Mua hàng trả góp ưu đãi lãi suất 0%: Đừng tưởng đỏ là chín

Thứ Năm, 25/12/2014, 11:03
Giá cao ngất ngưởng, khuyến mãi bị bớt xén, hậu mãi bị bỏ rơi, thành con nợ vay nặng lãi… là thực trạng của nhiều khách hàng đang phải chịu khi tham gia mua hàng trả góp. Từ "ưu đãi", khách hàng trở thành bị "ngược đãi", ngậm ngùi chịu quả đắng vì quá nhẹ dạ rơi vào "ma trận" bán hàng trả góp của doanh nghiệp (DN).
Ưu đãi hay ngược đãi?

Cứ vào dịp cuối năm, khi mùa "sale" đến, các DN, cửa hàng lại tung ra chiến dịch mua hàng trả góp nhằm lôi kéo khách hàng. Đối tượng mà các cửa hàng này nhắm đến chủ yếu là sinh viên, người thu nhập thấp nhưng có nhu cầu sử dụng "cao". Trong vai một khách hàng có nhu cầu mua hàng nhưng thiếu tiền, chúng tôi đến một cửa hàng bán điện thoại ở Thái Hà (Hà Nội) quảng cáo trả góp 0%.

Khi chúng tôi hỏi mua một chiếc Iphone 6 với hình thức trả góp, nhân viên ở đây yêu cầu phải có chứng minh thư và sổ hộ khẩu. Ngoài số tiền phải trả trước trị giá khoảng 30% sản phẩm, khách hàng phải trả lãi suất hằng tháng, mức 2,7% (tương đương lãi suất 33%/năm), còn mức lãi suất 0%, khách chỉ được hưởng vào tháng cuối cùng. Trong quá trình trả góp hằng tháng, nếu khách hàng trả chậm ngày sẽ bị phạt từ 100.000 - 300.000 đồng. Với cái kiểu "nắm đằng chuôi" này, dĩ nhiên cửa hàng không bao giờ chịu thiệt, chỉ có khách hàng đặt bút ký hợp đồng sẽ gánh vào một cục nợ tương đương với việc vay nặng lãi.

Ngoài ra, vì là điện thoại trả góp giá rẻ nên các khuyến mại đi kèm như tấm dán màn hình, tai nghe... sẽ bị cắt bỏ hết. Đấy là chưa kể, vì không phải là cửa hàng được ủy quyền chính hãng của Apple nên các chế độ bảo hành đều không có. Điều này đồng nghĩa với việc, sau khi đã nhận sản phẩm, khách hàng sẽ tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng, và nếu hỏng hóc gì thì cũng phải tự lo lấy.

Nhan nhản quảng cáo mua hàng trả góp lãi suất 0%.

Ngoài hình thức "tay bo" tự mình khuyến mãi như trường hợp nói trên, hình thức các cửa hàng, trung tâm điện máy hợp tác cùng ngân hàng (NH) đưa ra những chương trình mua trả góp lãi suất 0% là rất phổ biến. Có thể điểm danh những trung tâm, siêu thị điện may lớn như Nguyễn Kim, MediaMart… cũng đồng loạt "tung" hình thức bán hàng trả góp hấp dẫn này.

Chương trình  "Ưu đãi trả góp - Trả trước 0 đồng - Lãi suất 0%"  do MediaMart hợp tác cùng ACS, HDF, HSBC, ANZ, FE Credit  được triển khai với hàng nghìn mặt hàng điện máy, máy tính, mobile, nội thất. Theo đó, tùy từng đối tác, thời gian triển khai có thể kết thúc vào ngày 31-12-2014 hoặc kéo dài sang đầu năm 2015. Để tăng thêm tính hấp dẫn, bên bán hàng còn cam kết MediaMart áp dụng cho mọi khách hàng với thủ tục thuận tiện, đơn giản, nhận sản phẩm ngay, không cần chứng minh tài chính, không cần thế chấp tài sản…

