“Đặc sản” của biển

Thứ Ba, 19/04/2016, 19:23
Đôi chân bị liệt, chẳng thể nào lặn ngụp ngoài biển như thời trai trẻ nên chiều chiều, anh chỉ biết cùng đàn chó kéo xe lăn ra bờ biển đứng ngắm hoàng hôn cho đỡ nhớ. Ánh mắt anh xa xăm, diệu vợi. Quá khứ oanh liệt một thuở giờ đã quá xa xôi.

Có hôm nhớ biển không chịu nổi, anh lại nhờ người cõng ra bãi cát trắng. Đôi chân bại liệt tuy không đi lại được trên bờ nhưng dưới nước vẫn như con “rái cá” thoả sức vẫy vùng. Chàng thợ lặn của đảo Bé nổi tiếng một thời vẫn lặn ngụp, bắt cá giỏi như chưa từng gặp tai nạn đau thương.

Gần 40 tuổi đời, nhưng anh Bùi Huệ vẫn sống chăn đơn gối chiếc cùng bố mẹ đã già yếu. Hai ông bà đều ngoài 90. Bà tuổi cao nên đau ốm thường xuyên. Những lần bà vào thành phố Quảng Ngãi khám bệnh, cô con dâu ở gần đó lại sang nấu cơm đều đặn hai bữa và dọn dẹp nhà cửa cho bố và em chồng. 

Chẳng còn cách nào cả bởi 11 người con thì 10 người đã có gia đình riêng. Có người định cư ở ngoài thành phố, có người sống ở đảo Lý Sơn, chỉ còn một mình anh Huệ vì tai nạn nghề nghiệp mà không thể lập gia đình, phải sống nhờ cậy bố mẹ già ở đảo Bé. Thương cậu em trai tàn tật nên các anh chị dâu đều tìm cách vun vén cho, nhưng hoàn cảnh họ cũng khó khăn nên chẳng giúp đỡ được gì nhiều.

Cách đây hơn chục năm, khi ấy Bùi Huệ còn là một chàng trai khoẻ mạnh, bơi lội rất giỏi. Chàng thanh niên trẻ được mệnh danh là “rái cá” của đảo Bé khi 16 tuổi đã theo các thuyền lớn rong ruổi khắp các vùng biển để đánh bắt cá. Các ngư trường lớn ở Trường Sa, Hoàng Sa anh đều đã kinh qua. Thế nhưng trong chuyến đi Trường Sa định mệnh năm 2001, đôi chân của anh đã không thể nào đi lại được nữa. 

Anh Huê trên chiếc xe lăn đặc biệt được kéo bằng 4 chú chó.

Năm ấy vừa trở về sau chuyến đi dài đến Hoàng Sa, nghe bạn bè rủ nhau đi bắt hải sâm ở Trường Sa, anh không ngần ngại lên đường, bởi hải sâm có giá trị kinh tế lớn, có thể giúp gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định. Nhưng anh chưa kịp trở về thì người dân ở đảo Bé đã nhận được hung tin. Do lặn quá sâu, anh Huệ bị áp suất nước lớn ép mạnh dẫn đến đột quỵ phải đưa vào Đà Nẵng cấp cứu. 

May mắn giữ được tính mạng, nhưng đôi chân của anh đã vĩnh viễn không thể đi lại được nữa. Những ngày sau đó là những ngày anh cùng bố mẹ rong ruổi khắp nơi trong Nam ngoài Bắc để tìm cách chữa trị đôi chân. Nhưng mọi nỗ lực vẫn không thể nào cứu vãn, cuối cùng Bùi Huệ vẫn phải ngậm ngùi chia tay với nghề thợ lặn.

Thời gian đầu với anh chông chênh nhiều lắm. Đôi chân đã quen bơi, đôi tay đã quen với bắt cá giờ trở thành thừa thãi, vô tích sự. Lúc ấy anh chỉ biết đấm ngực thở dài trách sao ông trời đã quá bất công cướp đi đôi chân của mình. Kinh tế gia đình đã khó khăn nay càng khó khăn hơn khi bố mẹ anh phải bán mọi tài sản trong nhà để chạy chữa cho con. 

Thấy anh tàn tật, người yêu cũng bỏ anh mà đi. Nhìn bạn bè theo nhau đi biển còn mình mình ở nhà chỉ biết ngồi một chỗ, phải sống phụ thuộc vào cha mẹ già yếu, anh gần như rơi vào trạng thái tuyệt vọng, trầm cảm. Khi ấy anh còn không có đủ tiền mua nổi một cái xe lăn, việc đi lại đều do bố mẹ dìu dắt. Mãi sau này có nhà hảo tâm biết chuyện, tặng cho anh một chiếc xe lăn làm quà, anh mới có điều kiện đi lại nhiều hơn. 

Được ra ngoài, được trò chuyện, tiếp xúc với mọi người, anh phần nào vơi bớt đi sự chán chường, buồn tủi. Và rồi nhìn cảnh cha mẹ già đã ở tuổi gần đất xa trời mà vẫn phải lo lắng, chăm sóc cho mình, anh lại quyết tâm vượt qua mọi tự ti mặc cảm.

