Ca sỹ Ngọc Quy: Tôi tin vào duyên phận

Thứ Tư, 30/03/2016, 08:00
Là học trò cưng của NSND Quý Dương, Ngọc Quy lẽ ra đã có thể trở thành một cái tên sáng giá của dòng thính phòng hoặc nhạc cách mạng. Nhưng rồi cảm thấy như thất nghiệp ngay cả khi mình đang đi làm, ca sỹ Ngọc Quy đã bỏ tất cả, đưa vợ con vào Nam lập nghiệp. Và tại đây, tiếng hát trữ tình của anh như "cá gặp nước". Gọi Ngọc Quy là "ông hoàng phòng trà" có lẽ hơi đao to búa lớn, nhưng hiện anh là cái tên được săn đón tại nhiều khán phòng của TP Hồ Chí Minh, nhất là ở dòng nhạc trữ tình.


- Vào đây cũng lâu rồi, anh thấy khán giả trong này nghe nhạc với một tâm thế ra sao?

+ Khán giả trong này không ai bỏ về, họ đến để nghe nhạc và không có kiểu quay sang ngồi nói chuyện như ngoài Bắc. Tất nhiên, ở đâu cũng có điều này điều khác. Nhưng nhìn chung, ở đây, có một cái gì đó phát triển về văn hóa thưởng thức.

- Đó có phải là lý do mà anh bỏ Hà Nội để vào đây hay không?

+ Không phải đâu. Lúc đó, Ngọc Quy đâu có biết nó như thế này. Hồi đó, chỉ đơn giản thấy rằng, trong môi trường làm việc của mình, mình không phát huy hết được niềm đam mê của mình. Xuất phát từ nhiều chuyến xa Hà Nội, ra khỏi cơ quan cũ để mang tiếng hát của mình đến với vùng sâu vùng xa, tôi thích lắm. Ở những nơi đó, đời sống tinh thần của người dân còn thấp, nên mỗi lần có đoàn nào đó lên biểu diễn, họ đi bộ có khi cả ngày đường mới đến nơi. Trên đường đi, họ hái những bông hoa rừng tặng mình. Có những lần đang hát trời mưa, họ lên cầm ô che cho mình. Xúc động vô cùng.

Đó là những lần đi lên vùng cao. Còn có những đợt đi hát cho kiều bào của mình ở nước ngoài, tôi biết rằng họ cũng phải chạy xe 500km để đến được nơi mình biểu diễn. Bên đó, trừ một số ít là khá giả, còn đa số dân mình gặp không ít khó khăn. Họ làm việc quá vất vả trong một ngày và cả năm chỉ được nghỉ một chút thôi vào các dịp đặc biệt như Noel hoặc Tết Tây.

Đó là thời điểm, các ca sỹ Việt Nam thường sang diễn. Đồng bào mình dồn hết vào dịp đấy, ăn uống, gặp gỡ, trao đổi, giao lưu rồi nghe hát. Những lúc đó, trông họ vui hạnh phúc lắm. Họ được nghe lại các ca khúc Việt Nam mà sang đấy mải làm ăn không có thời gian để nghe. Lúc đó, mình thấy tiếng hát của mình nó có ý nghĩa vô cùng với cuộc đời, đặc biệt là với khán giả của mình. Lúc đó cũng là lúc Ngọc Quy nhận ra, sứ mệnh của mình là phải đến được với khán giả. Phải lấy công chúng, khán giả làm trung tâm để mà cống hiến.

Đó là khởi nguồn để tôi rời khỏi Hà Nội bởi vì trong này nó đáp ứng được những nhu cầu đó. Hàng đêm nó có rất nhiều sân khấu để biểu diễn. Thể loại gì cũng có. Từ sân khấu kịch cho tới sân khấu ca nhạc ngoài trời cho đến các khán phòng, trà, café, bar. Buổi tối ở TP Hồ Chí Minh có thể có cả hàng trăm tụ điểm biểu diễn như thế. Tôi nghĩ mình sẽ không chết đói được đâu. Tôi chỉ vất vả mấy tháng đầu. Sau 6 tháng, giọng hát của tôi gần như phủ sóng hết tất cả các phòng trà có một số phòng thu mời thu âm nữa. Tôi đã rời bỏ Hà Nội mà đi như thế.

