Đừng biến các em thành con vẹt

Thứ Tư, 09/03/2016, 08:41
Nhà văn Nguyễn Khải lúc còn sống có kể lại một câu chuyện khá thú vị. Con trai ông được cô giáo giao một bài tập về nhà, nội dung của bài tập đó là phân tích tác phẩm "Mùa lạc" do chính Nguyễn Khải sáng tác và là một trong số những tác phẩm tiêu biểu của ông.


Nguyễn Khải đã dành cả buổi tối phân tích chính tác phẩm của mình rồi đưa con trai nộp cho cô. Thật bất ngờ, khi trả bài, cô giáo thẳng tay cho bài văn đó 2 điểm với lời phê mà đọc xong, "cha đẻ" của "Mùa lạc" cũng phải choáng váng: Dùng từ sai, em không hiểu ý tác giả.

Đó là một câu chuyện nhỏ nhưng cũng phản ánh bản chất việc dạy và học Ngữ văn của chúng ta bao nhiêu năm qua. Trước một đề bài nào đó, giáo viên sẽ cho học trò sao chép dàn ý với 3 nội dung chính: Mở bài, thân bài, kết luận. Cẩn thận hơn là có một bài văn mẫu. Học sinh chỉ việc về nhà ê a, học thuộc lòng như một con vẹt. Đến khi kiểm tra, em nào bê nguyên xi được dàn ý hoặc nhiều nội dung bài văn mẫu của cô giáo thì đạt điểm cao, chệch với dàn ý hay bài mẫu thì đương nhiên phải nhận điểm thấp.

Minh họa của Lê Tâm.

Dạy và học kiểu này, cả thầy và trò đều nhàn, vì đâu cần sáng tạo, bay bổng, mở rộng vấn đề mà độ an toàn lại cao. Nhưng điều đáng buồn nhất chính là việc học sinh bị triệt tiêu hứng thú khi học Ngữ văn. Nghĩ đến những bài văn dài dằng dặc phải đọc rồi học thuộc, nhiều em đã ngán ngẩm lắc đầu. Để tạo được sự yêu thích học văn cho các em quả là điều không đơn giản nhưng trước hết, chính thầy cô đứng trên bục giảng phải là người truyền lửa. Niềm say mê của thầy cô trước những áng văn hay, những thân phận thăng trầm của đời sống sẽ truyền cảm hứng tích cực tới các thế hệ học trò.

Kỳ thi THPT vừa qua, khi con thi xong, tôi có dịp cầm và đọc kỹ đề thi môn Ngữ văn. Không chỉ riêng tôi mà nhiều phụ huynh cũng phải giật mình. Đề thi gì mà chi chít chữ, kín đặc cả 2 trang A4. Tất nhiên, người ta nêu lý do là không chỉ có phần tự luận mà cả các câu hỏi liên quan tới ngữ pháp, nhưng tôi vẫn cứ thấy kỳ quặc khi cầm đề thi đó. Nếu nó chỉ ngắn bằng 1/3 hoặc 1/4 có phải tốt không. Các em sẽ không mất thời gian đọc đề, không phải đối chiếu với các từ ngữ trong đề và người chấm cũng đỡ vất vả hơn.

Ngay cả các thầy cô trường Sư phạm khi nói chuyện với tôi cũng không khỏi ngạc nhiên về đề thi này. Họ cho rằng, riêng đề thi môn Ngữ văn cần có sự bay bổng, kích thích sự lãng mạn, liên tưởng của học sinh, nên để các em viết tự luận nhiều về những vấn đề xã hội các em quan tâm. Từ đó, tạo cho các em tư duy độc lập, không bị lệ thuộc, không phải lải nhải theo các bài văn mẫu.

Vậy thi Ngữ văn năm nay, năm thứ hai đổi mới của một kỳ thi quốc gia sẽ diễn ra như thế nào?

Đại diện lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, thi THPT quốc gia năm nay sẽ tiếp tục đặt ra yêu cầu ở 2 mức độ cơ bản và nâng cao. Trong đó, dự kiến tỷ lệ điểm dành cho mức độ cơ bản chiếm khoảng 60% tổng số điểm và nâng cao 40% để đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh. Đề thi ra theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng cường các câu hỏi vận dụng kiến thức, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Để môn Ngữ văn để đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia, Hiệu trưởng một trường THPT cho rằng, với cách ra đề mở, học sinh buộc phải chịu khó tìm tài liệu liên quan để đọc và nắm những nội dung mấu chốt ngoài sách giáo khoa. Bên cạnh đó, các em sẽ tự tìm cho mình cách phân tích, bình luận, liên hệ để hiểu sâu hơn một vấn đề nào đó… Có kiến thức nền tảng vững, học sinh mới có thể làm tốt được bài thi với cách ra đề mở, quan tâm cả kiến thức Ngữ văn lẫn hiểu biết xã hội, thời cuộc. Còn nếu học sinh chỉ học tủ theo tác phẩm, học thuộc lòng như con vẹt các bài văn mẫu chắc chắn sẽ không thể làm tốt được bài thi.

Tất nhiên, những hạn chế của kỳ thi trước sẽ được khắc phục trong kỳ thi năm nay. Và từ những cuộc thi, nhiều người sẽ kỳ vọng vào sự đổi mới không chỉ phù hợp với điều kiện thực tế mà còn tưới vào tâm hồn các em tình yêu trong sáng với văn học, những khát khao đẹp đẽ trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Tuấn Nguyễn
.
.
.