Dưới chân đèo Kon Oh

Thứ Năm, 31/12/2015, 12:07
Đèo Kon Oh nằm ven sông Đạ Đờng giáp với Đắk Nông ở Nam Tây Nguyên. Đây là tuyến đường nối tiếp giữa cao nguyên và đồng bằng. Dưới chân đèo là buôn làng của người Mạ, nay trở thành thị trấn mang tên Đạ Tẻh. Từ một chiến khu giữa rừng già, dân tứ xứ lên lập nghiệp rồi trở thành phố xá, đó là kết quả lao động hết mình của hai anh em Kinh - Thượng.

Hai ngày trước lên đỉnh đèo Kon Oh ghé thăm già làng KĐẹt dân tộc Mạ ở buôn BTạch. Già KĐẹt bây giờ có điện thoại di động nên thỉnh thoảng nhắn tin. Hôm ấy, ông nhắn cho tôi rằng: “Mầy vào buôn chơi đi, tao mới đổi chiếc xe máy lấy cái chiêng 100 tuổi, vô xem nhen mậy!”. 

Già làng KĐẹt đã sống ở đầu đèo hơn 90 mùa bông bí nở. Tuy ông được Chính phủ tặng nhà xây tình nghĩa nhưng ông vẫn thích ở nhà tre để đốt lửa sưởi ấm. Mới đây, ông vận động con cháu làm cho mình một ngôi nhà sàn nhỏ bên bếp lửa hồng rỉ rả suốt đêm. Năm năm trước, có lần ông than thở: “Mình phải có cái nhà sàn riêng để nuôi cái chum cái chóe, còn ở nhà xây chum chóe lạnh lắm, lâu ngày nó cũng bỏ mình thôi”.

Hôm nhận được tin nhắn, tôi phóng xe máy chạy gần 100 cây số đến buôn. Gặp tôi, ông mừng đấm vào lưng thùi thụi, rồi mặc quần đùi dẫn đi giới thiệu vài người, ông xem tôi như con cháu người Mạ thành đạt ở tận Sài Gòn.

Huyền thoại vùng đất có dòng sông nước nóng

Biết tôi chỉ ghé để xem chiêng rồi xuôi theo đèo Kon Oh xuống Đạ Tẻh, già làng KĐẹt chỉ tay xuống đồng bằng hỏi: “Mầy biết Đạ Tẻh người Mạ của tao gọi là gì không?”. Tôi lắc đầu Ơ gít (không biết), ông tiếp: “Bây giờ mầy ra ngã ba mua ba con cá khô và hai xị rượu đế đem về đây, một xị một con cá, tao cúng Yàng, còn lại tao với mầy lai rai. Có tí men rồi Yàng sẽ cho tao kể chuyện xưa, đến vùng đất mới mà không biết lai lịch, cũng như con heo ngu đi dạo chơi thôi mầy ơi!”.

Nghe già KĐẹt đề nghị có lý, tôi chạy mua rượu và nửa ký cá khô Đù, mỗi con to bằng hai ngón tay mang về. Già đem cá ủ tro nóng, sau đó kê lên cột nhà đập chan chát rồi bỏ vào cối giã lẫn với ớt xanh. Nhìn món cá khô được giã quết mịn màng xen lẫn màu xanh của ớt trông rất bắt mắt. 

Người già gốc Tây Nguyên có thói quen, muốn kể lại chuyện xưa phải có chai rượu cúng Yàng để Yàng mở mắt mở tai cho mình. Men rượu là động lực khơi lại trí nhớ, men càng nhiều thì quá khứ càng lung linh, bao nhiêu chuyện thăng trầm của đất của người cứ lần lượt hiện về như bộ phim quay lại một thời ký ức. 

Ông bắt đầu: “Đạ Tẻh theo tiếng Mạ, Đạ là dòng suối, dòng sông, Tẻh là nóng. Chuyện một dòng sông nước nóng khá dài nhưng đại để là thế này: Ngày xưa, ở Nam Tây Nguyên có bốn bộ tộc Mạ là Mạ Ngăn, Mạ Naan, Mạ Xộp, Mạ Đạ Đờng. Sự tích dòng sông nước nóng bắt nguồn từ cây đa thần của Mạ Xộp, gọi là Jri. 