- Với dòng nhạc cổ điển mà anh theo đuổi, không khí trầm buồn của miền Bắc sẽ hợp hơn một không gian nặng về giải trí như TP Hồ Chí Minh chứ?

+ Ở đây cái gì cũng có, cái gì cũng phát triển được. Và ở đây, âm nhạc tuyên truyền thì người ta không để ý. Với họ, âm nhạc sinh ra để phục vụ nhu cầu của mình, kể cả đó là nhạc cổ điển hay nhạc nhẹ. Người ở Bắc thường nhìn trong này như một mảnh đất hỗn tạp, rằng thì nhạc trẻ, nhạc sến, nhạc thị trường…loạn cả lên. Mọi người hay nói đây là vùng đất của showbiz, của chiêu trò. Thế nhưng, họ chỉ nhìn thấy cái bề nổi mà thôi, chưa nhìn thấy hết đời sống nghe nhạc trong này.

- Đời sống nghe nhạc trong này ra sao, thưa anh?

+ Đời sống nghe nhạc ở trong này là hàng đêm, chứ không phải theo dịp này dịp kia như ngoài Bắc. Ai muốn nghe kiểu gì cũng có. Ở đây, người ta đi nghe nhạc như một thói quen.Và họ đi nghe và rất chăm chú, không phải kiểu đi chơi rồi tạt qua chỗ này chỗ kia nghe như ngoài Bắc. Họ nghe có kế hoạch hết. Họ tìm hiểu chương trình hôm nay do ai làm, ca sĩ nào hát, giá vé ra sao, nhạc công nào biểu diễn… Họ bỏ tiền ra và họ quan tâm xem số tiền đó thỏa đáng không. Họ đến phòng trà là để nghe nhạc, chứ không phải đến để nói chuyện.

- Vậy hát ở phòng trà và hát trên một sân khấu lớn, anh có thấy khác nhau nhiều không?

+ Ở sân khấu lớn, không gian nó rộng. Khán giả rất đông. Lượng âm thanh của mình hát ra cũng phải rộng lớn. Tất nhiên, hát ở sân khấu lớn cũng có cảm xúc của nó; tuy nhiên, hát trong khán phòng nhỏ vừa đủ thì nó phù hợp với âm nhạc trữ tình hơn. Nó gần gũi. Cứ như kiểu đang tâm tình, trò chuyện với nhau bằng âm nhạc. Tôi nghĩ, âm nhạc trữ tình, âm nhạc thính phòng nó phải như vậy.

Trong không gian đó, tôi cảm thấy tôi sống với âm nhạc được nhiều hơn, sống với tâm hồn mình được nhiều hơn. Trên sân khấu lớn, người nghệ sỹ sẽ phải có những bước đi kiểu khác, động tác kiểu khác, diễn giải kiểu khác. Còn ở không gian phòng trà, mình hát được những bài hát sâu lắng, mang nội tâm nhiều hơn. Khán giả đến đây, họ cũng có nhu cầu lắng nghe những điều như vậy.

Số lượng người có thể ít nhưng sự hưởng ứng của họ rất lớn. Và tôi thấy nó đang lan tỏa. Họ không hợp với những nơi ồn ã. Họ cũng không gào rú, gào thét khi thưởng thức. Niềm đam mê của họ âm ỉ trong xã hội. Tôi biết có rất nhiều người như thế trong cộng đồng nghe nhạc hi-end ở TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn…

Họ nghe nhiều lắm, có khi còn hơn cả một số người làm nghề chuyên nghiệp. Đội ngũ tri thứ ở trong này cũng đang có một số người bất mãn với thứ âm nhạc hiện nay. Họ cứ thu mình ở nhà bởi không có chương trình nào để họ đến ngồi cho thoải mái. Giá vé cũng quá đắt. Họ vẫn hướng về thứ âm nhạc đích thực và những người nghệ sỹ có tài năng thực sự.

