Dọc đường phố xá vùng biên

Thứ Bảy, 31/10/2015, 08:00
Dọc theo đường 13 đến tận cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) nơi nào cũng thấy cây dầu và tượng đài. Hình ảnh ấy minh chứng rằng vùng đất này đã một thời đi qua, chiến tranh. Bình Long - Lộc Ninh bây giờ là một vùng đất giàu có, đường rộng, cây xanh phố xá sầm uất.

Tuy nhiên, những ai đã từng sống tại đây vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước đều không bao giờ quên được những cuộc chiến bi hùng.

Tám giờ sáng từ thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương), theo quốc lộ 13 xuôi về biên giới Tây Nam, ai đã từng đi qua con đường này bây giờ trở lại mới nhận ra sự phát triển đến mức “dữ dội”. Từ một vùng đất chiến tranh bom đạn cày lên xới xuống đã trở thành khu kinh tế mở. Con đường rộng trên 30m phẳng lỳ hai bên là phố xá, khu công nghiệp và rừng cao su bạt ngàn.

Bến Cát cũng đã lên thị xã, khá nhiều mũi tên chỉ đường ngang dọc. Ven con lộ này khá nhiều quán cà phê võng, nước dừa 15.000đ một trái to, nước mía, rau má 5.000đ một ly, đa số khách hàng là dân phượt đi xe phân khối lớn. 

Tại một quán nằm dưới tán cây dầu ở Chơn Thành, tôi hỏi cặp tình nhân trong khi họ đang nhờ bà chủ cho mật khẩu wifi để cập nhật lộ trình, được họ cho biết: “Chúng cháu đi một vòng trải nghiệm các khu rừng cao su, các di tích và biên giới theo gợi ý của bố mẹ cháu”. “Từng tuổi này cần gì phải bố mẹ, như chuyện chuyện tình yêu í, mình tự đi tìm mà!”, tôi cười cười thăm dò. Cô cậu thật thà: “Bố cháu nói: Con người yêu quê hương trên sách vở chưa đủ, phải có sự trải nghiệm. Cuộc đời thực bao giờ cũng sinh động và nghiệt ngã hơn”.

Đi trên lộ trình dài, gặp dân phượt xuất thân từ một gia đình đàng hoàng thật thú vị. Cũng trên đường này vài tiếng đồng hồ sau, gặp nhóm phượt tóc vàng, tóc nâu nói năng bạt mạng, xem người như cỏ rác. Không cần hỏi cũng biết là họ xuất thân từ gia đình nào. Đối với nhóm trẻ này, đồng tiền và quyền lực đánh bại nhân cách và văn hóa con người.

Những thành phố cây dầu

Ở miền vùng biên này không biết vì lý do gì, cây dầu được trồng trong nội thị và các con đường ngoại ô. Hình ảnh cây dầu hiền khô đứng đội nắng, đội mưa cho người cho đời đến mức trở thành nỗi nhớ. Tây Ninh có Gò Dầu, hồ Dầu Tiếng. Bình Dương có Thủ Dầu Một, chùa Cây Dầu. Đồng Nai có ngã ba Dầu Giây… Tận Nha Trang xa xôi cũng có cây dầu đôi từ thời Trịnh Nguyễn, người ta cố tình để lại nhớ chứng tích một thời đi mở đất.

Trước khi xuôi về con đường vùng biên, tôi ghé thăm những “cụ” dầu ở bờ sông Đồng Nai tại thành phố Biên Hòa. Những “ông cụ” này có thời trở thành đình đám từ bài thơ tự sự Cây Dầu của một nhà thơ có tên tuổi. Cây dầu cũng như ngọn núi, chúng là những “hộp đen” ghi lại sự thăng trầm, cũng như gió thổi qua miền tối sáng.

Đường phố cây dầu.

Từ chuyện cây dầu ở thành phố Biên Hòa, tôi lại nhớ cây dầu đôi ở ngã ba Diên Khánh, Nha Trang. Có một nhà văn viết rằng “dưới bóng cây dầu đôi vẫn còn in bóng quân lính của Chúa Nguyễn, quân viễn chinh Pháp - Nhật - Mỹ vào ngồi nghỉ mát, rồi từ những người mua gánh bán bưng, các anh xe ôm, đến các cô gái bán hoa đêm về chờ khách… Nó là chứng tích có thật. Cách đây vài năm, khi cây dầu đôi bị lá rụng trơ cành, chính quyền Khánh Hoà lập tức cho triển khai một dự án "cứu" cây dầu đôi. Thế là các nhà lâm học, sinh thái hàng đầu được mời vào để “khám lâm sàng”. Người Diên Khánh quý cây dầu này như báu vật.

