Đánh thức sự tử tế

Thứ Tư, 04/11/2015, 08:08
Câu chuyện về cô gái 17 tuổi Mint Kanistha sau khi giành vương miện hoa hậu Thái Lan 2015 đã quay trở về quỳ lạy cảm tạ người mẹ nhặt rác của cô, người đã nuôi nấng cô bằng những đồng tiền lẻ bà kiếm được mỗi ngày khiến cho cư dân mạng không chỉ ở Thái Lan mà khắp thế giới cảm động.
Hay câu chuyện về lòng tốt dấy lên từ bộ phim "Lửa Thiện Nhân" đang chiếu tại Hà Nội làm chúng ta tin hơn vào sự tử tế, và biết rằng sự tử tế vẫn luôn còn trong đời sống, để mỗi người có thể neo bám vào khi khó khăn hoạn nạn.

Tôi nhớ một khán giả đầu đã điểm bạc, ra khỏi phòng chiếu phim "Lửa Thiện Nhân" với đôi mắt đỏ hoe. Bà bảo: "Chưa khi nào tôi thấy đời sống hiếm hoi lòng tử tế như bây giờ. Chúng ta đang đói sự tử tế. Và những câu chuyện về tình người, về lòng nhân ái, về tình thương vô bờ bến của con người với con người, không phân biệt biên giới hay màu da, như trong bộ phim "Lửa Thiện Nhân" này là một bữa ăn tinh thần mà tôi chờ đợi.

Sao báo chí truyền thông bây giờ nêu nhiều cái xấu quá, nhiều cái ác quá. Sự tử tế đi vắng đâu cả rồi, không còn chỗ nữa hay sao. Tôi mong cuộc đời có nhiều hơn những câu chuyện như Thiện Nhân để kể, để mỗi người tự kiểm lại cái góc sâu thẳm nhân văn trong lòng mình, đánh thức nó dậy, đừng để nó đóng băng lâu quá".

"Lửa Thiện Nhân", bộ phim về cậu bé bị mẹ bỏ rơi, bị thú rừng ăn mất một phần cơ thể. Cậu bé được chị Trần Mai Anh - một nhà báo đưa về chăm sóc, nhận làm con nuôi. Bộ phim kể về hành trình gian nan của người mẹ ôm cậu con nuôi đi chữa bệnh, phục hồi chức năng. Từ trong nước đến Thái Lan, Đức, Ý. Ở đâu mẹ con chị cũng nhận được tình yêu thương vô bờ bến của mọi người, đặc biệt là các bác sĩ.

Cảm kích trước tấm lòng của hàng ngàn người đã âm thầm chia sẻ tinh thần và vật chất để Thiện Nhân được trở thành một cậu bé bình thường như bao cậu bé khác, chị Trần Mai Anh cảm thấy cần làm một việc gì đó để đáp đền lại tình cảm của mọi người. Và chị lập ra quỹ Thiện Nhân, quyên góp tiền và mời bác sĩ giỏi từ nước Ý xa xôi sang Việt Nam phẫu thuật phục hồi cơ quan sinh dục cho các bé trai không may mắn.

Hoa hậu Thái Lan quỳ trước người mẹ đã nuôi cô khôn lớn.

Cho đến nay, hơn 400 trường hợp đã được phẫu thuật, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình mà trước đó họ không biết cầu cứu ai, thậm chí không thể chia sẻ với ai về căn bệnh khó nói của con. Và các bác sĩ trong nước thì chưa thực hiện được loại phẫu thuật khó khăn này.

Những câu chuyện có thật được kể trong "Lửa Thiện Nhân" làm chúng ta tin vào sự màu nhiệm của tình người, vào phép màu của yêu thương, của lòng tốt, của sự tử tế. Trong mọi hoạn nạn của cuộc đời, khi rơi vào cùng cực khó khăn, người ta thường ước phép màu xảy ra. Và tưởng như phép màu là thứ chỉ có trong cổ tích. Thiện Nhân đã chỉ cho ta thấy, đâu phải vậy. Chỉ cần con người mở lòng với nhau, yêu thương nhau nhiều hơn, trao gửi nhiều hơn, trắc ẩn nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, phép màu sẽ hiện ra. Nếu bà tiên là người ban cho phép màu thì ở đây bà tiên mang tên lòng nhân ái. Con người chỉ cần sống tử tế với nhau thôi, mọi khổ đau, khoảng cách sẽ được đẩy lùi.

Lại nói về câu chuyện cô hoa hậu Thái Lan 2015 quỳ lạy cảm tạ người mẹ nhặt rác. Bức ảnh khiến cư dân mạng khắp nơi lặng đi vì xúc động. Con người sinh ra không ai tự chọn được hoàn cảnh của mình, không ai tự chọn được cha mẹ. Một cô gái đẹp lớn lên trong khu ổ chuột, với người mẹ nghèo quanh năm tảo tần nhặt rác để nuôi cho cô khôn lớn, xinh đẹp, được ăn học đàng hoàng và tỏa sáng.

Sự quỳ lạy của cô gái là biểu hiện của lòng biết ơn, biết yêu thương cội rễ của mình. Hành động ấy là tiếng thổn thức của sự tử tế. Âm thanh của nó còn đẹp hơn cả chiếc vương miện cô mang trên đầu hay nhan sắc rực rỡ mà cô đang sở hữu. Và đó là vẻ đẹp thực sự của nhan sắc, khi nó được tỏa ra không chỉ bằng phấn son, áo quần, mà bằng cả trái tim, tâm hồn.

Chợt có chút gì đó nhoi nhói khi so sánh ở ta, hoa hậu nọ đi đâu cũng có mẹ tháp tùng, bao bọc. Hoa hậu mặc váy đứng chụp ảnh trước ống kính, mẹ chạy theo nâng gấu váy. Hoa hậu đi siêu thị, mải tạo dáng cho người ta chụp hình, còn mẹ thì lui cui xách những chiếc giỏ nặng đầy đồ. Hoa hậu tuột dây giày mẹ cúi xuống buộc cho…

Không dám phê phán gì khi là hoa hậu thì luôn phải giữ hình ảnh đẹp, và được mẹ bao bọc là hạnh phúc lớn lao của bất kỳ một hoa hậu nào. Nhưng nếu như hoa hậu hiểu được cái đẹp bắt đầu từ đâu, một cách sâu sắc hơn. Nếu như hoa hậu cảm nhận được mùi hương tỏa ra từ một hành vi đẹp, một cử chỉ đẹp một cách tinh tế hơn thì nhan sắc của hoa hậu sẽ hoàn thiện hơn gấp nhiều lần.

Có khi nào vì mải đuổi theo các giá trị bề ngoại, các giá trị vật chất, mà chúng ta mất thói quen ứng xử với những người xung quanh, với cuộc đời bằng sự tử tế. Chúng ta đã để sự tử tế bị đông lạnh lâu quá, đóng băng lâu quá, khi vô cảm với nỗi đau của đồng loại, thờ ơ với những biến động ở ngoài mình. Hãy trải nghiệm lại những cảm giác của mình và hãy đánh thức lòng tử tế đang say ngủ trở lại. Thế giới sẽ chỉ đẹp hơn lên khi con người đối xử với nhau bằng hạt nhân cốt lõi đó.

Hội Quân
.
.
.