Cụ ông 87 tuổi lên núi đắp tượng

Thứ Hai, 04/04/2016, 15:22
Năm nay 87 tuổi, nhưng cụ Bùi Văn Đức vẫn say mê đắp tượng. Có điều cụ đắp không phải để bán kiếm tiền, mà để thỏa nỗi nhớ, thỏa những cơn mơ khó giải thích trong tâm hồn mình. Nhiều đêm, nghe như ai gọi, cụ trở dậy cõng xi măng lên núi, một mình làm miệt mài cho đến khi mệt lả mới trở về nghỉ. Đến nay, cả sườn núi Đoan Vĩ, xã Thanh Hải (Thanh Liêm - Hà Nam) trở thành núi tượng.


Người bị giời hành

Lúc chúng tôi đến tìm là đầu giờ chiều, cụ Đức đang đắp cho đình làng hai con voi phục. Công việc đang đến giai đoạn hoàn thiện. Rồi cụ ngơi tay, dẫn chúng tôi lại nhà. Nếp nhà của cụ cũng đơn sơ trong con ngõ hàng râm bụt xanh ngắt bình yên, nhưng đậm dấu ấn cá nhân của cụ. Bởi từ trang trí ngoài hiên, trong nhà đến các bức phù điêu đều tự tay cụ đắp lấy. Đặc biệt, những pho tượng ngựa, voi trong khuôn viên vườn, được che chắn bởi những tán cây xanh đều khiến chúng tôi thích thú. Tại sao tuổi đã cao, cụ vẫn làm công việc vất vả này, bắt đầu từ năm 2002, khi đó, cụ đã 74 tuổi?

Tôi bị giời hành! Cụ Đức khẳng định vậy mỗi khi chúng tôi hoặc ai đó hỏi về niềm đam mê. Thậm chí có người bảo cụ bị ma làm, tuổi già nên dành sức nghỉ ngơi. "Ấy, ai chẳng cần nghỉ ngơi. Nhưng vì nghệ thuật, vì đam mê thì cứ làm từ từ. Tôi cũng làm vừa theo sức của tôi đấy chứ. Không để bị ngã ốm. Cũng chẳng nghĩ chuyện ngơi tay. Buồn lắm!", cụ Đức tâm sự.

Vì niềm đam mê, cụ Đức chấp nhận khó nhọc để làm nên những tác phẩm nghệ thuật.

Hỏi ra, từ nhỏ cụ Đức nhà nghèo, chẳng được học hành gì nhiều. Khi trở thành chàng thanh niên thì cụ đi bộ đội, vinh dự cùng đơn vị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, rồi làm lính an ninh trật tự 3 năm. Sau này xuất ngũ, trở về quê hương với bộn bề lo toan, chăm sóc cả đàn con, rồi dựng vợ gả chồng. Đến khi được nhàn thân một chút thì tuổi già đã ập đến. 

Vốn chữ nghĩa của cụ cũng chỉ có một phần. Nhưng cụ Đức nhớ Hà Nội, nhớ những mảnh hồn quê, yêu những con vật… và cụ thể hiện nỗi nhớ đó bằng việc đắp tượng. Nhiều đêm, nghe như ai đó thúc giục, bảo cụ phải làm một cái gì đó, nhưng chính cụ Đức cũng chưa hiểu là phải làm gì. Chắp nối những giấc mơ đứt gẫy của nhiều đêm, cụ đã hiểu ra vấn đề. Người "cõi âm" muốn cụ đắp tượng. Vậy phải bắt đầu tư đâu? Đắp như thế nào? Biết bao trăn trở dồn về.

Sau nhiều ngày "khảo sát", cụ Đức thấy sườn núi cạnh làng dù toàn đá, nhưng nhìn quanh cũng phong cảnh hữu tình, rồi tức cảnh muốn… đắp tượng tại đây. Cụ dành số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình, khoản tiền con cháu biếu để ăn sáng, cụ mua ximăng, cát sỏi đựng vào hai cái túi đựng cám con cò, xách lên núi. Nước thì cụ đựng vào hai chiếc can 5 lít, xách hai tay. Đặc biệt, cụ cần mẫn làm việc một mình, không nhờ bất kể một người con nào công việc đó, dù họ có yêu cầu. 

"Tôi cũng thấy mình lọ mọ. Chỉ là đôi lúc như thế thôi. Vì cứ đêm xuống lại xách đèn, cõng xi măng lên núi. Thế nhưng tôi không đừng được, giấc mơ bảo tôi làm thì tôi phải làm. Thế mà có những đêm trăng sáng vằng vặc, soi chiếu cả vùng, tôi cứ cần mẫn, thậm chí chẳng cần đến đèn. Mà trên núi, gió lại mát rượi, vừa làm vừa thưởng thức khí trời, cũng lãng mạn lắm đấy chứ!", cụ Đức hồ hởi tâm sự.

Cụ bà Nguyễn Thị Vành, vợ cụ Đức, phát biểu: "Mấy chục năm ở với nhau có thấy cụ ấy đắp gì đâu. Chỉ vẽ cho làng mấy con giống mỗi khi ai đó nhờ. Ma xui quỷ khiến thế nào mà cụ ấy thích làm tượng từ năm 2002 và đắp theo trí nhớ, nghĩ gì làm nấy, có được học hành gì đâu, thế mà cũng đẹp lắm cơ. Khách đến thăm, bảo tượng cụ Đức làm thoạt nhìn thì có vẻ thô, nhưng có hồn".

