Yêu thương dưới bóng bồ đề

Thứ Hai, 14/03/2016, 13:51
Chiều bảng lảng khói mây, góc sân Cô nhi viện Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương (thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) vang tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ. Những khuôn mặt bầu bĩnh, căng tròn, áo nâu sòng, tóc để chỏm hồn nhiên vui cười dưới tán bồ đề rợp bóng.

"Nghe tiếng khóc đau thương đâu vẳng lại

Giữa chiều buồn hoang dại kiếp nhân sinh

Một sinh linh đang cọ quạy giữa vô tình

Tờ báo rách, nát nhàu như số phận"

Lời thương xót bằng thơ ấy như một ngấn lệ lặn thấu vào tim người tu sĩ, trót mang nợ với đời khi phải làm "cha" của những số phận trẻ thơ bị bỏ rơi dưới tán bồ đề. 

Nơi lan tỏa yêu thương

Chiều bảng lảng khói mây, góc sân Cô nhi viện Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương (thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) vang tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ. Những khuôn mặt bầu bĩnh, căng tròn, áo nâu sòng, tóc để chỏm hồn nhiên vui cười dưới tán bồ đề rợp bóng.

Những dịp lễ, Tết, cô nhi viện tổ chức cho các em vui chơi gói bánh.

Bao nhiêu em bé đang được nuôi dạy ở Cô nhi viện là ngần ấy số phận khác nhau. Các em không có quyền chọn cho mình nơi để sinh ra, để rồi vì nhiều hoàn cảnh đã hội tụ về ngôi nhà chung, nương náu nơi cửa Phật.

Là một người suốt đời tu tập, vui với nỗi vui trần thế, đau với nỗi đau đồng loại, Đại đức Thích Phước Ngọc đã đưa đạo vào đời một cách thiết thực và trong sáng, khơi dậy yêu thương, lan tỏa tình người. Từ ngày Cô nhi viện đi vào hoạt động, Đại đức Thích Phước Ngọc, người sáng lập và là Giám đốc của Cô nhi viện đã "cởi" bỏ được phần nào trăn trở, những ưu tư phiền muộn với những số phận trẻ thơ gặp không may trong cuộc sống.

Trong đó, nhiều em bé bị dị tật bẩm sinh hoặc mang trong mình những căn bệnh quái ác, đang thoi thóp giành giật sự sống từng ngày. Cô nhi viện tình thương luôn rộng cửa và giang tay đón nhận các em. Những người "mẹ" mặc áo cà sa, đôi khi còn vụng về trong cách chăm sóc trẻ thơ nhưng đã cho các em cả tấm lòng và trái tim, yêu thương các em đến tận cùng của tình người.

 Đến Cô nhi viện, chúng tôi không thể quên hình ảnh của cô bé Linh Đan (15 tuổi) mang hình hài dị tật, bước ra từ một gia đình vừa trải qua thảm án kinh hoàng. 15 tuổi, Linh Đan như một đứa trẻ lên 5, miệng ú ớ câu tròn câu méo, thân hình cong queo yếu ớt và một nụ cười vô hồn.

Đôi mắt em lúc hoảng sợ, khi ngây dại trước những ký ức đau thương chập chờn thường nhật và cả trong giấc chiêm bao. Vào Cô nhi viện một thời gian, giờ Linh Đan đã nhanh nhẹn, hoạt bát hơn rất nhiều.

Nụ cười trong trẻo của trẻ thơ tại cô nhi viện.

Tuy không nói tròn vành rõ tiếng nhưng Linh-Đan đã hiểu được rất nhiều việc, nụ cười của em đã có hồn, có sắc và đôi mắt đã ẩn hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, công bằng. Linh Đan múa rất dẻo, gặp ai em cũng sà vào lòng để được ôm ấp, nâng niu, được sẻ chia hơi ấm tình thân. 

Những tiếng gọi trong đêm

5 năm sau ngày Cô nhi viện khánh thành, có biết bao câu chuyện xót thương về cảnh đời những đứa trẻ bất hạnh, lạc lối đến nương nhờ cửa Phật. Đại đức Thích Phước Ngọc vẫn nhớ như in tiếng gọi sau cánh cổng chùa vào lúc 6 giờ sáng 13-9-2014: "Sư phụ ơi, chú bảo vệ ơi... có em bé ai bỏ trong gác bảo vệ kìa... em bé.... sư phụ ơi..."  Nhiều năm nay, Đại đức Thích Phước Ngọc đã không còn xa lạ với tiếng gọi khẩn thiết như vậy nữa, sư thầy liền chạy ra.

Những lúc đi công tác về, sư thầy Thích Phước Ngọc lại dành thời gian ở bên các con.

Một em bé bụ bẫm đang no giấc trong chiếc áo choàng cuốn chặt trên người. Chẳng biết em bé bị bỏ lại cổng chùa từ bao giờ, nhưng nhìn hình ảnh như thế, thầy Thích Phước Ngọc đã không thể cầm lòng. Có sự xót xa, thương cảm với thân phận một kiếp người, mới lọt lòng đã phải nổi trôi, phiêu dạt.

Đại đức Thích Phước Ngọc đặt pháp danh cho bé là Phước Nhân với hy vọng sau này con trẻ sẽ gặp được nhiều may mắn, phước lành. Phước Nhân sau một tháng vào Cô nhi viện mặt mày khôi ngô, sáng sủa, đôi mắt đen láy và bú sữa rất khỏe. Thương cảm số phận của con trẻ, dù đã quá quen với hình ảnh một sinh linh đơn côi nằm lạnh giá ngoài cổng chùa, sư thầy Phước Ngọc vẫn không khỏi giật mình, bàng hoàng khi nhớ lại hình ảnh của em.

