Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương:

Bao giờ 95% dân số đọc sách Việt Nam sẽ có giải Nobel

Thứ Sáu, 19/04/2019, 14:21
Tôi rất ấn tượng với một người trẻ gắn liền với hình ảnh “người bán sách rong” Nguyễn Quốc Vương. Sau 8 năm du học về giáo dục ở Nhật Bản, anh chọn về Việt Nam, theo đuổi con đường khuyến đọc, viết sách và dịch thuật. Nguyễn Quốc Vương cho rằng, khuyến đọc với sự bền bỉ và chung­ tay của cộng đồng sẽ biến Việt Nam từ một quốc dân biết chữ thành một quốc dân đọc sách trong vòng 50 năm tới.


- Từ năm 2017, anh rời nước Nhật về Việt Nam và bắt đầu hành trình “người bán sách rong”, truyền cảm hứng đọc sách cho cộng đồng. Vì sao anh lựa chọn công việc mà nhiều người sẽ cho là “vác tù và hàng tổng” này?

+ Khi bắt đầu công việc này, nhiều người cho rằng tôi viển vông nhưng càng làm tôi càng thấy việc phát triển văn hóa đọc giao thoa với nhiều người. Tôi nhận được sự chia sẻ của nhiều tầng lớp trong xã hội. Xã hội văn minh không thể được xây dựng bởi những người mù chữ, mù đọc. Muốn giá trị tốt đẹp muốn được lan truyền phải bằng văn hóa đọc. Một xã hội mà người dân có thói quen đọc sách sẽ tạo ra nhiều giá trị, nhờ việc đọc sách, mọi người có khả năng tư duy lý tính hơn chứ không cảm tính.

 Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương.

Người Việt hay cảm tính, va chạm xe là có thể rút dao chém nhau, bức xúc là dùng bạo lực. Tôi nghĩ có nhiều lý do, một trong lý do cơ bản là khả năng suy ngẫm, khả năng tự tại, tự hạn chế yếu, thiếu nền tảng văn hóa. Điều đó sẽ dẫn đến con người hoặc là chất phác quá, không biết gì, hai là dễ bị lôi kéo, dễ bị tác động, hành động theo cảm tính.

Đầu thế kỷ 20, các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu nhận ra điểm yếu của người Việt trước phương Tây không chỉ về kinh tế, quân sự, mà sâu xa hơn là sự yếu kém về nền tảng văn hóa, người dân không được khai sáng, giới trí thức không thực sự nghiên cứu sâu và nhận thức về vai trò của mình đối với dân chúng, mà hầu hết đều tư duy theo lối khoa cử, học để làm quan. Tư tưởng đó như định mệnh lịch sử xuyên suốt một hành trình dài khiến chúng ta bị trì trệ.

- Việc đọc sách có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển, nâng cao dân trí. Nhưng ở Việt Nam, nhiều năm nay chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở con số mỗi người Việt một năm chỉ đọc chưa đến 0.8 đầu sách. Theo anh, nguyên do vì sao?

+ Con số đó được điều tra bằng phương pháp chưa thực sự khoa học và lấy mẫu trên diện rộng nên có thể không chính xác. Với tôi, nếu tỷ lệ 0.8 đầu sách/1 người/1 năm đã là con số khả quan, thực tế có khả năng không được như vậy.Vì sao, vì hiện nay đa phần người Việt có tư tưởng, sau khi phát triển kinh tế rồi sẽ phát triển văn hóa, sẽ đọc sách.

Nguyễn Quốc Vương trong một buổi giới thiệu sách

Nhưng nếu nghĩ như vậy chúng ta sẽ hy sinh văn hóa vì kinh tế. Chùa chiền, môi trường bị tàn phá, đạo đức xuống cấp, tệ nạn nhiều hơn chúng ta lo phát triển kinh tế. Thực tế, kinh tế không đối lập với văn hóa, văn hóa là nền tảng hỗ trợ kinh tế, văn hóa nếu đủ mạnh sẽ trực tiếp làm ra tiền, đó là sức mạnh mềm. Hàn Quốc, Nhật Bản là những nước đi đầu trong việc dùng văn hóa để phát triển kinh tế.Văn hóa của họ đi trước dẫn lối cho kinh tế, hàng hóa đi sau.

