Chiến binh mang hai dòng máu Mỹ - Việt

Thứ Ba, 12/05/2015, 07:00
Cuộc chiến tranh đã qua đi, hậu quả để lại không phải nhắc đến thì ai cũng biết nhưng bên cạnh những hậu quả đó thì vẫn còn những tấm gương, những tấm lòng cao đẹp. Nhiều năm kể từ khi cuộc chiến tranh tại Việt Nam kết thúc, một cựu chiến binh sinh ra trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến đã về thăm Việt Nam, làm công tác từ thiện với mong muốn hàn gắn vết thương chiến tranh và hướng đến tương lai.

James Van Thach sinh ra vào tháng Giêng năm 1975 tại miền Đông nước Mỹ. Là người con mang hai dòng máu mẹ là người Việt còn cha là người Mỹ nên James Van Thach luôn ý thức được rằng anh có hai quê hương. 

Mẹ anh là người gốc Bến Tre, bà rời Việt Nam năm 1974 để sang Mỹ định cư cùng người chồng Mỹ. Cuộc sống cùng gia đình trên đất Mỹ diễn ra bình thường như tất cả những gia đình khác. James Van Thach lớn lên và theo học tại Trường Đại học St. John năm 1994 và tốt nghiệp với hàm trung úy năm 1998. 

Theo học ngành luật nên sau khi ra trường, quân đội muốn anh phục vụ ở vị trí luật sư trong bộ phận pháp lý nhưng anh Thach lại không đồng ý. Khác với tất cả những sinh viên khác sau khi tốt nghiệp đều muốn làm việc với đúng ngành đúng nghề mình theo học, anh Thach lại tình nguyện đến Baghdad, Iraq, nơi diễn ra cuộc chiến tranh thảm khốc để phục vụ trong vai trò cố vấn quân sự. 

Cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq đã không làm anh Thach nản chí mà ngược lại, anh còn rất muốn được đóng góp công sức mình vào công cuộc này. 

Rất nhiều người đã tò mò rằng tại sao con đường bình yên anh không đi mà lại chọn con đường chông gai như vậy thì anh trả lời bằng vẻ mặt rạng rỡ và giọng nói đầy tự hào rằng, vụ khủng bố kinh hoàng xảy ra ngày 11 tháng 9, khi đó anh Thach đang ngồi trong lớp của trường học. Nghe thông tin về vụ khủng bố, rồi những hình ảnh của chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa tháp rồi tiếp tục chiếc thứ hai cũng đâm vào tòa tháp. Với những hình ảnh và thông tin đó, anh hiểu được rằng đất nước mình đang bị khủng bố tấn công. 

Người dân hoang mang lo sợ, anh cũng vậy, cũng lo sợ và chính vì vậy mà một ý nghĩ đã thôi thúc trong anh. Anh muốn tôn vinh tất cả những nạn nhân đáng thương bị sát hại vào ngày 11 tháng 9 năm đó và anh muốn đóng góp một phần nào sức lực của mình vào công việc bảo vệ nước Mỹ khỏi những cuộc tấn công tương tự. Nếu như chỉ ngồi trong văn phòng với giấy tờ và máy tính thì chắc chắn chẳng làm được gì nhiều nên anh Thach đã quyết định tham gia vào chiến trường để chiến đấu trực tiếp với kẻ thù.

 Ba năm sau khi tuyên thệ nhậm chức sỹ quan, James Van Thach đã có mặt tại Baghdad để tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố. Tại chiến trường, anh cùng các đồng đội đã tham gia vào công việc viện trợ nhân đạo ở Iraq, phân phối thuốc và chăm sóc ý tế tại các trường học và nhà thờ Hồi giáo, cung cấp chăn và áo khoác mùa đông cho trẻ em cùng người lớn.

Đầu tháng sáu năm 2006, gần 4 tháng sau khi lần đầu đến Iraq, anh Thạch đang lái xe với ba người lính Mỹ và một thông dịch viên người Iraq trên chiếc Humvee trên con đường đất phía sau thành phố Baghdad thì đột nhiên phát nổ vì đi qua bãi mìn bọn khủng bố cài. Sức mạnh nổ nâng chiếc Humvee cao hơn 2 mét và bốc lên cốt khói có thể thấy từ cách xa hàng dặm. 

Nhớ lại hôm đó, anh Thạch nói: “Đó là một cú sốc khủng khiếp. Ban đầu chúng tôi không biết cái gì tấn công mình. Mọi người đều bị thương và đau đớn, nhưng chúng tôi là lính bộ binh, ngồi trong một chiếc Humvee bọc thép được thiết kế để chống va đập mạnh. Và ơn Chúa, chúng tôi đã sống sót. Sau đó, tôi nói với các bác sĩ rằng tôi bị đau đầu, đau một số chỗ và buồn nôn. Bác sĩ nói tôi uống thuốc và nghỉ ngơi. Tôi đã làm theo lời bác sĩ dặn và quay lại chiến trường ngày hôm sau.”

Bảy tháng sau, vào tuần đầu tiên của tháng hai năm 2007, anh Thach bị thương lần hai, lần này còn nghiêm trọng hơn lần trước. “Đó là một ngày tháng hai lạnh giá, khi tôi đang đi bộ cùng người đồng cấp phía Iraq, thảo luận một số vấn đề quân sự thì đột nhiên tôi nghe tiếng nổ mà sau đó tôi biết nó phát ra từ tên lửa Katyusha. Một tên lửa nổ cách tôi 20 mét, thổi tung tôi lên… Và điều kế tiếp tôi nhớ đến là tỉnh dậy ở bệnh viên quân đội ở Baghdad”.

