Chuyện về nữ kiểm lâm dũng cảm nhất thế giới

Thứ Năm, 19/11/2015, 17:11
Người phụ nữ gan góc đó đã tham gia vào một tổ chức bán quân sự nhằm bảo vệ an bình cho những con khỉ đột núi cuối cùng trong thiên nhiên hoang dã. Công việc của chị ra sao trong việc bảo vệ động vật và chống trả lại những tay săn trộm hung hãn nhất thế giới? Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết đầy ấn tượng này.

Nữ chỉ huy kiểm lâm đầu tiên của Công-Gô

Kiểm lâm viên Aline Masika Kisamya được triệu tới nhận nhiệm vụ tại nơi này hồi năm 2014 khi chị đang đi tuần tra trong cánh rừng già rậm rạp nằm hai bên sườn núi lửa Mikeno thuộc Vườn quốc gia Virunga (Công-gô), rồi chạm mặt với con trâu rừng ở đó. Những con trâu rừng châu Phi là loài đặc biệt hung hãn, chúng nổi tiếng bởi khả năng “đoạt mạng” con người trong khoảnh khắc. Kisamya đánh giá tình hình, bằng vẻ điềm tĩnh hiếm có, chị lặng lẽ rút lui mà không quay lưng về phía con vật. Thực ra Kisamya không hề mảy may run sợ, người phụ nữ trẻ tròn 26 tuổi dõng dạc nói: “Tôi đã được dạy cách để phản ứng trong mọi tình huống”. 

Virunga nằm ở phía Đông của nước Cộng hòa dân chủ Công-gô (DRC), là khu rừng đa dạng nhất ở lục địa Phi. Cánh rừng này trải dài 3.000 dặm vuông (hay 7.800km2) với nhiều cánh rừng lớn nhỏ, những đồng tuyết, thảo nguyên và những ngọn núi lửa hoạt động lẫn đang ngủ yên. Virunga cũng là ngôi nhà của khoảng 300 con khỉ đột núi – chiếm hơn 1/4 dân số của chúng còn tồn tại trên hành tinh. Bên dưới mặt đất của rừng già Virunga là một kho báu các loại khoáng chất và dầu hỏa, chính là đích ngắm của nhiều công ty đa quốc gia.

Aline Masika Kisamya, một trong số 14 nữ kiểm lâm viên tiên phong tại Vườn quốc gia Virunga (CHDC Công-gô), công việc chính của chị là bảo vệ sự an toàn cho loài khỉ đột núi tại đây.

Trở thành kiểm lâm viên thuộc biên chế của Lữ đoàn bảo tồn tài nguyên bán quân sự Virunga (PCB) là một trong những nghề nghiệp uy tín nhất ở miền Đông Công-gô. Nó cũng là nghề nguy hiểm bậc nhất trong môi trường hoang dã: Kể từ năm 1996, hơn 150 kiểm lâm viên Virunga đã bị sát hại trong lúc làm nhiệm vụ. Nhiều phụ nữ đã nộp đơn để trở thành kiểm lâm viên Virunga nhưng chưa từng có ai vượt qua các kỳ sát hạch và đào tạo cam go cho mãi đến tháng Giêng năm 2014, khi Aline Masika Kisamya và nhóm 3 nữ đồng nghiệp khác của chị đã trải qua các vòng sát hạch để chính thức thực hiện nhiệm vụ. 

Ông Emmanuel de Merode, Giám đốc Vườn quốc gia Virunga, nói về nhóm nữ kiểm lâm viên của mình với thái độ kính trọng, trìu mến: “Họ rất can đảm. Chúng tôi không trao bất kỳ sự nhượng bộ nào cả. Họ phải mạnh mẽ và bản lĩnh như các đồng nghiệp nam giới, và họ đã được đánh giá cao với khả năng phát huy trong nghề nghiệp của mình”.

Kisamya đã hoàn thành xuất sắc thời gian đào tạo, vào lúc kết thúc tháng đầu tiên, chị đã trở thành nữ chỉ huy kiểm lâm đầu tiên của Vườn quốc gia Virunga, có 6 nam giới và 1 phụ nữ khác nằm dưới quyền của chị. Kisamya làm việc liên tục 24 giờ, giám sát du khách, hỗ trợ khách du lịch và tuần tra vào sâu trong các cánh rừng. 

