Để những vi phạm không tiếp diễn

Thứ Tư, 29/07/2015, 16:00
Nói gì thì nói, sống ở thành phố có 2 thứ vô cùng thiết thực với người dân là điện và nước. Bạn hãy thử tưởng tượng, những ngày nóng như đổ lửa vừa qua, nếu nhà bạn bị mất điện vào đúng giờ đi làm về, lục tục cơm nước, tắm gội cho con, dọn dẹp nhà cửa mà bị cắt điện chừng 2 giờ đồng hồ thì bạn có chịu được không? Chắc chắn bạn sẽ bực dọc, cáu gắt với bọn trẻ vô cớ, còn trên người thì đầm đìa mồ hôi, cảm giác như nhiệt độ trong người cũng tăng lên theo.
Dù sao, mất điện vẫn còn chịu đựng được, cố mà chịu đựng chứ mất nước thì không biết nỗi khổ sẽ còn kinh khủng đến mức nào. Vẫn biết dùng điện, dùng nước phải trả tiền, dùng nhiều trả nhiều, nhưng vào những thời điểm cần phải dùng để phục vụ nhu cầu tối thiểu của con người mà điện, nước không đáp ứng được thì quả là đến "thượng đế" cũng phải nổi giận.

Những ngày nắng nóng cao điểm nhất của mùa hè này đã qua. Người dân tạm thở phào. Nhưng nắng nóng chưa phải đã hết và với những diễn biến bất thường của thời tiết thì không thể biết điều gì sẽ xảy ra. Dù vậy, người ta vẫn mong điện, nước được cung cấp đầy đủ, để cuộc sống thường ngày không bị đảo lộn khi trở về ngôi nhà của mình.

Ấy vậy mà trục trặc vẫn xảy ra. Điều tệ hại không ai muốn đó lại tiếp diễn. Đó là việc trưa  21/7, đường ống nước sạch sông Đà lại bị vỡ đoạn qua địa phận xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Trước đó khoảng chục ngày cũng đã xảy ra sự cố tương tự. Với chức năng của các nhà chuyên môn thì việc xử lý đơn giản là vỡ ống chỗ nào thì thay chỗ đó. Và nước lại được dẫn về phục vụ sinh hoạt cho người Thủ đô.

Song, nếu biết từ năm 2012 đến thời điểm này thì đường ống dẫn nước sông Đà về Hà Nội này đã vỡ tới… 12 lần và mỗi lần sự cố xảy ra, 70 nghìn hộ dân thuộc các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm bị ảnh hưởng. Nếu tính trung bình mỗi hộ dân có 3 người thì số người bị "đói" nước là hơn 200 nghìn người. Một con số không nhỏ! Theo như đơn vị chủ quản thi công thì sự cố trên tất nhiên sẽ được khắc phục và nhanh nhất cũng phải mất 22 tiếng.

Minh họa Lê Tâm.

Tiện đây cũng nên nhắc lại một câu chuyện buồn. Liên quan đến hàng loạt sự cố trên tuyến đường ống này, đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 9 cán bộ thuộc Ban quản lý dự án xây dựng đường ống nước sạch Sông Đà và các đơn vị tư vấn giám sát về hành vi "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

Nghĩa là sự việc không dừng lại ở những sự cố kỹ thuật mà có sự tác động của con người. Chính bàn tay con người với những lỗi không thể chấp nhận được đã gây ra những hậu quả đó. Rồi đây, trong một tương lai không xa, người phạm tội sẽ phải trả giá về những hành vi phạm tội của mình.

Liệu con số 12 lần vỡ ống nước đã dừng lại chưa, hay sẽ là 13, 14, 15? Không ai có thể trả lời chính xác câu hỏi này, nhưng có một điều chúng ta biết chắc chắn, rằng những hành vi tắc trách, cố tình vi phạm pháp luật, bớt xén các công đoạn cần thiết, sử dụng chất liệu và công nghệ không phù hợp để thi công tuyến đường ống truyền tải từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội… thì những hậu quả xảy ra trong tương lai thật khó lường. Và chính trong nhiều cuộc họp của Thành ủy Hà Nội cũng phải thừa nhận: Vỡ ống nước thường xuyên là điều không thể chấp nhận được.

Tất nhiên, những hành vi vi phạm pháp luật đều phải xử lý làm gương cho người khác, nhưng điều quan trọng hơn mà người dân mong mỏi, đó là việc ngăn chặn, không để tái diễn những vi phạm không chỉ ở đường ống dẫn nước sông Đà mà còn ở nhiều công trình khác. Mất điện, nước người dân có thể chịu được và cơ quan quản lý sẽ khắc phục trong một sớm, một chiều.

Tuy nhiên, với những công trình lớn khi thi công, nếu xảy ra sự cố thì còn gây ra những hậu quả lớn hơn, đó là xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người. Mà điều này thì đã xảy ra không chỉ một lần.

Tuấn Nguyễn
.
.
.