Bộ mặt của bóng đá thế giới đã thay đổi ra sao dưới bàn tay của "phù thủy" Joao Havelange?

Thứ Sáu, 17/02/2017, 16:10
Trong một bài viết mới đây trên diễn đàn trọng tài thế giới (You are the ref), cây bút nổi tiếng Tim Vickery đánh giá lại quá trình phát triển bóng đá thế giới sau nửa thế kỷ, lấy cột mốc là sự kiện World Cup 1966 – năm mà sơ đồ 4-4-2 bắt đầu phổ biến và được xem như nền tảng của mọi cách mạng chiến thuật thời hiện đại.

Nhưng cú chuyển mình rõ rệt nhất của bóng đá thế giới sau ngần ấy năm, theo Vickery, là sự lớn mạnh của FIFA, tổ chức tối đa trong làng cầu.

Lấy 1966 là cột mốc vì đó là khoảng thời gian, người Anh thống trị bóng đá dưới mọi góc độ. Chủ tịch FIFA, Sir Stanley Rous, là một người Anh. Không riêng gì hệ thống giải đấu ở châu Âu và Nam Mỹ, ngay cả World Cup cũng không có chỗ cho kẻ ngoại đạo, ở đây là những nền bóng đá kém phát triển tại châu Á và châu Phi.

World Cup trở thành giải đấu danh giá nhất hành tinh là nhờ công lao to lớn của Havelange.

Với đặc thù quả địa cầu đặt dưới sự cai quản của chủ nghĩa đế quốc trong thế kỷ 20, bóng đá trong mắt giới chuyên môn ngày xưa là trò chơi của quyền lực. Sự ủng hộ cá nhân của Rous với nạn phân biệt chủng tộc tại Nam Phi và lối suy nghĩ áp đặt thuộc địa của phương Tây khiến cơ hội tham gia sân chơi bóng đá danh giá nhất hành tinh của những châu lục còn lại bị siết chặt tới tột cùng.

Chỉ duy nhất một suất chơi World Cup được trao cho châu Phi hoặc châu Á, đủ thấy rõ tính chính trị đã lấn át hoàn toàn chất chuyên môn thuần túy.

Cho tới khi Joao Havelange xuất hiện.

Thời kỳ nhiễu nhương

LĐBĐ châu Phi (CAF) thành lập năm 1956, với 4 nước thành viên gồm Ethiopia, Ai Cập, Sudan và Nam Phi. Sở dĩ thuở sơ khai chỉ quy tụ được 4 quốc gia vì đó là những nước hiếm hoi ở lục địa đen giành được độc lập hoàn toàn. Những quốc gia còn lại khi ấy đều chịu sự cai quản trực tiếp của mẫu quốc Âu châu.

Một năm sau, ban điều hành CAF thống nhất loại Nam Phi khỏi tổ chức. Tình hình chính trị – xã hội đặc thù của Nam Phi buộc đội tuyển quốc gia nước này phải lựa chọn giữa hai phương án: Hoặc sử dụng đội hình gồm toàn cầu thủ da trắng (gốc Hà Lan), hoặc sử dụng đội hình gồm 100% cầu thủ da màu bản địa. CAF dĩ nhiên không chấp nhận sự phân biệt chủng tộc trong môn thể thao của đại chúng.

Joao Havelange - Chủ tịch FIFA nhiệm kỳ 1974-1998.

Ở World Cup 1958 và 1962, không hề xuất hiện bóng dáng của một đội tuyển châu Phi nào. Tới năm 1966, CAF vận động hành lang xin FIFA một suất vào thẳng VCK. Nhưng ý tưởng ngay tức khắc bị gạt đi vì thành kiến của lục địa già với những người da màu. FIFA, đứng đầu là Rous, đưa ra giải pháp nhằm hạn chế những can thiệp không mong muốn của chính trường vào bóng đá: Một đội châu Phi đá play-off với một đội châu Á.