Không chỉ đối mặt với động vật hoang dã mà thứ mà Kisamya lo nhất chính là phải “lên dây cót” để đối phó với những tên săn trộm được vũ trang, “lâm tặc” và những phiến quân chống chính phủ hoạt động ẩn náu trong rừng. Kể từ đầu thập niên 1990, miền Đông Công-gô đã bị cày xới tiêu điều trong cuộc nội chiến, tước đoạt sinh mạng của gần 5,5 triệu người và hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Tình yêu cây cối

Không phải hiểm nguy hay sự nghiệt ngã của ngoại cảnh mới là nhân tố khiến Kisamya dấn thân vào sự nghiệp kiểm lâm. Mà là cây cối. Là chị cả trong gia đình 9 người con, Kisamya lớn lên trong một gia đình làm nghề nông ở bờ Tây của hồ Edward, nơi này nằm ở phía Đông của Vườn quốc gia Virunga. 

Tờ Kacheche, một tạp chí địa phương đã khơi dậy tình yêu cây cối trong người Kisamya, Kacheche theo tiếng người Swahili địa phương có nghĩa là chim Chìa Vôi, loài chim mang điềm lành theo tín ngưỡng nơi đây. Làm kiểm lâm ở Virunga là nghề nguy hiểm nhất trong thiên nhiên hoang dã. Chính phủ Bỉ đã tài trợ ngân sách cho tạp chí Kacheche nhằm thu hút sự quan tâm của các em học sinh vào các giá trị của môi trường thiên nhiên và những mối đe dọa cho các di sản thế giới nằm trong Vườn Virunga nói riêng và đất nước Công-gô nói chung.

Cuộc sống ở rìa phía Đông của lá phổi châu Phi, cánh rừng mưa nhiệt đới lòng chảo Công-gô rộng 200 triệu ha – nguồn cung cấp khí ô xy lớn thứ hai trên hành tinh – Kisamya sớm bị hớp hồn bởi vẻ hoành tráng của rừng già, với những thảm thực vật quý hiếm, có những cây mọc cao hơn 45,7m bên trên nền rừng. Khi chị đưa các đoàn du khách thực hiện những cuộc du khảo xuyên rặng núi lửa Mikeno của Vườn quốc gia Virunga để xem thế giới loài khỉ đột núi, Kisamya tự nhủ với lòng rằng sẽ học hỏi nhiều hơn từ rừng già. 

Lãnh thổ khỉ đột núi tại Vườn quốc gia Virunga, Công-gô.

Kisamya nhẹ nhàng nói với chúng tôi (phóng viên Hội Địa lý quốc gia Mỹ) về khát vọng làm nghề của mình: “Nhìn bên ngoài, quý vị thấy rừng tươi đẹp, nhưng tôi lại muốn biết nhiều hơn về những bí mật của nó”. Kisamya nói rằng chị biết nhiều về loài khỉ đột núi trước khi trở thành kiểm lâm viên, còn giờ đây dẫn dắt khách xem thế giới của loài động vật này mới là đỉnh cao nhất của nghề nghiệp. Kisamya hồn nhiên tâm sự: “Chúng là loài vật hiếm và thân thể quá kềnh càng, quá khỏe. Tôi thích ngắm cách chúng tiếp xúc với du khách và ngược lại, có vẻ chúng ngạc nhiên bởi khám phá chính mình”.

Chuyến đi bộ xuyên rừng kéo dài 2 tiếng đồng hồ đưa chúng tôi tìm gặp gia đình khỉ đột núi Bageni (chúng được đặt tên bởi vùng lưng có vệt màu bạc), Kisamya nhảy tót qua đám cây đổ ngổn ngang và khéo léo luồn lách qua những bức tường phủ đầy dây leo rừng chằng chịt. Khi chúng tôi đến gần đủ để ngắm những con Bageni, một con khỉ đột trẻ đang chồm người về phía trước, dùng tay vỗ thình thịch vào ngực “hắn”. “Gã” trố mắt nhìn về phía đám người lạ vẻ nghi hoặc và bắt đầu có động thái thủ thế. Kisamya nhanh chóng tìm cách chặn đứng đường đi của “gã”. Cúi xuống đất, Kisamya nhìn thẳng về phía “gã” và động chân mạnh xuống đất nhằm hù dọa. Thật hay, thái độ tự tin của chị khiến cho con khỉ đột trẻ xoa dịu tình hình. “Nó đang thử chúng ta”, Kisamya giải thích.

