo Bé cất giấu. Từ đó, nhiều người suy luận, đảo Bé là nơi bọn cướp chôn giấu rất nhiều vàng bạc châu báu, thậm chí có cả kho vàng ở đâu đó dưới lòng đất.

Trải qua bao cuộc bể dâu, vàng đâu không thấy chỉ thấy toàn mồ hôi nước mắt mặn đắng của người nông dân đào đất trồng hành, tỏi. Chứng tích duy nhất còn lại của một thời đao kiếm loạn lạc là hang Kẻ Cướp, nằm tận trong mỏm đá ở dưới biển. Đường đến hang Kẻ Cướp rất hiểm trở, người nào biết lặn mới xuống được. Bao đời nay, người dân đảo Bé không bao giờ mộng tưởng chuyện kho báu hay bãi vàng ở núm đất này. Họ cần mẫn lao động, bám đảo vì tình yêu và trách nhiệm phải giữ đất, giữ đảo.

Năm nay tỏi ở đảo Bé mất mùa, nhà nào nhiều nhất chỉ được vài chục ký. Cầm vốc tỏi trên tay, chỉ ra cánh đồng tỏi héo quắt, chết thối đầy đồng, bà Nguyễn Thị Bảy nói mà như khóc: "Tỏi mất mùa, bé như que tăm, ăn thử một tép mà coi, cay xè nước mắt đó".

Sống ở hòn đảo cô đơn nhiều năm không điện, các cặp vợ chồng chỉ biết gửi hy vọng vào việc sinh thật nhiều con, để sau này đảo nhỏ thêm đông vui. Vì thế mà trẻ con trên đảo nhiều lắm, đi đâu cũng nghe tiếng cười đùa. Vợ chồng ông Bùi Văn Mã (85 tuổi) có 12 người con nhưng về già vẫn phải sống thui thủi một mình. Ông bấm đốt ngón tay lắc đầu: "Sinh bao nhiêu vẫn thấy ít".

Ông Mã vừa mới nghỉ biển cách đây ít năm vì tuổi cao sức yếu. Những ngày ở nhà nhớ biển, ông mang lưới ra khâu vá. Người đàn ông nhiều con nhất trên đảo không giấu được nỗi buồn khi kể về thời trai trẻ với những chuyến vươn khơi câu cá mập. Ông là một trong số ít cư dân sống lâu đời nhất ở đảo Bé, cũng là ngư phủ giỏi nhất nhì ở đây. Ông đi biển từ năm 12 tuổi, ba năm sau trở thành kình ngư.

19 tuổi ông lấy vợ, là con gái đảo Bé. Vợ sinh đứa con đầu lòng thì gặp phải tai biến nên không qua khỏi. Ông trở về, lòng đau như sát muối. Tuổi đời còn quá trẻ, ông không thể sống cô đơn như vậy đến hết đời nên quyết định tục huyền Lần sang sông thứ hai, ông vào tận đất liền tìm vợ. Người con gái bỏ lại tuổi thanh xuân theo ông về đảo Bé, không phải làm gì chỉ ở nhà chửa đẻ liên tục, và 11 đứa con lần lượt chào đời. Hỏi ông sao ngày ấy đi biển triền miên mà vẫn đẻ nhiều thế?

Ông Mã cười thật lớn khi có ai hỏi về chuyện tình của mình.
Anh Huệ đan lưới cho vơi bớt nỗi nhớ biển.

Ông cười bẽn lẽn: "Trung bình mỗi chuyến biển về là sinh một đứa. Sau này con đông quá, một mình làm không đủ nuôi nên mới dừng lại". Bảy người con trai của ông đều theo cha ra biển. Ông từng hạnh phúc vô bờ, tự hào hãnh diện vì có một "đội binh" hùng hậu kế nghiệp. Cho đến ngày, người con thứ 10 Bùi Văn Huệ gặp nạn đã dập tắt tình yêu biển trong ông.

Hôm ấy, Huệ buộc dây ngang lưng nhào xuống biển như thường lệ. Mãi không thấy anh trở lên, ở trên giật dây nghe nặng trĩu. Đoán biết Huệ đã gặp sự cố ở dưới đáy biển, mọi người hò nhau kéo dây lên thì Huệ đã bất tỉnh. Anh được đưa vào đất liền cấp cứu, nhưng không thể giữ được đôi chân cho anh. Huệ bị liệt từ vùng rốn trở xuống.

Tuổi đời đang sung mãn, sức lực đang tràn trề, tình yêu với biển mãnh liệt không gì ngăn nổi, Huệ ngậm đắng nuốt cay từ giã tất cả. Ngày ấy, Huệ đang yêu một cô gái xinh đẹp ở đảo Bé. Biết chồng tương lai của con gái tàn phế lại còn mất khả năng sinh sản nên gia đình đã khước từ anh và cô người yêu cũng không vượt qua được lý trí.

Con trai ngồi xe lăn, ông Mã suốt ngày trầm tư. Ông không còn hào hứng kể chuyện về biển và tình yêu biển trong ông cũng không còn mặn mòi như trước nữa. Ông đau và hận biển. Tại sao bất hạnh lại dành cho đứa con trai vốn yêu biển nhất trong số bảy anh em. Tại sao biển lại tàn nhẫn với nó? Câu hỏi lớn ấy chưa bao giờ có câu trả lời thỏa đáng cho ông.

Ngôi nhà nằm nép mình bên hàng dừa ngả nghiêng vì gió, mỗi chiều, ông lại dắt mấy con chó ra bờ cát trắng ngắm biển. Nhiều lúc nhớ quá, ông xin cánh trai trẻ cho lên thuyền thúng ra khơi. Mỗi lần như thế, ông lại bắt gặp ánh mắt của con trai đang ngồi xe lăn nhìn mình đầy đau khổ. Thế là ông quyết định bế con ra biển, cho con ngồi trên thuyền thúng chèo một vòng quanh bờ. Anh Huệ thích thú như một đứa trẻ lần đầu thấy biển, anh quên hết bệnh tật cứ lao mình xuống biển. Ông Mã hốt hoảng, ú ớ kêu cứu thì đã thấy anh Huệ ngoi đầu lên nhe răng cười khoái chí.

Mấy năm nay ông già yếu, bà vợ thì bệnh tật hành hạ. Nhà có ba người đều như ngọn đèn trước gió, bấu víu vào nhau để sống. Vụ tỏi năm nay gia đình ông thu hoạch được có hơn mười ký, không đủ tiền phân bón. Vậy thì sống bằng gì? Ông không trả lời, chỉ cười. Anh Huệ chỉ đống lưới rách te tua chất ngoài sân nói: "Sống bằng nghề vá lưới thuê. Mỗi ngày vài chục ngàn thôi nhưng nhờ nó mà đỡ nhớ biển nhiều lắm".

Ở hòn đảo này hầu như không có người giàu, cũng ít người nghèo. Ai cũng có một căn nhà, một trảng đất trồng hành tỏi và một chiếc thuyền nho nhỏ ra khơi chài lưới. Họ sống cuộc đời giản đơn, bình lặng, không bon chen, đố kỵ. Và ai cũng có một tấm lòng, sẵn sàng cho đi, tất cả những gì có thể.

Ngọc Thiện
.
.
.