Nhiều người nghĩ sau khi giàu có sẽ tự động văn minh. Nhưng câu chuyện không đơn giản như thế, giàu sang, nhiều tiền là điều kiện cơ bản cho một cộng đồng, cá nhân nâng cao văn hóa, nhưng không có nghĩa có A là có B. Không nên tư duy hy sinh văn hóa rồi mới phát triển kinh tế, có kinh tế mới có văn hóa, thậm chí văn hóa phải được chú trọng trước.

- Sâu xa là văn hóa đọc chưa bao giờ được chú trọng, thậm chí càng ngày người Việt càng rời xa việc đọc?

 + Theo tôi, điều kiện thuận lợi nhất để phát triển văn hóa đọc và sâu xa hơn để phát triển văn hóa là vào thời cận đại, khi làn gió văn minh phương Tây ùa vào, phương tiện nghe nhìn chưa có, báo chí, sách cực kỳ hấp dẫn. Lực lượng thị dân ra đời ở đô thị. Nhưng thời điểm đó Việt Nam bị Pháp đô hộ. Số người biết chữ ít, hạn chế việc đọc và hiểu.

Còn bây giờ là thời đại của văn hóa đại chúng, của nhạc pop, truyện tranh, internet phù hợp với tâm lý tiêu dùng trong thời đại tiêu dùng. Lối sống tiêu dùng và hậu công nghiệp ảnh hưởng tới giới trẻ rất sớm, trong khi xã hội chưa phát triển đến mức đó. Hình thức đọc bị chuyển sang thứ yếu, trở nên kém hấp dẫn. Về nông thôn nhà nào cũng xem ti-vi, họ có thể mở ti-vi cả ngày nhưng hiếm thấy người dân đọc sách.

Chúng  ta có một thuận lợi là 90% dân số biết chữ, có kết nối toàn cầu nhưng vấp phải vấn đề của xã hội tiêu dùng, tâm lý mỏi mệt khi người Việt gặp nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Đấy là lý do khiến văn hóa đọc bị hạn chế. Tôi nghĩ thời điểm này là cơ hội cuối cùng cho Việt Nam phát triển văn hóa đọc trong thế kỷ 21, để 50 năm nữa, Việt Nam chuyển từ một quốc dân biết chữ thành một quốc dân đọc sách. Nếu chúng ta không làm thì tôi e không còn cơ hội nào nữa.

Văn hóa đọc được kích hoạt từ học sinh.

- Vậy phong trào xây dựng tủ sách, kích hoạt văn hóa đọc trong cộng đồng thì sao?Theo anh, điều đó có giúp ích nâng cao văn hóa đọc hay không hay chỉ nằm ở phong trào?

+ Có thể đầu tiên nó là phong trào, về hình thức là phong trào nhưng ít nhiều nó sẽ có tác dụng thức tỉnh. Ngày sách Việt Nam 21-4 là một ví dụ, tôi biết nhiều cơ quan làm theo phong trào, làm cho có để báo cáo nhưng ít nhất sự hiện diện của ngày sách liên tục như thế sẽ tác động đến tâm thức người dân, tầng lớp lãnh đạo, tăng cơ hội cho người chưa biết đến sách tiếp cận với sách. Họ hiểu sách là một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày, như đói thì phải ăn cơm.

Nhưng chúng ta nên chủ động, đừng nghĩ nó là phong trào và đừng để nó là phong trào. Sách là điểm tựa, điểm gặp gỡ của tất cả những người quan tâm đến văn hóa đọc từ người dân đến quan chức. Tôi nghĩ việc phát triển văn hóa đọc họ sẽ nhận được sự ủng hộ của dân. Bởi suy cho cùng, nếu muốn kiến tạo điều gì đó không có nền tảng sẽ bị sụp đổ ngay.

