Chàng trai 9x với bảo tàng di sản 3D

Thứ Hai, 04/04/2016, 11:00
Đang học lớp 9, Nguyễn Trí Quang (Khâm Thiên, Hà Nội) đã xin phép bố mẹ cho mình được nghỉ học để theo đuổi giấc mơ 3D. Khi các bạn cắp sách tới trường thì chàng trai trẻ này lại cắm mặt vào máy tính để nghiên cứu một công nghệ chưa từng có ở Việt Nam. Đến nay, thành quả mà Trí Quang đạt được là ra mắt thành công một trang web 3D, trong đó trưng bày hàng trăm mẫu cổ vật quý hiếm của Việt Nam. Bước vào không gian 3D ấy, người xem có cảm giác như được tới tận nơi chiêm những những di sản quý hiếm.


Bỏ học để theo đuổi đam mê

Để đeo đuổi đam mê này Quang đã bỏ học từ giữa năm lớp 9. Chàng trai trẻ chia sẻ: “Khi em nói với gia đình là em sẽ nghỉ học để tập trung nghiên cứu công nghệ 3D, bố mẹ em không hề phản ứng quyết liệt mà chỉ ra điều kiện phải nhìn thấy thành quả ban đầu của em mới đồng ý. Năm lớp 8 em bắt đầu viết lập trình web, đến khoảng lớp 9 thì đã tạo ra được những hình ảnh 3D đầu tiên. Tất nhiên so với kỹ thuật bây giờ thì nó chưa là gì nhưng thời điểm đó cũng là một thành công rồi. Nhìn thấy kết quả khả quan của con mình, bố mẹ em mới đồng ý cho em nghỉ học. Cả bố và mẹ em đều là những người có quan niệm rất hiện đại, cả hai người đều hiểu rằng bằng cấp không phải là tất cả và công nghệ cũng không chờ đợi ai”.

May mắn vì được gia đình ủng hộ, nhưng Quang vẫn vấp phải không ít khó khăn trong quá trình nghiên cứu công nghệ 3D. Bởi lẽ, ở Việt Nam công nghệ này chưa phát triển, muốn học hỏi và tìm hiểu sâu về nó Quang phải lên mạng mày mò các tài liệu của nước ngoài. Trình độ ngoại ngữ có hạn nên đôi khi để tìm được từ khóa cũng phải mất vài tiếng, để đọc và dịch tài liệu mới có khi phải mất vài ngày. 

Quang thú nhận cậu như một đứa trẻ tự kỷ, hầu như không bao giờ bước ra khỏi nhà, trừ lúc ăn sáng và rất ít khi giao lưu với bạn bè. “Một năm cùng lắm em cũng chỉ gặp bạn bè khoảng đôi ba lần, còn lại thì cắm đầu vào nghiên cứu. Cũng may phòng nghiên cứu cũng chính là phòng ngủ nên đỡ mất thời gian di chuyển” – Quang hài hước. Nhìn vẻ ngoài già dặn và đĩnh đạc của Quang ít ai nghĩ cậu mới chỉ vừa tròn 18 tuổi.

 Nhìn Quang không ai nghĩ cậu mới 18 tuổi.

Quang sinh ra trong một gia đình có nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Từ nhỏ, chàng trai này đã dành một tình yêu đặc biệt đối với những bức tượng thủ công mỹ nghệ. Quang chia sẻ: “Biết em có niềm đam mê với các bức tượng nên ngay từ khi em còn nhỏ, đi đâu chụp ảnh mẫu vật bố cũng đều cho em đi cùng. Sau này, khi bố em bắt đầu nghiên cứu công nghệ 3D, bố cũng hướng dẫn cho em”.

Hiện trong bảo tàng 3D online của Quang trưng bày hàng trăm mẫu vật quý hiếm. Để tạo ra được những mẫu vật y như thật ấy Quang đã phải lặn lội tới nhiều vùng đất xa xôi. Có những di tích dù rất cổ, rất có giá trị nhưng không phải là những di tích lớn lại tọa lạc ở những khu vực hẻo lánh, đường đi hiểm trở nên việc đi lại rất khó khăn. Nhiều lúc Quang phải vứt xe ở đường lớn, vác máy, cuốc bộ với đồ nghề lỉnh kỉnh. Quang chia sẻ, sở dĩ cậu biết được những địa điểm rất “hiểm” đó là vì cậu rất hay lên mạng trao đổi kiến thức về di sản.

Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, Quang đã cho chạy thành công một website 3D. Tuy nhiên, thời gian đầu chạy thử web vẫn còn tồn tại nhiều khuyết điểm như: Tốc độ tải chậm, không tương tác trực tuyến, muốn xem hình ảnh 3D bắt buộc phải tải phần mềm hỗ trợ, dung lượng file quá lớn nên không thể xem trên điện thoại, Ipad mà bắt buộc phải mở bằng máy tính. Để khắc phục những nhược điểm đó, năm 2014, Quang đã nghiên cứu thành công công nghệ 3D và đặt tên cho công nghệ của mình là Vr3d (thực tế ảo 3D). Với bản mới này, những khuyết điểm cũ đã hoàn toàn được khắc phục.

Thực tế ảo mọi đồ vật

Công nghệ Vr3d không chỉ phục vụ cho việc bảo tồn, phục dựng các di sản mà đưa bất kể một vật thực vào trong môi trường online để mọi người có thể xem 3D, nhìn từ mọi góc độ theo ý muốn. Quang chia sẻ: “Khi các di sản, cổ vật được số hóa thì sẽ không bao giờ mất đi được. Khi đăng những mẫu đó lên web sẽ giúp mọi người tiếp cận được những cổ vật, di sản một cách dễ dàng và thú vị hơn”.