Một phong trào “bài Phi” diễn ra trong suốt chiến dịch vòng loại World Cup 1966. Nực cười ở chỗ, vua phá lưới giải lại là cầu thủ gốc Phi duy nhất, tiền đạo Eusebio của Bồ Đào Nha.

Trong thời gian này, bóng đá Nam Phi trải qua cuộc tranh giành quyền lực nội bộ giữa FASA và SASF. FASA là tổ chức được điều hành bởi toàn bộ người da trắng. Trên lý thuyết, tổ chức này cam kết không tạo ra bất kể tiền lệ phân biệt chủng tộc nào.

Song thực tế, họ luôn ngăn cản những trận đấu giữa các đội bóng khác biệt về chủng tộc và màu da diễn ra. Những đội bóng “phức hợp”, bao gồm cả người da trắng và da màu, cũng không được FASA công nhận. Đây chính là tổ chức bóng đá Nam Phi được FIFA thừa nhận.

SASF được thành lập với mục đích đoàn thể hóa bóng đá, biến bóng đá thành trò chơi của tất cả những người da màu, bộ phận chiếm 80% dân số Nam Phi. Nhằm bảo vệ quyền lợi, FASA liên tục từ chối lời thỉnh cầu sáp nhập hai tổ chức bóng đá vào làm một của SASF với điều kiện trao quyền biểu quyết cho Ủy ban quốc gia, nơi có bộ máy điều hành là người da trắng.

Khi Rous tham gia tranh cử ghế Chủ tịch FIFA năm 1961, vị này nghiêng hẳn về SASF. Ông cho rằng, SASF nhân danh túc cầu để thực hiện mưu đồ chính trị. Nói trắng ra, đó là bước đi nhằm lấy lòng những nhân vật bóng đá châu Âu cấp cao của Rous hòng đạt vé ngồi vào ghế Chủ tịch. Như đã nói, người châu Âu chưa bao giờ thừa nhận một tổ chức hướng về lợi ích người da màu như SASF.

Vào đầu năm 1963, Rous cử phái đoàn thanh tra tới Nam Phi để che mắt dư luận. Vẻ ngoài, ông ta ra vẻ là sẽ phân xử công minh nhưng thực tình, toàn bộ hành trình của FIFA ở Nam Phi đều diễn ra trong phòng họp của FASA. Đấy chính là lúc FIFA, trong con mắt của toàn thể lục địa đen, đại diện cho tầng lớp tư bản bài trừ người da màu.

Cú đấm của Havelange

Trước phản ứng gay gắt của công luận trong hội nghị thượng đỉnh  FIFA ở Tokyo 1964, Rous tuyên bố tạm thời đình chỉ hoạt động của FASA. Một lần nữa, lời nói không đi đôi với hành động. Các đội tuyển châu Phi vẫn không thể có suất chính thức dự World Cup thông qua vòng loại khu vực.

Một thập niên sau, trước lần tái tranh cử nhiệm kỳ Chủ tịch, Rous lại cất lên “bài ca quen thuộc”. Ông khẳng định FIFA sẽ xoay trục sang châu Phi và cả châu Á. Dù vậy, đấy là thời điểm phần lớn các nước châu Phi nói riêng và cả những quốc gia ở châu Á nói chung đã thoát ách đô hộ. Tiếng nói nhân quyền của họ đã lớn hơn. Tầng lớp này cần một nhân vật đại diện đứng lên cho quyền lợi của họ. Và họ chọn Joao Havelange.

Havelange từng là VĐV bóng nước Brazil dự hai kỳ Olympic. Tới năm 1958, ông là Chủ tịch Liên đoàn thể thao toàn quốc Brazil. Năm 1963, Havelange được bầu vào Ủy ban Olympic quốc tế.

Dòng khẩu hiệu của FIFA - Vì bóng đá, vì một thế giới toàn vẹn.

Chiến lược của Havelange khác xa so với những gì Rous có thể tưởng tượng. Ông vận động những quốc gia châu Phi khác gia nhập CAF, tăng số thành viên từ 4 lên 37 như tấm giấy thông hành mang tính hợp pháp hóa sự tồn tại của họ trên bản đồ thế giới.

