Ðức Phật sinh ở Nepal?

Chủ Nhật, 19/02/2017, 17:05
Hàng trăm năm qua, tín đồ đạo Phật thường tin nơi chào đời của Phật Thích Ca là ở Ấn Ðộ. Nhưng các sự kiện gần đây lại khẳng định Ðức Phật chào đời ở Nepal.


Sách giáo khoa sai?

Hồi cuối năm 2011, Đại sứ Nepal tại Hàn Quốc là Kamal Prasad Koirala đã viết lá thư 4 trang gởi Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là ông Lee Myung-bak, đề nghị ông chỉ đạo Bộ Giáo dục Hàn Quốc sửa một thông tin sai về nơi sinh của Đức Phật trong sách giáo khoa (SGK) lịch sử Hàn Quốc. Cụ thể: SGK “đạo đức phần 1” cấp tiểu học Hàn Quốc viết: ”Đức Phật sinh tại lâu đài Khapila ở Ấn Độ”, còn sách “lịch sử thế giới” cấp trung học nêu Đức Phật chào đời trong hoàng tộc Brahmin và nơi sinh của Ngài  là Ấn Độ.

Nhưng Đại sứ Koirala khẳng định Đức Phật sinh ở Lumbini thuộc lãnh thổ Nepal: “Với tất cả sự khiêm tốn, tôi xin ngài chú ý sự thật về nơi sinh của Đức Phật mà từ lâu nay nhiều học giả đã viết sai. Ý thức được ý nghĩa và tình cảm của vô số tín đồ, tôi chọn cơ hội này để khẳng định sự thật với đề nghị khiêm cung chỉnh sửa thông tin”.

Tượng phật Lumbini, Nepal.

Trong thư, ông Koirala còn nêu khi Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh (Ấn Độ độc lập năm 1947) một số người Anh đã viết Đức Phật sinh ở Ấn Độ, và đến nay hàng trăm triệu phật tử trên thế giới vẫn tin như thế. 

Ông Koirala nêu thực ra Đức Phật sinh ở vùng trồng lúa Lumbini (cách thủ đô Kathmandu của Nepal 107km về phía tây nam) và cách biên giới Ấn Độ 32km, nhưng các học giả vẫn chọn thông tin cũ trong Cục Tàng thư Anh, khiến nhiều người hiện nay vẫn lúng túng khi trả lời về nơi sinh của người sáng lập đạo Phật: “Do Ấn Độ bị Anh đô hộ, các nhà sử học Anh bắt đầu viết lịch sử Phật bằng tiếng Anh, nêu Đức Phật chào đời ở Ấn Độ. Sai sót này xảy ra không phải không có động cơ xấu. Thế kỷ 17, 18, 19, nhiều sử gia Anh vẫn chưa biết Lumbini ở đâu”, ông Koirala nói.

Vị đại sứ còn nói Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng quan tâm đến việc phát triển Lumbini vì đó là nơi sinh của Đức Phật. Ông còn nêu Bảo tàng Anh từ ngày 7-11-2011 đã sửa nơi sinh của Đức Phật là ở Nepal. Ông tin tưởng Tổng thống Hàn Quốc sẽ lắng nghe đề nghị này, để học sinh và sinh viên Hàn Quốc không bị “học nhầm hiểu sai” về nơi sinh của Phật. Vị lãnh đạo Hàn Quốc đã hoan nghênh đề nghị của ông Koirala, và hứa Chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét vấn đề này.

Bia đá kỷ niệm

Những năm gần đây, sự tranh cãi nơi sinh của Đức Phật ở Ấn Độ hay Nepal xem ra đã được giải quyết: các nhà khảo cổ Nepal, Ấn Độ, Sri Lanka và Nhật Bản phát hiện được một bia đá đánh dấu nơi sinh của Đức Phật dưới nền ngôi chùa cổ Mayadevi ở vùng tây nam Nepal. Di tích này được lấy từ một căn phòng trong chùa và nhóm khảo cổ cho rằng nó xác nhận đó là nơi Đức Phật chào đời. 

Hơn 300 triệu phật tử trên thế giới đều thuộc lòng câu chuyện Đức Phật được mẹ sinh thế nào: Hoàng hậu Mayadevi (cũng là tên ngôi chùa) đang trên đường về nhà ở Ranggram (vùng Nawalparasi thuộc Nepal) thì lên cơn đau đẻ. Đến Lumbini khi chuẩn bị lâm bồn, bà tắm trong một ao thiêng rồi bước 25 bước đến một khu rừng và sinh con. Các sách cổ nêu Đức Phật sinh năm 623 trước Công nguyên, tức hơn 2.600 năm trước.

Tổ hợp tưởng niệm hoành tráng "Buddha Memorial Center" tại Cao Hùng.

Phải 9 tháng sau cuộc phát hiện, các quan chức Nepal mới khẳng định bia đá kỷ niệm sự kiện được tìm thấy cách ao thiêng đúng 25 bước. Nó được tìm thấy trên một nền gạch có niên hạn thời Vua Ashoka, người thăm Lumbini gần 400 năm sau khi Hoàng hậu Maya rời ao thiêng tiến vào rừng sinh con trai. Phật tử tin ngay khi ra đời, đứa trẻ vùng dậy và bước 7 bước, và Thái tử Siddhartha Gautama (Đức Phật) được các tiên tri dự báo sẽ trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại, hoặc sẽ là một lãnh đạo tôn giáo nếu ngài đến thế gian để cứu nhân độ thế.

