Chàng trai khuyết tật sống "hoàn hảo" theo cách của riêng mình

Chủ Nhật, 20/12/2020, 11:28
Sinh ra với đôi tay không lành lặn nhưng chàng trai trẻ Ngô Văn Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội) chưa bao giờ cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình. Vinh luôn quan niệm: “Những gì người bình thường làm được mình cũng sẽ cố gắng làm được, dù là vất vả, cực nhọc hơn nhiều lần”. Bằng nghị lực phi thường ấy, Ngô Văn Vinh đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định tại một công ty liên doanh với nước ngoài. Và mới đây, chàng trai trẻ đã chinh phục… giải chạy núi 100km.


Luôn vươn lên để lấp đi khiếm khuyết

25 năm về trước, Ngô Văn Vinh cất tiếng khóc chào đời. Chưa kịp hạnh phúc thì bố mẹ Vinh như chết lặng khi nhìn thấy hình hài không bình thường của con. Đôi tay của Vinh bé tí tẹo, những ngón tay co quắp và không đầy đủ. Có thể đây là di chứng của một trận ốm thập tử nhất sinh của mẹ Vinh khi mang thai cậu. Thương con thiệt thòi nhưng bố mẹ Vinh cũng chẳng biết làm gì để giúp con.

Đến tuổi đi học, Vinh cũng cắp sách đến trường như bao bạn bè khác. Và ngay từ nhỏ, Vinh đã luôn ý thức rằng mình sẽ làm được những điều mà người bình thường làm được.

Ngô Văn Vinh tham gia giải chạy Mu Cang Chai Adventure Marathon tại Mù Cang Chải, Yên Bái.

Vinh kể: “Nỗ lực đầu tiên của em chính là việc cầm bút. Mỗi bàn tay của em chỉ có 3 ngón nhưng nó lại co quắp và ngắn hơn ngón tay của người bình thường. Thế nên khi kẹp bút vào tay nó thường rất lỏng lẻo và hay bị rơi ra. Phải tập mất rất nhiều thời gian, em mới có thể cầm bút thành thạo”. Sau khi cầm được bút, Vinh lại bắt đầu tập đi xe đạp.

Đến giờ này, Vinh cũng không thể nhớ nổi là mình đã ngã bao nhiêu lần trước khi có thể điều khiển được chiếc xe theo ý muốn. Có những lúc xe đâm vào tường, có khi lại lao xuống mương… Cứ như thế sau khoảng 3 tháng Vinh đã có thể tự đạp xe đến trường. Vinh bảo: “Lúc có thể tự đi được xe đạp cũng là lúc em ý thức được rằng mình có thể làm được mọi việc chỉ cần mình thực sự cố gắng”. Sau này lớn hơn một chút, Vinh chơi rất nhiều các môn thể thao như: bơi lội, bóng đá, chạy bộ, đá cầu…

Năm Vinh học lớp 9, chị gái Vinh mua về một chiếc máy tính để bàn đã cũ. Lần đầu tiên “mục sở thị” và được sờ tận tay vào chiếc máy, Vinh đã có cảm giác mê mẩn. Từ khi ấy cậu say mê tìm hiểu công nghệ. Sau này, để thoả mãn đam mê, Vinh đã thi vào Trường Đại học Kinh doanh và công nghệ. Vinh chia sẻ: “Thời kỳ học đại học em đã phải rất vất vả vì nhà cách trường tới vài chục cây số. Thế nên trung bình mỗi ngày em thường mất khoảng 3 tiếng cho việc di chuyển bằng xe bus. Có những hôm mùa đông, em phải dậy từ 5 giờ sáng để ra bắt xe bus cho kịp giờ học”.

Thời gian học đại học, Vinh đã giành được nhiều học bổng, trong đó có học bổng Kawai. Đây là một học bổng của Nhật Bản dành cho sinh viên Việt Nam có thành tích xuất sắc hoặc giỏi trong học tập, tham gia kinh doanh, và tham gia nghiên cứu khoa học với các đề tài gắn vào thực tiễn được đánh giá cao.

Vinh bảo: “Nếu người khác cố một thì em phải cố gấp đôi, gấp 3, thậm chí là hơn thế nữa. Bởi em luôn suy nghĩ rằng mình không thể trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”. Vinh luôn muốn mình có cuộc sống thật ý nghĩa. Đang là sinh viên đại học năm thứ 3, chàng trai trẻ này đã xin làm thêm tại một công ty liên doanh với nước ngoài. Qua nhiều phần thi, phỏng vấn, Vinh được nhận vào công ty với vị trí lập trình viên. Năm 2015, Ngô Văn Vinh tốt nghiệp đại học và về làm chính thức tại công ty. Năm 2017, trong dịp tổng kết cuối năm, chàng trai trẻ vinh dự được nhân danh hiệu nhân viên xuất sắc.

Không chỉ giỏi về công việc chuyên môn mà Vinh luôn cố gắng làm tốt cả những công việc thường nhật. Vinh cười chia sẻ: “Em có thể tự vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, nấu cơm. Em có thể chế biến được khá nhiều món ăn đấy”.

Ngô Văn Vinh tham gia giải chạy Sông Hồng năm 2017.

