Bùi Tấn Trường và những bí ẩn

Thứ Hai, 07/09/2020, 18:37
15 năm chơi bóng chuyên nghiệp, Tấn Trường là một trong những thủ môn xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam. Nhưng như một định mệnh, thời gian gắn bó với sân cỏ của Trường luôn bị phủ một màu xám bởi những sai lầm khó hiểu trong khung gỗ. Anh lý giải thế nào về vô vàn scandal xảy ra xung quanh mình, và đâu mới là con người thật sự của thủ thành mang tên Bùi Tấn Trường.


Chìm trong thế giới ảo

"Anh ấy lớn rồi mà cứ như trẻ con, cứ ăn cơm xong là lôi máy tính, điện thoại ra chơi game quên cả giờ giấc", bà xã Tấn Trường than thở. Mê chơi đến mức chăm chút các nhân vật ảo còn hơn cả chăm vợ là chuyện thường ngày với thủ môn quê Đồng Tháp. Người khác có thể nghĩ chơi game không tốt cho cầu thủ, nhưng điều đó không đúng với Trường. Cái lý của anh là "ở nhà chơi game, bớt đi nhậu nhẹt" nên vợ cũng bớt gay gắt.

Ở một khía cạnh nào đó, Tấn Trường không sai. Trong quá khứ anh cũng từng la cà quán xá, rồi may mắn sớm nhận ra mình có thể mất nghiệp vì nó. Nhưng "nước trong thì không có cá, người tốt quá không có ai chơi", ai cũng cần có một vài thói quen không tốt để bản thân không trở nên nhàm chán. Vì thế nên Trường bắt đầu tìm đến game, rồi nuôi giấc mơ trở thành bá chủ tại đó lúc nào không hay.

Tấm hình khiến Tấn Trường mãi mãi mang danh kẻ bán độ.

Tấn Trường từng mở hàng net lớn ở Cao Lãnh. Xuất phát điểm với 20 dàn máy tính đời mới nhất vào năm 2010, cửa hàng Net Tấn Trường dần dần mở rộng, có lúc từng sẵn sàng tiếp đón gần 200 game thủ sẵn sàng đến "chinh chiến" thâu đêm suốt sáng. Bắc tiến đầu quân cho CLB Hà Nội, Trường tiếp tục quy tụ anh tài chung đam mê bằng việc tập tành làm streamer. Mới đây anh còn ham chơi đến mức ngủ quên cả giờ tập.

Game có thể khiến con người Tấn Trường vui vẻ, nhưng không hẳn đã tốt cho sự nghiệp bóng đá của anh. Người đàn em Phí Minh Long của Trường ở CLB Hà Nội cũng mê game đến quên ăn quên ngủ và giống như Trường, anh cũng mắc không ít sai lầm ngớ ngẩn. Hai sai lầm trực tiếp dẫn đến bàn thua trước U23 Thái Lan ở SEA Games 2017 của Long khiến anh đến tận bây giờ vẫn đang chật vật tìm lại hình ảnh của bản thân.

Các thầy của Long, Trường đều nói họ quá mê game nên khi vào trận không thể tập trung 100%, qua đó mắc sai lầm sơ đẳng dẫn đến bàn thua. Có lẽ Trường cũng biết phần nào điều đó nhưng rồi cũng chép miệng cho qua, bởi cái máu game thủ đã ngấm vào anh quá nhiều. Thế nên mỗi khi thủng lưới vô duyên, Trường cũng hiếm khi nào lên tiếng phân bua. Thỉnh thoảng anh lại đem chuyện cũ ra nhắc lại như để tự châm biếm bản thân mà thôi.