Lúc rời Biên Hòa, tôi ôm “cụ” thì thầm: “Cụ Dầu ơi! Sao cụ không nói gì để tâm sự với người quanh ta về mình. Cụ uống nước sông Đồng Nai, cụ thở khí trời ở xứ mình, cụ sống bằng âm dương trời - đất, đâu có nhận bổng lộc của ai, cớ sao cụ không nói một tiếng để bảo vệ ông nhà thơ viết tự sự như ông Thế Lữ thổi hồn con hổ ở vườn bách thú”.

Phiên bản những phố trồng dầu kéo dài đến biên giới bắt đầu từ Bình Dương. Sử sách ghi rằng tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập vào tháng 12 năm 1899, trước đó là một trấn nhỏ từ thời nhà Nguyễn. Thuật ngữ Thủ Dầu Một mang nghĩa "Thủ" là giữ, "Dầu Một" là một cây dầu cổ thụ. Theo truyền khẩu, đồn binh canh giữ tại huyện lỵ Bình An nằm trên ngọn đồi có một cây dầu lớn. Sau này người dân đi mở đất lên Bến Cát, Chơn Thành, Bầu Bàn, Hớn Quản, Bình Long, Lộc Ninh đến đâu họ cũng trồng để nhớ quê tạo thành phố thị cây dầu kéo dài đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.

Trở lại vùng biên

Năm 1976, lúc tác nghiệp khóa học quân sự, tôi đã đến An Lộc, thủ phủ tỉnh Bình Long cũ. Ngày ấy An Lộc điêu tàn, 1/3 thị xã là gạch vụn tan hoang, trên những bức tường chi chít lỗ đạn, các loại dây bìm hoa tím bò phủ lên như một màu ly biệt. Ngoài đường vẫn còn các xác chiến xa T54-M48-M113 nằm trơ mình đã bắt đầu gỉ sét, những người dân biên giới làm nghề cao su lam lũ im lặng như chiếc bóng. Họ là những người di tản chiến cuộc mới trở về. Ngày ấy chưa đủ lớn, chỉ thấy bàng hoàng đau xót cho bà con vùng biên chứ chưa hiểu rằng bất cứ bên nào chiến thắng người dân vẫn là người bị nhiều thua thiệt. Có lẽ các huyện lỵ vùng biên giới ở Đông Nam này, Bình Long là nơi chiến tranh ác liệt nhất, trên đất nước mình hình như không nơi nào có một nấm mộ chôn đến 3.000 người như tại An Lộc xưa.

Theo sử sách, Bình Long có từ năm 1875 dưới thời vua Tự Đức. Đó là vùng đất bazan trù phú, nơi có nhiều đồn điền cao su nằm sát biên giới. Tại vùng đất đỏ xa xôi này, năm 1938 người Pháp đã mộ phu từ Bắc vào Nam để rồi cột chặt cuộc đời họ với những gốc cây xa lạ. Vào những năm ấy, nhiều thợ cày ở Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên… giũ bùn đứng dậy đi phu vào Nam đã bị sốt rét hoặc chết đói giữa rừng cao su không mộ chí. Những người còn sống gọi tên nhau bằng số đi phu như ông 65 bà 71… Ngày ấy người Stiêng lùi dần về rừng, họ là nhân chứng về những bóng người Kinh thấp thoáng trong rừng cao su với thân hình tiều tụy đói khát lặng lẽ nhập nhòe giữa mủ và máu.

Sau năm 1970, Bình Long là cứ điểm chiến lược của hai bên để thăm dò tiềm lực quân sự và chỉ huy tác chiến. Các sư đoàn hùng mạnh hai phía tập trung về đây để thử nghiệm chiến trường thông qua các vũ khí hiện đại. Sau này khi trở thành người cầm viết với hàm sĩ quan quân đội, tôi được gặp cả các vị chỉ huy cấp tiểu đoàn hai bên, nghe họ kể mà cảm thấy nỗi buồn thời chiến.