"Con nằm đó bơ vơ trong sáng sớm

Thân đơn côi thiếu hơi ấm mẹ cha

Người sinh con chắc cũng vì muôn lẽ

Nên phải đưa con nương tựa bóng Phật đà

Một kiếp người từ khi mới sinh ra

Từng sát na phải vượt qua bão tố

Con đến với ta trong mùa thu lá đổ

Chiếc lá non xuôi về cội Suối nguồn

Cứ ngỡ lòng dằn nén được xót thương

Nhưng tay vẫn run tim vẫn thình thịch đập…"

Lại có em được người lớn lặng lẽ mang vào để dưới lòng tượng Phật. Đó là một sáng đầu hạ ngày 19-6 (âm lịch), khi cơn mưa rào vừa tạnh. Khi dòng Phật tử thành kính trang nghiêm thưa thớt dần cũng là lúc hình hài em bé hiện ra dưới chân tượng Phật Bà Quan Thế Âm. Em nằm thoi thóp ở đó, không hề có tiếng khóc, tiếng rên, em nhỏ bé, yếu ớt.

Đại đức Thích Phước Ngọc nhẹ nhàng bế em bé vào lòng, nâng niu thật cẩn thận. Rất nhiều Phật tử hôm ấy chứng kiến cảnh tượng đã không khỏi giật mình thảng thốt. Đại đức Thích Phước Ngọc tâm sự: "Trường hợp nào đến Cô nhi viện đều đáng được yêu thương. Có lẽ cha mẹ các em cũng rất khổ tâm khi phải dứt bỏ khúc ruột của mình".

Ký ức vẫn chưa xa trong tâm khảm sư thầy, vào lúc 1 giờ 38 phút ngày 12-2-2014, có tiếng gọi thất thanh ngoài cổng chùa, thầy Thích Phước Ngọc chạy ra, một bé gái đang hồn nhiên ngủ giữa trời đêm lạnh giá, sương rơi bàng bạc trên mái chùa, ngoài đường vắng ngắt tiếng bước chân.

Trong khi chờ cơ quan chức năng tới lập biên bản, Đại đức Thích Phước Ngọc đã lấy chiếc áo choàng trên người của mình xua muỗi, quạt sương cho em tròn giấc. Bé gái được sư thầy đặt cho pháp danh Y Xuân, với hy vọng cuộc đời em sẽ là một mùa xuân trọn vẹn.

Mỗi đứa trẻ là một số phận nổi trôi, lạc lõng và tha hương. Có những ông bố bà mẹ mang con đến chùa để ở đó rồi lặng lẽ quay đi không một dòng tin nhắn. Nhưng cũng có những người để lại mẩu giấy, với một chút ít thông tin và lời nhắn khẩn cầu: "Xin thầy nuôi và khai sanh cho con trai của con. Nếu còn sống, con hẹn 18 năm sau sẽ quay lại đón con mình. Cha xin lỗi con".

Quá khứ bi thương đã khép lại với cô bé dị tật bẩm sinh này.

Đứa bé ấy đến Cô nhi viện khi những viên gạch cuối cùng đang hoàn tất chờ ngày khánh thành. Em nhỏ bé, từng tiếng ho như đốt cháy trái tim mỗi người, tưởng như em sẽ "rụng rơi" bất cứ lúc nào. Tiếp nhận những em bé trong tình trạng "đỏ hỏn" như vậy là một thử thách đầy cam go, đòi hỏi sư thầy và tất cả bảo mẫu phải nỗ lực hết mình.

Theo quy định, những trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, Cô nhi viện đều phải thông báo cho chính quyền địa phương và nhờ bộ phận Công an, y tế đến làm thủ tục cần thiết. Cô nhi viện sẽ tiếp nhận và trong vòng 30 ngày ra thông báo nếu người thân các em không đến nhận thì Cô nhi viện sẽ làm thủ tục nhận nuôi dạy các em. Sau này lớn lên, bất cứ trường hợp nào có cha mẹ, người thân đến nhận, Cô nhi viện đều hoan hỷ đồng ý sau khi đã làm xong các thủ tục giám định ADN. 

Sống trong mái nhà chung, các em đều được chăm sóc bình đẳng, đến tuổi đi học sẽ được đến trường, được lớn lên trong môi trường Phật giáo kết hợp văn hóa cộng đồng. Từ đó, nhân cách các em sẽ được hình thành trên cơ sở giáo lý nhân quả của đạo Phật. Các em sẽ sống bằng bản năng yêu thương, sẻ chia và cho đi, biết chấp nhận và tha thứ.

Là "cha" của bao đứa con, có đứa lành lặn, đứa khuyết tật, thiểu năng, trách nhiệm cuộc đời và lo toan cơm áo dành cho một tu sĩ lớn như một ngọn núi, nhưng Đại đức Thích Phước Ngọc vẫn lấy đó là niềm hạnh phúc trong mối lương duyên với đạo Phật. Những ngày phải đi công tác xa, luôn có một nỗi nhớ thường trực trong lòng người "cha". Sư thầy nhớ tiếng cười, ánh mắt và cả những giọt nước mắt của đàn con đang ngóng trông, chờ đợi dưới bóng bồ đề.

Ngọc Thiện
.
.
.