'Con đường qua bảy ngã tư' và những kỷ niệm đẹp

Thứ Sáu, 24/07/2015, 07:00
Năm 2010, Công an TP Hà Nội phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam mở cuộc sáng tác truyện ngắn và ký với đề tài "Vì bình yên cuộc sống", tôi được mời tham dự. Những nhà văn vốn hay luộm thuộm, vì đặc thù công việc viết văn chỉ một mình ta với trang giấy, nên cái sự luộm thuộm đó cũng không ảnh hưởng đến ai. Nay lại phối kết hợp với ngành Công an, quân lệnh như sơn, thì rõ là chúng tôi phải chỉn chu, chỉnh tề hơn rồi.
Công an TP Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo và Ban tổ chức với một kế hoạch rất rõ ràng, cụ thể để cho các nhà văn đến từng đơn vị. Thân thiết nhất với chúng tôi ngày đó là đồng chí Thiết và đồng chí Vinh. Mỗi lần đi xuống đơn vị, từ mấy ngày trước, đồng chí Vinh đã gọi điện cho từng nhà văn. Dù có lịch rõ ràng và cụ thể nhưng để tập hợp được đầy đủ các nhà văn đã đăng ký cũng khó khăn... như đi bắt tội phạm (chúng tôi thường tếu táo ví von như vậy).

Một số nhà văn nam như Phạm Thanh Khương rất hăng hái đi cùng với đơn vị cơ động. Tôi cũng rất thích xem các đồng chí cơ động biểu diễn võ thuật và truy kích tội phạm nhưng tôi không dám đi theo vì ngặt nỗi, tôi là nhà văn hơi bị… béo. Đi với các "chú" cơ động mà không nhanh nhẹn, linh hoạt thì nhiều nguy cơ lắm, và dễ làm ảnh hưởng công việc của các chú, nên tôi đành thôi. Tôi chọn phương án xuống đơn vị Cảnh sát giao thông và một số Công an phường.

Thật trái ngược với khi thi hành công vụ, những cán bộ chiến sỹ chúng tôi gặp thường rất hóm hỉnh, gần gũi. Tôi không thể quên câu chuyện kể của đồng chí Trưởng Công an phường Điện Biên như sau: "Địa bàn chúng tôi không phức tạp về tội phạm ma túy, trộm cắp nhưng lại có những khó khăn khác. Các đồng chí thấy đó, trên địa bàn của chúng tôi có Lăng Bác Hồ, có Phủ Chủ tịch, có vườn hoa Mai Xuân Thưởng. Có những bận người dân đi biểu tình, quá khích cởi hết cả xống áo. Chiến sỹ của chúng tôi lại toàn chiến sỹ trẻ. Chúng tôi phân công hai chiến sỹ khiêng một đồng bào. Nói thật với các nhà văn, trấn áp tội phạm chúng tôi không dám nói là dễ nhưng có lẽ còn đỡ khó khăn hơn việc thuyết phục đồng bào mình trong hoàn cảnh này".

Câu chuyện của các đơn vị Công an phường dù rất hay nhưng vì tôi không có thời gian xuống tiếp đơn vị khác nên cũng như là "cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi. Trong trí não tôi chưa thể nảy ra ý tứ nào cho một truyện ngắn, mặc dù trong trái tim tôi đã dâng đầy cảm xúc về hình ảnh các chiến sỹ Công an.

Nhà văn Y Ban.

Khi ấy nhà tôi còn ở gần sân vận động Hàng Đẫy, tòa soạn thì ở phố Ngô Quyền. Gần như ngày nào tôi cũng đi qua ngã tư Cửa Nam. Một hôm tôi đi qua ngã tư đúng vào giờ cao điểm, cơn mưa rào mùa hạ ập đến. Mưa trắng xóa đất trời. Trên bục chỉ huy giao thông, một đồng chí Công an vẫn đứng dưới trời mưa vung gậy phân luồng giao thông. Quần áo đồng chí ướt sũng nước mưa và đôi chân trần trắng bợt đi vì ngâm nước. Đôi giày đen được bọc trong túi ni lông để bên cạnh.

Trong lòng tôi bỗng dâng trào cảm xúc khó tả. Trí não tôi bắt đầu túa ra các câu hỏi, rồi lại tự trả lời. Công an họ là ai? Họ là Một - Con - Người làm việc trong ngành Công an? Chúng ta có cần đến họ không? Rất cần. Khi đường tắc ai cũng muốn ngay lập tức có mặt Cảnh sát giao thông. Khi có đám đánh nhau, chúng ta gọi Cảnh sát cơ động. Mâu thuẫn với hàng xóm thì gọi anh Cảnh sát khu vực… nhưng tại sao chúng ta thường hay chỉ trích và đôi khi không hợp tác với họ? Đành rằng có những con sâu bỏ rầu nồi canh. Đành rằng trong mắt người dân luôn đòi hỏi hình ảnh người chiến sỹ Công an được hoàn thiện hơn.

Mưa vẫn không dứt, dòng người vón cục tắc nghẽn, trên bục chỉ huy giao thông, đồng chí Cảnh sát vẫn miệt mài với cái gậy và chiếc còi để phân luồng giao thông. Tiếng còi thấm nước trở nên khàn khàn. Giây phút ấy, tôi nảy ra một ý định tấp vào bên lề đường mua một chiếc áo mưa để tặng cho đồng chí Cảnh sát. Chưa nghĩ xong trọn vẹn ý nghĩ thì một ý nghĩ phản kháng chen ngang, điên à, rồi người ta cười cho. Gậy chỉ đường cho phép đi tiếp, tôi rồ ga phóng qua ngã tư với hình ảnh đôi chân trần trắng bợt trong mưa của người Cảnh sát giao thông.

