Đại ca khét tiếng trả nợ cuộc đời bằng những việc làm thiện nguyện

Thứ Tư, 22/07/2015, 14:30
Nửa đời phiêu bạt kỳ hồ, gã đã đặt chân đến khắp mọi nơi, kể cả “khởi nghiệp” ở nước ngoài. Thời điểm đỉnh cao phong độ, gã có hàng trăm đàn em dưới trướng, độ chịu chơi của gã khiến ai cũng kiêng nể, kể cả giang hồ “ngoại”. Đùng một cái, gã gác kiếm, ăn chay niệm phật và trong hơn 11 năm qua, gã đã âm thầm đi khắp nơi kêu gọi các chương trình thiện nguyện, xây nhà cho người nghèo, xây cầu vĩnh cửu thay thế cầu khỉ và phát thuốc, tặng quà cho hàng trăm đối tượng.

Nhắc đến Lê Lam, giang hồ từ Bắc chí Nam đều kiêng nể bởi sự chịu chơi, độ lỳ đòn trong thời kỳ còn vùng vẫy như con ngựa bất kham cho đến bây giờ, khi đã quy y gác kiếm, Lê Lam vẫn làm một “ông lớn” khi nỗ lực làm công tác thiện nguyện để trả nghĩa cuộc đời. 

Cũng bởi mải miết với công việc xã hội từ thiện nên căn nhà của gã ở thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) chẳng mấy khi chủ nhân có mặt. Suốt 15 năm qua kể từ khi quay lưng lại với hai chữ “giang hồ”, Lê Lam đã hoàn toàn trở thành một con người khác, là thủ lĩnh của các phong trào thiện nguyện từ Bắc chí Nam.

Một thời lang bạt kỳ hồ

Lê Lam, năm nay tròn 50 tuổi, nhưng phần lớn cuộc đời anh là những chuỗi ngày lăn lộn với giới giang hồ, vừa để xưng hùng xưng bá, cũng là cách để khẳng định mình, nếu muốn tồn tại trong xã hội lúc bấy giờ. Vết tích còn lại của những tháng ngày đầu đội trời, chân đạp đất là những hình xăm chi chít còn sót lại trên cơ thể. 

Anh bảo, quá khứ lầm lỡ, như con ngựa bất kham, lại không có người chỉ lối về nẻo thiện nên cứ trượt dài trong những lầm lỡ của tuổi trẻ hiếu chiến và hiếu thắng. Đang học phổ thông, Lam bỏ giữa chừng, với bản tính ngông nghênh, Lê Lam đã nhanh chóng trở thành cái gai trong mắt người dân làng chài Thâm Khê khi biến mình thành một tay “đạo chích” chuyên nghiệp. 

Thống kê sơ sơ, chỉ trong thời gian ngắn, Lê Lam đã cùng với nhóm bạn du thủ du thực gây ra trên 300 vụ trộm cắp vặt. Ngoài ra, nhóm thiếu niên bất trị do Lam cầm đầu còn gây ra một số vụ việc kinh thiên động địa khác như phá hoại hoa màu tập thể, xả dầu diesel và trộm cả tàu đánh cá của ngư dân. 

 Lê Lam tại lễ vinh danh "Trái tim vàng nhân ái - vì sự phát triển cộng đồng".

Đến năm 1978, khi mới 14 tuổi, Lam đã chỉ đạo đàn em trộm cả mấy cái đầu lợn của một số nhà dân giàu có đang cúng giao thừa để đánh chén. Sau vụ việc này, băng trộm nhí bị phát hiện, Lam bị quản thúc rồi đưa vào Trại giáo dưỡng Hòa Vang (Đà Nẵng) cải tạo trong thời gian 3 năm. Cũng bắt đầu từ đây, con đường giang hồ của Lê Lam đã rẽ sang một bước ngoặt định mệnh.

Trong thời gian ở trại giáo dưỡng, thay vì chí thú học làm người, quay đầu hướng thiện thi Lê Lam lại thu nạp đủ những mánh khóe, chiêu trò của những người bạn đồng cảnh ngộ. Thậm chí, gã còn bập vào ma túy khi còn khoác áo trại giáo dưỡng. 