Lời hứa của Havelange nếu giành thắng lợi trong cuộc tranh cử là đưa cơ chế bầu cử ở FIFA về dạng phiếu bầu. Mỗi một quốc gia độc lập (được hiểu theo nghĩa đã gia nhập tổ chức bóng đá ở lục địa của mình) là một phiếu bầu. Nghĩa là, phiếu bầu của Ethiopia có giá trị ngang bằng phiếu bầu của Anh.

Ông cũng nhanh chóng nhận ra tốc độ xê dịch của quá trình toàn cầu hóa. Trong một bài phỏng vấn, Havelange kể rằng, ông từng được Tổng thống Yeltsin mời về Nga ăn tối, từng uống trà cùng Tổng thống Ba Lan, gặp gỡ đức giáo hoàng John Paul đệ nhị 3 lần và dùng bữa với Vua Fahd của Ả-rập-xê-út trong khán phòng trang trí của Tây Âu. Mọi giá trị đều xích gần hơn tới mốc bình đẳng và chẳng có lý do gì để ngăn cản World Cup trở thành sân chơi của mọi quốc gia trên thế giới.

Cùng với Pele, Havelange đã đi tới nhiều quốc gia thành viên để vận động quỹ bảo trợ bóng đá. Tầm ảnh hưởng của Pele là lá bài giúp Havelange đạt được mục đích. Với số tiền ấy, ông đảm bảo tất cả đại biểu châu Phi sẽ góp mặt ở hội nghị FIFA tại Frankfurt. Số đội tuyển dự World Cup được hứa hẹn tăng từ 16 lên 24.

Tất cả đều ngả mũ trước Havelange. Đã qua rồi thời kỳ bóng đá là trò chơi thực dân của những nền bóng đá thiếu nhân tài nhưng sẵn sàng trả hàng bao tải tiền để có suất dự World Cup. Dưới sự điều hành của Havelange, bóng đá được thương mại hóa, được chơi trên toàn thế giới và theo dõi bởi hàng tỷ người thông qua máy truyền hình.

Châu Âu và Nam Mỹ có thể sẽ còn thống trị bóng đá một thời gian dài nữa nhờ nền tảng vững mạnh hàng trăm năm, nhưng bóng đá – nhờ có Havelange – đã không còn là trò chơi của thiểu số. Cũng là nhờ Havelange, hệ thống các giải “U” mới nở rộ như ngày hôm nay, tạo điều kiện cho những nền bóng đá nhỏ bé như Việt Nam tiến gần hơn với sân khấu thế giới, mà U20 World Cup tới đây ở Hàn Quốc là ví dụ điển hình.

Hai mặt của độc tài

Từ 1961 tới 2016 là 55 năm, nhưng FIFA chỉ trải qua 3 đời Chủ tịch. Tính độc tài là đặc điểm dễ thấy nhất ở tổ chức bóng đá cao nhất thế giới. Những hệ lụy nhãn tiền của nó là tham nhũng và quyền lực tập trung về một người.

Nhưng chế độ chuyên quyền ở FIFA không chỉ là những mặt tối. Vì tính chất thương mại nên FIFA luôn hướng tới quy mô mở rộng của những giải đấu mà họ tổ chức. Các chương trình phát triển bóng đá không còn bị gói gọn ở lãnh thổ châu Âu, mà ngày càng hướng tới những miền đất mới, đặc biệt là châu Phi và châu Á.

Hệ thống giải trẻ được mở rộng vừa là để tăng thêm nguồn thu, vừa là cơ hội cho cọ xát cho những nền bóng đá thấp cổ bé họng. Kể từ nhiệm sở của Havelange, hệ thống giải trẻ World Cup lần lượt xuất hiện thêm các hạng mục gồm U17, U19 và U20 thế giới. Tổng số đơn vị bảo trợ tài chính cho FIFA tới lúc này là 48, biến FIFA trở thành tổ chức thể thao giàu có và thịnh vượng nhất.

Đơn Ca
.
.
.