Theo ông bà kể lại, cây đa là nơi Yàng dạy cho người Mạ Xộp tìm sắt và làm thợ rèn. Từ đó người Mạ mới biết rèn cái crao để làm cỏ trên rẫy, rèn con Piachút để vót nan, cái rìu để chặt cây... 

Trước đây, người Mạ coi thợ rèn là con của Yàng nên được bà con kính nể. Mỗi lần thợ rèn chuẩn bị gõ búa phải cúng một con gà sống, rồi lấy tiết bôi và đổ rượu cần lên đe gọi là lễ đánh thức. Sau khi làm ra được thanh sắt, người ta bỏ vào hố nước ngâm cho nguội để dành. 

Tương truyền rằng có một ông thợ rèn khi đang thả sắt ngâm nước, bị một phụ nữ bước vào nên nước cứ sôi liên tục vì bị thần quở. Theo luật người Mạ, đàn ông làm thợ rèn còn đàn bà làm rượu cần. Việc đàn bà vào nơi gặp thần Jri, nên thần tức giận cho nước cứ nóng lên, nóng lan ra suối, nên gọi là Đạ Tẻh là dòng nước nóng”.

Khi kết thúc câu chuyện, ông nhìn tôi chằm chằm: “Tao hỏi mầy, người dân tộc Tây Nguyên theo mẫu hệ, con cái lấy họ mẹ, con trai lấy vợ phải về ở rể 3 năm. Vậy cớ sao người phụ nữ bị xem thường thế. Trong câu chuyện Đạ Tẻh mầy thấy thần Jri giận dữ không! Mầy cắt nghĩa cho tao nghe coi”. Tôi chấp tay xá xá. Ông cười khà khà: “Vậy mầy hết ngu chưa, thằng Heo!”. Mỗi lần gặp tôi, già KĐẹt thường hay tìm một điều gì đó để chửi nhưng bụng dạ của ông rất tốt.

Người con của núi rừng Đạ Tẻh

10h sáng, chia tay già làng KĐẹt, ông tiễn tôi ra sân, còn căn dặn: “Xuống buôn Đạ Kla, tìm gặp KOanh, nó làm đến chức Trung tá ở Đạ Tẻh, bây giờ về hưu rồi, nó biết nhiều chuyện về chiến tranh lắm đó”.

Ngay chân đèo Kon Oh là vùng đất bằng của các xã Mỹ Đức, Quốc Oai, nơi bà con Hà Tây vào lập nghiệp năm 1986. Chạy thêm 6km đến trung tâm thị trấn Đạ Tẻh, ghé quán cà phê hỏi thăm buôn Đạ Kla, khá nhiều người ngơ ngác, cũng may bàn kế bên có 4 thanh niên Mạ đang ngồi rung đùi nghe nhạc, được các em chỉ tay xuống đất cho biết: “Đây là buôn Đạ Kla, bây giờ buôn đã lên phố rồi, còn đâu mà tìm”. Một em chỉ cây xăng trước mặt cách khoảng 50m nói: “Chỗ cây xăng kia là nhà cũ của cháu, cháu được sinh ra dưới bụi tre. Mẹ cháu bán miếng đất đó từ năm 1980”.

Trước mặt tôi là phố xá đường rộng nhà xây, người và xe xuôi ngược. Nhìn thị trấn Đạ Tẻh được xếp là đô thị loại 4, không ai có thể tưởng tượng được vào năm 1958 trên bản đồ quân sự của chế độ cũ ghi hàng chữ “khu Mạ hoang”. 

Vùng đất mang tên dòng sông nước nóng gắn liền với các căn cứ cách mạng. Nơi đây là hành lang đi dọc các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Đồng Nai, Phước Long, Đắk Lắk, còn được gọi là vùng 3 sau này là K4. Từ giữa năm 1976, thực hiện chủ trương của Nhà nước điều động dân cư, xây dựng vùng kinh tế mới, Đạ Tẻh được quy hoạch là khu kinh tế mới tiếp nhận dân từ miền Bắc và miền Trung vào lập nghiệp. Hiện nay huyện Đạ Tẻh có 47.827 người, với diện tích 527,9km2, gồm 1 thị trấn và 10 xã.

Trung tá KOanh.