Chạy để khám phá khả năng của chính mình

Làm công việc thường xuyên phải ngồi một chỗ khiến cơ thể trở nên ì ạch nên Vinh quyết định sẽ chạy bộ. Ban đầu, chàng trai trẻ này thử sức với quãng đường khoảng từ 2 đến 3km. Sau cung đường chạy cứ ngày một dài ra. Năm 2017, được mọi người động viên Vinh đã đăng ký tham gia giải chạy Sông Hồng. Vinh đăng ký quãng đường chạy là 14km với cung đường không hề bằng phẳng. “Em chạy ròng rã suốt 2 tiếng đồng hồ. Thực sự có những lúc cảm thấy vô cùng đuối sức muốn nghỉ giữa chừng nhưng rồi lại tự động viên bản thân là phải cố gắng. Và cuối cùng em cũng hoàn thành phần chạy của mình để được nhận về kỷ niệm chương”, Vinh nhớ lại.

Vinh chia sẻ rằng, thành tích không phải là điều quan trọng nhất mà quan trọng chính là cảm giác vượt lên chính mình. Đó cũng là thông điệp Vinh muốn gửi đến những người đồng cảnh ngộ rằng: “Hãy tự tin và luôn cố gắng. Chúng ta cũng có thể làm được những việc mà một người bình thường làm được”.

Tháng 9-2019, Vinh tiếp tục đăng ký tham gia giải Vietnam Mountain Marathon, cự ly 42 km. Sau khi chạy xong Vinh thấy mình vẫn rất ổn nên tự bản thân chàng trai trẻ đặt ra mục tiêu sẽ chinh phục đường chạy 100km.

Để hiện thực hoá mục tiêu của mình, hằng ngày Vinh tập luyện rất miệt mài. Hồ Văn Quán, hồ Trung Văn và sân Học viện An ninh chính là những địa điểm chàng thanh niên này tập chạy. Để thích ứng đường chạy núi, cứ cuối tuần, Vinh lại cùng anh em trong hội chạy trên dãy Hàm Lợn ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội với nhiều đoạn dốc cao, dài. Trung bình mỗi lần ở đây cậu chạy 27 km. Trong tháng 6, Vinh đã chạy “điên cuồng” dưới trời nắng đổ lửa để rèn sức chịu đựng và đạt được 300 km, trong đó có hai buổi chạy đêm 42 km và 60 km. Trước ngày thi một tháng, Vinh chạy lên mức 70 km với tổng độ cao cả quãng đường là 3.000 m.

Kỷ niệm chương của một cuộc thi chạy.

Cuối cùng thì ngày thi cũng đã đến, 21h ngày 20-11 tại Sapa. Vinh chia sẻ: “Nhiều người trước khi bước vào cuộc thi tâm lý khá lo lắng còn bản thân em thì lại thấy háo hức. Em háo hức để khám phá chính bản thân mình và khám phá vẻ đẹp trên cung đường mình sẽ chạy”. Việc một người khuyết tật về tay khi chạy thiệt thòi hơn người bình thường rất nhiều. Bởi trước hết là không thể dùng lực của đôi tay để tạo đà chạy. Và trong cung đường cụ thể mà Vinh đang tham gia chạy thì sự thiệt thòi ấy lại tăng lên bội phần.

Lý do là bởi nếu như người bình thường có thể dùng gậy chống trong những lần phải lên và xuống dốc cho đỡ mất sức thì Vinh lại không thể. Cậu đành vận dụng chiến thuật “tăng tốc trên đường bằng và thật từ từ khi leo dốc”. Có những lúc vì không giữ được thăng bằng đã khiến Vinh ngã dúi dụi về phía trước. Vinh hài hước bảo: “Có nhiều khi bị ngã, vì mệt quá nên em chỉ muốn nằm ngủ luôn một giấc. Nhưng rồi khi nghĩ đến bao nhiêu công tập luyện của mình trước đó em lại cố ngồi dậy và chạy tiếp”.

5km đổ dốc cuối cùng của cung đường chạy thực sự là một thử thách quá lớn với tất cả các vận động viên tham dự giải. Có những đoạn dốc khiến người chạy phải bò hay đi bằng gót chân. Cuối cùng thì Ngô Văn Vinh cũng đã nhìn thấy đích. Đó là khi đèn rất sáng và tiếng loa của ban tổ chức gọi tên số báo danh “1037, Ngô Văn Vinh”.

Cầm trên tay tấm huy chương của giải, cảm giác Vinh vỡ oà vì hạnh phúc. Và không chỉ cậu mà nhiều người có mặt tại đó cũng không thể ngờ rằng một chàng trai với đôi tay khiếm khuyết lại có thể chinh phục thành công một giải chạy núi với độ dài 100km.

Trò chuyện với Vinh mới thấy những năng lượng tích cực mà chàng trai trẻ này lan toả đến những người xung quanh. Vinh luôn nghĩ rằng mình vẫn còn rất may mắn so với rất nhiều người khuyết tật khác.

“Em muốn nhắn nhủ tới những người đồng cảnh ngộ với mình rằng không ai mong muốn phải mang trên mình những khiếm khuyết nhưng nếu không may thì hãy cố gắng vươn lên, sống một cuộc đời thật sự có ý nghĩa”, Vinh chia sẻ.

Phong Anh
.
.
.