Những bài học kinh nghiệm vô giá

Gilbert Dillis, người đứng đầu lực lượng an ninh tại Vườn quốc gia Virunga, đồng thời từng là một cựu biệt kích người Bỉ, khen rằng những nữ kiểm lâm viên – hiện có quân số khoảng 14 người – là những người rất năng động. Nhất là ở Kisamya dường như đã hội tụ đủ các tố chất của người lãnh đạo. Gặp các tình huống xấu, Kisamya luôn bình tĩnh, đánh giá kỹ lưỡng tình hình và điềm tĩnh rút êm mà không quay lưng về phía sau. 

Mỗi kiểm lâm viên Virunga sẽ được đào tạo suốt 6 tháng trong một trại được điều hành bởi các chỉ huy người Bỉ nằm trong một thảo nguyên, cách nơi sinh sống của loài khỉ đột núi khoảng 125 dặm về phía Bắc. Cùng trải qua những bài tập như cánh nam giới, các nữ kiểm lâm học nghề sẽ học các chiến thuật tác chiến cùng những kỹ thuật sống sót trong hoang dã hay những nơi hẻo lánh. Họ ngủ chung với những khẩu súng Kalashnikov, và tên của họ được khắc vào các thùng súng.

Dân địa phương đang tổ chức tang lễ cho một con khỉ đột núi bị sát hại.

Solange Kahumbu Malilisa là một kiểm lâm viên tròn 24 tuổi, cùng tốt nghiệp chung với Kisamya và đang được xúc tiến để trở thành một lãnh đạo nhóm. (Mỗi vùng trong số 60 vùng kiểm soát thuộc Vườn quốc gia Virunga đều có 2 lãnh đạo nhóm kiểm lâm). Một thời gian ngắn sau khi Malilisa nộp đơn xin làm kiểm lâm, cuộc nội chiến đã bùng nổ cũng là cơ hội để thực nghiệm bản năng sinh tồn của chị. 

Đó là đầu năm 2012, và một tổ chức phiến quân mới thành lập mang tên gọi M23 đã nắm quyền kiểm soát lãnh thổ miền Đông Công-gô bao gồm một số vùng đất của Vườn quốc gia Virunga. Tháng 6 năm 2012, lực lượng phiến quân đã tấn công quê nhà Kiwanja của Malilisa. Khi đó, Malilisa cùng với các em đang ở trong nhà, bên ngoài hỏa lực như vãi trấu diễn ra ở cách đó vài trăm mét. Cha mẹ của Malilisa đều là nông dân và đang cày cấy trên đồng. Những toán đàn ông có vũ trang đã lướt qua khu dân cư vắng lặng như tờ nằm ở một góc Kiwanja. Lúc đầu, đám phiến quân nhắm mục tiêu vào các binh sĩ chính phủ nhưng tình thế đột ngột thay đổi khi một binh sĩ ẩn náu từ một ngôi nhà nào đó đã bắn ra.

Đối với đám phiến quân, đạn bắn ra từ một ngôi nhà nào đó có nghĩa là họ có đủ lý do để bắn vào bất kỳ ai kể cả dân sự. Những viên đạn lạc cứ thế làm chết rất nhiều hàng xóm của Malilisa bao gồm một bà mẹ đơn thân và 2 đứa con của bà. Khi cha mẹ của Malilisa về làng, trước mặt họ là đống đổ nát tiêu điều, nhiều hàng xóm đã bị thiệt mạng. 

Trước đó, Malilisa và các chị em của mình đã náu mình sau một cánh cửa gỗ rắn chắc chờ đến lúc tạm lắng giao tranh. Ba người co cẳng chạy hộc tốc đến ngôi nhà của bà nội nằm cách đó nửa dặm đường. Dí ngón tay lên khẩu súng trường của mình, Malilisa xúc động kể: “Khi cha mẹ tôi về nhà, họ cứ ngỡ trong đống xác đó có thể có xác của chúng tôi”. Vừa hoàn thành xong khóa huấn luyện gian khổ suốt hơn 1 năm, lần đầu tiên trong đời, Malilisa được quản lý một khẩu súng Kalashnikov. Chị nhớ lại cảm giác khi đó: “Tôi sợ khi lần đầu chạm nó”. Không chắc Malilisa sẽ sử dụng súng, nhưng nếu tình huống yêu cầu, chị sẽ sẵn sàng để đáp trả.

Nguyễn Thanh Hải
.
.
.