Ông già cặm cụi "làm đẹp" cho biển

Thứ Ba, 17/05/2016, 10:54
Nhà lão ngay sát biển. Cứ sáng sớm ra bãi biển tập thể dục, thấy sóng đánh rác vào bờ, lão lại hì hụi nhặt cho gọn gàng vào bao để đem đi đổ. Cứ thế, 5 năm nay, lão làm cái công việc mà nhiều người thoạt nhìn tưởng là lão gàn lão dở.

Nhưng kể từ đó, bãi biển Nam Ô - Kim Liên dài hơn 3km, nối từ cầu Liên Chiểu đến doanh trại quân đội nằm dưới chân đèo Hải Vân sạch đẹp hơn và người ta bắt đầu cảm kích với việc làm của lão. Người ta gọi lão là "lao công" đặc biệt của phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Lão Trần Xuân Mạo năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng nom lão già hơn cái tuổi 70 của mình. Một cơn tai biến cách đây hơn 5 năm khiến râu tóc lão bạc phơ, nói lắp bắp không rõ tiếng. Để nói chuyện với lão, chúng tôi phải nhờ vợ lão làm người “phiên dịch”. 

Dù đã xế trưa, trời nắng nóng, nhưng lão Mạo vẫn đi dạo dọc bờ biển. Một ngày, vài lần lão đi dạo như thế. Phần vừa để tập thể dục cho khỏe người, phần để lão xem sóng có đánh rác vào bờ hay không để còn dọn dẹp. Bãi biển gần nhà lão nằm sâu trong vịnh nên cứ lúc thủy triều lên xuống, sóng đánh rác vào nhiều vô kể. 

Mấy năm trước, khi các con lão chưa đón vợ chồng lão về đây sinh sống thì cả bãi biển này ngập ngụa rác. Chẳng ai buồn dọn bởi khu này chẳng phải khu du lịch, hay nghỉ dưỡng gì, lại nằm khuất sau khu dân cư nên hầu như không ai để ý.

Từ khi có lão Mạo, bãi biển Kim Liên sạch đẹp hơn bao giờ hết.

Ngôi nhà của lão nằm ngay sát bờ biển, quay lưng về phía biển. Ngôi nhà tuy nhỏ nhưng mát rượi gió biển. Trong nhà treo đầy những bằng khen, giấy khen về việc làm nhặt rác thiện nguyện của lão. Kể từ khi chuyển vào Đà Nẵng sinh sống thì đó là gia tài lớn lão tự tạo cho riêng mình.

Quê lão Mạo ở tận Hà Tĩnh. Nhà lão có 5 người con thì đều đi lập nghiệp phương xa. Người định cư ở Huế, người ở Đà Nẵng, người vào Nam. Vợ chồng lão thích vui thú điền viên nên không chịu ở với đứa nào. Nhưng cách đây hơn 5 năm, cơn tai biến quái ác đã đánh gục lão. Thấy lão sức khỏe yếu, các con mới đưa lão đến vùng biển Kim Liên, Đà Nẵng này, hi vọng với thời tiết mát mẻ, trong lành sẽ khiến lão bình phục nhanh hơn. 

Con cái cũng có điều kiện ở gần để chăm sóc vợ chồng lão. Không muốn rời xa quê hương, nhưng lão chẳng còn lựa chọn nào khác. Ở cái tuổi của lão, chẳng ai nói trước được điều gì. Đã bị tai biến một lần, ắt sẽ có lần thứ 2 thứ 3… Nếu không có thuốc thang, khám bệnh thường xuyên và không có người túc trực ở bên thì bệnh tình của lão sẽ tái phát bất cứ lúc nào và chắc sẽ không dừng lại ở việc bạc tóc, nói lắp, nói nhịu. Vợ lão cũng đã già yếu, nếu có chuyện không hay xảy ra, bà không thể một mình chăm sóc, hay đưa lão đi viện được. Thế là vợ chồng lão khăn gói đưa nhau vào đây sinh sống.

Ban đầu chưa quen, buồn và nhớ nhà, nhớ quê hương, lão hay đi dạo dọc bờ biển. Nhà lão chỉ cách bờ biển một rặng phi lao nên thoáng và mát lắm. Sáng nào lão cũng dạy sớm từ 4-5 giờ sáng đi tập thể dục vài vòng. Người già chẳng ngủ được nhiều, đi bộ sáng sớm ngoài biển, lão thấy khỏe mạnh, sảng khoái hơn. Nhưng sáng nào dậy, lão cũng thấy rác chất đống ngoài bờ biển. Cứ sau một đêm thủy triều rút xuống, bãi biển lại không khác gì một bãi rác. Thế là lão lụi cụi nhặt rác đem về gần nhà mình bỏ gọn vào một góc. Nào là ni lông, lá cây, cá chết, chai lọ… không thiếu thứ gì. Không những thế lão còn cẩn thận phân loại để tiện xử lý.