Được sự ủng hộ của cụ bà, cụ Đức lần lượt đắp hết tượng này đến tượng khác. Từ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, tượng Tôn Ngộ Không, tượng voi, long chầu hổ phục, tượng Bao Công xử án, Lã Vọng ôm cần câu cá, Thánh Gióng đánh giặc... Cụ đắp cả cổng, làm cả bậc lên. Tính đến nay, khối lượng các bức tượng cụ Đức đắp lên đến cả trăm tấn.

Chỉ vào bức tượng bà Triệu cưỡi voi đánh giặc, cụ Đức giới thiệu: "Có đêm, tôi mơ thấy các trận đánh của nữ anh hùng Triệu Thị Trinh. Có một điều gì đó thôi thúc tôi phải đắp tượng bà cưỡi voi xung trận. Đó là một đêm tháng 10-2009. Tôi còn nghe thấy lời bà đáp khi có người hỏi chuyện chồng con: "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người". Thế là tôi nghĩ, chẳng đắn đo gì nữa, phải bắt tay vào việc. Giờ, tượng bà Triệu cưỡi voi là một trong những pho tôi thích nhất", cụ Đức kể lại.

Cả làng ngỡ ngàng

Mấy năm đầu người dân thôn Đoan Vĩ coi việc cụ Đức làm là giời ơi đất hỡi, thì mấy năm sau thấy công trình nghệ thuật của cụ, họ cảm phục và biết ơn cụ đã làm nên một công trình nghệ thuật cho làng, không hề vụ lợi. Nhiều người đến chiêm ngưỡng. Nói về công việc đã diễn ra, cụ Đức bày tỏ: "Ngay cả bà vợ tôi, lúc đầu cũng cản tôi làm. Con cái thì chẳng đứa nào cho. Nhưng tôi quyết thì bà ấy và các con phải chịu. Giờ bà ấy cũng vui lắm chứ".

Lúc này, cụ Vành tiếp lời chồng: "Tôi bảo cụ, già rồi, con cái cho đồng nào thì giữ nào mà tẩm bổ. Cụ ấy bảo: Già rồi, ăn đủ thì thôi, tôi làm nghệ thuật có phải để cho riêng tôi đâu".

Có lúc nào cụ thấy mệt mỏi? Cụ Đức bảo rằng: “Cứ túc tắc làm, lúc mệt thì nghỉ, đôi chân nông dân dù sao vẫn vững chãi, có sức, bàn tay nông dân cũng chẳng sợ ximăng ăn. Vả lại có trăng thanh gió mát mà. Chỉ có giờ tôi tuổi già, chậm chạp đi nhiều. Nhưng tôi cứ dấn thân cho một niềm đam mê. Tôi cũng chẳng ngã ốm, chưa một lần trèo núi sảy chân ngã, chắc là ông trời phù hô”å.

Trong những bức tượng, hỏi cụ Đức bức nào cụ tâm đắc nhất thì cụ trả lời đó là bức tượng voi và công trình chùa Một Cột ở Hà Nội. Nhìn hai bức tượng cỡ lớn, với nhiều khối ximăng, sắt thép, không ít người dân đã thốt lên ngỡ ngàng. Họ không thể ngờ được cụ lại làm được những việc như thế, với sức vóc của một người già. Cụ Đức thổ lộ: "Để làm được thì phải cưa và uốn sắt. Với sức người nhỏ thó của tôi, uốn được cũng không đơn giản đâu. Con voi này và chùa Một Cột, tôi phải làm hơn một năm mới xong đấy. Ở trên bức tường nhà của tôi, tôi kẻ vẽ không gian 36 phố phường Hà Nội. Tôi làm vì nhớ Hà Nội đấy".

Cụ Đức dẫn tôi ra bức tường bên của ngôi nhà. Đúng là một bức tranh tường khổ lớn, vẽ phố phường Hà Nội. Tất cả, cụ vẽ bằng sự hình dung, nên nó rất mộc mạc, giản dị. Đường phố Hà Nội giờ đổi thay nhiều, nhưng nhìn vào đó vẫn cảm nhận được sự sôi động và cảnh đẹp của những khu phố sầm uất. Nói về bức tranh khổ lớn này, cụ Đức bảo, nhiều đêm muốn ngủ mà trằn trọc, vậy là cụ trở dậy, thắp đèn, bắc thang lên vẽ. Sau gần sáu tháng thì hoàn thành. Và đây là một trong những tác phẩm khiến cụ trăn trở nhiều nhất, phải "mơ" nhiều nhất…

Đứng trên núi Đoan Vĩ nhìn ra cánh đồng, cảnh sắc thật đẹp. Sườn núi Đoan Vĩ vẫn còn những khoảng trống. Hẳn là cụ Đức vẫn muốn tiếp tục công việc của mình. Bởi khi hỏi chuyện, mắt cụ nhìn xa xăm, nói rằng ý tưởng, ước muốn thì còn nhiều, mà sức khỏe không ủng hộ nữa. Nhưng cụ sẽ vẫn làm, khi nào còn có thể, đó là lời khẳng định của cụ Đức. Dẫu sao, cụ đã làm được cả một thế giới tượng, với một ý niệm vì nghệ thuật, vì phong cảnh làng quê. Công trình của cụ khiến nhiều người cảm phục, thấy rằng đó là những tác phẩm kỳ diệu của một người chỉ biết có đam mê.

Cứ như thế, hằng ngày, hằng đêm, người dân lại thấy một cụ ông tóc trắng như cước, khệ nệ xách đồ lên phía núi phủ sương…

Hoàng Anh
.
.
.