Khu di tích mộ 3.000 người ở Bình Long.

Lần này trở lại Bình Long, một phố thị giàu có, nhà cao, đường rộng với những cây dầu vẫy tay chào đón. Thị xã Bình Long dân số 57.590 người chủ yếu sống bằng nghề trồng và chế biến cao su thô trên diện tích 14.077ha, xuất khẩu 119.322 tấn, doanh thu 8.414 tỉ, lợi nhuận 3.190 tỉ, nộp ngân sách 974 tỉ. Đây là con số của thời hoàng kim, còn bây giờ giá cao su hạ xuống dưới 9 ngàn đồng/ký nhiều bà con đang kêu trời. Khi tôi đến, tình cờ xem hàng chữ chạy trên màn hình VTV1, tháng 9-2015, Bình Phước đã phá bỏ 1.800ha cao su mà không nói rõ để trồng mới hay vì giá xuống thấp phải chuyển hướng cây trồng.

Tuy giá cao su xuống kịch trần, dân tình mất ăn mất ngủ nhưng ngay Rằm Trung thu, tại huyện Hớn Quảng giáp ranh với Bình Long tổ chức lễ hội chọi trâu với các bảng quảng cáo đỏ đường. Ở nước mình chỉ có Đồ Sơn là xứ sở của lễ hội này, nay lại xuất hiện đến biên giới Tây Nam. Thấy lạ tôi ghé vào xem cho biết. 

Toàn cảnh lễ chọi trâu có gần 10 ngàn người, trong đấu trường có đến 24 “ngưu thủ”. Nhìn những trận tranh hùng, tôi lại liên tưởng đến lễ đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên. Mỗi vùng miền đều có lý do tổ chức lễ hội ăn mừng, tuy nhiên nhìn những con trâu hiền lành đầy máu me bò lết cảm thấy tội tội. 

Sau khi kết thúc, tôi đi theo một anh bạn mới quen, nói giọng Bắc. Tôi hỏi: “Xứ mình tổ chức chọi trâu đây là lần thứ mấy hả anh?”. “Lần thứ hai rồi, nhưng mấy cha làm vụ này chắc hơi bị điên”. “Sao lại điên! Đông vui mà, cũng để quên bớt giá cao su ảm đạm chứ!”. Ông đứng lại nhìn mặt tôi như muốn ăn thua: “Tôi hỏi ông! Trung thu là tết con nít. Thiếu gì cách người lớn ăn theo, mà ăn theo vào đúng ngày này. Cho con nít xem cảnh đâm chém, lớn lên chúng húc như trâu thì bỏ mẹ. Này nhé! Ở Hải Phòng lễ chọi trâu tổ chức ngày 5 đến 8 tháng 6 âm lịch. Đồ Sơn ngày 9 tháng 8, chứ đâu phải ngay Rằm Trung thu như ở đây. Nghe nói trâu của đại gia có chức quyền chứ không phải dân lương thiện trồng cao su à nha!”. Ông lên xe nổ máy chạy xuôi về biên giới, lầm bầm điều gì đó. Thực tình tôi không biết ông đúng hay sai.

Đêm không ngủ

Anh Ngô Việt Sương, 60 tuổi, là dân Bình Long chính hiệu. Anh là con trai ông Ngô Văn Học mang số 65 từ Thái Bình đi phu vào Nam năm 1943. Do được điện báo trước, anh Sương đón tôi tại quán cà phê nằm ở bùng binh thị xã.

Lâu lắm rồi mới gặp lại anh. Chỉ mới U60 nhưng tóc râu bạc trắng, nhớ vài chục năm trước, anh to con, đẹp trai, hát hay đàn giỏi được nhiều cô gái cùng thời “xin chết”. Anh Sương là người có tài, chẳng học qua trường dạy nghề nào nhưng xe gì anh sửa cũng được từ máy cày, xe máy, phun thuốc anh đều làm rốt ráo. Đã có lần anh tự chế máy cắt cỏ, cứ mỗi lần thành công anh nổ như pháo Bình Đà, tuy có nhiều người ghét nhưng ai cũng trân trọng ông kỹ sư chân đất đa tài. Bây giờ anh Sương điếc nặng, mấy mươi năm gặp nhau, tôi hỏi: “Anh lên hàm ông nội, ngoại chưa?”. Anh cười ha hả: “Ông điên à! Cháu tôi mới vài tuổi, mà hỏi nó lên chức nội ngoại chưa!”. Tôi cười ngã lăn vì biết anh hiểu nhầm.

