Đi qua những miền quả ngọt

Thứ Bảy, 27/06/2015, 10:00
Mùa hè là thời điểm nhiều vườn quả vào mùa thu hoạch. Không đa dạng như vựa hoa quả ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhưng miền quả ngọt phía Bắc cũng có nhiều nét riêng, độc đáo.

Thiên đường… mận

Đầu năm vừa rồi chúng tôi có mặt ở Bắc Hà (Lào Cai). Giữa tiết xuân ấy, mận Tam hoa bung nở. Lạc bước trong vườn mận Tam hoa của ông Sén Dìu Pa (dân tộc Nùng) ở thôn Xín Chải (xã Na Hối – huyện Bắc Hà), chúng tôi vô cùng thích thú. Len qua những gốc mận Tam hoa, ông Pa vỗ vai tôi bảo:

- Tháng 6 nhớ trở lại ăn mận nhé. Mùa mận chín cũng có vẻ đẹp riêng đấy.

Nghe ông Pa nói, tôi cũng cố tưởng tượng ra vườn mận Tam hoa của ông khi vào mùa thu hoạch và thấy trong cuống họng vị chua chua rôn rốt của trái mận Tam hoa. Nhưng quả thực, cũng không dám chắc có quay lại được đúng vào mùa mận chín.

Bẵng đi, bây giờ đã sang tháng 6. Mới sáng ra thời tiết nóng như rang. Chuông điện thoại reo lên, tôi mở máy. Giọng ông Pa hồ hởi:

- Mận Tam hoa đã vào mùa thu hoạch rồi. Nhớ lên nhé, lên đi cho biết thiên đường mận.

Lời mời của ông đúng vào lúc chúng tối cũng muốn chạy trốn khỏi thành phố nóng bức, chật chội. Đi thôi, để trốn cái nắng hầm hập. Đi để hưởng cái không khí mát mẻ vùng cao. Vậy là chúng tôi lên đường…

Khuôn mặt sạm nắng và đôi tay gân guốc, ông Sén Dìu Pa hồ hởi bắt tay chúng tôi. Ông dẫn chúng tôi đi vào vườn mận sai trĩu trịt. Đúng là “trên là trời, dưới là mận”. Từng cành, từng cành với những quả tròn lúc lỉu màu đỏ phấn trắng lấn át màu xanh của lá. Vị giác như được đánh thức nơi đầu lưỡi, thấy cơn khát đường xa như dịu lại. Cắn một miếng mận, nghe vị chua thanh lan tỏa trong miệng, phóng mắt ra xa nhìn cảnh thu hoạch mận vào những giỏ, xô, chậu, gùi lớn gùi bé, chúng tôi cảm giác như lạc vào thiên đường của mận.

Bắc Hà – mùa mận chín.

Ngồi dưới gốc mận 30 năm tuổi, ông Pa kể, ông bắt đầu trồng mận Tam hoa từ khoảng năm 1985. Ban đầu chỉ dám trồng thử vài chục gốc mận Tam hoa. Rồi dần dần, thấy loài cây này thích hợp với đất đai khí hậu Bắc Hà ông mới mở rộng diện tích trồng nhiều hơn. Cứ lấy sức người mà bạt đồi, bạt đá, đến nay vườn mận của ông rộng hơn 3ha, với trên 1.500 gốc mận Tam hoa.

Trước khi vào nhà ông Pa, chúng tôi đã ghé chợ vùng cao Bắc Hà. Râm ran trong chợ đã thấy người ta kháo nhau năm nay mận được mùa, được giá, cao gấp 3, 4 lần năm ngoái. Thương lái vào tận nơi để mua, vận chuyển về xuôi nên người dân rất vui vẻ, không phải lo chuyện vất vả bán hàng, đổ mối nữa. Lý giải điều này, ông Pa bảo:

- Nhờ vào cái đường cao tốc đấy.

- Đường cao tốc nào vậy? – Tôi thắc mắc.

Ông Dìu Pa cười giòn tan:

- Cái đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai đó. Nhờ cái đường đó mà bà con chúng tôi cũng dễ dàng hơn.

Thì ra là vậy. Con đường cao tốc đã thông, thời gian từ Hà Nội đến Bắc Hà rút ngắn bằng nửa so với trước nên mận Tam hoa về đến miền xuôi vẫn còn tươi ngon, chất lượng. Chính vì thế mà năm nay mận được giá, đắt hàng.