SEA Games, Malaysia và Calisto

Trận chung kết SEA Games 2009 là thất bại đau đớn nhất trong cuộc đời Tấn Trường. Trong một giải đấu mà U23 Việt Nam thi đấu vượt trội so với phần còn lại, anh và các đồng đội phải ngậm ngùi nhìn đối thủ Malaysia lên ngôi ở trận chung kết. Đau đớn hơn cả cho Trường bởi từ trận đấu đó anh bị gắn mác bán độ, dù người mắc sai lầm trực tiếp dẫn đến bàn phản lưới nhà ở phút 84 là một đồng đội của anh.

Khách quan mà nói, Tấn Trường chơi không tồi chút nào trong trận đấu cuối cùng gặp Malaysia. Anh liên tục bay lượn trong khung gỗ, ngăn cản từng cú dứt điểm của tiền đạo đối phương. Ngay cả khi gặp chấn thương đến mức tưởng như không thể tiếp tục thi đấu, Trường vẫn đứng dậy trở thành chỗ dựa cho toàn đội. Nhưng thất bại, cộng thêm tấm ảnh chụp HLV Calisto bóp cổ Tấn Trường sau trận đấu khiến anh mãi mãi bị gắn mác tội đồ.

"Thầy Calisto không hề trách móc tôi", Tấn Trường ngậm ngùi hồi tưởng sau 10 năm kể từ ngày định mệnh đó. "Thầy biết tôi bị trật khớp vai, đứt cả dây chằng nhưng vẫn tìm cách để tôi ở lại trên sân thi đấu vì tin tưởng. Lúc thua trận, tôi muốn khóc nhưng không thể, nên định bỏ không lên bục nhận huy chương nữa. HLV Calisto thấy vậy nên mới kéo tôi lại, bóp cổ bảo: ''Cậu phải ở lại chứng kiến thất bại này. Có thể, cậu mới là người đàn ông".

Nhiều điều tiếng nhưng Tấn Trường luôn là thủ môn hàng đầu V.League suốt 15 năm qua.

Cao lớn, thể hình tốt, tranh chấp mạnh mẽ, lại có phản xạ nhanh nhạy nên Tấn Trường luôn là một trong hai lựa chọn hàng đầu của HLV Calisto kể từ ngày anh lên tuyển. Nhưng dường như họ không có duyên mỗi lần sát cánh bên nhau, đặc biệt là ở khoảnh khắc đối đầu với Malaysia. Một năm sau thất bại đầy tiếc nuối ở SEA Games, Tấn Trường gặp lại đối thủ này ở bán kết AFF Cup, giải đấu mà ĐT Việt Nam đang là đương kim vô địch khi ấy.

Ở trận lượt đi trên đất bạn, Trường là thủ môn số 2 nhưng được bắt chính vì người đàn anh Dương Hồng Sơn có phong độ không tốt. Những gì Trường trải qua trong trận đấu đó đến bây giờ vẫn nhớ như in trong tâm trí anh. Sân vận động có sức chứa đến 87.000 người chật kín khán giả, phần lớn thuộc "phe địch".

Họ hò reo, khiêu khích, chửi bới và chiếu tia lade thẳng vào mặt Tấn Trường. Pháo liên tục nổ ở khu khán đài phía sau cầu môn khiến Trường cảm thấy như luôn có ai đó định hãm hại anh.

Tấn Trường đứng vững trong cầu môn suốt hiệp 1, nhưng hiệp 2 là 45 phút thảm họa. Phút 60, anh bắt hụt bóng từ pha đánh đầu của Mohd Safee khiến bóng văng vào gôn. Trường nói anh chủ quan trong tình huống đó, khi bóng bay không mạnh, nhưng lại trượt tay nên không thể bắt dính. Đến phút 79, anh vô tình đẩy bóng ra ngay trước chân Safee và tiền đạo đội bạn lập tức chớp cơ hội trừng phạt anh thêm lần nữa.

