Đi “Sim” tình ca Vân Kiều

Thứ Tư, 18/05/2016, 07:42
Lên thị trấn Khe Sanh, Quảng Trị, tôi ngạc nhiên khi biết chuyện người con trai phải cưới cô vợ yêu của mình những ba lần mới được công nhận là chồng chính thức. Tôi tò mò hỏi thầy giáo Hồ Xuân Long, người có công phục hồi lại chữ viết của người Vân Kiều, hiện sống gần chợ Khe Sanh. Ông mỉm cười, hồ hởi kể thật nhiều điều thú vị chung quanh câu chuyện tình yêu của người Vân Kiều.


Kèn Aman không thổi một người

Thày giáo Hồ Xuân Long năm nay đã ngoài 70, nhưng tác phong còn nhanh nhẹn, và được coi là chuyên gia số một người Vân Kiều về chuyện chữ nghĩa, và văn hóa cội nguồn của dân tộc mình. Ông kể chuyện tình yêu của trai gái Vân Kiều là bắt đầu từ những lễ hội “Sim” vào mùa xuân. Nhất là vào những đêm trăng sáng. 

Ông nói, nhiều người đã hiểu lầm chuyện đi “Sim” của các chàng trai cô gái Vân Kiều chỉ là tỏ tình và có thể ngủ với nhau, rồi tiến tới hôn nhân. Nhưng không phải vậy. Ông nheo mắt cười rồi say sưa nói, thật ra đi “Sim” là một lễ hội hát giao duyên. Qua lời hát, qua đối đáp gửi trao tình cảm bằng âm nhạc, các bạn trẻ chọn lựa bạn tình và hẹn hò. 

Con trai con gái muốn đi “Sim” là phải học thuộc nhiều điệu hát và lời ca về tình yêu. Ban đầu mọi người phải tập trung ở nhà Xu (dạng nhà Văn hóa thôn bản) để khai hội. Chàng và nàng ngó mắt ưng ý với nhau rồi cất tiếng tơ lòng. Họ cùng hát các điệu Oát, Tà Oái, Xiêng, Tăng Y...cùng tiếng đàn sáo.

Thày giáo Hồ Xuân Long.

Nói rồi thày giáo Hồ Xuân Long cất tiếng tâm tình cho tôi nghe vài câu quen thuộc. Nhưng rất lạ, những lời ca dễ nghe và đi vào lòng người với giai điệu tự sự lắng sâu. Chàng rằng: “Bóng em lấp lánh như sao mới mọc. Dáng em lấp lánh như vầng trăng đêm mười sáu. Ta đi tìm em, em ơi! Tình em vời vợi như trăng đêm mười bảy. Ta đang lần tìm đến người, người ơi...!”. Khi ấy nàng đáp lại hết sức dịu dàng: “Em ước mơ đến anh. Không biết rồi mơ ước có thành không?”. 

Những lời thăm dò ý nhị ban đầu và nếu thấy có thể hướng về nhau lòng muốn gieo tình. Chàng hát tiếp những lời say đắm hơn: “Thương em đến nỗi sầu. Nhớ em đến nỗi ốm. Ước gì gan mật thuộc về nhau...”. Còn nàng còn chần chừ gì nữa mà không hát đáp: “Em ở chòi bên này chưa ngủ đợi anh. Muốn thổi kèn Aman nhưng lại thiếu một người. Kèn Aman không thổi một người. Em biết thương ai bây giờ ngoài anh”. Lời ca Tà Oái là vậy. 

Khởi thủy cho một văn hóa tỏ tình khi trai gái tìm đến nhau. Nghe giọng hát mà thấy ấm tình. Nghe tình đưa trong điệu nhạc mà thấy đôi mắt, nụ cười quyến rũ trong ánh trăng xuân. Cứ thế họ hát và khi đã thấm tình, trong lòng đôi bên đã đến lúc hò hẹn một tương lai. Một đêm hội của một mùa xuân tình yêu.

Thày giáo Long còn kể, trước đây nhờ những lời Tà Oái của tình yêu trai gái mà đã từng kết nối mối giao hòa của những dòng họ có nhiều mâu thuẫn từ xa xưa để lại. Tình yêu của tuổi trẻ có sức mạnh đoàn kết và bền lâu. Theo tục lệ, sau khi tìm hiểu qua những đêm tình ca, nếu ưng ý hai bên gia đình mới cho phép đi lại và tạo điều kiện cho tuổi trẻ đến với nhau. 

