Chuyện một người tù cô đơn

Chủ Nhật, 30/07/2017, 13:03
Can tội giết người, với mức án tù chung thân, suốt 14 năm cơm tù áo số, nam thanh niên này chỉ duy nhất một lần được đón bố đến thăm nuôi, và cũng là lần đón nhận tin buồn nhất cuộc đời, rằng người mẹ thân yêu đã không thể kiên nhẫn đón đợi ngày đứa con trai trở về để tạ lỗi với người thân. Anh là Nguyễn Văn Bình (32 tuổi), quê tại Quảng Bình, hiện đang thụ án tại Trại giam số 3 (Tổng cục VIII - Bộ Công an).


Nguyễn Văn Bình là người dân tộc thiểu số, sống ở bản Pơ Loang, một trong những bản làng xa xôi nhất của xã Trường Sơn, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), ngước mắt bốn bề chỉ thấy rừng núi, giáp với biên giới Việt Lào.

14 năm cách biệt với thế giới bên ngoài, cho đến bây giờ Bình cũng chẳng thể hình dung được, con đường về bản phải đi qua những núi đồi, khe suối nào nữa, chỉ biết rằng trong trí nhớ của mình, đó là một bản làng rất xa, heo hút và cách biệt với thế giới bên ngoài.

Phạm nhân Nguyễn Văn Bình.

Nơi đó, Bình đã từng có một gia đình nhỏ, nghèo đói nhưng hạnh phúc. Cũng như bao trai bản cùng trang lứa, Bình chỉ học đến lớp 2 trường làng rồi bỏ ngang, lon ton theo cha mẹ lên rẫy, xuống suối kiếm cơm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt mới về.

Giây phút nông nổi, đổi cả đời người

Nhịp sống đó, cứ đều đặn tiếp diễn, nếu như không có một ngày nọ, khi những người ở bản khác, vùng miền khác tìm đến Pơ Loang trú ngụ để khai thác lâm sản trái phép, lén lút mang đi tiêu thụ. Biết là không được phép, nhưng công việc này lại mang lại rất nhiều tiền, làm thay đổi cuộc sống của nhiều người.

Nguyễn Văn Bình cùng nhiều trai tráng khác hăng hái nhập cuộc, trở thành những "lâm tặc" thực sự khi thông thạo địa hình, biết mọi ngóc ngách mà gỗ quý có thể mọc lên để đốn hạ. Công việc cứ thế trôi chảy, có khi cả nhóm người khăn gói sang tận nước bạn Lào để đốn hạ gỗ.

Tất yếu, tiền bạc cũng rủng rỉnh hơn trước rất nhiều, vài lần một người bạn thân là Hồ Văn Vương (33 tuổi), cùng trú xã Trường Sơn, hỏi vay 3 triệu đồng, Bình sẵn sàng móc hầu bao. Ai đó đã từng nói rằng, không cho bạn mượn tiền có thể mất bạn nhưng cho bạn mượn tiền có thể mất bạn, mất luôn cả tiền.

Câu nói này không sai khi chiểu vào hoàn cảnh của Nguyễn Văn Bình, bởi sau nhiều lần đòi lại tiền nhưng Vương không trả, cho rằng Vương có ý "xù nợ", Bình đã đôi ba lần cự cãi, gây sự để tạo áp lực nhưng Vương có ý thách thức.

Chiều tối 26-3-2004, biết tin Vương vừa đi khai thác gỗ bên Lào về, đang tổ chức ăn nhậu và chơi bài ăn tiền tại nhà bà Phuồm, là một người phụ nữ đơn thân trong bản, Bình đã đến gặp Vương với mục đích đòi nợ.

Tại đây, Vương tiếp tục khất nợ khiến Bình bức xúc, hai bên xảy ra mâu thuẫn, cự cãi và xô xát. Nguyễn Văn Bình sau đó không kiềm chế được, đã chạy về nhà xách con dao bầu của gia đình quay lại chém liên tiếp nhiều nhát vào đầu, cổ và lưng Vương, khiến anh này tử vong tại chỗ.

Gây án xong, Bình trở về nhà và được bố mẹ đưa đến Công an xã để đầu thú. Không lâu sau đó, Nguyễn Văn Bình bị TAND tỉnh Quảng Bình tuyên phạt án tù chung thân. Năm đó, anh mới chỉ bước sang tuổi 19 của đời người.

Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội trưởng Đội quản giáo cho biết, những ngày, phạm nhân Nguyễn Văn Bình được anh làm nhiệm vụ giáo dục, giúp đỡ  cải tạo, hoàn lương. Là đồng bào dân tộc thiểu số, lại ít tuổi, từ nhỏ đến lớn chưa từng bước chân ra khỏi bản nên mọi cái với Bình đều rất mới lạ.

Cán bộ quản giáo đã phải chỉ bảo, giúp đỡ, thậm chí cầm tay chỉ việc kể cả những công việc đơn giản nhất. Thoắt cái, đã 14 năm trôi qua, phạm nhân này đã "trưởng thành", từ một người chỉ biết đánh vần từng chữ để đọc, nay trải qua lớp học xóa mù chữ do trại giam tổ chức, Bình đã đọc thông viết thạo, thậm chí còn viết thư gửi về cho thân nhân của nạn nhân Vương để nói lời xin lỗi.

Đó, là biến chuyển mang tính chất bước ngoặt trong nhận thức, bởi đồng bào dân tộc thiểu số đa phần đều hành động theo bản năng tự nhiên, từ vi phạm pháp luật đến nhận thức được việc làm sai trái, là cả một quá trình.