Những ngày buồn bã đi qua, hai chú chó tên Nô và Phô là những người bạn luôn kề cận bên anh. Nhiều lúc ngồi một chỗ chán quá, anh Huệ dùng tay tự đẩy xe đi dạo quanh đảo. Nhưng những con đường ở đảo Bé lại không bằng phẳng mà nhiều dốc lên dốc xuống, nhất là con dốc Đụn ở gần nhà trở thành nỗi kinh hoàng mỗi khi anh lăn xe qua đó. Cứ mỗi lần đi qua con dốc này là anh lại ngã bổ nhào, thậm chí xe lăn còn long mất bánh. Khi ấy anh chỉ biết trông chờ người qua đường giúp đỡ đẩy xe cho mình.

Và rồi trong một lần tình cờ nhìn thấy chú chó kéo xe trượt tuyết trên phim, anh nảy ra ý tưởng đào tạo chú Nô và Phô làm trợ thủ kéo xe cho mình. Những ngày đầu luyện tập vất vả lắm, anh bị ngã tím mày tím mặt, xước xát chân tay không biết bao nhiêu lần, bởi hai chú chó chưa quen đường đi, cứ cuống cuồng chạy theo quán tính khi bị buộc vào xe. 

“Lúc đầu tôi huấn luyện từng con một, không dùng roi, chỉ cần giật dây bên nào là nó đi hướng ấy. Lúc bắt đầu rất khó khăn vì giống chó không quen với việc kéo, nhưng khi đã huấn luyện được con thứ nhất, thì công việc lại dễ dàng hơn với con thứ hai. Lúc này, mình đã có kinh nghiệm, cộng thêm con này bắt chước con kia”, anh Huệ tâm sự.

Anh Huệ và người cha già đã ngoài 90 tuổi.

Nhận thấy hiệu quả của hai chú chó đầu tiên, anh lại xin thêm hai chú nữa về nuôi và huấn luyện. Anh đặt tên chúng là Samba và Út. Bốn chú chó trở thành trợ thủ đắc lực, giúp anh dần tìm lại được niềm vui trong cuộc sống. Với anh, chúng còn là những người bạn thân thiết thực sự. Những lúc buồn chán, anh lại ra vuốt ve, trò chuyện với chúng. Những lúc anh mệt mỏi, ốm đau, mấy chú chó cũng chẳng buồn ăn, mắt buồn thiu ra liếm chân chủ.

Có những hôm buồn và nhớ biển, anh lại nhờ chúng dắt ra cầu cảng hay chạy quanh đảo để ngắm nhìn. Thỉnh thoảng thèm khát được vẫy vùng dưới nước, anh lại nhờ người bế xuống biển. Lúc ấy anh như con rái cá, vẫy vùng, thoả sức lặn ngụp và bắt cá như thời trai trẻ. Thành quả thu được tuy không nhiều nhưng giúp anh cải thiện được bữa ăn gia đình và vơi bớt phần nào nỗi nhớ thuyền, nhớ biển.

Không cam chịu số phận làm người khuyết tật, cách đây vài năm, nhận thấy mỗi mùa mưa về, cua dẹt từ các hốc đá trên đảo Bé bò ra khắp nơi trên rẫy, vườn gần nhà dân, nên anh Huệ đã nảy ra ý định mua gom cua giống ngoài tự nhiên, thuê người chở giúp đá ở gần biển về nuôi cua dẹt trên mảnh vườn rộng khoảng 300m2 sau nhà.

Và rồi, hằng ngày, người dân đảo Bé lại thấy bốn chú chó kéo xe lăn chở anh Huệ chạy phăng phăng trên những cung đường quanh co của đảo để hái lá về che phủ cho nơi trú ngụ cho cua và tìm rau rong biển làm thức ăn cho cua. Cua đá mau lớn, ăn ngon, trở thành đặc sản của đảo Bé càng thôi thúc anh Huệ lao vào công việc. Anh bảo, nhờ có công việc ấy mà anh tìm được niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống khi không còn đủ sức khoẻ để ra khơi đánh cá, lặn bắt thuỷ hải sản như thời trai trẻ. Rảnh rỗi, anh lại ngồi vá lưới thuê cho người dân trong đảo để kiếm thêm thu nhập.

Giờ đây, bất cứ ai ở Lý Sơn và đảo Bé đều tự hào khi nhắc đến Bùi Huệ. Hình ảnh bốn chú chó kéo chiếc xe lăn chở người người đàn ông tật nguyền chạy khắp đảo trở thành “đặc sản” của Lý Sơn. Họ gọi đó là “mối tình hiếm có”.  Nhiều khách du lịch tìm đến đảo Bé không chỉ để ngắm phong cảnh hùng vĩ mà hoang sơ của một  phần Hoàng Sa máu thịt, mà còn chủ yếu để gặp được Bùi Huệ và những chú chó kéo xe đáng yêu có một không hai này.

Minh Quân
.
.
.