Anh Thach nằm viện chỉ trong một ngày, ngày hôm sau, anh bay 300 dặm đến một trung tâm y tế ở căn cứ Balad Air phía bắc Iraq. Bác sĩ thông báo cho anh rằng kế hoạch là sẽ ổn định vết thương của anh sau đó đưa tới một bệnh viện quân đội ở Landtulh, Đức, nơi đó anh sẽ được điều trị hiệu quả nhất. Nhưng anh Thach không chấp nhận kế hoạch đó. 

“Bệnh viện chủ yếu dành cho những người lính chịu những vết thương nghiêm trọng còn tôi nhìn vào gương tôi thấy tôi bị đau, nhưng tôi vẫn đủ tay chân. Cùng một chuyến bay tới cùng một bệnh viện cùng những người lính mất đi chân tay, bất tỉnh là sự ô danh đối với những hy sinh mà họ đã cống hiến cho đất nước, tôi tin là vậy nên tôi không cần phải ở lại bệnh viện”. 

Rất nhanh chóng, Thach nhận được sự thông cảm từ một thành viên của đội ngũ y bác sĩ. Họ đề nghị anh được phép trở lại Baghdad với nhiệm vụ được thay đổi phù hợp với tình trạng sức khỏe của anh.

Đề nghị này được Bộ chỉ huy chấp thuận và chỉ một tuần sau khi bị thương, anh Thach được giao nhiệm vụ mới là phối hợp từ văn phòng ở căn cứ quân sự Baghdad cách thành phố một vài dặm về phía Đông. Công việc của anh là giúp đỡ xây dựng tiền đồn quân sự (COP) dùng để chặn dòng chảy vũ khí cung cấp cho bọn khủng bố Iraq. Tướng David Patraeus đã tuyên dương và trao tặng Huy chương thành tựu cho anh vì đã hoàn thành nhiệm vụ này.

Trong suốt quá trình xây dựng COP, anh Thach phải chịu đựng những cơn đau nghiêm trọng ở cổ và lưng do hậu quả của hai vụ tấn công. Mặc dù đau đớn là vậy nhưng anh vẫn cố gắng để vượt qua mà không cần dùng đến morphine. Cơn đau ngày càng hành hạ anh đến mức ghê gớm và chính morphin cũng không thể kiểm soát được những cơn đau của anh. 

Anh Thach nhớ lại: “Tôi cảm thấy cơn đau ở cổ và lưng tệ hơn từng ngày, rồi tôi trải qua những cơn đau nửa đầu khủng khiếp. Chứng đau nửa đầu ảnh hưởng đến tầm nhìn của tôi… Và tôi tiếp tục có những cơn ác mộng về hai cuộc tấn công. Sau sáu tuần, tôi nhận ra tôi không thể chịu đựng được nữa.. Tôi đến bệnh viện và trị liệu hai tháng. Tôi trải qua nhiều bài kiểm tra và những phiên điều trị vật lý thường xuyên. Nhưng không có cách nào chữa được vết thương của tôi. Tháng 3 năm 2009, tôi xuất ngũ. Quân đội là cuộc sống của tôi nhưng tôi đã không được sống với cuộc sống đó. Tôi hoàn toàn vỡ vụn”.

Tình trạng cơ thể và tinh thần của anh Thạch tiếp tục xấu đi sau khi xuất ngũ. Anh cần một chiếc gậy chống khi đi bộ. Anh không thể lái xe hay thậm chí cúi xuống để nhặt tất. Thị lực suy giảm. Anh bị khó ngủ và đôi lúc muốn tự tử. Tác dụng phụ của thuốc tàn phá thân thể và tâm trí của anh. Anh Thạch đã nghĩ đến những người thân yêu nhất là bố mẹ bởi chỉ có bố mẹ mới có thể giúp đỡ con cái vô điều kiện.

Hàn gắn vết thương

James Van Thach đã có chuyến trở về Việt Nam đầu tiên năm 1985 và từ đó đến nay anh đã về quê hương được 20 lần. Trong những lần trở về gần đây, không chỉ thăm viếng người thân tại Việt Nam, anh còn tham gia vào những hoạt động từ thiện do Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam tổ chức, cũng như tự tìm đến những người nghèo khổ và thương binh có cuộc sống khó khăn để giúp đỡ họ.

Ngày 14 tháng 4 vừa qua, James Van Thach cho biết anh đã đến gặp gia đình chị Út tại một bệnh viện ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh và giúp đỡ đứa con chị đang nằm viện tại đó. Anh nói đã đưa mọi thông tin lên Facebook cá nhân để những người muốn giúp đỡ có thể liên lạc trực tiếp với gia đình đang cần được hỗ trợ.

Hiện anh Thach và anh John Donovan, cũng là cựu chiến binh Mỹ, đang lên kế hoạch về một dự án môi trường. Mục tiêu của dự án này là giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Anh Thach cho biết mục đích của anh chỉ là công tác nhân đạo, từ thiện để giúp cho những người đồng bào có chung nửa dòng máu Việt Nam. Theo kế hoạch, anh sẽ trở lại Việt Nam để tiếp tục những công tác giúp đỡ cho người nghèo, thương binh trong nước và thực hiện dự án môi trường đang được hình thành.

Nam Phong
.
.
.