Đêm ấy, ông bảo vợ làm hai con vịt nấu cháo, bóp gỏi, đặt lên bàn một can rượu đế. Trong hơi men ngà ngà, anh kể: “Cái xứ cao su này, tôi đã sống cả một đời người, Bình Long nhìn trên bản đồ trông như vét tơ chiếu thẳng xuống Sài Gòn. Có nghĩa là Bình Long còn, Sài Gòn còn. Bình Long mất, Sài Gòn cũng ra đi. Chính vì thế người Pháp trồng cao su để bảo vệ từ xa, sau này chiến tranh khốc liệt, người ta đưa các chiến xa hạng nặng để trấn thủ. Vào năm 1972, quốc lộ 13 gần ngang hàng với xa lộ kinh hoàng ở Quảng Trị. Năm ấy, từng đoàn người gồng gánh chạy nạn, ven đường xác người hai bên loạn xạ. Mãi cho đến hòa bình vẫn còn người chết. 

Chuyện rằng: có một ông tên Duy trúng số độc đắc, với tinh thần thiện nguyện, ông bỏ ra nửa tỉ bạc làm con đường dân sinh. Đến khi đào bị bom nổ, chết cả mấy chục mạng người. Bây giờ Bình Long giàu có hơn, cuộc sống no đủ nhưng chỉ trông cậy độc nhất vào cao su, với giá cả bọt bèo cũng chán thấy mẹ. Tuy nhiên kinh nghiệm cho biết sau khi giá xuống thấp rồi sẽ vọt lên. Mấy cha nào chặt bỏ sẽ hối tiếc ông ơi!”.

Đêm đã khuya, xóm làng vùi vào giấc ngủ, chỉ còn tiếng gió thổi vu vơ từ rừng cao su tím ngắt. Anh cạch ly với tôi lầm bầm: “Là nhà văn, nhà báo mà về Bình Long chỉ để ngủ, thì về làm gì. Đêm nay tôi dẫn ông ra phố xem người ta đội đèn gánh rau họp chợ, rồi sau đó vào lô cao su xem cạo mủ, để biết thế nào là hơi thở cuộc sống. Chứ ngồi nhà phịa, thằng đếch nào chả làm được. Ví dụ như đến một huyện thị nào đó, thấy mặt phố nhà cao cửa rộng, con người văn minh mà không chịu men theo ngõ ngách ở phía sau để chứng kiến những căn nhà ổ chuột. Nơi ấy là những phận người nhếch nhác trôi theo dòng đời cơm áo... Nhà văn các ông, đa số là những người nghèo nhưng lại thích tô điểm mấy thằng giàu để kiếm chác, kể cũng lạ. Đó là những thằng bẻ cong ngòi bút ông biết không!”.

Hai giờ sáng, chúng tôi mò ra chợ rau. Chợ đêm Bình Long đèn đường sáng rực, các xe rau từ Đà Lạt về í ới gọi nhau, có một quán cà phê treo bóng điện nhạt nhòa vang lên tiếng hát kéo nhựa mang nội dung cuộc tình tan vỡ do ca sĩ Chế Linh thể hiện cảm thấy buồn buồn. Tôi dừng lại nơi mấy chị em vừa hạ gánh rau trên đầu đang đội đèn pin như dân đi cạo mủ, hỏi: “Rau vườn nhà mình phải không chị?”. “Đúng rồi! Hái lúc chiều tối, đây là đọt su 20 ngàn 1 ký, đọt lang 10 ngàn, rau ngót, rau đay 3 ngàn/bó. Rau sạch đấy!”. Chị bán rau cười vui như Tết. Nghe cách nói biết chị là dân chạy chợ chuyên nghiệp, vì người mới ra buôn bán thường mang gương mặt “đưa đám” kèm theo cách giao tiếp cộc cằn.

Mót mủ cao su.

