Uốn lưỡi đủ 7 lần chưa?

Thứ Sáu, 09/10/2015, 07:00
Trước khi muốn nói gì phải làm quan cái đã. Miệng kẻ sang có gang có thép cơ mà. Làm lãnh đạo thì vinh quang to lớn và trách nhiệm thì nặng nê.ì Vinh quang to lớn và tất nhiên chắc chắn cũng kèm nhiều cái sướng.
Thường thấy thì lãnh đạo luôn tiền hô hậu ủng rầm rộ. Xung quanh nhiều tả ve hữu vuốt. Cái đội quân xu nịnh ấy thường đem về rất nhiều lộc. Lộc bằng vật thể, cái lộc phi vật thể vô cùng tinh vi. Nhưng ít ai lộ ra có một cái sướng là sướng mồm sướng miệng. Muốn nói gì thì nói. Nói ngược, nói xuôi, nói hay, nói ẩu, nói nhịu nói lẫn, tự tay vả mồm… vẫn được tung hoa.

Vừa rồi nhà đài phát hiện nguy cơ mất mùa do sâu bệnh ở tỉnh nọ rất cao. Họ đến, ghi hình cánh đồng bơ phờ rũ rượi. Hỏi nông dân lý do thì nông dân nói đều dùng thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục bảo vệ thực vật chỉ đạo và hiện đang lo mất mùa. Dùng đúng và đều nhưng sâu dường như được tiếp sức thêm nên đục thân càng khỏe.

Phóng viên không khó để tìm lãnh đạo Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh và bà này đã nhận chính mình chỉ đạo. Việc chỉ đạo này căn cứ vào loại thuốc tốt nhất theo đánh giá của bà. Bà nói không có gì sai. Bà chỉ đạo  loại thuốc tốt nhất chỉ để bảo vệ thành quả một nắng hai sương cho bà con. Khi phóng viên nêu rõ hiện tượng mất mùa thì bà nói: "Chị nói thẳng rằng không có chuyện mất mùa. Cánh đồng các chị đẹp như tranh… năm nay sẽ là lịch sử của sâu đục thân nhưng cũng là lịch sử của được mùa".

Minh họa của Tả Từ.

Không rõ bao lâu thì bà rời phòng máy lạnh để đến cánh đồng một lần. Khi yêu cầu bà giải thích vì sao thuốc tốt mà sâu lại khỏe, đục thân hăng hái hơn, nguy cơ mất mùa rõ hơn thì bà đưa ra một lý giải vô cùng đơn giản và bất ngờ: "Có một số người nói khác và làm khác… Dân là dân gian…".

Dân thì gian còn quan thì gì đây hỡi quan máy lạnh? Đây không chỉ là câu chuyện sâu mọt của lúa. Cánh đồng đa diện của đất nước vẫn còn nhiều con sâu đục thân đục khỏe cần được thấy rõ và có thuốc đặc trị. Nếu không kịp thời chúng ta chỉ được mùa sâu.

Chuyện khác. Cái ống nước Sông Đà do Vinaconex xây dựng sau lần vỡ đầu tiên và vài lần sau đó đã khiến cho nhiều hộ dân phải ly tán với tình trạng “nước mất nhà tan”. Vợ chồng con cái dâu rể phải tản cư đi nhiều nơi chỉ để tắm, giặt. Thậm chí đại tiện cũng phải lên kế hoạch khoa học tỉ mỉ với tầm nhìn đến cuối vườn. Cái ống này tiếp tục vỡ tới nay là lần thứ 16 và theo các nhà tiên tri thì nó sẽ tiếp tục nâng kỷ lục tới lúc người đếm phải kiệt sức.

Tổng giám đốc Vinaconex Nguyễn Văn Tốn lại cho rằng việc mất nước này không phải lỗi của Vinaconex và đường ống bị vỡ thì Vinaconex cũng là người chịu thiệt. Thậm chí, đồng chí Tốn còn thẳng thắn: Người dân bị ngừng cấp nước trong 1 ngày cũng không ảnh hưởng lắm!

Thưa đồng chí Tốn rằng, không phải chỉ tốn một ngày mà mỗi một lần vỡ  đều là trên một ngày. Đồng chí Tốn chắc chưa quên cái ống nước của đồng chí đã vỡ trên 16 lần và ai dám chắc rằng không tiếp tục nâng kỷ lục? Việc tốn kém do năng lực của cơ quan đồng chí Tốn sao lại bảo Vinaconex không có lỗi? Thế còn chúng tôi là khách hàng cũng tốn thời gian, tiền bạc, sức khỏe trong trường hợp này thì ai đền bù?

Làm người lãnh đạo phải biết từ tốn để xử lý mọi sự cố gây tốn kém cho nhân dân thì may ra nhân dân mới từ tốn mà tha thứ cho. Làm quan cũng như dân trước khi nói nên uốn lưỡi ít nhất bảy lần. Không tốn sức lắm đâu. Các cụ bảo, học nói chỉ cần hai năm nhưng học giữ gìn lời nói thì tốn cả đời.

Còn bạn và cả tôi nữa. Hãy nhẩm lại ta đã mấy lần uốn lưỡi trước khi nói?

Lê Tâm
.
.
.