Thăng trầm cuối sự nghiệp

Chịu vô vàn điều tiếng trong 15 năm chơi bóng ở V.League, nhưng không ai có thể phủ nhận Tấn Trường là một thủ môn xuất sắc. Con số 20 tỷ đồng tiền lót tay từ những lần chuyển nhượng của Tấn Trường là minh chứng rõ nhất cho thấy đẳng cấp anh sở hữu. Ở thời kỳ V.League bước vào giai đoạn hoàng kim cho đến ngày xuống dốc, những CLB hàng đầu đều mong muốn sở hữu Tấn Trường. Sau Sài Gòn Xuân Thành, Becamex Bình Dương, anh vẫn tìm được bến đỗ là CLB Hà Nội ở tuổi 34.

Ngày CLB Bình Dương tuyên bố không gia hạn hợp đồng với Tấn Trường và Anh Đức, bộ đôi này chịu không ít điều tiếng về quyền lực đen ở đội bóng đất Thủ. Chia sẻ về chuyện này, một người cũng từng phải rời Bình Dương theo cách tương tự là hậu vệ Huỳnh Quang Thanh nhận định: "Đó là cách mà các đội bóng vận hành mà thôi, như kiểu vắt chanh bỏ vỏ ấy. Mình còn giá trị thì người ta dùng, không còn nữa thì phải ra đi, vậy thôi".

Gần nửa năm trôi qua kể từ ngày chia tay Bình Dương, Tấn Trường bất ngờ nhận một cuộc gọi từ HLV Trần Tiến Anh của CLB Hà Nội. Vô tư và thẳng thắn, Trường chỉ đầu quân cho một đội bóng chịu chi đúng với những đóng góp anh mang lại. Con số 40 triệu đồng/tháng tiền lương có thể không cao như trước, nhưng thực sự đáng nể với một thủ môn đã bước sang tuổi 34. Trường vẫn thi đấu, vẫn chơi game, vẫn sống hết mình với trái bóng tới mức anh nghĩ mình có thể kéo dài sự nghiệp thêm 4 năm nữa.

Chuyện tình, chuyện đời

Không ít danh thủ của bóng đá Việt Nam tìm đến người mẫu, ca sĩ, diễn viên... khi đã thành danh, ngoại trừ Tấn Trường. Ngay cả khi đã trở thành tuyển thủ quốc gia, kiếm được tiền tỷ sau mỗi mùa giải, anh vẫn một mực thủy chung bên bà xã Ngọc Liên. Kể chuyện ngày xưa, Ngọc Liên nói chị yêu Tấn Trường từ ngày anh còn là một thủ môn vô danh ở đội trẻ Đồng Tháp. Chị thậm chí còn không hiểu sao từng có lúc bị gán mác hám danh yêu người nổi tiếng, dù Tấn Trường phải mất 1 năm mới cưa đổ được chị.

Những ngày yêu Tấn Trường thực sự là quãng thời gian giông bão của Ngọc Liên - theo đúng nghĩa đen. Anh chàng thủ môn cao kều có sở thích kéo người yêu đến mọi trận đấu anh tham gia, bất kể thời tiết hay đường sá xa xôi. Ấy vậy mà Ngọc Liên vẫn yêu Tấn Trường bằng cả con tim, vì cô thấy ở anh sự chân thành và chín chắn. Ở chiều ngược lại, Tấn Trường tin tưởng bạn gái đến mức giao cho cô quản lý cả cơ nghiệp là cửa hàng game mang tên anh khi hai người còn chưa kết hôn.

Ngoài sân cỏ, Tấn Trường là người biết vun vén cho gia đình từ những điều đơn giản nhất. Bên cạnh cửa hàng internet, anh còn xây nhà trọ cho thuê ở quê nhà Đồng Tháp, rồi hùn vốn mở hệ thống sân bóng đá mini tại quận Tân Bình, TP HCM. Lý giải về việc mở rộng kinh doanh, Trường nói thuê đất ở Tân Bình rẻ hơn Cao Lãnh, mà người có nhu cầu đá bóng nhiều hơn. Anh cũng chi tiền tỷ mua xe giúp anh trai có kế sinh nhai.

Đơn Ca
.
.
.