Liên kết "dài hơi" hơn, Sacombank cùng với Nguyễn Kim ngay từ giữa năm đã có chương trình trả góp dành cho khách hàng dùng thẻ của Sacombank và mua sắm tại Nguyễn Kim. Cụ thể, chương trình kéo dài từ 28-5-2014 đến 31-3-2015, trả góp lãi suất 0% trong 12 tháng khi thanh toán thẻ tín dụng của NH Sacombank, áp dụng cho tổng giá trị thanh toán trên hóa đơn từ 3 triệu đồng trở lên. Ngoài điện máy, tham gia mua sắm trả góp với lãi suất "siêu thực" 0% được các NH và DN liên kết ở tất cả mọi lĩnh vực, thượng vàng hạ cám đủ cả: từ điện máy, hàng gia dụng, đến cả học ngoại ngữ, yoga, trang sức, vàng bạc, du lịch, thẩm mỹ, hay chữa bệnh...

Những lời quảng cáo "có cánh" với hàng loạt ưu đãi khiến các khách hàng "nhẹ dạ" rất dễ "sa bẫy". Thậm chí, để "câu" khách hàng, Sacombank còn cho rằng, việc đăng ký tham gia mua hàng trả góp là chứng minh được mình là khách hàng thông thái, vì đây cách mua sắm tiết kiệm và hiệu quả nhất, là "kim chỉ nam mua sắm" dành riêng cho bạn - chủ thẻ tín dụng quốc tế Sacombank.

Nếu chỉ nghe những lời chào mời, khách hàng rất bị "dụ khị" để tham gia. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết mức lãi suất 0% mà các DN đưa ra chỉ áp dụng tối đa cho 3 tháng đầu, và tập trung vào các sản phẩm xa xỉ. Ví dụ, tại siêu thị M. ở Long Biên (Hà Nội), nhân viên ở đây cho biết, lãi suất 0% chỉ dành cho khách mua trả góp điện thoại Iphone, và chỉ được hưởng 3 tháng đầu, còn lãi suất từ tháng sau là 2,3%, tức tương đương lãi suất 28%/năm, một mức lãi suất cao ngất ngưởng. Đấy là chưa kể, mức giá bán cho 1 chiếc điện thoại Iphone 5S 16GB lên tới 14.580.000 nghìn đồng, trong khi đó, nếu mua đứt bán đoạn, giá chiếc điện thoại này ở nơi khác bán chỉ với mức từ 11.500.000- 12.900.000 đồng, rẻ hơn từ 2-3 triệu đồng.

Như vậy, nếu cứ "ảo tưởng" về những ưu đãi siêu thực này, người dùng sẽ chịu thiệt, bởi lợi ích của khách hàng trong các chương trình chỉ là tối thiểu. Chỉ có DN và NH là người hưởng lợi: DN đẩy được hàng giá cao, còn NH, do một trong những điều kiện bắt buộc để tham gia chương trình dạng này là người mua phải có thẻ tín dụng, vì thế họ sẽ có thêm đối tượng khách hàng mới để khai thác tiếp trong tương lai.

Đng tr thành "nô l" tin bc

Không phải chỉ các DN có nhu cầu giải phóng hàng tồn rao bán hàng trả góp lãi suất 0%, mà ngay cả chính các nhà băng cũng tìm cách đẩy vốn ra nền kinh tế bằng cách chủ động liên kết với DN, cho khách hàng vay lãi suất 0% để mua những sản phẩm của họ. Cụ thể, tại NH TMCP Đông Nam Á (SeABank), chương trình cho vay mua xe Mercedes lãi suất 0%/năm trong 12 tháng đầu tiên đang được triển khai. Tuy nhiên, mức ưu đãi trên chỉ áp dụng cho các dòng xe C200, C250, C300, A200, A250 với tỷ lệ vay tối đa 75% giá trị xe. Hay một nhà băng khác là NH TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đưa ra chương trình hỗ trợ tín dụng mua nhà. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2014, HDBank hỗ trợ lãi vay 0 đồng trong 12 tháng đầu tiên dành cho khách hàng mua căn hộ Dự án Celadon City (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Khách hàng được hỗ trợ lãi vay và không phải trả vốn gốc trong vòng 1 năm đầu tiên kể từ khi ký hợp đồng và được giải ngân vốn, nhận nhà ở với lãi suất giảm 1%/năm trong năm tiếp theo.