Bất ngờ thầy Hồ Xuân Long nhắc đến Hồ Thị Hà, một cô học trò Vân Kiều của ông, đã từng đoạt HCV khi đi thi hát, thể hiện những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Đó là những giai điệu Oát, Xà nớt, A ru... được thể hiện trên sân khấu với những lời ca thấm đẫm hơi thở tình yêu. Hồ Thị Hà đã từng đoạt giải trong Liên hoan Hát ru toàn tỉnh Quảng Trị, vừa cõng con sau lưng vừa hát, làm mọi người rơi nước mắt.

Thầy Long nói, hiện lễ hội đi “Sim” đã có sự hòa đồng những nét văn hóa mới, nên có những thay đổi. Nhưng giá trị cốt lõi mang bản sắc Vân Kiều vẫn sâu đậm, nhiều chàng và nàng cùng thổi kèn Aman trong đêm “Sim” hết sức say đắm, mặc cho bên cạnh đó những giai điệu nhạc trẻ hiện đại cứ ồn ào vang lên từ đâu đó. Họ vẫn là những chàng trai cô gái Vân Kiều yêu thương quê hương, yêu dãy núi Trường Sơn, cái nôi sinh thành ra những làn điệu dân ca của dân tộc mình. 

Bất ngờ thày Long đọc cho tôi lời ca mà ông chợt nhớ. Một câu hát hết sức độc đáo và không kém phần hiện đại: “Cái siêng năng em hãy gác lại. Cái lười biếng em hãy cất đi. Ta cùng thức theo vầng trăng sáng đêm nay. Ta cùng vui theo năm tháng tròn đầy”. Quả là tôi không thể tưởng tượng được những lời ca của một dân tộc sống bên triền núi Trường Sơn lại có sức ám ảnh đến thế. Quanh tôi như có tiếng sáo Pi, cùng tiếng đàn Ta Lư rộn ràng và đắm đuối hòa cùng giọng hát khê khàn của một ông giáo già, bên xóm nhỏ chênh vênh.

Lễ tặng kiếm và ba lần cưới vợ

Chuyện cưới xin ăn hỏi của người Vân Kiều lạ vô cùng. Trong ngày cưới, chú rể và những người đại diện nhà trai sang nhà gái đón dâu, ngoài một số lễ vật mang sang nhà gái theo yêu cầu từ trước, thì thanh kiếm, chiếc nồi đồng và đồng bạc trắng là ba thứ không thể thiếu. Sau khi chú rể trao ba lễ vật, cô dâu đưa lại cho bố mẹ mình. Mẹ cô dâu sẽ bắc nồi đồng lên bếp, cho một lít nước cùng đồng bạc trắng vào nồi. Sau đó bà đâm mũi kiếm xuống bên cạnh chiếc nồi đồng. Đến khi đó thủ tục trao kiếm mới xong. Lúc này cô dâu mới được phép về nhà chồng.

Thày giáo Long giải thích cho tôi rõ tục trao kiếm vô cùng quan trọng, nó biểu hiện cho sự gắn bó khăng khít giữa vợ chồng. Người Vân Kiều nghĩ, chuôi kiếm và lưỡi kiếm là hai vật không thể tách rời nhau. Cũng như vợ chồng sau khi cưới phải gắn bó không thể rời xa. 

Đồng thời thanh kiếm còn thể hiện sức mạnh của chàng trai, người mà cha mẹ cô gái tin tưởng và gửi gắm cho một hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Khi đó thanh kiếm trở thành tài sản quý giá của gia đình cô dâu. Cả ba lễ vật gộp lại thể hiện sự giầu có, no đủ của gia đình mà hạnh phúc sẽ đem lại. Nồi đồng càng to càng thể hiện sự giàu có và sự tôn trọng của nhà trai đối với nhà gái. Do vậy tục lễ trao kiếm hết sức thiêng liêng với người Vân Kiều trong lễ cưới.

Nhưng chưa hết, hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ còn phải được thử thách, đòi hỏi bản lĩnh của người đàn ông chân chính. Đó là thủ tục cưới hai hay ba lần theo nghi lễ truyền thống của mỗi địa phương. Lần thứ hai và lần thứ ba có thể nhanh chóng hay kéo dài, năm này qua năm khác, phụ thuộc vào điều kiện của nhà trai. Bởi mỗi lần tổ chức cưới nhà trai phải lo bò, lợn... như lần đầu, tuy không cần ba lễ vật nhưng khá tốn kém. 

