Nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam - Trung tướng Đặng Kinh:

Cả cuộc đời chỉ biết một lần yêu

Chủ Nhật, 14/06/2015, 09:00
Từ một cậu bé phu than được giác ngộ Cách mạng rồi trở thành Trung tướng; chỉ huy trận đánh sân bay Cát Bi lừng lẫy (73-1954), những cống hiến cho Cách mạng của Trung tướng Đặng Kinh đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi nhận: “Tôi đã nhiều lần tiếp xúc và làm việc với anh Đặng Kinh. Anh là một đảng viên trung kiên, một vị tướng có đức, có tài, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và Quân đội giao phó. Anh là con người trung thực, thẳng thắn, sống trọn tình trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội”.

Ít ai biết được rằng phía sau vị Trung tướng tài ba, nghiêm khắc ấy còn có cả một câu chuyện về tình yêu duy nhất, thật đẹp mà cũng thật nhiều mất mát, hy sinh.

Xin cấp trên cho giải tán tổ quân y, vì… tổ ấy chỉ toàn là nữ

Tướng Đặng Kinh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó, từ ngày mới là cậu bé 11 tuổi loẻo khoẻo, ông đã phải bán sức lao động kiếm miếng ăn để sống cho qua ngày đoạn tháng ở mỏ than Hà Lầm thuộc khu mỏ Hồng Quảng của tỉnh Quảng Ninh. Có lẽ thời thơ ấu đói nghèo đó đã ám ảnh ông suốt cả những năm tháng sau này. 

Ông tâm sự: “Cho đến tận năm 30 tuổi tôi vẫn không thích và chưa bao giờ để ý đến...phụ nữ... Mình là con nhà nghèo, vốn chỉ là anh phu mỏ nên chẳng dám nghĩ gì đến việc lập gia đình hay yêu thương ai. Khi làm tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn An Thụy, tôi còn xin cấp trên cho giải tán tổ quân y, vì tổ ấy chỉ toàn là...nữ.”

Người vợ Lê Huyền của ông, 15 tuổi là y tá trong chính Tiểu đoàn An Thụy, bấy giờ cũng vì mặc cảm đói nghèo ám ảnh của tuổi thơ mà ông vẫn chưa hề có ấn tượng hay mảy may để ý một chút gì đến bà. Cả tuổi trẻ của ông chỉ dành cho quân đội, cho đơn vị, thậm chí là ông tránh gặp phụ nữ. Anh em còn bảo ông ghét phụ nữ thế, hay là... có vấn đề?

Trung tướng Đặng Kinh.

Khi ông kể cho chúng tôi nghe những điều ấy, chúng tôi nghĩ phải chăng cảnh nghèo khó đã khiến ông tự ti đến mức ấy? Chỉ đến khi cố gắng gợi mạch câu chuyện, chúng tôi mới hiểu, bên trong cái mặc cảm ấy còn là một tâm hồn lãng mạn, một trái tim nhạy cảm - ông là người nâng niu và trân trọng phụ nữ hơn ai hết! Ông bảo: “Lúc ấy chiến đấu ác liệt lắm, tôi ngại cán bộ chiến sĩ “dòm ngó” nhau, phức tạp và mất thời gian. Với lại bấy giờ địch – ta xen kẽ, sống nay chết mai, cánh phụ nữ chân yếu tay mềm, tôi sợ và không muốn họ... chết oan.”

30 tuổi, lần đầu tiên nói chuyện với phụ nữ

Khi cô gái Lê Huyền mới mười chín tuổi thì ông đã ngấp nghé ba mươi. Năm 1951 ông là cán bộ đi họp, bà đi học lớp tổng phản công. Duyên phận thế nào họ lại về trên một con đường. Khi hai nhóm cùng trú máy bay trong hang núi Nho Quan (Ninh Bình), ông gặp lại cấp dưới, cũng chỉ chuyện trò bình thường như với rất nhiều đồng chí khác, song đó là lần đầu tiên ông nói chuyện với một người phụ nữ.

Từ Nho Quan, hai nhóm phải đi hai hướng khác nhau, nhóm của bà đi theo hướng Hải Dương – Quảng Ninh – Hải Phòng; nhóm của ông phải đi qua vùng địch – Thái Bình – Hải Phòng nhưng không đi được. “Ngay buổi đêm, tôi và cậu bé trong nhóm đạp xe ngược trở lại đuổi theo nhóm của bà ấy đi bộ, bấm bụng thế nào cũng phải gặp nhau bằng được ở Đông Triều (Quảng Ninh), vì lúc đó tôi đã có thiện cảm với bà ấy rồi mà”.

Hai nhóm về đến chân dãy Yên Tử (Quảng Ninh) thì gặp Thành ủy Hải Phòng đang tránh bom. Cả ba nhóm cùng trú một chỗ. Rồi biết cả hai ông bà cùng hát hay nên mọi người yêu cầu lên biểu diễn văn nghệ. Đứng lên cùng hòa chung điệu hát, ông lại càng thêm thiện cảm với người con gái ấy.

Một hôm ông rủ bà ra thác nước chơi, khi hai người dừng chân trên một mỏm đá, ông hỏi: “Tôi chỉ là anh công nhân thôi, tôi nhiều tuổi hơn cô mà lại chưa có vợ, cô cũng chưa có chồng, vậy ta tìm hiểu đặt vấn đề xây dựng với nhau có được không?” – Tôi biết là bà ấy có cảm tình với tôi từ lúc diễn văn nghệ, nên tôi mới dạn thế đấy, tướng Kinh cười. - “Bà ấy không trả lời, chỉ ngồi thừ ra một lúc rồi đứng dậy đi, tôi cũng đứng dậy, im lặng đi theo bà ấy, chỉ tin rằng sẽ còn gặp lại nhau.”