Bình luận về hiện tượng kinh doanh này, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc cho mua trả góp lãi suất 0% trước tiên cần ghi nhận nỗ lực của cả DN bán hàng, cũng như NH trong liên kết kích cầu tiêu dùng và kích cầu tín dụng. Song điều này cũng cho thấy thực trạng của nền kinh tế là sức mua của người dân còn kém, khả năng chi trả cũng còn bị hạn chế nhiều. "Tuy nhiên, việc này cũng có 2 mặt của vấn đề. Khi nó gia tăng được thị phần, làm tăng sức mua của người dân, nó cũng gia tăng luôn rủi ro mà người mua hàng phải chịu.

Nếu trả một cục, dù có thể sẽ vất vả, nhưng sẽ "ngáy o o", còn tự dưng ôm một cục nợ vào người, đêm nằm lại "lo ngay ngáy". Cứ sáng mai mở mắt ra, áp lực trả nợ lại treo trước mặt. Đặc biệt, nếu vay dài hạn, rủi ro càng lớn, kiểu như "đêm dài lắm mộng": nào là trục trặc trong thanh toán, nguồn thu nhập không ổn định, dẫn đến khách hàng bị phạt lãi cao...

Lúc này, để có tiền trả, khách hàng lại phải tìm cách vay chỗ khác, lãi mẹ đẻ lãi con, rơi vào vòng luẩn quẩn. Đấy là chưa kể những rủi ro khác như khách hàng không được chọn sản phẩm theo ý thích, mà chỉ được mua sản phẩm do chính DN và NH chỉ định, dẫn đến món hàng mua không phù hợp với nhu cầu sử dụng, cũng như chất lượng sản phẩm không được thẩm định chắc chắn. Rồi hàng loạt phát sinh khác như vấn đề hậu mãi, bảo hành không tốt.

Tham gia mua hàng trả góp, khách hàng luôn phải nhận phần thiệt về mình (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người mua đồ điện tử, nếu gặp rủi ro, để bảo dưỡng, bảo hành sản phẩm, lúc này khách hàng lại phải móc hầu bao một lần nữa, so ra còn đắt hơn nhiều so với mua đứt bán đoạn. Bởi vậy, khách hàng cần tỉnh táo hơn, đọc kỹ điều khoản quy định của DN cũng như NH trước khi ký hợp đồng, đừng "thấy đỏ tưởng là chín". Đặc biệt, phải tìm hiểu kỹ các quy định, yêu cầu nhân viên bán hàng giải thích rõ mọi điều khoản như lãi suất, điều kiện giải ngân và trả nợ, cũng như phụ kiện đi kèm và các chế độ hậu mãi mà khách hàng được hưởng theo quy định, đừng để mức lãi suất hấp dẫn làm mờ mắt, rơi vào "ma trận" lúc nào không biết. Nhưng điều quan trọng là khách hàng phải xem xét thận trọng nhu cầu và khả năng chi trả của mình, tránh rơi vào "cơn xoáy" tài chính, tiêu xài quá mức trở thành "nô lệ" cho tiền bạc" - TS Phong khuyến cáo.

Nhìn theo một khía cạnh khác, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc liên kết giữa NH và DN để mang đến cho khách hàng lợi ích trong việc mua sắm là rất tốt. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp lợi dụng cách thức khuyến mãi này để làm quá lên, chỉ nhăm nhăm lôi kéo khách hàng, thì chính DN, NH sẽ lại bị đối mặt với khoản nợ xấu mà khách hàng không thể trả được. Lúc này, họ sẽ rơi vào bẫy thanh khoản do chính mình giăng ra, gây hiệu ứng domino đổ vỡ liên kết…

Hà An
.
.
.