Rời vườn mận của ông Sén Dìu Pa, chúng tôi thuê xe máy đi xuyên qua những thôn bản tấp nập cảnh thu hái mận.

Bắc Hà còn được người ta nhớ với cái tên quen thuộc: Cao nguyên trắng. Điều ấy đúng vào mùa xuân. Bây giờ, ngắm những vườn mận chạy ven đường, chúng tôi thầm nghĩ, có lẽ phải đổi thành… Cao nguyên tím mới đúng! Màu mận chín đi đâu cũng gặp, khiến cho cuộc sống của bà con dân tộc ở các bản Na Hối, Lầu Thí Ngài, Bản Phố, Thải Giàng Phố, Tà Chải… cũng đỡ phần vất vả. Với du khách, lên Bắc Hà là ngắm mận Tam hoa. Còn với người dân ở đây, mận là cây xóa đói, giảm nghèo, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào nhiều dân tộc nơi đây.

Chúng tôi rẽ vào vườn mận nhà ông Vàng Văn Ưởi (thôn Na Kim, xã Tà Chải). Mặc dù mận Tam hoa năm nay được mùa, nhưng ông Ưởi cho biết, vườn mận của ông cũng chỉ có hơn 200 gốc. “So với năm ngoái thì bằng một nửa”, ông Ưởi nói. Ông muốn “phân chia” cái rủi ro sang loại cây khác. Kẻo nhỡ nếu chỉ trồng một loại cây là mận, nhỡ đâu mận mất mùa, hoặc được mùa nhưng bị ép giá thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Theo ông Ưởi, vụ mận năm nay của gia đình ông sản lượng chỉ đạt khoảng 3-4 tấn, nếu cứ bán được giá như hiện nay thì ông cũng thu về khoảng 70 đến 80 triệu đồng.

Theo con số thống kê, toàn huyện Bắc Hà có xấp xỉ 1.300ha mận Tam hoa. Tuy vậy, ông Lê Văn Khiêm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho biết, tổng diện tích trồng mận toàn huyện năm nay chỉ thu hẹp về 500ha, bằng 1/3 diện tích năm 2010 (thời kỳ trồng đại trà). Tuy nhiên, do được chăm sóc tốt nên quả mận vụ này to đều, sản lượng ước từ 1.200-1.500 tấn. Do hình thức đẹp, chất lượng tốt, nên giá mận Bắc Hà đến thời điểm này bắt đầu vào chính vụ nhưng vẫn bán được trung bình 20.000 đồng/kg, tăng gấp 4 lần niên vụ 2014.

Mận Tam hoa đã làm nên thương hiệu, góp phần phát triển kinh tế cho vùng đất này. Song, không phải người sành ăn nào cũng có thể phát hiện ra đâu là mận Tam hoa thật, đâu là hàng… tương tự? A Tráng  – anh bạn người Mông cả đời gắn bó với những gốc mận tôi gặp ở Bản Phố bày cách phân biệt:

- Mận Tam hoa chính hiệu thì quả to, cùi dày, dóc vỏ, mẫu mã đẹp lắm. Khi cắn vào miệng, cảm nhận rõ vị giòn, ngọt đậm nhưng vẫn pha chút chua chua, thơm mát thì mới là mận của vùng này.

- Quả mận Tam hoa còn có lớp phấn trắng trên vỏ? – Tôi hỏi.

Tráng nói ngay:

- Đúng đấy. Quả chín đỏ, đặc biệt phải có lớp phấn trắng. Đó mới là giống mận Tam hoa đặc sản Bắc Hà, để phân biệt với các loại mận khác.

Gần đây tôi nghe nói ở Lào Cai mùa này còn có quả thanh mai, tôi bảo Tráng chỉ đường đến nơi trồng loại cây này. A Tráng lắc đầu quầy quậy:

- Làm gì có. Tôi sống ở đây mấy chục năm nay, có thấy ai trồng đâu. Phải vào rừng sâu may ra mới có. Mà nếu có cũng ít lắm.

Nói rồi Tráng dúi vào tay chúng tôi túi mận nặng trịch:

- Bắc Hà chỉ có mận Tam hoa thôi. Mận Tam hoa là đặc sản, là ngon nhất.

