Chàng rocker đi dép lê và mơ giấc mơ cuối ngày

Thứ Hai, 27/06/2016, 17:15
Không giống như phần nhiều rocker với vẻ ngoài bụi bặm, phong trần, thoạt nhìn Trần Toàn K300, người ta sẽ nghĩ ngay đến hai chữ “mẫn cán” của những người làm công ăn lương bình thường. Mà bình thường thật! Mới nhìn qua, sẽ chẳng có gì đặc biệt lắm.


Nhìn lại lần nữa, có khi vẫn thế. Thậm chí “xoàng” hơn. Nhưng nếu một lần xem biểu diễn, nghe nhạc của anh xong, tất cả những ấn tượng bề ngoài đó sẽ bay biến cả. Còn lại đó một gã rocker kỳ lạ và những giấc mơ cuối ngày. Còn lại đó những hợp âm rất đời.

Tôi biết đến Trần Toàn K300 trên sân khấu Monsoon Music Festival 2015. Khi đó, giữa những lộng lẫy, có phần hào nhoáng của giới nghệ sỹ, tự nhiên có một ca lạ “tưng tửng” bước ra sân khấu và hát.

Sở dĩ, tôi gọi Trần Toàn K300 là ca lạ của lễ hội âm nhạc này là bởi chất nhạc đẫm vị đời được cất lên trên cái cổ họng “bị khàn” đó lại vừa khít đến kỳ lạ. Ca lạ còn bởi, có lẽ ở ta, chưa thấy nghệ sỹ nào bước lên sân khấu với chiếc quần soóc và chiếc dép lê như vậy cả.

Ngoài sáng tác nhạc, anh nổi tiếng với những câu slogan “chém gió”, vui vui trên mạng.

Trần Toàn muốn gây sốc hoặc chơi trội? Không! Anh chỉ muốn mang cái sự thoải mái nhất mà mình có thể có để khi đứng trên sân khấu, bớt run hơn một chút và nhẹ nhõm hơn một chút. Những thứ “phấn son” lôi thôi ấy làm anh cảm thấy phiền.

Có lần Trần Toàn đọc ở đâu đó, một nghệ sỹ nào đó nói đại ý rằng, đừng bao giờ xuất hiện trước đám đông mà không đi giày cao gót. Ở thời điểm này, sự chuyên nghiệp nằm ở giày cao gót chứ không phải ở việc mình hát hay hay dở. Anh tự nhận mình là người “không hề chuyên nghiệp chút nào”.

Anh nói với tôi, những người chuyên nghiệp là những người quan tâm đến cạo râu, cắt tóc, đi đứng trên sân khấu ra sao, đứng trước công chúng mặc gì, ăn nói thế nào. Có khi đó là những cái chẳng hề liên quan đến chuyên môn mà liên quan đến ý thức chuyên nghiệp. Còn anh, anh không “diễn”, không “căn ke” từng li từng tí một được. Có thế nào hát thế ấy. Như thế nào, trưng ra hết thảy.

Khi tôi viết về Trần Toàn K300, có thể sẽ có nhiều người tự hỏi, gã rocker này là ai? Sao tên lạ thế? Một cái tên mới chăng? Không. Hỏi tên anh, dân chơi rock Việt nào mà chẳng biết.

Thậm chí, cách đây gần 20 năm, khi nhắc đến một số ca khúc đóng đinh cái tên ban nhạc Thủy Triều Đỏ trong lòng người hâm mộ - đặc biệt là “Cánh thư cuối cùng” - thì không thể không nhắc đến Trần Toàn. Bởi anh là tác giả của ca khúc đó. Anh gọi đây là “bản ballad của những ngày gian khó”.

“Cũng như nhiều bài hát khác của tuổi 20, bài hát mang màu đượm buồn nhưng trong trẻo. Cũng như những bản ballad khác thời bấy giờ, tiếng guitar ngọt ngào luôn là yếu tố chính dẫn dắt giọng hát, giai điệu cùng ca từ đến với ai đó.

Giai điệu bài hát đã được Trần Quang Tiến gọt đẽo lại. Hiếu Lê đã ghi dấu ấn sâu đậm vào trái tim người nghe bằng phần phối guitar vô cùng ngọt ngào và hiểm hóc.

Có lẽ nếu ai đã từng biết bài này thì thường là biết qua giọng hát của Lan Phương. Thời gian đã khiến những bức thư tay đi vào dĩ vãng. Nhưng sản phẩm mang dấu ấn cá nhân tôi và Thuỷ Triều Đỏ vẫn khiến tôi luôn sống lại cảm giác thú vị của tuổi trẻ”.

20 năm nghe có vẻ xa xôi quá. Hẳn một số người còn nhớ 2 ca khúc của anh là “Hai người lính (ca sỹ Phạm Anh Khoa thể hiện) và “Nơi tuổi thơ qua” (ca sỹ Đình Nguyên thể hiện) từng gây ấn tượng mạnh tại chương trình Bài hát Việt 2006.

Âm nhạc Trần Toàn K300 ấn tượng bởi sự tự nhiên, mộc mạc, gần gũi.

Anh từng ra 3 album Rock ghi dấu những chặng đường âm nhạc của mình nhưng cả 3 đều in xong rồi “để đó”. Cái tên của anh cho đến bây giờ vẫn là một ẩn số với mọi người. Có người gọi anh là kẻ ôm đàn hát trong bóng tối.

Bạn bè vẫn đùa rằng, Trần Toàn làm quảng cáo cho cả thiên hạ nhưng không biết quảng cáo cho mình. Những đàn anh “có nghề” như Quốc Trung, Thanh Phương, Huy Tuấn vẫn hỏi anh học hòa âm ở đâu ra, sao lại nghĩ được kiểu hòa âm này và sao anh biết cách dùng nó. Trần Toàn chịu, không biết cách giải thích ra sao.

