Chang Apana- Sự thật và hư cấu

Thứ Sáu, 06/11/2020, 16:31
Sự xuất hiện của Chang Apana quả có phần kỳ lạ. Tại sao một thám tử của Sở Cảnh sát Honolulu lại có thể trở thành nhân vật nổi tiếng được truyền tụng trong đời sống dân gian Hawaii?! Lý do nằm ở sự đan xen giữa những huyền thoại hư cấu thêu dệt quanh Chang lẫn những chiến công thật sự mà ông đã từng giành được trong sự nghiệp cảnh sát của mình.


Chang Apana (26-12- 1871-7-12-1933) được sinh ra tại đảo Waipio, Hawaii dưới tên khai sinh là A Bình. Mẹ của A Bình là người bản địa, còn bố ông là một trong số 460.000 người Trung Quốc di cư đến Hawaii để lao động trong các trang trại trồng mía. Năm A Bình lên ba tuổi, cả gia đình ông chuyển về Trung Quốc, nhưng một thời gian sau đó cuộc chiến tranh thuốc phiện nổ ra. Vì lo sợ cho sự an toàn và tương lai của con trai mình, bố mẹ A Bình mới gửi ông đến sống với một người chú vẫn còn trụ lại hòn đảo Waipio. Cũng vào thời gian này ông đổi tên sang Chang Apana vì lý do hết sức đơn giản: không nhiều người Hawaii phát âm được từ "Bình".

Chàng thiếu niên Chang Apana dành một thời gian dài làm cao bồi chăn bò cho ông chú, rồi đến năm 1891, ông được Hội Nhân đạo Hawaii thuê làm nhân viên. Hội Nhân đạo Hawaii ban đầu được lập ra nhằm mục đích hỗ trợ gia đình và trẻ em, rồi chuyển dần thành một tổ chức bảo vệ động vật. Họ giao cho Chang nhiệm vụ điều tra những trường hợp phản ánh có hành vi ngược đãi động vật.

Ông Chang Apana (trái) đứng cạnh diễn viên Werner Oland đóng vai Charlie Chan trong nhiều bộ phim Hollywood.

Vào thời điểm đó, đây không phải là một công việc được tôn trọng, nhưng ông vẫn dồn hết tâm sức của mình vào nó. Chang còn có lợi thế là nhiều năm liền ở quanh các loài động vật nữa. Những thành công liên tiếp của Chang đã khiến ông lọt vào con mắt của Helen Wilder, Chủ tịch Hội Nhân đạo đồng thời là một sỹ quan trong lực lượng cảnh sát Honolulu.

Vào thời điểm này, Hawaii vừa mới được sáp nhập vào Mỹ sau khi nước này chiến thắng Tây Ban Nha trong một cuộc chiến ngắn ngủi. Lực lượng cảnh sát Honolulu được phép mở rộng lực lượng, và Chang Apana là một trong những người đầu tiên được Helen Wilder đề cử. Ông trở thành thám tử cảnh sát, và cũng là người gốc Trung Quốc đầu tiên trong Sở Cảnh sát Honolulu. Đối với cộng đồng Hoa kiều ở Hawaii lúc đó, đây quả là sự kiện lớn. Cho đến lúc đó người Hoa vẫn phải chịu sự kỳ thị, bị cho rằng chỉ có thể làm những công việc tay chân hay buôn bán nhỏ. Có một người gốc Hoa như Chang Apana trở thành thám tử là lời phủ nhận rõ ràng nhất đối với định kiến đó.

Chang được giao nhiệm vụ quản lý phố người Hoa, và ông chịu trách nhiệm không dưới 110 vụ án tại khu vực trong thời gian tại vị. Ngay từ khi đó Hội Tam hoàng đã thâm nhập Hawaii, và trong một thời gian dài chỉ có Chang là viên thám tử duy nhất nhận ra sự nguy hiểm của băng đảng này. Nhưng làm sao một người có thể đối chọi lại với cả một tổ chức tội phạm?! Vì vậy, Chang sử dụng tài cải trang của mình. Chang Apana được trời ban cho khả năng cải trang hiếm người có.

Tương truyền rằng, ngay cả các đồng nghiệp hằng ngày làm việc với Chang cũng sẽ không thể nhận ra ông khi vị thám tử trổ tài hóa trang. Có một lần ông giả dạng thành một người buôn dừa sáp để đi phục kích đối tượng tại cảng biển. Sau nhiều ngày chờ đợi, cuối cùng chuyến tàu chở thuốc phiện cũng cập cảng, và Chang mới thả lưới. Một trong những đối tượng quan trọng nhất bỏ chạy trên chiếc xe ngựa và tông vào Chang, suýt nữa giết chết ông, nhưng viên thám tử vẫn tóm sống hắn ta. Đến cả lúc đấy những tên tội phạm vẫn không nhận ra anh buôn dừa lại chính là một viên thám tử trứ danh.

