Cảm động chuyện người mẹ đánh đổi cả đôi mắt để giữ mạng sống cho con

Thứ Tư, 11/03/2015, 10:00
Đang mang thai tháng thứ 5 cũng là lúc chị nhận hung tin mình bị ung thư vòm độ 4. Mặc lời khuyên của bác sĩ, người thân trong gia đình rằng phải bỏ cái thai đi để cứu lấy mình, người mẹ ấy vẫn quyết giữ lại mạng sống của sinh linh bé bỏng.

Suốt những tháng ngày quằn quại chiến đấu với đau đớn để giữ lại con, giờ đây, đứa con bé bỏng của chị đã khỏe mạnh chào đời. Còn chị, đã mất đi ánh sáng của đôi mắt ngay trên bàn đẻ.

‘‘Có chết cũng không bao giờ bỏ con”

Mò mẫm từng bước trên bậc thềm, chị Hoàng Thị Yên (thôn Đông Lao, Đông La, Hoài Đức, Hà Nội) vẫn giữ cho mình nụ cười của hơn một năm trước, khi chị còn khỏe mạnh và đôi mắt còn nhìn thấy. Nhưng trong đôi mắt của mình, từ hơn một năm nay, những ánh cười đã vương thêm nhiều giọt lệ. Chị đã đánh đổi ánh sáng của đôi mắt, ánh sáng của cuộc đời để giữ lại mạng sống cho đứa con.

Câu chuyện về tình mẫu tử ấy khiến bất cứ ai cũng cảm thấy động lòng xót xa. Mỗi khi nhìn bé Lê Hoàng Cẩm Tú (14 tháng tuổi, con gái chị Yên - PV) chập chững đi rồi cười, bi bô nói, mọi người lại thở dài: “Tội nghiệp hai mẹ con!”.

Khi mang bầu được 5 tháng, chị Yên có biểu hiện không ăn uống được, hay nôn… Khi đi khám, các thành viên trong gia đình chị nhận được tin như sét đánh ngang tai: Chị bị ung thư vòm độ 4.

Mỗi khi nhắc tới giai đoạn vượt cạn để sinh con, đôi mắt chị Yên không sao ngăn được những dòng lệ.

Ngày trước, khi chị vẫn là một công nhân may với mức lương đủ đồng ra đồng vào, một nữ công nhân đã từng khiến anh Lê Văn Hợp (SN 1980, chồng chị Yên – PV) phải từ chối rất nhiều gái làng để cưới chị làm vợ.

Khi phát hiện bệnh tình của chị, các bác sĩ nhắn gia đình khuyên chị bỏ thai nhi để điều trị và giữ lại mạng sống cho người mẹ trước tiên. Bởi, quá trình điều trị sẽ ảnh hưởng tới đứa con còn đang mang trong bụng. Thậm chí, giữ đứa trẻ lại có thể không cứu được cả mẹ và con. Nhưng chị vẫn đánh đổi tất cả chỉ vì nghĩ về con…

Gạt nước mắt chị nhớ lại: “Lúc đang mang thai cháu bé, tôi bị nôn và chảy máu cam quá nhiều nên hai vợ chồng đưa nhau lên Bệnh viện 103 khám. Sau khi bác sĩ trả kết quả, tôi thấy chồng mình lặng người đi không nói gì. Linh cảm chuyện chẳng lành nhưng chồng tôi vẫn bảo không làm sao. Tôi thấy anh lén quay đi để lau nước mắt.

Về nhà, anh ấy đã gọi cả hai bên nội ngoại đến họp gia đình. Và chính chị gái tôi là người thông báo cho tôi tình hình bệnh tật. Nghe tin như sét đánh bên tai, người tôi như chết điếng. Khóc không được, nói không xong”.

Chị Yến (chị gái Yên – PV) nói rằng, nếu muốn chữa khỏi bệnh thì tôi phải bỏ em bé, nếu không bệnh viện sẽ không điều trị.

Lúc ấy tôi đã hét lên trong nước mắt rằng: “Có chết em cũng không thể bỏ con”. Chị ấy thấy vậy nên đành trấn an tôi, rằng nếu muốn giữ đứa bé thì phải sống lạc quan vui vẻ và không được nghĩ ngợi nhiều để ảnh hưởng đứa bé. Và, tôi quyết định giữ lại thai nhi, bỏ mặc phía sau mọi lời khuyên nhủ” – chị Yên tâm sự với chúng tôi khi bé Cẩm Tú vẫn cười giòn trong vòng tay siết chặt của người mẹ.

‘‘Mắt tôi tối dần đi ngay trên bàn đẻ”

Không lay chuyển được tình mẫu tử, mọi người tôn trọng quyết định của chị Yên. Họ sát cánh cùng chị để vượt qua biết bao thử thách, chờ đến ngày sinh linh ấy chào đời. Khi bé Cẩm Tú trong bụng mẹ được 32 tuần tuổi, đó là thời khắc chị đau đớn nhất.

Mỗi ngày, chị phải truyền 3 chai dịch truyền và mỗi chai mất 3 tiếng đồng hồ. Ngày 9 tiếng, người phụ nữ ấy phải nằm trên giường để cố đưa chút chất dinh dưỡng vào người qua những chai dịch truyền ấy.

