Để ‘níu chân’ du khách đến Việt Nam

Thứ Năm, 30/04/2015, 08:02
Chỉ một tuần nữa là tới đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5, nhà nào cũng lên kế hoạch rời thành phố ít nhất một, hai ngày để hưởng sự trong lành, khoáng đạt của một vùng đất xa xôi nào đó. Cũng phải thôi, cả năm chịu sự chật chội, ồn ã phố phường, khói bụi động cơ, sáng vội vàng đến công sở, chiều tất tả đón con, dọn nhà, cơm nước thì việc nghỉ dưỡng để nạp thêm năng lượng cho những ngày tiếp theo là lẽ đương nhiên.
Qua đợt nghỉ lễ là học sinh được nghỉ hè thì nhu cầu du lịch, thăm thú đó đây càng lớn. Các công ty du lịch bắt đầu vào mùa làm ăn, vận hành tối đa công suất. Hầu hết tour của các công ty du lịch diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8 đã kín chỗ. Âu cũng là điều mừng. Xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống dần cải thiện và việc mở rộng tầm nhìn, khám phá những vùng đất mới rõ ràng là một nhu cầu số đông hướng tới.

Nhìn qua về lượng khách nội địa thì mừng vậy chứ nhìn kỹ thì cũng có chuyện buồn cho ngành Du lịch nước nhà. Theo số liệu công bố từ Tổng cục Du lịch và Tổng cục Thống kê, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã sụt giảm liên tiếp trong vòng 10 tháng qua tính từ tháng 6/2014 đến 3/2015.

Cụ thể, tháng 3 vừa qua là tháng thứ 10 liên tiếp chứng kiến sự sụt giảm trầm trọng của số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, với mức giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 3 tháng đầu năm 2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ­­ước đạt 2 triệu lượt, giảm 13,7% so với cùng kỳ 2014. Một thống kê đáng báo động.

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Dễ dàng lý giải tình trạng này. Các chuyên gia cho rằng, đồng Rúp Nga mất giá, đồng Euro giảm giá so với USD khiến chi phí du lịch của các du khách châu Âu bị đội lên. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu sa mà chúng ta đã bàn nhiều, rất nhiều trong các cuộc hội thảo, các báo cáo khoa học, các kỳ cuộc tổng kết, sơ kết… đó chính là việc chúng ta chưa hội tụ được các điều kiện để tạo ra du lịch bền vững.

Hiểu khái quát nhất, du lịch bền vững bao gồm 3 yếu tố chính là: Sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường; Tôn trọng tính trung thực về xã hội và văn hóa của các cộng đồng địa phương; Bảo đảm sự hoạt động kinh tế tồn tại lâu dài, cung cấp những lợi ích kinh tế xã hội tới tất cả những người hưởng lợi và được phân bổ một cách công bằng.

Thế nên mới có chuyện thật như đùa. Một hãng lữ hành cho biết, nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam vẫn mang theo tâm lý bất an và dè dặt với các dịch vụ. Cụ thể, trong chương trình khuyến mại tặng quà miễn phí tại ga tàu cho những du khách quốc tế của công ty này lên đường tới Vịnh Hạ Long, các du khách đã liên tục từ chối nhận quà.

Khi được hỏi, những vị khách này chia sẻ rằng bạn bè hoặc bản thân họ đã từng đến Việt Nam và sử dụng một số dịch vụ. Tuy nhiên, sau khi sử dụng những vật phẩm được nói là "dịch vụ miễn phí" thì lại bị thu phí, thậm chí là mức phí khá cao.

Một số ý kiến khác cũng nhận định nguyên nhân chính khiến nhiều du khách không chọn Việt Nam là do chính sách visa du lịch Việt Nam, đặc biệt là thủ tục quá rắc rối. Tại thời điểm này, ngoài 10 nước ASEAN - không phải thị trường du lịch lớn vào Việt Nam, chúng ta còn miễn visa cho 7 nước khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch). Vậy chúng ta nghĩ gì khi nước láng giềng Thái Lan thực hiện chính sách miễn visa du lịch cho 48 nước, Singapore là 124 nước…

Vấn đề cuối cùng, đó chính là đội ngũ hướng dẫn viên. Quá nhiều hướng dẫn viên còn trẻ, thiếu kỹ năng, vốn sống và vốn hiểu biết mỏng, khả năng diễn đạt yếu, coi công việc này là "bước đệm" trước khi làm một công việc khác ổn định hơn nên khi giới thiệu một địa điểm văn hóa nào đó chưa tạo được sự hấp dẫn, nhiều lúc khiến du khách "chán không buồn nghe".

Quan trọng là cách làm, còn tôn chỉ làm du lịch của tất cả các quốc gia là như nhau: "Cảnh đẹp thì khách chỉ đến một lần cho biết, nhưng nếu dịch vụ tốt sẽ níu chân du khách quay trở lại…"

Tuấn Nguyễn
.
.
.