Đừng tự biến mình thành kẻ ngốc

Thứ Năm, 11/06/2015, 14:30
Phụ nữ thật kỳ lạ. Họ có thể chi tiêu dè xẻn, chặt chẽ từng đồng nhưng một khi đã sa chân vào "công cuộc" cải thiện nhan sắc thì họ sẵn sàng ném vào đó những khoản tiền không nhỏ.
Cũng phải thôi. Thời nay đã khác, khi cái ăn cái mặc không còn là nỗi lo thường trực thì cái đẹp lên ngôi. Ai cũng muốn mình có một hình ảnh đẹp nhất trong mắt người khác. Một trong những tiêu chí đầu tiên mà các bà, các chị quan tâm là thu hẹp số đo 3 vòng, hậu quả từ những bữa ăn quá nhiều chất đạm để thỏa mãn niềm say mê ẩm thực của mình.

Không khó khăn gì, giờ lên mạng sẽ thấy vô vàn các loại thuốc giảm cân được quảng cáo bằng những lời dễ nghe nhất: Giảm 6-8kg trong một tháng; Vẫn được ăn thoải mái, không cần kiêng khem; Có thể đánh tan, đốt cháy mỡ đúng chỗ cần giảm trong thời gian ngắn nhất… Đúng là chỉ có thần dược mới làm được những điều kỳ diệu đó. Với những người có chuyên môn thì đây là chuyện nực cười. Bởi theo họ, nguyên tắc đơn giản nhất, dễ hiểu nhất cho một người muốn giảm cân chỉ gói gọn trong 4 từ: giảm ăn, tập luyện.

Vậy đấy. Giảm ăn nghĩa là chỉ nạp năng lượng vào cơ thể vừa đủ theo một chế độ nghiêm ngặt và kiên trì tập luyện mỗi ngày. Vĩnh viễn không bao giờ có một loại thuốc nào giúp người ta giảm cân nhanh mà vẫn được ăn uống thả phanh.

Từ đầu năm 2014 đến nay, có hơn 40 loại thuốc giảm cân bị Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo không nên sử dụng. Trước đó, từ năm 2009 - 2012, FDA đã thu hồi và cấm lưu hành 274 sản phẩm giảm cân. Hầu hết thuốc có nguồn gốc từ Mỹ, Nhật, Trung Quốc... chứa một trong 27 hoạt chất gây nguy hại cho sức khỏe. Bên cạnh đó, có nhiều loại thuốc mập mờ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác cũng như hướng dẫn sử dụng, thuốc giả, kém chất lượng.

Mới đây, Cảnh sát quốc tế (Interpol) đã đưa ra cảnh báo toàn cầu về những viên thuốc giảm cân DNP được cho là nguyên nhân gây ra cái chết của 6 thanh niên Anh khiến nhiều người bàng hoàng. Theo đó, Cảnh sát 190 quốc gia đã được cảnh báo về loại thuốc giảm cân trái phép, một mối đe dọa chết người đối với những khách hàng mờ mắt vì những viên thuốc giảm cân DNP thần kỳ bán nhan nhản trên mạng với giá cực rẻ và nhiều người có thể mua để sử dụng (23.000 đồng/viên).

Minh họa của Lê Phương.

Thật ra, thuốc giảm cân chỉ là một vấn đề nhỏ trong xã hội hiện đại. Có quá nhiều sản phẩm khác trôi nổi trên thị trường ngoài tầm kiểm soát của các nhà quản lý. Những lời quảng cáo sản phẩm có cánh đã đánh trúng vào thị hiếu người tiêu dùng và khi niềm tin đã bị đánh cắp, họ mau chóng trở thành nạn nhân của những trò bịp bợm, lừa đảo, nhẹ thì mất một khoản tiền, nặng thì đi bệnh viện, nặng hơn nữa là mất cả tính mạng.

Vậy những người bị thiệt hại có cách nào để bảo vệ mình? Về lý thuyết là có 4 cách: Hòa giải, thương lượng, trọng tài và tòa án. Tuy nhiên, nếu được hỏi, nhiều người sẽ chọn thương lượng và hòa giải vì đỡ mất thời gian, sự phiền hà và đây cũng là cách giải quyết phổ biến trong xã hội hiện đại. Còn thực tế, có hẳn Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, hoạt động trên một phạm vi rộng nhưng người dân hầu như không biết đến tổ chức này.

Một hội thảo mới đây tại Hà Nội với chủ đề "Quyền người tiêu dùng Việt Nam - các vấn đề và giải pháp" đưa ra một con số khá buồn: Trong số 46% người tiêu dùng mua phải hàng hóa kém chất lượng so với quảng cáo hoặc hàng không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chỉ có 2-3% người tiêu dùng sử dụng kênh khiếu nại hoặc khởi kiện khi quyền của mình bị xâm phạm.

Đơn giản là họ chưa thật sự tin tưởng vào cơ chế bảo vệ hay không thoải mái vì những chi phí phát sinh khi khởi kiện. Mặt khác, rõ ràng là công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, hoạt động của tổ chức này cũng như những kết quả đã làm chưa tạo được dấu ấn nhất định nên người tiêu dùng chưa thể đặt niềm tin.

Vì vậy, các bạn hãy tỉnh táo, cân nhắc trước khi móc hầu bao. Có quá nhiều thông tin chia sẻ trên mạng hoặc qua tư vấn của các nhà chuyên môn, người đã từng sử dụng sản phẩm. Đừng tự biến mình thành kẻ ngốc và trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo.

Tuấn Nguyễn
.
.
.