Đời hến bên sông Trà

Thứ Hai, 04/04/2016, 09:15
Mùa này, sông Trà Khúc cạn khô, từng dải cát trắng phơi mình dưới đáy sông như những con cá trê khổng lồ thoi thóp cầu mưa. Dưới cái nắng chớm hè khốc liệt của miền Trung, những tấm lưng sờn cong mình, dầm thân xuống vũng nước ít ỏi còn sót lại để nhặt nhạnh từng con hến, con ốc bé như đầu đũa, que tăm. Họ nhỏ bé, trơ trọi giữa lòng sông, như những thân cò áo vải.


Thân cò áo vải

4 giờ chiều, trên con đường làng rợp bóng tre dẫn vào xóm Nổi (thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) chỉ thấy mấy đứa trẻ ngồi tha thẩn nghịch cát và mấy chú bò thung thăng nhai rơm. Trời nhá nhem tối, từ dưới mé sông, dăm bảy bà già cổ đeo chậu, đầu đội thúng đầy ắp ốc và hến hối hả lên bờ. Bà Nguyễn Thị Đức (75 tuổi) hớt hải cắp một rổ ốc hến đi mà như chạy về nhà cho kịp đổ mối cánh lái buôn. 

Thành quả sau một ngày dầm nước.

Người bà ướt từ đầu xuống chân, môi bà tím ngắt, tay chân nhăn nhúm, trắng bệch do ngâm nước cả ngày trời. Vừa về tới nhà, bà ngồi bệt giữa sân lấy sàng, rổ nhanh thoăn thoắt lọc lựa phân loại đâu là ốc, đâu là hến và đâu là sỏi đá. Đó là công đoạn cuối cùng của một ngày đãi hến. Nó chiếm thời gian rất nhiều, phải tỉ mỉ, cần mẫn và tinh mắt nếu không nhặt lẫn đá sỏi thì bị người mua quở trách, mất giá.

Để có được một rổ hến như vậy, bà Đức phải dậy từ lúc 3 giờ sáng, soi đèn pin, chèo đò năm cây số đường sông đến địa điểm có hến. Bà neo đò giữa bãi, dầm mình xuống nước và bắt đầu cào, đãi, lọc, lựa. Mỗi người chọn một vũng nước rồi dầm dề từ tờ mờ sáng đến trưa, khi nào đói thì nhảy lên đò ăn cơm xong lại lao xuống nước cho đến chiều tối. 

Nhìn từ xa giữa bãi sông vắng, họ như những đốm trắng, cần mẫn đội nắng nhặt từng con ốc con hến. Một ngày ra sông, bà Đức đãi được khoảng 7 đến 8kg vừa hến vừa ốc vừa sỏi đá. Do mắt kém nên bà cứ nhủi rồi đãi, cho tất vào thúng mang về phân loại sau. Có hôm, về nhà lựa đi mất một nửa là sỏi đá.

Bến đò của dân đãi hến dưới chân cầu Trà Khúc.
Sau khi đãi hến về, là công đoạn lọc lựa phân loại.

Bà Đức làm nghề đãi hến ở sông Trà Khúc từ thời con gái, lấy chồng vẫn làm và "gần đất xa trời" vẫn bám. Thật ra, bà cũng muốn bỏ nghề lắm, nhưng vì tuổi già không ai thuê mướn, bà đã từng đi làm giúp việc nhưng bị người ta chê ghê quá không chịu được. Bà lại quay về đãi hến, tuy phải thức khuya dậy sớm nhưng được cái tự do, thoải mái. Làm được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, ngày nào mệt thì nghỉ. Bà bảo, vất vả nhất của nghề là phải dãi nắng dầm mưa, ngâm mình dưới nước.

Bà già rồi, chẳng còn gì để mất nữa nhưng lớp chị em thanh niên và trung niên vẫn còn "sinh lý" hằng tháng mà phải dầm mình dưới nước thì cơ cực, khổ sở không nói hết được. Ngày xưa còn trẻ bà cũng trải qua mấy chuyện đó, bà hiểu rất rõ, nhưng nước sông thời ấy trong lành, chưa ô nhiễm nên dầm suốt mà chẳng việc gì, vẫn "sạch sẽ" và đẻ sòn sòn ba đứa con. Còn bây giờ nước sông ô nhiễm, rác thối thải ra hòa vào nước, chị em bị viêm nhiễm, đàn ông ghẻ lở là chuyện thường.

Suốt đời bà chỉ có mỗi nghề đãi hến, vậy mà bà nuôi được ba đứa con ăn học nên người, chúng thoát ly hết, không đứa nào theo nghề của mẹ. Chồng mất, bà thui thủi một mình, lầm lũi, khóc cười với ốc hến. Hỏi bà đêm hôm mò mẫm giữa sông không sợ trúng gió hay gặp sự cố gì? 

Bà thở dài: "Mấy chục năm chưa bị trúng gió, chắc ông trời thấy mình nghèo nên thương. Cơ thể mình dầm nước cũng lờn rồi, chỉ sợ viêm nhiễm chứ chẳng sợ trúng gió đâu". Bà kể, ở xóm có chị Hiên vừa sinh con được hơn tháng đã xuống sông đãi hến, mà khỏe re, không làm sao cả. Ở đây đàn bà làm nghề này vạm vỡ lắm, thân thuộc với sông nước và thân thương với con ốc con hến cả rồi.