Tìm nhà Trung tá KOanh không khó, tuy nhà ở mặt phố nhưng ông trồng một cây xoài to và đám mía trước sân. Hầu hết dân Đạ Tẻh sống ở buôn Đạ Kla từ năm 1976 đến giờ nhiều người biết ông đến mức trân trọng. Ông KOanh sinh năm 1940 tại buôn Đạ Kla, tham gia cách mạng năm 1960, ông là một trong những giao liên cừ khôi nhất ở Nam Tây Nguyên. 

Có người nói nếu cộng hết chuyến đi trong đời làm giao liên của ông thì gấp mấy lần từ Sài Gòn ra Hà Nội. Ở hành lang chiến lược này, chỗ nào cũng còn in dấu chân ông. Sau khi thôi làm giao liên, ông trở thành trung đội trưởng du kích vùng 3 quản lý những tay súng bắn tỉa thiện xạ của người Mạ - KHo. Đến năm 1987 ông mang hàm trung tá, Phó chỉ huy chính trị Huyện đội cho đến ngày nghỉ hưu.

Ông KOanh vóc người nhỏ nhắn, cao dưới 1m60. Khi tôi đến, ông mặc quần đùi, khệ nệ đặt bình trà và 4 cái ly nằm trên vạt áo trước bụng mang ra gốc xoài tiếp khách. 

Ông kể: “Đạ Tẻh được như hôm nay là một quá trình làm việc hết mình của chính quyền và nhân dân, trong đó có công của người Mạ. Thời chiến tranh, nếu nói ở sóc Bom Bo người Stiêng giã gạo nuôi quân góp sức góp công cho kháng chiến, thì các chị em người Mạ ở Đạ Tẻh vào đầu năm 1975 chỉ trong hai tuần lễ đã giã 1.500 gùi lúa  phục vụ cho chiến dịch giải phóng Lâm Đồng cũ. 

Cũng vào đầu năm 1975, thực hiện chủ trương của trên là khôi phục và mở đường từ vùng 3 lên dốc Kon Oh đến đồi BRá để đặt trọng pháo, cũng chỉ trong hai tuần, bà con người Mạ đã hoàn thành con đường dài 12km, rồi dùng sức người kéo hai khẩu pháo 130 ly và hàng trăm quả đạn đến trận địa. Cũng chính con đường này trở thành đường hành quân cho Trung đoàn 141 của Sư đoàn 7”.

 Ông hỏi: “Ông vừa từ dóc Kon Oh xuống có ghé thăm BRá không? Bây giờ gọi là tỉnh lộ 725 rộng đẹp chứ ngày xưa gian khổ lắm”.

Ở tuổi 75 nhưng Trung tá KOanh còn minh mẫn, ông hỏi tôi có ăn mía không ông chặt. Tôi lắc đầu giải thích: “Được ngồi uống trà nghe Trung tá kể chuyện thích hơn ăn mía, nhưng ở mặt phố sao Trung tá không trồng hoa mà trồng mía?”. 

Ông ngồi nhìn đám mía khoảng vài chục mét vuông chưa bóc lá lầm bầm: “Lương hưu mình được 8 triệu nhưng mấy thằng con thường về xin lắm, mình phải trồng thêm mía để mua gạo ăn. Nhà có thằng con út quậy quá không chịu học hành thích đua xe cộng thêm trộm cắp, mình hợp tác với Công an cho nó đi tù. Sau khi ra tù lấy vợ cho nó, bây giờ chịu làm ăn rồi cũng mừng”.

Chuyện con cái của cán bộ hư hỏng vào thời mở cửa đâu đó vẫn xảy ra nhưng đối với người Kinh thường truy tìm thành tích gia đình để nhân lên nhằm che đậy những sự kiện mang nội hàm tiêu cực. Còn đối với đồng bào dân tộc, sự thể thế nào kể cho nhau nghe thế ấy, thậm chí còn mang ra tâm sự để nhờ người cứu giúp. 

Sáng hôm ấy cũng tại quán cà phê phố trước nhà Trung tá KOanh, một chú thanh niên kể: “Chuyện thằng con út của ông KOanh cuối cùng cũng có hậu là do gia đình có chủ trương rõ ràng. Chứ còn con trai ông Tụ ở ngôi nhà có cây xanh kia, rơi vào nghiện ngập ma túy bị bắt tập trung đi cai nghiện nhưng vợ chồng ông miệng lúc nào cũng bô bô: Cháu học đại học ở Đà Lạt rồi, cháu học giỏi lắm được bầu làm lớp trưởng, trong lúc tháng nào vợ chồng cũng trốn chui, trốn nhủi đi thăm nuôi ở tận Đăk Nông. Sao lại có người ngược đời thế nhỉ! Chắc cũng từ bệnh sĩ hoặc bị nhiễm đạn của bệnh thành tích mà ra”.