Việt Nam vẫn kỳ vọng sẽ có giải Nobel nhưng thực ra, những người ở đỉnh cao ấy đều được đứng trên nền tảng văn hóa của một đất nước. Thực tế, không có quốc gia nào nền tảng văn hóa kém, dân trí thấp lại có thể sản sinh ra những tài năng như thế vì họ là sự hun đúc, kết tinh của văn hóa nghìn năm. Nhật Bản có khoảng gần 30 người đạt giải Nobel là kết quả của dân tộc chứ không chỉ của cá nhân. Bao giờ 95% dân số Việt Nam đọc sách, chúng ta cũng sẽ có giải Nobel.

- Đọc sách có thể giúp thay đổi đất nước. Vậy, điều mà chúng ta ít bàn tới nhưng không kém phần quan trọng là đọc cái gì? Hiện nay, người Việt đang đọc gì?

+ Theo một thống kê, trong các các cuốn sách được người Nhật đọc nhiều nhất có “Từ điển triết học”, “Bàn về tự do”, “Tự trợ luận”… Cuốn “Khuyến học” từng in 1 triệu bản vào thế kỷ 19. Đó là lý do vì sao dân Nhật học phương Tây nhanh như vậy, vì họ có nền tảng văn hóa, học thuật tốt. Rất ít người nghĩ, đọc sách là thú vui giải trí, cần thiết để phát triển bản thân và cao hơn nữa là nâng cao văn hóa, dân trí, giúp đất nước phát triển.

- Vậy theo anh, có những giải pháp nào để việc đọc sách có thể đi sâu vào đời sống và Việt Nam có cơ hội trở thành một dân tộc đọc sách?

+ Truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc. Bên cạnh đó, giáo dục phải đổi mới, học chính là đọc, ở ta học chưa đi liền với đọc, học chỉ học sách giáo khoa. Phụ huynh phải có ý thức phát triển giáo dục gia đình, tủ sách gia đình.Về mặt chính quyền, địa phương phải có kế hoạch khuyến đọc.

Ở Nhật, 3 đến 5 năm, địa phương phải trình chính phủ kế hoạch khuyến đọc. Họ đưa văn hóa đọc vào luật, đó là Luật Chấn hưng văn hóa đọc năm 2005 và Luật Khuyến khích văn hóa đọc trẻ em. Ngăn cản trẻ em đọc sách là tội. Ở Việt Nam, tôi mang sách đến nhiều địa phương bị “đuổi khéo” là chuyện thường.

Tôi tin khi một đứa trẻ có nền tảng đọc tốt nó sẽ biết cách tự xử lý những vấp váp trong cuộc sống. Thiếu nền tảng văn hóa, thiếu đọc sẽ dẫn đến sự lệch lạc trong suy nghĩ. Với tôi, con số 200 nghìn cử nhân thất nghiệp là một sự yếu hèn. Vì bản thân họ không tự trang bị cho mình những kỹ năng tốt, sự học và đọc rộng giúp ta không sợ hãi và làm chủ được cuộc sống của mình.

- Nguyễn Quốc Vương gắn liền với hình ảnh“người bán sách rong”, sau một chặng đường khá dài, anh còn đơn độc?

+ Có nhiều người ủng hộ tôi nhưng để trực tiếp tham gia làm, dấn thân trên con đường này thì không có nhiều. Nhiều người bảo tôi việc bán sách, khuyến đọc là vô ích, mua phiền nhiễu vào người. Kệ thôi. Tôi tin nó sẽ đem lại điều gì đó, không nhiều thì ít, có ích cho một số người. Thực tế, nhiều người có học mà vẫn luôn cảm thấy cuộc sống vô nghĩa.

Đọc sách là cách giúp ta cân bằng cuộc sống trong xã hội một số người mòn mỏi vì kinh tế, tiền bạc, đói nghèo, ở phương diện khác nhiều người mòn mỏi vì công việc không đem lại niềm vui, không có lý tưởng sống. Một số người khác tệ hơn bị trầm cảm.Về mặt cảm xúc, lý tưởng nghề nghiệp, tôi muốn làm gì đó để thỏa mãn đam mê, như việc bán sách giúp tôi cân bằng cuộc sống.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.