Chỉ biết rằng, “mấy gam nhạc giắt lưng” ấy cất lên từ cơn ngẫu hứng của riêng anh. Đến cả những thành viên trong ban nhạc của anh, nghe nhạc anh xong không đánh theo được và cũng không biết tìm nốt nào mà chơi. Sau khi Trần Toàn hướng dẫn xong, những người anh em của anh mới bắt tông vào được ngay một lúc mười mấy bài. Anh bảo, anh viết nhạc không theo logic chung của mọi người.

Tôi hỏi anh, có thấy buồn khi những điều mình viết ra không được số đông biết đến? Anh cười: “Cũng chạnh lòng một chút chứ. Mình chơi cho mình là vui nhưng nếu cuộc chơi có nhiều người hưởng ứng đến cùng thì sẽ vui hơn. Đôi lúc, tôi cũng lăn tăn, hay là do những điều mình viết ra quá tệ?

Nhưng rồi sau cũng kệ, đến cuối ngày nhìn lại mình, nghĩ về ý nghĩ ban đầu của mình (chơi nhạc để vui) lại vui ngay. Đằng nào mình không làm giàu được từ âm nhạc được rồi. Thế thì hãy chơi cái mình thích”. Nói xong, anh cười thêm lần nữa, có thể “tôi không nổi tiếng là vì thế”.

20 năm trước, Trần Toàn đến với âm nhạc bằng những bản ballad lãng mạn, trong trẻo đầu đời. 20 năm, “dòng thời gian trắng bên trời” mất rồi. Trần Toàn của những năm hai nghìn không trăm mười mấy khác lắm Trần Toàn của thời “Cánh thư cuối cùng, em trao tôi lời cay đắng”. Nhạc của anh sau này nghiêng về thế sự, những câu chuyện trà đá vỉa hè.

Khi chọn Trần Toàn K300 để hát trên Monsoon Music Festival, nhạc sỹ Quốc Trung đã nhìn thấy ở anh một con đường âm nhạc riêng, một tư duy âm nhạc tự nhiên, lạ lẫm mà cũng hết sức gần gũi, một lối viết nhạc và ca từ đơn giản nhưng ẩn chứa những lớp nghĩa triết lý sâu sắc.

Tôi thích “Câu hỏi”, một bài hát có nhiều câu hỏi của một đứa bé hỏi bố mình: “Bố ơi bố ơi/Sao tóc bà lại trắng? Sao ông chưa mọc răng? Và tại sao có, sao lại có trẻ con?” hay: “Sao hoa lại đẹp thế, trong vườn? Sớm mai lên, bầy chim véo von? Và sao con cá ai dạy nó bơi?”, “Sao người lớn lúc nào cũng bận? Sao người lớn lúc nào cũng tiền? Sao người lớn suốt tuần đi làm? Không ở nhà chơi với trẻ con?”.

Nghe xong, ta cảm giác như Trần Toàn chẳng làm gì cả, anh chỉ làm mỗi việc là “bê” nguyên những thắc mắc của con anh vào ca khúc. Thế mà, những câu hỏi ngô nghê trẻ con đó đi vào âm nhạc một cách đầy thú vị và cũng đầy suy ngẫm nữa, gợi nhiều xót xa trong lòng.

Những cảm hứng về cuộc sống thường ngày cứ thế “lững thững” đi vào trong những sáng tác của anh. Từ chuyện của chính gia đình anh (Tôi chẳng là ai, Từ nay biết sợ, Câu hỏi…) cho đến những vấn nạn xã hội như hôi bia ở Biên Hòa (Túi 9 gang), công nghệ số lên ngôi (Thế giới hình chữ nhật), tai nạn giao thông, tắc đường (2 con dê)…. Tất cả thể hiện qua lối hát tưng tửng, thô mộc, xù xì, không tô vẽ.

Trần Toàn K300.

Chúng ta cần phải sòng phẳng một điều, Trần Toàn hát không hay. Giọng hát của anh không phải là một giọng hát tinh tế, thậm chí với vài người khó tính, đây là một giọng hát “lỗi”. Thế nhưng, chẳng vấn đề gì. Trần Toàn chọn funk rock pha rock một cách tự do, thoải mái, ngẫu hứng cơ mà!

Và anh luôn nhìn cuộc sống bằng cặp mắt lạc quan, yêu đời, yêu sống dù cho lắm lúc “đời chán bỏ xừ!”. Anh nói, anh thích một thứ âm nhạc nhẹ nhõm, truyền cảm hứng để con người sống tốt hơn, đẹp hơn.

Với Trần Toàn, những vụn vặt cũng có giá trị cống hiến của nó. Anh ngại nói những điều to tát vì “nhiều khi trong nghề quảng cáo, mình toàn nói những cái to tát nên mệt rồi, giờ trong âm nhạc cũng nói về những cái to tát nữa thì mệt lắm”.

Sau những năm tháng tuổi 20 mơ mộng, sau những lần di trú mê mệt trời Nam đất Bắc, sau khi bã bời đủ thứ công việc từ bảo vệ, phụ hồ, xích lô… đến làm nhân viên sáng tạo cho một công ty quảng cáo như hiện tại, điều cuối cùng còn lại của một Trần Toàn K300 có lẽ cũng chỉ là âm nhạc mà thôi. Và có thể, lúc này, anh vẫn đang mơ những giấc mơ cuối ngày của riêng mình. Một thứ âm nhạc lạ lẫm, chẳng giống ai, hát cho mình, cho “cuộc đời vẫn thế”.

Đậu Dung
.
.
.