- Với anh, như thế nào là âm nhạc đích thực?

+ Đạt được Chân - Thiện - Mỹ. Âm nhạc làm người ta sống đẹp hơn, nhân ái hơn, bao dung hơn. Có những bài hát buồn nhưng không phải là tiêu cực. Tất nhiên, cũng có những bài hát buồn, mang lại sự ủy mị, bi đát. Nó phù hợp trong một giai đoạn phát triển hoặc một hình thái xã hội nào đó. Mỗi tầng lớp sẽ có thứ âm nhạc của mình. Mỗi dòng nhạc sẽ có đời sống riêng của nó. Và muốn nó thế nào thì cũng đều phải có cái duyên của nó.

- Anh tin vào duyên phận không?

+ Tôi tin vào duyên phận. Và duyên ấy chính là cái nhân quả của mình gieo ra thôi, không phải là cái ngẫu nhiên đâu.

- Là người gắn bó với nhạc trữ tình, anh thấy dòng nhạc này ra sao?

+ Hát nhạc trữ tình xưa bài vở thì đơn giản nhưng nội dung truyền tải của nó rất tinh tế. Nghệ sỹ vừa phải cháy hết mình với ca khúc, vừa phải có một cách thể hiện hết sức tinh tế, không phải kiểu cháy gào thét mà là nội tâm bên trong.

- Mấy năm trở lại đây, có nhiều ca sỹ trẻ quay sang hát nhạc xưa. Anh nghĩ sao về điều này?

+ Âm nhạc Việt Nam đang bế tắc. Tất nhiên không phải vì mình hát nhạc xưa nên mình ca ngợi nhạc xưa một cách chủ quan, mà mình thấy trong sự phát triển âm nhạc của mình, chưa có cái gì để thay thế. Những tác phẩm thời kì ấy cho đến nay vẫn là những tác phẩm có giá trị. Tôi thấy, đời sống xã hội bây giờ hưởng thụ nhanh quá, con người ta chưa cảm nhận được tâm hồn thì đã thay đổi mất rồi.

Ngày xưa các cụ sống chậm hơn. Đời sống không có quá nhiều sự mua bán, giao thương. Tâm hồn của họ còn đang yên ắng nên họ chỉ viết những gì cho bản thân họ, viết để giải tỏa nội tâm của họ, họ không nhằm vào xu hướng này, xu hướng kia. Họ cũng không viết kiểu theo kiểu đặt hàng cho giọng ca này hay giọng ca kia. Nên nó chân thực.

Rồi người hát cũng không như người hát bây giờ, họ hát để giải tỏa nội tâm và đam mê của mình, không có tính toán sau khi hát sẽ đẩy lên trang này hay trang kia sao cho hot như bây giờ. Tất nhiên, Ngọc Quy biết, đây cũng là một cách để đưa tác phẩm trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết. Thế nhưng mà, biết về nó, yêu thích nó bao lâu thì tôi không dám chắc.

- Anh có thấy thỏa mãn khi được vẫy vùng trong đời sống âm nhạc ở đây không?

+ Thỏa mãn lắm. Ngọc Quy được hát cho những gì mình đam mê. Tôi có khán giả của tôi. Tôi được như bây giờ, bên cạnh sự học hỏi của mình còn là sự dành dụm và động viên từ khán giả, anh em đồng nghiệp, gia đình. Tiếng hát lúc này của mình bây giờ đã có khả năng tự chuyển tải mang nhiều ơn nghĩa đối với đời sống.

- Anh có định trung thành với dòng nhạc này không?

+ Tương lai chưa biết. Nhưng hiện tại, nói chung, tôi hát hợp với dòng đó. Mỗi người hát sẽ hát được nhiều thể loại khác nhau. Nhưng cái gì hợp với mình có nghĩa đấy là nhân duyên của mình. Mình sẽ tận hưởng nó.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.