Nhiều nghệ nhân làm tượng ở các làng nghề cũng thường vào trang web của Quang để tham khảo và tạo ra những mẫu linh vật Việt thực mà không cần phải đến tận nơi để khảo sát. Thậm chí kể cả khi những nghệ nhân đó đến mục sở thị tận nơi nhưng về nhà lại phát hiện ra chỗ nào đó cần chụp mà mình chưa chụp thì cũng rất bất tiện. Khi quét 3D còn lên được những chi tiết mà mắt thường khó nhìn thấy được như vết nứt. 

Không chỉ vậy, Quang còn tạo được chế độ dịch chuyển đèn trong môi trường 3D để mọi người có thể nhìn rõ. Trên thực tế, nếu xem ngoài đời thực nhiều người vẫn phải dùng đèn pin để soi vào những chỗ mà chữ hoặc hoa văn bị mờ. Thậm chí, công nghệ Vr3D của Quang còn có thể đo đạc kích cỡ của di sản hoặc cổ vật. Ngoài ra, ở chế độ xem bản dập 3D, mọi người có thể nhìn thấy từng vết nứt, vết sứt mẻ, những hoa văn, họa tiết rất rõ ràng.

Hương án cổ thời hậu lê ở chùa bút tháp dù đã bị cháy nhưng đã được Quang giữ lại trong không gian 3D.

Mấy tháng trước ở chùa Bút Tháp bị cháy một chiếc hương án hàng trăm năm tuổi có kích cỡ lớn và rất đẹp. Nhiều người yêu di sản đã rất tiếc nuối vì cho rằng sẽ không bao giờ có cơ hội chiêm ngưỡng hương án cổ ấy thêm một lần nữa. Nhưng rất may là trước đó Quang đã từng đến chùa Bút Tháp chụp ảnh và quét 3D chiếc hương án này. 

Thế nên “Chiếc hương án đó dù đã bị cháy rụi ngoài đời thực nhưng nếu vào trang web của em, mọi người vẫn có thể chiêm ngưỡng nó không sai một li. Không những thế, nếu muốn, các cơ quan bảo tồn di tích còn có thể dựa vào đó để phục dựng lại chiếc hương án y như cũ” – Quang giãi bày.

Không chỉ dừng lại ở việc tạo dựng hình ảnh 3D từ các linh vật, cổ vật, Quang dự định trong thời gian tới sẽ số hóa cả những ngôi chùa, đình cổ và cả những khung cảnh xung quanh. Như vậy sẽ giúp cho những người không có cơ hội đến tận nơi nhưng vẫn có thể chiêm ngưỡng những di sản quý ấy qua không gian 3D mà không khác một li.

Hiện, Quang còn sử dụng công nghệ 3D của mình trong lĩnh vực kiến trúc. Quang khoe: “Với công nghệ 3D này em sẽ tạo ra một số mẫu ngôi nhà. Người có nhu cầu thiết kế sẽ chỉ cần kích chuột là có thể xem từng ngóc ngách của ngôi nhà mẫu trong không gian 3D. Thậm chí nếu muốn thay đổi màu sắc, cách bày trí, khách hàng có thể tự tay kích chuột để làm theo ý muốn của mình”.

Chàng trai này cũng chia sẻ, trong tương lai cậu sẽ dùng công nghệ 3D của mình để quét lại hiện trường một vụ án, một vụ tai nạn giao thông. Điều này sẽ giúp lực lượng Công an không nhất thiết phải đến hiện trường mà chỉ cần nhìn vào không gian 3D đã được quét lại từ hiện trường để phân tích vụ án. Thậm chí, dù đang ở bất cứ đâu lực lượng chức năng cũng có thể phân tích hiện trường như đang trực tiếp ở đó mà chỉ cần những cái kích chuột. Đối với lĩnh vực giáo dục, công nghệ Vr3D của Quang còn có thể tạo ra các giáo trình cho học sinh xem những di sản và có thể tương tác với nó.

Không chỉ là người tiên phong về công nghệ 3D ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới đây cũng vẫn là một lĩnh vực mới mẻ, chưa nhiều người làm được. Dự định sắp tới của chàng trai trẻ này là thành lập công ty để có cơ hội phát triển hơn nữa những đam mê, cũng là để quảng bá di sản Việt Nam ra tầm thế giới. n

Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Đức Bình, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Bộ VHTT cho biết: Tôi đã từng chứng kiến một chuyên gia người Đức sang Việt Nam trình bày, hướng dẫn về cách làm 3D cho một bảo tàng. Sau khi ông ấy trình bày xong đến lượt Quang trình bày thì chuyên gia người Đức đã phải thốt lên rằng “cậu ta làm tốt quá”. Khi trình chiếu hình ảnh 3D, chuyên gia người Đức không thể đo đạc được mẫu vật nhưng công nghệ 3D mà Quang nghiên cứu lại đo rất chính xác. Công nghệ này giúp ích rất nhiều cho công việc nghiên cứu, đặc biệt là đối với giáo dục và di sản. 

Ở Việt Nam, ngoài Quang ra thì chưa có được một đội ngũ nào có thể làm được như Quang và cũng chưa một bảo tàng nào làm được một sản phẩm nghiêm chỉnh về 3D. Nhu cầu 3D cho việc quảng bá di sản, nghiên cứu di sản là rất lớn ở Việt Nam nhưng hiện tại vẫn chưa có một tổ chức nào làm được việc đó. Theo như tôi biết thì đã có nhiều quốc gia trên thế giới đã mời Quang cộng tác như một bảo tàng ở Bỉ, Canada, Mỹ… Nếu chúng ta không biết tận dụng chất xám thì việc chảy máu chất xám là điều đương nhiên sẽ xảy ra.

Phong Anh
.
.
.