Đình làng Việt

Thứ Tư, 05/08/2015, 11:38
Gọi là nhóm như thường gọi trên facebook chứ đến bây giờ nhóm "Đình làng Việt" đã tròn con số 4.000 người tham gia. Cũng gọi như trên facebook thì đây là nhóm công khai, thích thì kết nối. Khác với rất nhiều nhóm khác trên mạng, nhóm "Đình làng Việt" đã có 8 lần gặp gỡ. Tuy chưa là con số hàng nghìn người trong một lần gặp nhưng đã là con số hàng trăm. Họ gặp nhau ở nơi rộng rãi nào để có sức chứa đông vậy? Thưa: sân đình.

Cây đa, bến nước, sân đình từ bao đời nay đậm sâu trong tâm thức của người Việt. Say mê với không gian yên tĩnh và cổ kính, say mê với dáng mái, với những đường nét chạm khắc nơi đình làng, Nguyễn Đức Bình cùng các bạn trẻ đã mở trang Đình làng Việt trên facebook, đặc biệt là người vợ rất năng động của mình Vũ Mai Thơ. Họ trở thành cặp vợ chồng trưởng thôn của Đình làng Việt

Khi hỏi Vũ Mai Thơ về ý tưởng này, chị nói: - "Trước khi về công tác tại Tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, anh Bình công tác tại Viện Mỹ thuật thuộc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Em thì công tác ở Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều năm nay, anh ấy đã say mê đình làng Việt và đang làm luận văn về đề tài này. Niềm say mê của Bình đã cuốn cả em cùng nhiều bè bạn tham gia vào sân chơi trên Facebook "Đình làng Việt" để những nhà nghiên cứu, kiến trúc sư chia sẻ, trao đổi thông tin, để cho những ai say mê đình làng Việt cùng vào tham gia".

Một buổi gặp mặt của nhóm “Đình làng Việt”.

Nghe thì đơn giản, vì bây giờ với công nghệ truyền thông việc kết nối thuận lợi nhanh chóng, thích và không thích nữa cũng thật dễ dàng. Người ta cho rằng bạn trên mạng chỉ là bạn ảo, nhưng với nhóm "Đình làng Việt" thì đình làng là trường tồn và những người bạn cùng yêu đình làng Việt không hề ảo. 

Cặp vợ chồng này cùng một số bạn đã tổ chức những chuyến điền dã về với đình làng. Về những nơi mà Trưởng thôn Bình đã đến nơi đây năm nào đó để anh chia sẻ lại những hiểu biết của mình với mọi người, để cùng cảm nhận, cùng hiểu và yêu hơn vốn cổ, di sản nghệ thuật của cha ông. Hoặc, nhiều bạn trẻ rất yêu quê hương, tự hào về quê hương mình, bạn mong muốn mời nhóm về thăm quê, bạn giới thiệu đình làng quê mình và cũng để được nghe mọi người nhìn nhận, đánh giá về đình quê mình, cùng cất tiếng nói để di sản được gìn giữ, bảo vệ... Đôi khi,  một bạn trong nhóm giới thiệu về ngôi đình làng quê bạn hoặc bạn đã đến có lần. Có thể đi trong một ngày cho nhiều người thì phải tổ chức đi thôi

Ngồi lần giở trang "Đình làng Việt" mà lướt mỏi tay. Những tấm ảnh được chụp ở nhiều góc độ khác nhau, những hình chạm khắc trên mái, nơi dui mè, xà ngang dọc ở đình làng. Còn đó năm tháng của ông cha để lại cho con cháu nối đời thờ cúng, vái vọng về quê cha đất tổ. Chăm lễ đình làm ăn mới phát đạt. Chị Vũ Mai Thơ cho rằng như vậy, sau những trải nghiệm trong các chuyến đi đến các đình làng. Ở đình Đồng Kỵ, ngoài rằm, mùng một, chỉ khi người dân có lễ cần cầu xin mới mở cửa đình. Lễ phải gồm gì khi tôi hỏi chị. Tùy tâm. Dù chỉ hương hoa.

Chuyện ở đình Hồi Quan - Từ Sơn. Việc bày biện sư tử đá không phải là linh vật của di tích, rồi việc đặt ban thờ đá, lư hương chắn tâm đạo của đình, nơi vốn để dân làng đứng hành lễ. Những vật này do các thành viên hội đồng niên hàng năm cung tiến. Hôm đó, khi trống đình đổ hồi, dân làng kéo đến rất đông... 

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế và Nguyễn Đức Bình phải trình bày trước các bậc trưởng lão, đại diện của chính quyền, phải thể hiện được sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa, sự chân thành, thậm chí viện cả vấn đề tâm linh để nhận được sự đồng thuận của các cấp, các ban ngành đoàn thể đồng thuận cho phép di dời hiện vật lạ, linh vật ngoại lại trước sự chứng kiến dân làng. 

"Cũng không hiểu sao nhưng khi di dời con sư tử đá thì đúng lúc đó có đàn cò trắng bay qua cô ạ. Chắc là thuận ý trời nên dân làng vui vẻ và các thành viên đại diện nhóm vui lắm" - Bình kể lại:

"Đình làng Việt" những điều còn - mất đâu chỉ vậy. Một bức tường đất rêu phong dấu vết xa xưa của một đất nước nông nghiệp, của làng quê Việt nơi đình Vường - Bắc Giang muốn giữ  mà vẫn bị phá đi. Rồi vụ tu bổ mà như phá đình Tiên Canh - Vĩnh Phúc hay việc đình Cam Thịnh thay ngói bằng cách "độn" gạch lỗ trong quá trình trùng tu…

 Cứ kể vậy, cứ tính thế thì có bao nhiêu đình chùa trên đất này đang trùng tu, thậm chí phá bỏ xây mới. Một khi lễ hội, cúng bái đã rầm rộ như hiện nay thì việc làm cho to tát, thậm chí lai tạp, phá bỏ đi tất cả, con người đôi khi cũng dám làm. Những mái đình xưa, cổng làng xưa hội tụ bao khí thiêng sông núi, gắn bó bao đời bỗng biến mất, bỗng bị thay thế...

Trăn trở của nhóm "Đình làng Việt" về những điều còn - mất hình như đang ngược chiều với xu hướng hiện đại, không chỉ trong nếp sống mà cả trong văn học nghệ thuật. Kể cả những lễ hội đình làng đang bị xu thế kinh doanh lấn áp. Cứ pha trộn, pha trộn như vậy thì chất dân tộc sẽ mất dần đi. 

Sắp tới đây, tại Hà Nội một triển lãm của “Đình làng Việt” sẽ được trưng bày đem đến cho người xem nhiều tâm tư về nghệ thuật dân gian Việt, về cuộc sống người Việt trong ký ức còn lưu giữ trên những nét chạm khắc bình dị mà tinh tế. Sau triển lãm này, nhóm "Đình làng Việt" chắc sẽ đông hơn, sẽ có nhiều chuyến đi điền dã đến những đình làng xa xôi, hẻo lánh với những hoạt động thiết thực đóng góp cho công tác gìn giữ, phát huy vẻ đẹp văn hóa Việt Nam qua biểu tượng Đình làng Việt.

Bùi Kim Anh
.
.
.