“Tôi cứ ăn, thậm chí uống vào là nôn mà nôn cả ra máu. 32 tuần tuổi nhưng con mới chỉ được 1,2kg. Biết cân nặng của con như thế là quá nhẹ, nhưng tôi chẳng biết phải làm cách nào. Bụng mẹ thì đói, con đạp nhiều mà thấy thương con đứt ruột”– chị Yên nấc nghẹn khi kể.

Một lần nữa chị phải đối mặt với sự lựa chọn, chị chọn giữ con lại thêm một thời gian. Vì theo chẩn đoán của các bác sĩ, phải 37 tuần tuổi đứa trẻ ấy chào đời mới đảm bảo sự sống.

Chị chia sẻ: “Thế rồi trước bữa ăn nào tôi cũng cầu nguyện, cầu xin đấng trên ban ơn, dù tôi có bị nôn cũng xin được giữ lại chút thức ăn để nuôi bé.

Tôi không nhớ mình đã bao lần khóc trong những cơn đau. Chồng thì không thể ở bên cạnh, vì phải đi làm xa để kiếm tiền về nuôi vợ con.

Lúc biết bệnh, cũng là lúc tôi chuyển về nhà ngoại sinh sống để có người chăm nom. Vì gia đình bên nội ở xa, mẹ chồng cũng gần 80 tuổi, ốm đau bệnh tật triền miên”.

Quá trình chiến đấu với bệnh tật tưởng chừng nhiều lúc chị không thể cầm cự bởi những cơn đau. Đôi mắt cứ mờ dần, nhưng chị đã nghĩ “dù mình có mù cũng phải để con nhìn thấy ánh sáng”.

Chị vẫn nhớ như in ngày đứa con bé bỏng chào đời: “Tôi được các bác sĩ ở Viện sản C chỉ định sinh mổ. Lúc trên bàn đẻ, dù mắt thì mờ, cơ thể đau đớn nhưng tâm trạng tôi vẫn hạnh phúc và háo hức vô cùng bởi tôi sắp được nhìn thấy con. Nhưng khi bác sĩ vừa tiêm được nửa mũi thuốc gây tê, trước mắt tôi chỉ là một màu tối đen như mực… tôi biết mình đã bị mù, nhưng vì con tôi đã không khóc”.

Chỉ khi bác sĩ thông báo “em bé khỏe mạnh rồi nhé”, nước mắt tôi mới lã chã rơi vì hạnh phúc. Cả gia đình ai cũng mừng mừng tủi tủi, bởi lúc tôi lên bàn sinh mọi người đã xác định tôi sẽ không qua được.

Chỉ ước một lần được nhìn thấy con

Đứng trước người phụ nữ với đôi mắt mù lòa, tôi những tưởng chị đã phải toan tính rất nhiều tới tương lai của đứa trẻ sinh ra, rồi sẽ vắng đi bàn tay chăm sóc của mẹ. Nhưng dường như, cảm nhận được những đắn đo từ phía người đối diện qua phần thị lực đã mất đi ấy, chị Yên cười: “Tôi chỉ nghĩ sinh con ra được khỏe mạnh, vì nó cũng là một mạng sống, nên tôi không nỡ “giết” con khi nó còn chưa cất tiếng khóc chào đời. Chồng cũng muốn tôi cứu mạng sống của mình trước tiên, sau đó sẽ tính tới chuyện sinh con. Nhưng cơ hội đó với tôi mỏng manh lắm! Tôi sợ nếu bỏ con, sau này tôi nhắm mắt xuôi tay, xuống cửu tuyền gặp con nó sẽ oán”.

Dù buồn, nhưng chính những tiếng khóc, tiếng cười của con lại là nguồn sống giúp chị vượt qua những cơn đau bệnh tật. “Nhưng nghĩ cũng buồn, suốt 9 tháng sau sinh bé chị phải nằm viện xạ trị. Bé con không một ngày được bú sữa mẹ nên cũng không bám mẹ nhiều. Giờ mắt tôi cũng mờ nên không thể bế bé đi chơi”, chị Yên quệt ngang dòng nước mắt tủi phận.

Thế rồi, “Sáng 20/10, khi tôi còn đang quờ quạng bước ra từ nhà vệ sinh, con đã gọi to “Mẹ”. Lúc ấy, tôi hạnh phúc lắm, chỉ muốn chạy thật nhanh lại ôm con. Đó chính là món quà ý nghĩa mà tôi nhận được trong ngày Phụ nữ Việt Nam” – gạt những giọt nước mắt đang lăn dài, chị Yên chia sẻ.

Vợ mất từ năm 2007, suốt 7 năm qua, ông Nguyễn Tài Thường (SN 1943 – bố đẻ chị Yên) một mình chèo chống kinh tế cho gia đình. Nghe những tâm sự chát đắng của con gái út, chốc chốc, ông Thường lại lấy tay gạt nước mắt.

Ông ngậm ngùi: “Số phận đã định nhà tôi phải như thế, tôi cũng không biết phải làm thế nào. Với cái Yên, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Hai chị gái nó, một đứa ở nhà trông cháu, một đứa trông nó trong viện. Nó vẫn bảo với chồng, sau này em chết đi dù anh có lấy vợ mới cũng đừng quên trách nhiệm và yêu thương con, đừng để con mất mẹ lại thiếu cả bố”.

Chia tay chị Yên với cái nắm tay thật chặt, bên tai tôi vẫn vẳng lại lời nói của chị: “Đôi mắt của tôi đã đổi được mạng sống của một con người và tôi không bao giờ hối hận”.

Minh Thùy
.
.
.