Năm đó, Lam bước vào tuổi 15. Bước ra từ trại giáo dưỡng sau 3 năm “rèn luyện”, Lê Lam đã có đủ vốn sống để tách biệt với gia đình, bắt đầu những tháng ngày lang bạt kỳ hồ. Việc đầu tiên mà gã làm là tập hợp lớp đàn em choai choai dưới trướng, tổ chức băng nhóm chuyên “nhảy tàu”, “nhảy xe” từ Thừa Thiên Huế vào Đà Nẵng, mục đích là lợi dụng đoạn đường nguy hiểm qua đèo để ra tay trấn lột tài sản của hành khách. 

Một lần, bị phát hiện và tri hô, băng nhóm của gã có 2 tên đàn em nhảy ra khỏi đoàn tàu nên phải bỏ mạng. Đó là những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX. Nhưng cũng sau lần ấy, Lê Lam đã quyết định rời quê nhà vào miền Nam “lập nghiệp”, bởi gã không muốn chứng kiến chuyện tương tự xảy ra với các chiến hữu của mình thêm một lần nào nữa.

Nghĩ làm làm, Lê Lam rời quê vào vùng Lò Heo ở huyện Long Khánh (Đồng Nai), nơi tập trung khá đông đúc những tay giang hồ tứ chiếng. Chỉ sau vài trận thư hùng, quyền kiểm soát đã thuộc về Lê Lam. Với việc bảo kê cho hơn 300 gái mại dâm và kiếm lãi từ tiền bán ma túy, gã đã nhanh chóng có được cuộc sống sung túc, nhàn nhã nơi xứ người. 

“Đại ca” một thời nhớ lại, những năm tháng hoành hành ở Long Khánh là thời kỳ đỉnh cao của vinh quang trong giới giang hồ của mình, nhưng thế giới ngầm cũng không hề đơn giản. Những cuộc thanh trừng, đâm thuê chém mướn để tranh giành lãnh thổ, xưng hùng xưng bá diễn ra thường xuyên. Để tồn tại, các đại ca phải đâm thuê, chém mướn, bảo kê và băng nhóm do Lê Lam cầm đầu cũng không ngoại lệ, mục đích là để tồn tại. 

Được một thời gian, do các băng nhóm lộng hành quá thể nên lực lượng Công an đã tăng cường truy quét. Không muốn vướng vào lao lý, năm 1985 Lê Lam nhanh chân dạt vào các tỉnh miền Đông Nam Bộ nhưng rồi tại đây, gã lại sa lưới vì lý do lãng xẹt, ấy là trộm cắp tài sản và bị kết án 3 năm tù. Trong thời gian thụ án tại Trại giam Sông Cái, Lê Lam vượt ngục, về quê nhà Quảng Trị lẩn trốn thì bị phát hiện và bắt giữ, đến năm 1988, gã mới mãn hạn tù.

Như con ngựa bất kham, Lê Lam tiếp tục lang bạt đến các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Cho đến khi nghe tin ở Hồng Kông “làm ăn được”, Lam về quê tập hợp 15 tên đàn em dưới trướng, cướp thuyền vượt biển Đông sang tìm miền đất hứa. Bị cảnh sát sở tại tống vào trại tị nạn ngay khi vừa đặt chân lên đảo nhỏ này và ngay trong không gian bó hẹp này, máu giang hồ lại một lần nữa biến gã thành kẻ du côn khi gây ra hàng loạt vụ đụng độ với các băng đảng khác. 

Trong một lần đang tìm cách vượt biển sang Mỹ, Lê Lam bị Cảnh sát biển Nhật Bản phát hiện, bắt giữ rồi giao lại cho đại sứ quán và từ đây, gã cùng đám em út bị trục xuất về nước, tan giấc mộng xưng bá nơi xứ người.