Người Bí thư ‘‘nhân dân”

Ông Nguyễn Mạnh Việt, 45 tuổi, Phó Chủ tịch huyện Đạ Tẻh tiễn chúng tôi ra khỏi phòng giới thiệu: “Chú Trương Văn Sáu, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy hai nhiệm kỳ, chú là một trong những người lãnh đạo đầu tiên ở vùng kinh tế mới này. Thời ấy, chú có nhiều quyết sách táo bạo, hiện nay chú đã về hưu ở thị trấn, các anh nên ghé thăm chú và hỏi thêm. Chắc chắn có nhiều sự kiện nóng bỏng thời đó”.

Ông Trương Văn Sáu.

Bảy giờ sáng tìm đến nhà ông Sáu. Đó là ngôi nhà Thái nhỏ nhắn xây kiểu biệt thự ở vùng sâu vùng xa, xung quanh là vườn cây trái, trước cổng là giàn hoa tím. Ông cũng mặc quần đùi tiếp khách ở cuối gian nhà bếp, gió thổi lồng lộng. Ông Sáu gốc Đồng Tháp, vóc người xương xương, nói năng nhỏ nhẹ nhưng có giọng cười thoải mái của dân Nam Bộ. Ông sinh năm 1947, tham gia cách mạng 1966 nhưng sống và  công tác ở Đạ Tẻh từ năm 1970 đến lúc về hưu.

Khi được hỏi về thời xa vắng, ông xoay xoay ly trà nóng, nhíu mày chép miệng “Việc lãnh đạo huyện kinh tế mới giống như cặp vợ chồng ra riêng với hai bàn tay trắng. Lúc ấy bà con từ các nơi nườm nượp kéo đến. 

Nhớ năm 1977, tỉnh Hà Sơn Bình đưa 2.000 thanh niên nam nữ vào khai hoang, đến cuối năm nhận thêm 4.200 rồi tiếp tục nhận 1.200 thanh niên Huế, rồi 1.000 hộ dân vào xây dựng kinh tế mới. Đó là con số di dân có tổ chức, sau này bà con Tày Nùng, Thổ di cư tự do, họ thuê xe đi từng đoàn, có khi sáng ngủ dậy đã thấy cả mấy trăm gia đình bà con dân tộc ngoài Bắc vào ở đầy trong chợ, trường học. 

Việc xua đuổi bà con di cư tự do thì không khó, nhưng bố trí thế nào để bà con tồn tại mới là bài toán. Có dân rồi giữ được dân bám trụ nơi mới lại càng quyết liệt hơn. Làm một cán bộ lãnh đạo mà dân bỏ quê hương mình ra đi vì đói kém là một nỗi buồn. 

Sau năm 1986 các bà con nơi khác lại kéo đến trong khi huyện mới thành lập kinh phí dự phòng chưa có nhiều lúc cũng mất ăn mất ngủ. Công việc đầu tiên lo giải quyết nguồn điện, theo dự toán trên 2 tỉ. Tỉnh cho chủ trương nhưng không có tiền, huyện đành bán trụ sở ủy ban 670 triệu cho Sở Giáo dục để thành lập trường dân tộc nội trú cho các huyện thị phía Nam, vay thêm ngân hàng đến bây giờ còn nợ 500 triệu chưa trả nổi. 

Chưa hết, điện đã kéo về nhưng không cho đóng, lại cơm đùm cơm nắm ra tận Hà Nội. Có điện rồi quay sang lo cái ăn cho bà con bằng cách phát triển ruộng nước với công trình thủy lợi, có ăn rồi lại lo làm chợ huyện đuối sức phải tìm cách xoay xở tận dụng nguồn vốn nhân dân mà không vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng”.

Chủ xe người Mạ.