Dọc đường về Hải Phòng, nhóm của ông bị phục kích nên vừa đánh nhau vừa phải men theo khe núi lùi về dãy Kinh Môn (Hải Dương). “Khi mọi chuyện yên, tôi tìm mọi cách để đuổi theo nhóm của bà. Hôm ấy cậu giao liên của tôi không phải làm việc, nhưng tôi “hối lộ” một con gà để cậu ấy dẫn đi sao cho đuổi kịp được bà. Tôi vừa đến đã thấy bà đứng dậy, mừng ra mặt: “A, anh Kinh đã về”. Thế là tôi biết mình có cơ hội rồi”.

Một buổi tối, cậu liên lạc mang đến cho ông một mảnh viết nhỏ: “Anh Kinh yêu! Tôi vào trong địch hậu thế này khó khăn lắm, không biết là có nên tính hợp pháp chuyện gia đình ở Hải Phòng hay không?”. “Tôi mừng lắm, khi đi họp Thường vụ, tôi mới trình bày rằng: “Tôi và cô Huyền yêu nhau, xin Thường vụ duyệt cho chúng tôi được xây dựng”. Rồi tôi thông báo với bà ấy rằng: “Tôi đã đề nghị và Thường vụ đồng ý cho hai ta xây dựng”. Đấy, thời chiến, việc xây dựng gia đình chỉ đơn giản thế thôi”.

Giấu vợ những nỗi đau

Năm 1953, hai ông bà sinh cô con gái đầu lòng, đặt tên là Đặng Công Khanh. Con gái mới được vài tháng tuổi, bà Lê Huyền đã phải đi học ở trường Đảng Lê Hồng Phong. Còn ông chuẩn bị đánh trận Cát Bi.

Sau trận Cát Bi, ông lên làm Trung đoàn trưởng ở quân khu. Nhiều đêm ròng ông nghĩ: “Con không thể nào theo mình lên quân khu được, mà để nó ở lại thì thiếu thốn, khó khăn, thế nào nó cũng bỏ mình mà đi”. Một đàng nhiệm vụ, một đàng là con, cuối cùng ông vẫn phải gửi con nhờ dân nuôi.

Trung tướng Đặng Kinh và vợ.

Khi trận Điện Biên Phủ thắng lợi, ngày ông đi họp để rút bài học thì Tỉnh ủy báo tin con gái của ông đã không còn. “Đang bữa trưa, tôi thẫn thờ, đôi đũa trên tay rơi xuống, tôi ra đứng ngoài gốc cây mà khóc, bấy giờ con mới được 9 tháng tuổi... Mấy lần đi thăm bà ấy mà tôi đều giấu chuyện đứa con, tôi sợ bà ấy đau và thấy mình như kẻ có tội. Đến tận khi ta về tiếp quản Thủ đô, trận Cát Bi được tuyên dương, tôi chỉ huy 6 khối duyệt binh thì bà nhà tôi đi xem. Duyệt binh xong, vợ chồng gặp nhau, tôi vẫn giấu việc con gái nhưng có lẽ linh cảm người mẹ nên bà ấy đã biết, cả hai vợ chồng chỉ biết khóc thôi”.

“Đến tận bây giờ, trong bốn đứa con, tôi vẫn thương nhất cái Khanh, nó là nỗi đau, là nỗi day dứt lớn nhất của cả cuộc đời tôi, cô ạ! Tôi vẫn thấy mình có tội với con, với bà ấy nên lúc nào tôi cũng nhường, cũng nhịn và nghe theo để làm bà ấy vui lòng. Nhưng giờ thì bà ấy ung thư, khó qua khỏi…” – vị tướng già nghẹn ngào khi tiễn chúng tôi ra cửa. Chúng tôi hiểu, trong cuộc đời của nguyên Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam – người anh hùng trận mạc ấy, bà quan trọng và có ý nghĩa đến nhường nào!n

Từ một cậu bé phu than được giác ngộ Cách mạng rồi trở thành Trung tướng; chỉ huy trận đánh sân bay Cát Bi lừng lẫy (73-1954), những cống hiến cho Cách mạng của Trung tướng Đặng Kinh đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi nhận: “Tôi đã nhiều lần tiếp xúc và làm việc với anh Đặng Kinh. Anh là một đảng viên trung kiên, một vị tướng có đức, có tài, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và Quân đội giao phó. Anh là con người trung thực, thẳng thắn, sống trọn tình trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội”.

Sân bay Cát Bi bấy giờ lớn nhất Đông Dương, có vị trí quan trọng trong chiến lược quân sự của Pháp. Được giao nhiệm vụ tiêu diệt 50 máy bay, ngày 7/3/1954, tướng Đặng Kinh bấy giờ là tỉnh đội trưởng đã chỉ huy 33 chiến sĩ, tiêu diệt thành công 59 máy bay. Sau trận đánh này, chi viện của Pháp cho Điện Biên Phủ giảm đi rõ rệt, trận Cát Bi đã góp phần không nhỏ để làm nên chiến thắng Điện Biên.

Trung tướng Đặng Kinh tên thật là Đặng Văn Rợp, sinh năm 1922 ở xã Bắc Sơn, huyện An Lão, TP. Hải Phòng. 15 tuổi ông trở thành người liên lạc của nhà Cách mạng Tô Hiệu (Bí thư Thành ủy đầu tiên của TP. Hải Phòng). Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, ông đã làm cho quân Pháp khiếp sợ suốt một vùng tả ngạn sông Hồng với những chiến công lừng lẫy, tạo lên “Sấm đường 5”.

Ông nguyên là Bí thư Khu ủy Quân khu Tả Ngạn, Tư lệnh Quân khu 3, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hoài An
.
.
.