Chúng tôi đã mang theo nụ cười hồn hậu của A Tráng, mang theo tình cảm và cái bắt tay nồng ấm của ông Pa, ông Ưởi… Không quên hẹn mùa mận năm sau sẽ trở lại…

Thủ phủ… vải

Trước khi lên Bắc Hà, chúng tôi đã đến thủ phủ của trái vải thiều. Còn dăm cây số nữa mới tới, nhưng đã thấy xe ôtô lớn nhỏ, rồi các loại xe thồ, xe máy chở vải ngược xuôi, bất chấp thời tiết nắng nóng. Đặc biệt ở chợ Chũ, bạt ngàn là vải. Một màu đỏ au, tươi tắn.

Chúng tôi rẽ vào các vườn vải của bà con nông dân xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), thấy được sự hào hứng của người nông dân khi “năm nay vải được xuất ngoại”. Hỏi ra mới biết, trước khi chúng tôi đến, hơn 2 tấn vải thiều của bà con trồng ra đã chính thức xuất sang thị trường Mỹ, Úc.

Đây thật sự là tín hiệu rất mừng cho miền quả ngọt Lục Ngạn, dẫu biết rằng, để có được niềm vui này là cả một quãng thời gian dài chuẩn bị. Dễ đến cả 5 năm.

Hai tấn vải so với sản lượng vải năm 2015 ước đạt 200 nghìn tấn thì rõ là một con số quá nhỏ. Nhưng đi được vào thị trường khó tính như vậy là cả một bước tiến, mở ra hướng đi mới, thị trường mới cho trái vải thiều đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.

Vậy là không còn bó hẹp trong những thị trường quen, thậm chí phụ thuộc, dễ bị ép giá, bị ùn ứ thê thảm, quả vải thiều Lục Ngạn đã có thêm một lối đi. Các công ty đã ký với vùng vải trồng theo tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường khó tính nhưng ổn định, khẳng định chất lượng và thương hiệu cây trái của mình. Đi dọc các triền đồi mấp mô, nhìn xa hút tầm mắt cũng chỉ thấy những quả đồi vải chín đỏ ối trải dài khắp chân trời mà thấy niềm vui dâng đầy...

Năm nay trái vải được mùa. Ước tính huyện Lục Ngạn có khoảng 700ha vải thiều, sản lượng vải quả năm nay ước đạt 90.000 tấn. Bên cạnh niềm vui về “quả vải được xuất khẩu”, bà con vẫn canh cánh nỗi lo “được mùa mất giá”.

Theo ông Trịnh Viết Phấn, Chủ tịch UBND xã Tân Mộc (Lục Ngạn), ước tính sản lượng vải năm nay cao hơn năm ngoái. Giá cả cũng cao hơn năm 2014 cả chục lần. Tính tới thời điểm này năm ngoái giá bán 2.000 - 3.000 đồng/kg, thì năm nay là trên 20.000 đồng/kg.

Còn một “miền vải” cũng góp thêm danh tiếng của mình vào mùa vải xứ Bắc mà không thể không nhắc đến, đó là Thanh Hà, Hải Dương. Khi chúng tôi đến bà con Thanh Hà đang xôn xao bán vải thiều cho các thương lái. Anh Tiến (nông dân xã Thanh Xá) vuốt mồ hôi trên mặt nói:

- Sắp có một lô vải thiều lớn xuất khẩu sang Vân Nam (Trung Quốc) nên bà con chúng tôi cũng phấn khởi lắm.

Hỏi ra mới biết, các thương lái đang gom vải thiều Thanh Hà. Khoảng 500 tấn vải Thanh Hà được xuất khẩu sang tỉnh Vân Nam. Đây là số vải lớn nhất được xuất từ đầu vụ tới giờ.

Ở Hải Dương, còn một vùng vải nổi tiếng nữa, đó là Côn Sơn. Mùa vải Côn Sơn mãi mãi ngọt lành từ thuở nỗi oan Lệ Chi viên được giải, câu nói “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” của nhà vua tài hoa đức độ Lê Thánh Tông được lưu truyền khắp nhân gian. Để đêm Côn Sơn tĩnh lặng, nghe tiếng vải xạc xào trên các vòm lá, ngửi mùi quả chín nẫu ngọt lan đi trong gió, bóc một quả vải sẽ thấy thấm thía bao sự đời. Những ngọt ngào trắng trong ngọt lành ẩn chứa bên trong lớp vỏ xù xì thô ráp mà khi chín, là lúc dâng đến kiệt cùng cho đời vị ngọt thì cũng cháy đỏ lên đẹp đến nao lòng.

Đăng Khoa – Tuấn Anh
.
.
.