Phạm nhân đơn côi nhất Trại giam số 3

Trải lòng sau những năm tháng đằng đẵng khoác trên mình bộ quần áo sọc dọc, phạm nhân Bình cho biết đã thực sự lấy làm ân hận khi đánh đổi cả quãng đời thanh xuân chỉ vì phút bồng bột của tuổi trẻ. Chuyện ngày quá khứ, Bình kể, nó xảy ra quá nhanh, tuổi đời lại còn quá trẻ nên bồng bột, dễ bị kích động.

19 tuổi, là độ tuổi lẽ ra khởi đầu cho trọng trách gánh vác chuyện gia đình thay cha, nuôi mẹ nuôi em nhưng Bình lại gây ra chuyện tày trời. Bình bảo, nhà nghèo lắm, neo người lắm, nhà chỉ có hai anh em, ngày Bình đi thụ án, em gái chỉ mới hơn 10 tuổi.

Giờ thì em đã lấy chồng, vướng bận chuyện gia đình nên cũng chẳng có thời gian để thay anh chăm sóc đấng sinh thành. Nhắc đến chuyện này, Nguyễn Văn Bình bất chợt rơm rớm nước mắt, 14 năm ở trại giam, chỉ duy nhất một lần được đón cha đến thăm nuôi. Đó cũng là ngày mà phạm nhân này nhận tin buồn nhất trong cuộc đời mình.

Ấy là thời điểm khoảng tháng 9-2016, sau hơn 10 năm không nhận được bất cứ tin tức gì từ gia đình, khi cảm giác hi vọng, trông đợi bóng dáng người thân đã trở thành xa xỉ đối với Bình sau nhiều năm bặt tin từ quê nhà, bất ngờ cha đến thăm.

Không có bất cứ quà cáp, không một đồng tiền ký gửi, cha con gặp nhau sau 12 năm cách biệt, nước mắt của hai người đàn ông cứ thế thi nhau tuôn trào. Bình vẫn còn nhớ, câu nói duy nhất mà cha trao gửi cho mình trước khi tiễn biệt, là thông báo cho con trai biết, ở quê mẹ đã không còn nữa.

Đó có lẽ là ngày buồn nhất của đời Bình, anh đã lỡ hẹn lời hứa ngày đi thụ án, là sẽ gắng cải tạo tốt để có cơ hội trở về. Đến nay, một nửa ước nguyện đó đã trở thành hiện thực, khi ngày về đang mở ra trước mắt, bởi Bình được giảm án tù chung thân xuống có thời hạn. Nhưng mai này, ngày về lại xã hội của phạm nhân Bình đã thiếu đi hơi ấm của mẹ già khiến anh đau xót hơn bất cứ điều gì khác.

Nói về những năm tháng cô đơn trong tù, phạm nhân Nguyễn Văn Bình cho biết, vẫn hiểu được hoàn cảnh gia đình neo người, khó khăn, bố mẹ già yếu, không có điều kiện để đi lại nhưng mỗi khi phạm nhân cùng buồng, cùng đội có người thân đến thăm nuôi, gửi quà ký gửi, anh cũng rất chạnh lòng.

Những năm đầu mới vào trại giam, lễ tết nào cũng giấu đi những giọt nước mắt thân phận. Lâu dần thành quen, cảm xúc chai sạn dần khi biết rằng những ngóng đợi đó chỉ là hão huyền, Bình cũng chưa một lần dám trách cha, trách mẹ, trách em mà chỉ tự trách bản thân mình.

Những lúc như vậy, Bình lại tìm vui bằng cách đọc sách báo, hoặc làm việc chăm chỉ, vừa để giết thời gian, vừa lập công chuộc tội. Bằng chứng là trong những năm gần đây, tại Đội 2, phạm nhân Nguyễn Văn Bình luôn hoàn thành tốt công việc làm mi mắt giả, nhiều lần vượt sản phẩm giao khoán, được Ban giám thị tuyên dương.

Biến chuyển lớn nhất trong quá trình thụ án của phạm nhân Nguyễn Văn Bình, theo Trung tá Đào Anh Sơn, Phó giám thị Trại giam số 3 là việc phạm nhân này nhận thức được lầm lỗi trong quá khứ.

Phạm nhân Bình sau 14 năm thụ án trong trại giam.

Và sau nhiều năm cần mẫn cải tạo nhưng không biết đọc, biết viết, ngay khi "tốt nghiệp" lớp xóa mù trong trại giam, việc đầu tiên mà Bình thực hiện là viết thư gửi lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân.

Nhưng do mất liên lạc quá lâu, sau 2 lá thư gửi đi, Bình không nhận được hồi âm, cũng không rõ gia đình không thứ tha, hay không nhận được tâm thư, đến nay vẫn là dấu hỏi lớn. Song, Bình tâm sự, ít ra cũng thấy nhẹ lòng và thanh thản vì đã trút được nỗi lòng mình vào trang giấy.

Tương lai mở ra với phạm nhân Nguyễn Văn Bình sau 14 năm đằng đẵng với bản án tù chung thân, khi Bình được giảm án xuống mức 30 năm tù. Với một phạm nhân chỉ mới bước qua tuổi 30 của đời người như Bình, cơ hội về ngày về phía trước đã rộng mở. Điều mà phạm nhân này mong ước, là nếu được trở về, anh vẫn có cha đón đợi, dù năm nay ông cụ đã bước qua tuổi 70.

Thứ nữa, Bình vẫn muốn tìm đến gia đình nạn nhân Vương, để nói lời xin lỗi từ tâm. Những tâm nguyện nhỏ nhoi ấy, tin rằng phạm nhân Nguyễn Văn Bình sẽ đạt được, như cách anh đã nhẫn nại tu tâm cải tạo để chiến thắng bản án tù chung thân, để mở toang cánh cửa về lại với cuộc đời.

Thiên Thảo
.
.
.