Nói năng văng mạng cho sướng mồm:

Được bài trừ hay nuôi dưỡng?

Thứ Hai, 31/08/2015, 14:50
Cậu bé nói nền giáo dục "thối nát" và nhiều tính từ khác nữa. Người lớn bảo rằng đến trẻ con cũng bức xúc về giáo dục như vậy, nó chửi là đúng. Những người trẻ hơn thì cổ súy cho rằng em bé này có tố chất lãnh đạo, nói năng cá tính, mạnh mẽ. Nhiều người không ngại phong em làm "bộ trưởng tương lai".
Có bài báo giật tít: "Bộ trưởng tương lai phê bình bộ trưởng hiện tại"... Tóm lại, cậu bé lớp 8 là một người hùng trong mắt nhiều người trong xã hội, sau cái clip "chửi bậy" nền giáo dục ấy.

Nếu là những người lớn hiểu biết và có suy nghĩ, chúng ta chắc chắn sẽ thấy chút gì "gờn gợn" trong toàn bộ câu chuyện này. Chửi bậy vào nền giáo dục từ miệng một đứa trẻ, ừ, thì cứ cho là một nền giáo dục còn nhiều bất cập, thiếu sót đi nữa, có đúng là một người có giáo dục không? Cổ súy cho việc chửi bậy có phải là những người mong giáo dục tốt hơn lên không?

Em học sinh "được lòng" người xem, vì em là một đứa trẻ nói ra những điều người lớn vẫn "chửi" giáo dục. Sự hả hê của đám đông toàn người lớn hơn em cho thấy, còn lâu Hà Nội (và cả nước) mới có thể giải quyết cái gọi là văn hóa nói tục chửi bậy. Dù cho đã có hẳn chỉ thị về việc tuyên chiến với nói tục chửi bậy, theo đó, có thể xử phạt những người nói bậy nơi công cộng, thì chính quyền có thể ngăn chặn được bao nhiêu cái mầm mống nói bậy đang được đám đông dung dưỡng kia?

Một học sinh lớp 8 ở Hà Nội "nặng lời" với giáo dục.

Chúng ta bức xúc với nhiều vấn đề của giáo dục, và của xã hội nữa, đồng ý. Xã hội nào mà chả có những bất cập của nó, dù là châu Á hay châu Âu, dù là nước phát triển hay đang phát triển. Chúng ta muốn thay đổi xã hội theo chiều hướng tốt lên, đồng ý. Nhưng thay đổi chỉ có thể xảy ra khi mỗi người đều nỗ lực góp phần mình dù nhỏ bé vào sự thay đổi chung ấy, chứ không phải cứ ngồi đó mà chửi, mà hả hê với sự chửi của ai đó rồi chờ đợi sự thay đổi đến.

Xin thưa, vai trò cá nhân là cực kỳ quan trọng trong xã hội, ai cũng biết. Nhưng một cá nhân không thay đổi xã hội được nếu không có sự chung sức của toàn xã hội. Để có sự chung sức ấy, nhận thức của từng người về cái đúng, cái cần làm là vô cùng quan trọng. Tiếc thay, trước hành vi nói bậy của một em học sinh, rất nhiều người đã tỏ ý vui mừng, hả hê và cho rằng mình đúng.

Chúng ta mong con em mình được hưởng một nền giáo dục tốt, điều này chính đáng. Nhưng hãy cho con em mình hưởng một nền giáo dục tốt ngay từ trong gia đình, ngay từ lúc con còn chập chững biết đi, và ngay lúc này đi, đừng chậm trễ. Bằng cách hãy dạy con cách phát ngôn sao cho văn minh lịch sự nơi công cộng.

Hãy dạy con biết nói những lời đẹp đẽ mà sâu sắc hơn là văng tục chửi bậy để thỏa mãn sự bức xúc hay để thể hiện cá tính của bản thân. Nên nhớ rằng, tất cả những thảm án hay nhiều câu chuyện đau lòng khác xảy ra trong xã hội thời gian qua, đều ít nhiều bắt nguồn từ khả năng kiềm chế cảm xúc yếu của kẻ phạm tội. Những bức xúc cần được giải tỏa bằng một phương thức khác, không phải bằng nói năng văng mạng cho sướng mồm, hay kinh khủng hơn là bằng bạo lực.

Giáo dục phương Tây cực kỳ chú trọng đến việc dạy cho trẻ em khả năng kiềm chế những cảm xúc tiêu cực.  Vì nếu không biết kiềm chế, hóa giải những cảm xúc tiêu cực, rất nhiều hệ lụy sau đó có thể xảy ra. Thử hình dung, cả xã hội toàn những người không biết kiềm chế cảm xúc tiêu cực, thì xã hội sẽ như thế nào.

Tôi không dám nói những điều cậu bé lớp 8 nói trong clip là sai. Nhưng tôi nói em chưa đúng trong việc chọn từ ngữ để diễn đạt, phát ngôn. Và người lớn là sai trong việc hả hê cổ súy con trẻ nói những lời có tính chất văng tục chửi bậy như vậy. Làm giáo dục không phải chỉ có Bộ Giáo dục, mà là công việc của toàn xã hội, trong đó quan trọng bậc nhất là những người làm cha làm mẹ.

Hãy làm tấm gương cho con trẻ thay vì để con trẻ làm tấm gương cho chúng ta soi vào, theo một cách ngược đời như vậy...

TS Nguyễn Mai Phương
.
.
.