Ba giờ sáng, chúng tôi mò ra rừng cao su, khi đến các lô đã thấy những ánh đèn pin đội đầu lấp lóe, được nghe tiếng cạo vào thân cây soàn soạt. Tôi hỏi: “Vì sao phải làm sớm thế này?”. Anh Sương giải thích: “Nghề này cực khổ lắm, người lấy mủ không kể mưa nắng ngày đêm. Thông thường 11h đêm đi cạo đến 3h sáng mới xong, ngồi nghỉ một tí quay lại trút mủ từ cây cạo đầu tiên để kịp sáng mai giao sản lượng. Hôm nào gặp mưa vẫn phải lầm lũi làm, không thể đụt (trú) như những công việc khác. Vì thế đa phần mùa này đều mang áo mưa để công việc không bị gián đoạn”. Chúng tôi cố bám theo người cạo mủ, hầu hết trong họ đều trang bị quần áo phòng hộ, đầu đội đèn, rất khó đoán là đàn ông hay phụ nữ khi chưa nghe tiếng nói. Vì lúc chúng tôi đối diện nhau, ánh đèn chiếu thẳng vào mặt, làm mình chói mắt.

Năm giờ sáng, công việc trút mủ xong, lại xuất hiện một nhóm người khác vào rừng cao su đi thoăn thoắt từ cây này qua cây khác như bóng ma. Tôi hỏi một nhân viên bảo vệ có gương mặt bặm trợn, được anh cho biết: “Đây là những người mót sái, họ đi từ 5h sáng kiếm thêm thu nhập. Tôi chạy theo mới phát hiện phần đông là phụ nữ. Khi được hỏi, một cô gái trả lời: “Đi mót mủ kiếm thêm mà, mỗi buổi được 10 ký, giá mỗi ký 5 ngàn. Kiếm tiền đi chợ, mà ông theo tui làm gì cứ lẽo đẽo như đi rình vậy!”. “Theo chơi mà”. “Có gì đâu mà chơi!” Cô gái ngoe nguẩy mang gùi bỏ đi không một lời từ biệt.

Sáu giờ sáng, vườn cao su sáng dần hiện lên những hàng cây thẳng tắp xa tít cả cây số. Người lạ nhìn rừng cao su xanh mướt này chắc hẳn không ai biết có những người sống về đêm lặng lẽ cực nhọc như thế. Khi đến một gốc cao su lớn thấy có 4-5 dây trắng to gần bằng chiếc đũa thòng xuống đất. Tôi hỏi, được chú bảo vệ trả lời: “Đó là dây kẽm, được nối tiếp từ miệng cạo trên cao để cho mủ chảy xuống đất”. “Vậy mình phải trèo lên 4-5m để cạo à!”. “Có dụng cụ riêng”. Anh bảo vệ vào kho mang cho tôi xem vài cây cạo dài ngoằng. Anh nhìn tôi thương hại pha lẫn cáu gắt: “Hỏi gì hỏi luôn đi, thức cả đêm rồi, phải đi kiếm gì bỏ bụng, đói lắm”. Chưa kịp chờ tôi trả lời, anh nổ máy xe chạy, tôi phóng theo nói như hét: “Anh đợi tôi đi với, sáng nay tôi bao anh uống cà phê ăn hủ tíu, tôi có tiền trong túi đây”. Anh quay đầu lại la oai oái: “Cảm ơn, phải về nhà rửa mặt đánh răng thay bộ đồ dính mủ chứ”.

* * *

Chúng tôi trở về phố hơn 7 giờ sáng, ngoài đường xe cộ tấp nập, các quán cà phê, quán ăn nhộn nhịp. Những người sống về đêm từ rừng cao su trở về đang còn đâu đó. Tuy họ là những lao động nghèo nhưng là người trực tiếp làm ra của cải cho xã hội. Tôi không biết những người mua nệm  Kim Đan, vỏ xe, giầy dép… hằng ngày, họ có biết những người làm nghề trồng cao su đêm về lặng thầm dưới gốc cây, cạo - trút từng giọt mủ để góp phần tạo ra của cải cho đời, bây giờ đã và đang sống ra sao! Nhưng suy cho cùng xã hội mà, có người làm nghề này, có người làm nghề khác. So sánh làm sao được.

Ký sự: Trần Đại
.
.
.