Mùa hến rộ nhất là từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, trùng với mùa hè nên có dầm nước cũng đỡ lạnh giá. Dưới cái nắng như đổ lửa của miền Trung, trên đầu cuốn hai ba lớp khăn, đội thêm cái nón rộng vành vẫn cảm thấy nắng xuyên thấu vào óc, còn "phần ngâm ở dưới nước" thì lại lạnh teo. Có đêm về nhà đầu đau như búa bổ mà thân nhiệt thì run cầm cập.

Chừng nào sông Trà hết nước mới thôi

Chiều tối, cánh lái buôn tập trung nhộn nhịp ở đầu làng đón những người đãi hến trở về để thu mua. Thường thì mọi người đi làm cả ngày nên rất mệt mỏi, bán tháo cho khỏe còn về nhà nghỉ lấy sức. Cũng có người muốn kiếm thêm chút tiền, tự chế biến và mang ốc của mình đi bán dạo. Tối nào bà Lê Thị Han (82 tuổi) cũng mang ốc ra chợ đêm rao bán. 

Sông cạn, hến cạn kiệt, mỗi lần đãi chỉ được rất ít.

Do già yếu nên mỗi ngày bà chỉ kiếm được 4-5kg hến, nếu bán cho cánh buôn thì được bảy mươi ngàn, còn tự mình bán thì được một trăm. Bỏ chút công xào nấu và bỏ chút thời gian ban đêm nhàn rỗi cũng kiếm được thêm vài chục ngàn. Số tiền ấy, đối với dân đãi hến là cả một câu chuyện. Nó sẽ giúp cho đứa cháu của bà có tiền ăn sáng, giúp cho bữa cơm của gia đình có thêm "chất tươi".

Chợ đêm ven bờ sông Trà Khúc hoạt động tấp nập nhộn nhịp, toàn nam thanh nữ tú dắt tay nhau đi ăn uống nhậu nhẹt, hầu như quán nào cũng có món hến ốc đặc sản sông Trà. Phía sau những đĩa hến vàng rụm, những nồi ốc nóng hổi mấy ai biết đó là mồ hôi, nước mắt chát đắng của những người đàn bà lam lũ, dãi nắng dầm sương ngâm mình mười mấy tiếng đồng hồ dưới lòng nước đục ngầu, dơ bẩn. Và mấy ai biết, cái rổ ốc hến bà lão đeo vẹo cả xương sườn, uốn cong lưỡi mời chào, kỳ kèo trả giá là nồi cơm, bát cháo của cả gia đình. 

Ngày xưa cả làng đi đãi hến, đèn pin lấp lánh như sao trời, tiếng cười nói rôm rả giữa đêm, vui như đi hội. Mấy năm nay sông Trà Khúc cạn, ốc hến lặn đi đâu hết khiến nhiều người bỏ nghề. Người đãi hến đìu hiu chợ chiều, đa phần đàn ông chuyển nghề sang làm sỏi cát hoặc đi vào Nam làm công nhân, chỉ còn lại cánh bà già, ông già không ai thuê mướn trụ lại với nghề.

Niềm vui của bà Han sau một ngày đãi hến.

Sông nước bao đời ôm trọn con người vào lòng, chở che, nuôi nấng nhưng cũng phũ phàng "nuốt" tất cả rồi cuốn đi. Cách đây ba năm, khi đang cặm cụi đãi hến, anh Tần giẫm phải hố cát xoáy, anh chỉ kịp ới lên một tiếng rồi thụt rất nhanh, cậu con trai cách đó hơn chục mét nhào lại nắm được cánh tay của cha vừa gào khóc vừa cố gắng lôi nhưng càng lôi thì anh Tần càng bị cuốn mạnh xuống vũng xoáy. 

Con trai bất lực nhìn cha "tan" vào lòng cát. Từ ngày anh Tần bị "hà bá" nuốt, người đãi hến sông Trà vẫn hiên ngang xuống nước, dường như họ không sợ. Họ đúc rút quan niệm "sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người", sợ thì lấy gì mà ăn. Người đi đãi hến tự trang bị bảo hộ cho mình. Trước khi nhảy xuống nước, họ buộc dây thừng ngang lưng, neo dây vào đò. Nếu có mệnh hệ gì, dây thừng sẽ cứu. 

Bà Han cho biết: "Chết thì không sợ, nhưng sợ nhất là vỏ hến, vỏ ốc chết nó găm vào chân tay tứa máu ra. Hôm sau xuống nước chỗ vết thương ấy xót không chịu được". Nhiều người xấu máu, chỗ vết thương về mưng mủ, sưng tấy phải nghỉ ở nhà một thời gian. Như trường hợp của chị Tím, do vết thương nhiễm trùng, chị chủ quan, coi thường vẫn đi đãi hến, sau đó ngón chân cái bị hoại tử phải cắt bỏ và chị Tím cũng phải từ giã nghề.

Bao năm nay, nghề đãi hến không chỉ là công việc kiếm cơm mỗi ngày của xóm Nổi, họ yêu nghề, như yêu hòn đất quê hương. Hỏi bao giờ bỏ nghề? Bà Đức, bà Han đều quả quyết: "Chừng nào sông Trà Khúc hết nước thì thôi". 

Ngọc Thiện
.
.
.