Tài hoá trang, hay khả năng phá án xuất sắc nói chung đều nhờ vào con mắt tinh tế của Chang Apana. Tuy vậy, Chang Apana đã nhanh chóng chỉ ra nhiều tình tiết không hợp lý. Đó là trước hết, những mảnh kính vỡ nằm ở bên ngoài chứ không phải trong nhà. Thứ hai, một người leo tường sẽ chỉ dồn lực vào mũi bàn chân, nhưng vết chân trên tường lại in dấu cả đôi giày. Thứ ba, mảnh vải được cho là từ áo của kẻ trộm còn mắc lại ở bụi dậu gai gần đó dùng loại sợi tơ tằm đắt tiền, chỉ có người giàu mới mua được. Chang kết luận là chỉ có thể người trong nhà đã ăn trộm tiền vàng rồi tạo hiện trường giả để đánh lạc hướng. Theo hướng suy luận này, cuối cùng cảnh sát đã tìm ra kẻ ăn trộm là đứa con trai và người hầu của chủ nhà.

Ngoài tài trí của mình, Chang Apana còn nổi tiếng về sức khoẻ hơn người. Có lần ông bị phát hiện khi đang đột nhập vào một sòng bạc bí mật. Những con bạc ném ông khỏi cửa sổ từ tầng hai xuống đường, nhưng Chang đứng dậy lại ngay, rồi lại chạy vào bên trong nhà áp chế đám đánh bạc hơn 40 tên với cây roi và nắm đấm của mình.

Thời  còn là cao bồi, Chang đã học được cách đánh roi điệu nghệ, và đến khi làm thám tử ông vẫn còn cầm theo cây roi để phòng thân thay cho khẩu súng vì vốn rất ghét súng đạn. Cuối cùng Sở Cảnh sát Honolulu cũng phải chịu chiều lòng Chang và ký sắc lệnh cho phép riêng ông được đem theo roi hay bất kỳ thứ vũ khí gì ông muốn khi làm nhiệm vụ.

Một điểm không thể không nhắc đến khác về thành công của Chang Apana là cái cách mà ông xây dựng mối quan hệ với cộng đồng. Kể cả sau khi không làm cho Hội Nhân đạo Hawaii nữa, Chang vẫn tiếp tục công việc từ thiện. Ông thường xuyên tìm kiếm những người bị bệnh hủi và giúp đỡ họ tạo dựng cuộc sống mới trong trại phong.

Có lần một bệnh nhân vì hoảng loạn mà tấn công Chang bằng cái lưỡi liềm. Vị thám tử lấy tay che vết thương, rồi tiếp tục thuyết phục nạn nhân cho đến khi anh ta bình tĩnh lại. Sau này vết thương để lại sẹo gần mắt bên phải của ông. Điều mà Chang nhận lại được từ nghĩa cử của mình là sự tin tưởng của người dân địa phương. Họ sẵn sàng thông tin cho Chang hay giúp đỡ ông trong việc trấn áp các đối tượng phạm tội. Đây là một minh chứng rõ ràng của công tác dân vận trong an ninh cộng đồng.

Vào khoảng năm 1920, Chang Apana đã trở thành người nổi tiếng tại Hawaii, và tên tuổi của ông còn xuất hiện trên cả những tờ báo lớn tại Mỹ. Nhà văn Earl Derr Biggers ngẫu nhiên đọc được một mẩu tin về Chang trên báo năm 1924. Khi đấy nhà văn đang sáng tác một quyển tiểu thuyết mang tên "The House Without a Key" lấy bối cảnh ở Hawaii. Biggers mới lấy luôn hình mẫu Chang Apana mà viết nên nhân vật thám tử Charlie Chan.

 Tuy chỉ là một nhân vật phụ nhưng Charlie Chan lại được độc giả yêu mến đến mức tác giả đã viết thêm 5 tiểu thuyết trinh thám khác lấy viên thám tử làm nhân vật chính. Bộ tiểu thuyết này đã được nhiều lần chuyển thể lên màn ảnh bạc, trong đó đáng chú ý nhất là series 43 bộ phim do hãng Fox sản xuất và ba diễn viên khác nhau nối tiếp đảm nhận vai Charlie Chan. Bộ phim gần đây nhất về viên thám tử là series phim truyền hình "The Legendsof Charlie Chan" có sự xuất hiện của diễn viên võ thuật gạo cội Cary-Hiroyuki Tagawa trong vai Charlie Chan.

Diễn viên nổi tiếng Cary-Hiroyuki Tagawa thủ vai Chang Apana.

Kể cả sau khi tên tuổi bản thân đã trở nên nổi tiếng nhờ vào những tiểu thuyết, bộ phim về Charlie Chan, Chang Apana vẫn tiếp tục cuộc sống ẩn dật. Sau khi nghỉ hưu, ông cống hiến thời gian cho việc quản lý trang trại của mình và làm từ thiện. Năm 1933, sau một tháng chiến đấu với bệnh tật, Chang Apana được cho nhập bệnh viện Queen's. Ca phẫu thuật cắt đi đôi chân bị hoại tử.

Tiếc thay việc nói trên lại diễn ra không đúng theo dự kiến của y bác sỹ, và hơn một ngày sau viên cựu thám tử trứ danh đó trút hơi thở cuối cùng. Chang Apana được  an táng tại nghĩa trang Manoa dành riêng cho người Hoa kiều. Đến nay đôi khi vẫn có một số người dân địa phương và khách du lịch đến thăm mộ Chang Apana để tỏ lòng kính trọng sự nghiệp của ông. Có thể nói nhờ khả năng và sự mẫn cán của bản thân, Chang Apana đã làm được điều mà ai cũng muốn nhưng ít người đạt được, đó là: tạo ra ảnh hưởng có thể vượt qua cả rào chắn thời gian!

Vũ Thái Thịnh (tổng hợp)
.
.
.