Ông Sáu vẫn xoay xoay ly trà, ông đưa lên đưa xuống mấy lần nhưng không uống nổi. Có lẽ cả một thời gian khó từ những năm đầu hiện về như một dòng chảy tâm thức được dịp tái hiện. Buổi sáng khí trời Đạ Tẻh khá lạnh, gió từ các thửa vườn và rừng hoang thoang thoảng thổi về, ông đứng dậy mặc chiếc quần dài. Lúc ấy đã là 9 giờ sáng, có nghĩa là hai tiếng đồng hồ ông mặc quần đùi nói chuyện. 

Đối với dân cầm viết, quần áo không quan trọng, cái mà chúng tôi cần kiến thức và cái tâm của người đối thoại. Thiếu gì các loại người áo quần sang trọng, nước hoa thơm phức mà các thuật ngữ được sử dụng một cách nghèo nàn. Trong số đó có những người rất giỏi sử dụng đồng loại làm phần đệm cho con đường tiến thân của mình. Những dạng người ấy sau khi nhận quyết định về hưu, sáng hôm sau chuyển đi nơi khác sống trong biệt thự cửa đóng then cài, quanh năm không có bạn bè hay khách khứa đến thăm.

“Đối với bà con dân tộc Mạ trên dưới 5.000 ngàn người từ các buôn Đạ Kla, buôn Gô, Đăng Mít, Bà Sar, Kon Oh… Họ là những người một thời theo cách mạng tiếp tế nuôi quân tải đạn… Tôi đã ở với bà con vùng này từ năm 1972, thời đó lái máy cày cho Ban Tài chính Tỉnh ủy, nên biết được tên tuổi và tính khí của bà con. Thời bao cấp phát không sổ gạo, tem phiếu. Sau này khi Nông trường Hà Giang giải tán giao lại hết cho bà con từ ruộng đất đến trâu bò tiếp tục canh tác. 

Trẻ em Mạ đi học.

Người Mạ thời ấy không quen trồng lúa nước nên chính quyền phải tổ chức cày bừa gieo hạt để bà con thu hoạch nhưng rồi họ cũng bán, rủ nhau về lại buôn Tố Nha, Tố Lang, Kon Oh trong rừng. Sau đó chính quyền xây dựng buôn làng mới với diện tích 500ha tại xã Đà Pan trồng sẵn cà phê để cho họ chủ động cơm áo, dần dần cũng bán theo hình thức vòng vòng né chủ trương của TW cấm người Kinh mua đất”. Ông kể bằng chất giọng buồn buồn pha lẫn đau xót.

Để chứng minh kết quả thực hiện của Đảng bộ, ông Sáu dẫn tôi đi vòng quanh thị trấn. Đến đâu, từ người Kinh cho đến người Thượng ai cũng vui vẻ trân trọng ông. Ông KLái ôm ông hỏi: “Anh Sáu nhớ năm 1972, tôi với anh đi cày bằng máy không?”. Ông KPrú cầm tay anh nhắc lại vụ mượn 100 ngàn, còn bà con đi kinh tế mới năm xưa cầm tay ông lắc lắc: “Cũng nhờ ông Bí thư mà bà con trở nên khá giả. Ông đúng là người Bí thư nhân dân”.

* * *

Rời Đạ Tẻh vùng đất mang tên “Con sông nóng” giữa lúc trời nhá nhem tối, phố xá đã bắt đầu lên đèn. Ở phía xa buôn Kon Oh cũng chấp chới ánh điện. Tôi nhớ đến ông Sáu, người Bí thư hết lòng chăm lo đời sống cho dân kinh tế mới. Ông đã cho xây đập nước rộng gần 100ha phục vụ tưới tiêu cho các xã Mỹ Đức, Hà Đông, Quốc Oai, An Nhơn, Triệu Hải… Trong đó có cánh đồng An Nhơn rộng 600ha, vùng chuyên canh lúa thơm ngon trở thành đặc sản của địa phương. 

Lớp trẻ bây giờ đi trên phố, ban đêm đèn cao áp tỏa xuống mặt đường nhựa phẳng lỳ. Không biết trong các em có ai còn nhớ tên tuổi của các tiền nhân ở khu kinh tế này, những người một thời đêm trắng tìm cách giữ dân ở lại rồi phát huy khả năng con người thông qua chủ trương đúng với tình hình thực tế để có cuộc sống giàu có hôm nay.

Ký sự: Như Long
.
.
.