Làm việc thiện tâm để chuộc lỗi quá khứ

Lê Lam chia sẻ, cuộc đời của gã sẽ chẳng biết còn trượt dài trong tội lỗi và sống cuộc sống vô nghĩa đến bao giờ, nếu như không gặp được một người mà gã bảo là “quý nhân”. Ấy là vào khoảng giữa năm 2000, gã gặp một người tự xưng là phật tử lâu năm giữa đất Bình Dương. Không họ hàng thân thích, máu mủ ruột rà nhưng khi nghe người này nói nhiều về Phật pháp, nhân quả cuộc đời, Lê Lam đã ngộ ra nhiều điều. Cũng từ đấy, gã quyết tâm phục thiện, trả nghĩa cuộc đời. 

Gã còn nhớ người đàn ông đó tên Trường, chính ông này đã giác ngộ và giúp Lê Lam cai nghiện. 35 năm làm bạn với nàng tiên nâu, giờ dứt ra được là cả một quá trình. Nhưng bằng quyết tâm, kể cả phải xích mình vào cũi, trói chặt chân tay và khóa trái cửa phòng, gã cũng đã nếm trải. Cứ như thế, bằng nghị lực kiên cường, gã đã dứt ra được sự cám dỗ của nàng tiên nâu sau đúng một tháng khổ hạnh.

Lê Lam trong những chuyến từ thiện xã hội của mình.

Để trả ơn cửa Phật, sau khi cai nghiện thành công, Lê Lam đã quyết định xuống tóc quy y cửa Phật với pháp danh Tịnh Long. Cũng bắt đầu từ đấy, Lê Lam bắt đầu miệt mài với những chuyến công tác thiện nguyện. Ban đầu là tham gia cùng với các đoàn từ thiện của nhà Phật, sau đó lấy cái uy danh của mình lúc còn trên chốn giang hồ, Lê Lam đã kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện xã hội tham gia giúp đỡ người nghèo. 

Ban đầu, nhiều người còn hoài nghi song bằng chính sự hướng thiện từ tâm của mình, Lê Lam đã nhanh chóng xây dựng được tổ chức từ thiện với tên gọi “Lê Lam Tịnh Long”, là một trong những tổ chức thường xuyên đem lại niềm vui cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Dương. 

Hơn 11 năm miệt mài với công tác thiện nguyện của mình, Lê Lam đã mang đến cho hàng nghìn mảnh đời bất hạnh trên khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên những hỗ trợ kịp thời, để giúp người nghèo và những mảnh đời bất hạnh vượt qua cơn bĩ cực đời người. Kết hợp với kêu gọi, để thuyết phục, Lê Lam đã tổ chức ghi hình phóng sự về các mảnh đời để làm bằng chứng về sự tận cùng tuyệt vọng của các nhân vật.

Trong chừng ấy năm, qua sự kêu gọi của Lê Lam, các nhà hảo tâm trong nước cũng như ở nước ngoài đã chung tay đóng góp xây dựng và trao tặng cho người nghèo trên 500 căn nhà tình nghĩa; xây dựng hàng trăm cây cầu để hỗ trợ chương trình “xóa cầu khỉ” ở miền Tây Nam Bộ và cấp phát hàng chục nghìn phần quà cho người dân trong hoạn nạn. Lê Lam đã đến nhiều trung tâm cai nghiện, lấy chính gương bản thân mình ra để chia sẻ với các học viên, giúp họ tự tin rũ bỏ ma túy, đứng lên làm lại cuộc đời.

Với những cống hiến thầm lặng của mình trong suốt hơn 11 năm qua, Đoàn từ thiện xã hội Bình Dương do Lê Lam khởi xướng đã được vinh danh, và cá nhân Lê Lam cũng đã được tôn vinh là một trong 100 "Trái tim vàng nhân ái - vì sự phát triển cộng đồng" của cả nước vào năm 2014. Cũng năm này, Lê Lam được “Quỹ trái tim vàng Việt Nam” vinh danh và là lọt vào danh sách “Top 100 doanh nhân xuất sắc ba miền”.

Thiện Tâm
.
.
.