Theo như thày giáo Long nói, thì lần cưới thứ hai thường tổ chức cách lần đầu khoảng 1 đến 2 tháng. Sau đó một thời gian hạnh phúc mặn nồng, kể cả khi có nhiều con, nếu nhà trai có điều kiện sẽ đặt vấn đề với nhà gái để tổ chức cưới lần thứ ba. Mặc cho ông chồng đã lớn tuổi mới có đủ tiền tổ chức cũng được. Không ít trường hợp hai vợ chồng đã nên ông nên bà mới tổ chức cưới lần ba. Đây mới là lễ cưới được công nhận và vợ chồng chính thức. Thậm chí có trường hợp một trong hai người, vợ hoặc chồng bị mất, thì những người con phải lo trâu bò, tổ chức cho bố hoặc mẹ cưới lần thứ ba với người đã mất. Thật vô cùng lạ.

Trang phục Vân Kiều. 

Vậy việc chàng trai Vân Kiều phải chờ đến mấy chục năm sau mới cưới xong vợ là chuyện bình thường. Tục cưới ba lần hiện vẫn còn phổ biến ở những bản làng mà người Vân Kiều sống ở Quảng Bình. Riêng ở Quảng Trị có nơi chỉ cưới hai lần. Mới đây, có đôi vợ chồng Hồ Keeng, 60 tuổi và vợ là Hồ Két, 55 tuổi ở thôn Pa Hy, xã Tà Long, huyện Đakrông, cưới nhau lần thứ nhất vào năm 1970. Mãi đến tận năm 2014, tức là sau 44 năm mới tổ chức cưới lần thứ hai. Họ làm đám cưới lớn để mong gia đình hai bên công nhận là vợ chồng chính thức. 

Cùng xã còn có ông Hồ Văn Chương sinh năm 1948, đi bộ đội chiến đấu và lăn lộn khắp nơi, mãi đến khi 45 tuổi mới cưới vợ lần đầu (năm 1993). Nhưng cũng phải mất 9 năm sau mới tổ chức cưới lần hai. Khi ấy ông Chương đã 54 tuổi...

Đó là chuyện nặng nợ trong quá khứ. Thầy giáo Hồ Xuân Long tâm sự, ngày nay các thủ tục đã được giảm bớt nên việc tổ chức cưới ba lần không khó khăn như trước, nhưng vẫn bảo đảm hạnh phúc lâu dài và sống hạnh phúc trọn đời. Chính vì thế mà các đôi vợ chồng người Vân Kiều rất ít ly hôn. Ngỡ như mọi sự trở nên ràng buộc nhưng lại là sợi dây tơ hồng được người Vân Kiều hết sức trân trọng và coi đó là đạo đức và nguyên tắc gây dựng và tồn tại của một gia đình hạnh phúc.

Giai điệu xuân bên sông Sê Pôn

Đó là dư âm long lanh của những bài ca về mối tình của những chàng trai cô gái Lào Việt. Họ cũng là những người con của dãy Trường Sơn hùng vĩ và thắm tình hữu nghị. Con sông Sê Pôn là dải lụa dịu dàng giữa nước ta và nước bạn Lào vây quanh huyện Hướng Hóa. Dòng sông luôn chứng kiến những đêm trăng sáng, các chàng trai và cô gái ở hai bên bờ sông hướng về nhau. Họ đã đi lễ hội “Sim” trên con sông hiền hòa. Ánh trăng huyền diệu làm xao xuyến những cặp mắt yêu thương. Câu chuyện tình yêu không biên giới luôn luôn thắm tình hữu nghị và không bao giờ cách xa.

Tôi nghe thày giáo Hồ Xuân Long trò chuyện và hình dung các đôi trai gái bên đôi bờ Sê Pôn đang giao duyên trong ánh trăng xuân.  Chàng bên này sông tỏ bày trong lời ca: “Tiếng em nói sao nghe mềm mại như tơ. Tiếng em hát, anh nghe vui như tiếng ve mùa hạ. Tiếng em nói vào lòng anh như tiếng cồng từ bên kia suối Pling vọng sang...em ơi”. Bên kia sông nàng thổn thức đáp lời: “Anh bắt được con nai. Em muốn anh là con rể của mẹ. Anh săn được con gấu, em muốn anh là con rể của cha”. 

Tiếng họ “Sim” tình ca rạo rực cả núi rừng. Tôi có cảm giác mình đang trôi trong những tầng mây tình yêu. Bên rừng chim hót véo von. Và nghe, dưới con suối Pling cá quẫy tưng bừng làm ánh trăng cũng rơi xuống từng mảnh cứ lấp lánh, lấp lánh soi rọi ánh sáng xuân đang mọc lên từ đỉnh núi Trường Sơn.

Vương Tâm
.
.
.