Điện thoại di động (!)

Thứ Ba, 27/01/2015, 12:03
Mấy năm trước, Ngô đọc "Điện thoại di động" của Lưu văn nhân. Chuyện đã lâu lâu, trí nhớ ngày càng suy tàn, nên Ngô không còn minh định lắm. Chỉ nhớ mang máng, đó là tiểu thuyết vừa của họ Lưu viết về những rắc rối xung quanh cái điện thoại di động. Đại loại, ngoại tình lưu dấu vết qua điện thoại.

Năm ấy, Ngô đọc rồi cười hềnh hệch, miệng bảo bụng: "Tay này bịa tài thế". Suýt chút đã bắt chước cụ Nam Cao mà thét lên: "Tiên sư anh Tào Tháo". Bây giờ thì Ngô cũng cười hềnh hệnh, miệng cũng bảo bụng, nhưng bảo: "Tay họ Lưu này thật là người nhìn xa trông rộng, kiến văn thâm sâu không biết đường nào mà lần. Viết đúng như kinh". Đáng tiếc là, điện thoại di động ở thời điểm này, không chỉ có mỗi chuyện ngoại tình lưu dấu.

Anh nhà báo đang thường trú ở châu Âu của Đài Truyền hình Quốc gia vừa biến thành diễn viên hài bất đắc dĩ trên sóng truyền hình bởi anh nhà báo rất thảng thốt: "Mất điện thoại rồi, mất điện thoại rồi, mất điện thoại rồi mà" ngay trên sóng trực tiếp.

Mất điện thoại thì có thảng thốt không (?). Ngô tin chắc rằng, bất cứ ai trong chúng ta đều thảng thốt khi mất điện thoại. Bởi trong ấy có biết bao nhiêu là thứ chúng ta không muốn chia sẻ cùng ai. Điện thoại chính xác là vật ngoại thân. Theo thuyết nhà Phật thì đến thân thể còn là vật ngoại thân huống hồ điện thoại. Thế nhưng, điện thoại bây giờ đâu còn là điện thoại thời tin nhắn mà Lưu văn nhân từng viết.

Điện thoại ngoài số điện thoại cần liên lạc còn có tin nhắn, ngoài tin nhắn còn hình ảnh, ngoài hình ảnh còn clip.

Không phải thi thoảng, người ta lại run cầm cập bởi những thứ đại loại như là "Trong điện thoại của anh còn đoạn clip rất hay của chúng ta", hoặc "Trong điện thoại của em còn nhiều lắm những kỷ niệm của đôi mình"… Mà không phải trên thực tế đã có rất nhiều câu chuyện trở thành đề tài hấp dẫn trên truyền thông về mấy vụ ký ức điện thoại hay sao?.

Nghĩa là, có quá nhiều thứ liên quan đến điện thoại di động mà chúng ta không thể kiểm soát được. Giả như, tay bạn thân nói "Tôi vừa mất điện thoại", câu hỏi thăm ngay lập tức sẽ là "Trong điện thoại có gì không?". Chứ không phải là, "Điện thoại mất ở đâu? Hiệu gì? Có đắt lắm không? Sao mà xui đến vậy"… Phần nhiều bí mật được giấu trong điện thoại di động, cũng như có quá nhiều thủ thuật ký hiệu trong điện thoại di động. Người ta đã bắt đầu có thói quen xem việc cầm điện thoại của người khác là vô phép, là bất lịch sự. Thậm chí, cặp đôi đang yêu chuẩn bị cưới nhau, sẽ có một thỏa thuận miệng "Làm gì cũng được, cấm lục điện thoại của nhau". Rồi ai đó lại khuyên rằng "Muốn để gia đình ấm êm, đừng kiểm soát điện thoại của chồng hoặc vợ".

Ngộ nghĩnh chưa?. Một công cụ để liên lạc thuận tiện, phút chốc biến thành điểm yếu của rất nhiều người.

Lâu trước, vẫn trên Đài Truyền hình Quốc gia có anh nhà báo ném vội điện thoại dưới sàn của phòng quay khi đang trả lời phỏng vấn trực tiếp mà bất thần có điện thoại. Thật ra, Ngô đã từng chứng kiến rất nhiều pha lúng ta lúng túng khi có điện thoại đột ngột.

Nên anh cười vì hành động của nhà báo khi ném điện thoại thì cứ cười, còn Ngô - Ngô lại cực kỳ ủng hộ.

Như Ngô vậy, mấy lần điện thoại hết pin thì đó chính là mấy lần Ngô cảm thấy thoải mái nhất.

Đúng là, tự nhiên đang yên đang lành thì sinh ra điện thoại di động. Không phải chỉ mình Ngô, mà rất nhiều người đã từng có suy nghĩ ấy.

Có điều, bản thân điện thoại thì chẳng bao giờ có lỗi. Lỗi chăng là chúng ta đã để điện thoại có cơ hội biến thành một phần đời sống của chính mình.

Ngô
.
.
.