Ngoài những lúc ốm đau, không thể đi bộ được ra biển thì dù ngày nắng hay mưa lão cũng ra nhặt rác. Trời nắng thì lão làm cái nón lá đội tạm cho đỡ đau đầu, chói mắt. Trời mưa to gió lớn, lão khoác áo mưa mỏng ra biển. Lão bảo, càng mưa gió, rác càng trôi vào bờ nhiều. Không tranh thủ nhặt thì chỉ trong ngày, rác phân hủy nhanh sẽ bốc mùi hôi thối khiến bãi biển càng thêm bẩn thỉu. Bãi biển đoạn Nam Ô – Kim Liên dài hơn 3km nhưng cứ từ 4-5 giờ sáng, vài lần như thế lão Mạo ra biển nhặt rác, có hôm lụi cụi phân loại rác, đốt rác đến tận khuya. Đến giờ ăn có khi lão cũng chẳng chịu về, vợ lão phải ra tận nơi gọi.

Mới đầu thấy lão làm cái việc không đâu ấy, cả nhà đều phản đối. Hàng xóm xung quanh cũng tỏ ý nghi ngờ nghĩ lão mới chuyển đến đây, chắc cũng là kẻ “gàn dở”, còn con cháu thì sợ sau trận tai biến quái ác, lão không còn minh mẫn như xưa nữa. Lời ra tiếng vào, con cái cản cũng không được, cuối cùng họ cũng mặc lão với cái việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng ấy”. Miễn là làm sao lão thấy vui, thấy khỏe là được. 

Cứ thấy rác là lão nhặt bỏ gọn lên gần nhà để tiện phân loại và xử lý.

Nhưng cũng từ ấy, nhiệm vụ của vợ lão nặng nề hơn. Cứ khi nào lão ra biển nhặt rác là bà lại ra sau nhà đứng trông, không thì dặn mấy đứa cháu thi thoảng ra ngóng ông. Bà sợ lão sức khỏe yếu, trời nắng hay trời lạnh sẽ làm lão đột quỵ. Có hôm lão về ho sù sụ, chân tay lạnh ngắt, lở loét vì nhặt rác bẩn, môi tím tái cả lại. Bà hốt hoảng sợ lão lại tái phát bệnh cũ, nhưng có can lão cũng chẳng được.

Kể từ khi có lão Mạo, bãi biển Kim Liên sạch đẹp hơn bao giờ hết. Nước biển trong xanh, ôm trọn lấy bờ cát trắng phau. Xa xa là dãy núi Bạch Mã xanh mướt quanh năm mây phủ trên đỉnh đèo Hải Vân. 

Nếu như trước kia, bãi biển Kim Liên ngập rác, chẳng ai buồn ra bờ biển thì nay họ thích ra ngắm bình minh, hoàng hôn hay tập thể dục, đi dạo nhiều hơn. Trẻ con cũng thích ra nghịch nước, vui đùa. Bãi biển trở thành nơi vui chơi, dạo mát tuyệt vời của người dân nơi đây. 

Họ bắt đầu nhìn lão Mạo với ánh mắt cảm phục, bởi bao nhiêu năm sinh sống ở đây, chẳng ai đủ dũng cảm ra biển nhặt rác như lão. Trong khi lão vừa chân ướt chân ráo từ nơi khác đến lại có thể làm một việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại đáng trân trọng như thế.

Một cán bộ phường Hiệp Hòa Bắc cho biết, cả tổ dân phố số 4 có hơn 30 hộ dân, trong đó phân nửa làm nghề biển. Đời sống bà con còn khó khăn nên ít người chú ý đến việc vệ sinh môi trường. Tình trạng vứt rác, phóng uế bừa bãi trên bãi biển những năm trước đây khá phổ biến không chỉ làm mất cảnh quan, mà còn làm cho môi trường ở đây thêm ô nhiễm. 

Hành động cao đẹp, đáng trân trọng của lão Mạo đã thức tỉnh mọi người trong việc gìn giữ bảo vệ môi trường sống quanh mình. Từ đó, họ sống có ý thức và trách nhiệm hơn. Và cũng từ đó, nhiều phong trào của Đoàn thanh niên, chi bộ được phát động theo tấm gương của lão Mạo chung tay giữ gìn môi trường biển, môi trường sống xanh, sạch đẹp. Lão Mạo trở thành niềm tự hào của bà con nơi đây.

Ghi nhận những đóng góp của lão, UBND phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã trao tặng Giấy khen cho lão vì có nhiều thành tích giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư. Nhưng với lão đơn giản được đi dạo trên một bãi biển sạch đẹp, được thấy trẻ con, người lớn ra biển tắm mà bãi biển không mất vệ sinh và ô nhiễm là lão vui lắm rồi. Và điều quan trọng là việc làm của lão khiến người dân nơi đây nâng cao ý thức, góp phần giữ gìn môi trường trong sạch, đáng sống của chính thành phố quê hương mình.

Ngọc Trâm
.
.
.