Vua cha muốn thái tử trở thành một nhà chinh phục nên cố gắng chăm sóc để con không bị bệnh tật. Nhưng ngày nọ, thái tử trốn khỏi cung điện, lần đầu tiên giác ngộ “đời là bể khổ” nhiều bệnh tật, đến tuổi phải chết. 29 tuổi, hoàng tử giã từ gia đình, rời khỏi cung điện, đi khất thực để tìm chân lý và những nơi ông đến giảng kinh đều ở những vùng nay thuộc Ấn Độ. Vì thế, các sử gia tin rắng Đức Phật sinh ở vùng biên giới Ấn Độ, nay thuộc phía đông bang Uttar Pradesh.

Năm 2009, Chính phủ Nepal cấm chiếu một bộ phim của Bollywood (kinh thành điện ảnh Ấn Độ) do phim này khẳng định nơi sinh của Đức Phật ở Ấn Độ. Ngành kiểm duyệt phim Nepal đã phải cắt đi một cảnh gây tranh cãi trong phim hài “Chandni Chowk đi Trung Hoa”, nhưng đĩa phim lậu vẫn được tuồn từ Ấn Độ vào Nepal. Cảnh này người kể chuyện được nghe nói Phật sinh ở Ấn Độ và cây bồ đề, nơi Phật đạt giác ngộ, là ở bang Bihar, Ấn Độ.

Di vật quý giá

Phật giáo dạy tín hữu không nên “tham, sân, si”, từ bỏ tài sản để sống đời khổ hạnh, nhưng chùa Fo Guang Shan ở Cao Hùng (Đài Loan) đã xây tổ hợp tưởng niệm hoành tráng “Buddha Memorial Center” để lưu giữ một di vật quý: một chiếc răng được cho là của Đức Phật, mà chùa này được một tu sĩ gửi năm 1998 sau khi ông lén mang ra khỏi Tây Tạng vào thời Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc.

Công trình xây dựng này mất 5 năm, trên diện tích rộng 35 hecta ở một vùng nông thôn cách Cao Hùng khoảng 25km về phía đông bắc. Trông tổ hợp như một cung điện Trung Hoa, trung tâm triển lãm giống một kim tự tháp của người Maya cổ đại (bên Mexico). Đỉnh tháp là nơi đặt chiếc răng quý, cuối tổ hợp là tượng Phật cao 108m, được cho là tượng Phật ngồi cao nhất thế giới. Trong tổ hợp có 48 phòng ẩn để lưu giữ các hiện vật ngày nay, cứ mỗi thế kỷ sẽ mở một phòng. Một đồng hồ đếm ngược sẽ chỉ thời gian còn lại cho đến lần mở phòng sau.

Sư trụ trì cho biết công trình đã tiêu tốn hàng tỷ đôla Đài Loan. Một công ty du lịch nói các phân tích độc lập ước tính công trình tốn 330 triệu USD. Ni cô Miao Tan cho biết sư lập chùa là Hsing Yun, 85 tuổi muốn để lại một dấu ấn cho phật tử: “Nhiều người nói nên dùng tiền cứu giúp bệnh nhân và làm từ thiện, nhưng các điều ấy chỉ là tạm thời. Sư cụ muốn làm một việc gì đó cho thế giới có thể tồn tại 1.000 năm”.

Sri Lanka, Myanmar và Ấn Độ cũng khẳng định họ có lưu trữ răng Phật. Theo truyền khẩu của người Sri Lanka, khi Đức Phật qua đời, xác Ngài được hỏa thiêu tại Ấn Độ, và Arahat Khema lấy được chiếc răng trong giàn thiêu, đem tặng Vua Brahmadatte và được giữ tại Dantapuri (nay là Puri ở bang Orissa, Ấn Độ). Do có niềm tin ai sở hữu răng Phật sẽ có quyền lãnh đạo, nhiều cuộc chiến đã xảy ra để tranh giành chiếc răng này. Chùa Linh Quang ở công viên Badachu (Bắc Kinh, Trung Quốc), chùa Răng Phật ở khu phố Tàu (Singapore) cũng khoe có di vật quý giá này.

Xem lại Bát Phật

Ngày 23-12-2011, nghị sĩ Raghuvansh Prasad Singh thuộc Quốc hội Ấn Độ đã tiến hành vận động xin lại chiếc bát khất thực của Đức Phật, hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Kabul (Afghanistan). Sứ quán Ấn Độ tại Kabul cũng tích cực vận động để đưa di vật này về Ấn Độ. Nó được cho là một chiếc bát lớn bằng da rắn màu nâu sậm. 

Theo truyền thuyết Ấn Độ, Đức Phật đã tặng chiếc bát cho cư dân thành phố Vaishali, nơi lưu giữ vật thánh này đến thế kỷ 1 sau Công nguyên. Sau đó, Vua Kanishka đem đến Pushapura (nay là Peshawar, Afghanistan) và tín đồ phật tử Trung Hoa đến đây hành hương còn nhìn thấy nó từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 9. Sau này, nó được đem từ Kandahar về Kabul vào thời cựu Tổng thống Najibullah.

Thảo Hương ( sưa tầm)
.
.
.