Về đến nhà, trong đầu tôi đã hình thành xong cái tứ của một truyện ngắn, chỉ cần đắp thêm câu chữ. Nhưng câu chữ thế nào? Không thể dùng chữ dùng câu khiên cưỡng, khô cứng như hô khẩu hiệu được. Càng không thể dùng câu chữ "sến chảy nước". Mọi khi tôi viết một truyện ngắn dễ dàng như viết một bài báo thôi. Thế cho nên mới biết viết cái gì mà mình chưa hiểu thấu đáo là rất khó khăn.

Tình cờ tôi đọc được một bài báo viết về người dân Băng Cốc (Thái Lan) hàng ngày mang quà đến bục chỉ huy giao thông của một anh cảnh sát giao thông vì anh này đã cứu sống một em bé sắp bị ôtô cán. Đây rồi, thế là xong, tôi đã biết viết câu chuyện của mình thế nào. Tôi ngồi vào bàn và chữ ập đến.

Viết xong truyện ngắn "Con đường qua bảy ngã tư", tôi gửi tham dự cuộc thi. Và cuộc sống hàng ngày tôi vẫn đi ngang qua các ngã tư.

Sau chuyến đi thực tế với Công an Hà Nội, trong câu chuyện hàng ngày của các nhà văn thường có hình ảnh các chiến sỹ Công an với sự trìu mến hơn. Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến kể: "Có lần mình đi ra đường, trong đầu cứ vấn vít một ý thơ, dòng xe cộ trên đường như một dòng chảy của dòng sông và những chiến sỹ Cảnh sát giao thông như người khai luồng khai lạch cho dòng sông không bị ứ lại. `Bỗng nhiên có tiếng còi Cảnh sát vang lên, nhà thơ giật mình dừng xe lại. Hai chiến sỹ Cảnh sát giơ tay chào và nói: "Chào cô, cô đang đi vào đường cấm ạ". Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến bối rối rồi bỗng dưng òa khóc: "Tôi xin lỗi nhưng quả là tôi đang nghĩ một ý thơ viết về các chiến sỹ Công an nên không biết đã đi vào đường cấm".

Hai chiến sỹ Công an lúng túng: "Xin cô đừng khóc ạ, chúng cháu có phạt cô đâu, chúng cháu chỉ nhắc nhở cô đi đúng đường thôi ạ, không có xe ngược chiều họ đâm phải". Một chiến sỹ khác thì hỏi: "Thưa cô, cô có phải là nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, tác giả bài thơ "Chồng chị chồng em" không ạ?".  "Đúng đúng, là cô đấy cháu ạ". Câu chuyện đi vào đường cấm thành một câu chuyện vui.

Bẵng đi, đến một ngày không phải ngày mưa, tôi nhận được cú điện thoại của anh Thiết, anh thông báo: "Y Ban à, em đoạt giải nhì rồi nhé". Òa, tôi sung sướng cười vang trong điện thoại.

Ngày trao giải, đồng chí Nguyễn Duy Ngọc (khi ấy là Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, nay là Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) đến chúc mừng và xin bản thảo cùng chữ ký của tôi đưa vào phòng truyền thống. Tôi nói với đồng chí Ngọc: "Xin đồng chí số điện thoại đèm đẹp của đồng chí để nhỡ khi có vượt đèn đỏ mà bị anh em bắt, thực chất chúng tôi nhiều khi đãng trí chứ không phải là cố tình đâu đồng chí ạ".

Câu chuyện giải thưởng rồi cũng qua đi. Một hôm, tôi đang ngồi ở tòa soạn thì điện thoại đổ chuông. Đó là cuộc gọi của cô bé phóng viên cùng cơ quan: "Cô Y Ban ơi, cô nói hộ cháu một câu với anh Cảnh sát giao thông, cháu đi sai làn đường". Rồi cô chuyển máy cho đồng chí Cảnh sát. Bất ngờ, tôi đành nói vào điện thoại: "Chào đồng chí, tôi là Y Ban đây đồng chí ơi, tôi là tác giả của truyện ngắn "Con đường qua bảy ngã tư". Bên kia điện thoại, tiếng đồng chí Cảnh sát giao thông đáp lại: "Vâng, vâng, tôi biết chị rồi ạ. Chỉ nhắc nhở các anh chị em mình khi lưu thông trên đường thì phải đúng luật chị nhé". Tôi xúc động nói: "Chúng tôi vẫn nhớ điều ấy nhưng đôi khi sơ ý mong đồng chí thông cảm".

Cô bé phóng viên mừng quá, về cơ quan gặp tôi kể lại: "Cô Y Ban ơi, cháu xin mãi, trình cả thẻ nhà báo mà anh Cảnh sát giao thông vẫn không đồng ý. Cháu đành nói, em đang vội đi viết bài tòa soạn giao, nếu anh không tha cho lỗi của em thì em đành gọi cấp cao hơn. Anh ấy hỏi cháu: cấp cao là ai. Cháu bảo, cô ấy là nhà văn đấy. Nghe vậy, anh ấy cứ tủm tỉm cười".

Nghe xong chuyện, chúng tôi cười tưởng như vỡ cả tòa soạn. Thì ra nhà văn là "cấp cao hơn".

Nhà văn Y Ban
.
.
.