Cuộc đời ngang tàng của "cu Tý"

Thứ Bảy, 11/04/2020, 18:02
Có bao nhiêu cầu thủ đã rơi xuống vực sâu rồi trở lại và leo lên đến đỉnh của vinh quang? Ngay cả trên bình diện quốc tế, những ngôi sao có đủ tài năng và nghị lực như thế cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Sau vụ án bán độ ở Bacolod năm 2005, không nhiều người tin rằng những cầu thủ trẻ "dính chàm" ngày ấy có thể lấy lại được ánh hào quang đã mất. Nhưng rồi một người đã chứng minh điều ngược lại một cách ngoạn mục, đó là Huỳnh Quốc Anh, người thường được gọi là "cu Tý".


"Cu Tý" trốn nhà theo trái bóng

Huỳnh Quốc Anh sinh năm 1985 trong một gia đình không mấy khá giả ở huyện miền núi Bắc Trà My, Quảng Nam. Khởi nghiệp của Quốc Anh bắt đầu khi có cuộc tuyển chọn năng khiếu bóng đá của tỉnh Quảng Nam năm 1998, lúc đó, Quốc Anh đang học lớp 8. Giấu gia đình, "cu Tý" đăng ký tham dự và trúng tuyển, được gọi xuống Tam Kỳ tập trung.

Để một cậu bé lớp 8 xuống Tam Kỳ theo đuổi sự nghiệp không có gì chắc chắn, ban đầu cha mẹ Quốc Anh phản đối dữ dội. Năn nỉ mãi "cu Tý" mới được đồng ý, với điều kiện "sau 1 năm mà không nên cơm cháo gì thì phải về".

"Cu Tý" và danh hiệu quả bóng vàng Việt Nam 2012.

Tất nhiên, điều kiện ấy trở thành hiện thực thì không bao giờ có Huỳnh Quốc Anh của ngày hôm nay. Trong đội năng khiếu, "cu Tý" nhanh chóng trở thành nhân vật nổi bật bởi tài năng thiên bẩm. Chỉ sau 3 năm, Quốc Anh đã được đôn lên đội 1 Quảng Nam. 1 năm sau, ở tuổi 17, anh có suất đá chính khi đội tham gia giải Hạng Nhì.

Tất nhiên, tên tuổi của "thần đồng" Quảng Nam nhanh chóng đến tai người hàng xóm Đà Nẵng. Dù Quảng Nam muốn giữ người, nhưng ai cũng hiểu chỉ có đến Đà Nẵng, nơi có tiềm lực tốt hơn, tài năng của Quốc Anh mới được chắp cánh. Năm 2002, "cu Tý" lại khăn gói lên đường gia nhập U21 Đà Nẵng.

Có lẽ việc sớm rời xa gia đình sống tự lập và đà thăng tiến quá nhanh là một phần nguyên nhân cho tính cách ngang tàng của Huỳnh Quốc Anh. Bản tính ngang tàng ấy, nếu thêm vào sự bồng bột, thiếu chín chắn của tuổi trẻ rất dễ dẫn đến sai lầm, mà vụ đại án Bacolod năm 2005 là minh chứng rõ nhất.

Cùng với Văn Quyến, Quốc Vượng, Hải Lâm, Bật Hiếu, Phước Vĩnh, Văn Trương; Quốc Anh là một trong 7 người phải đứng trước vành móng ngựa để trả giá cho những tội lỗi của mình. Người ta giận, rồi tiếc cho một lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng vừa chớm nở đã lụi tàn.

Trong đó, Quốc Anh là một trong những cái tên làm khán giả tiếc nuối nhất bên cạnh Văn Quyến và Quốc Vượng. Chàng trai sinh năm 1985 chỉ vừa mới ghi dấu ấn ở vị trí tiền vệ cánh trái với tốc độ và kỹ thuật cá nhân cực tốt cùng với khả năng hiếm có ở các cầu thủ Việt Nam là chơi hai chân như một. Chứng kiến Quốc Anh thi đấu, nhiều người khẳng định anh sẽ sớm trở thành trụ cột ở đội tuyển quốc gia, vậy mà…

Văn Quyến và Quốc Vượng không bao giờ có thể lấy lại được hình ảnh trước khi đại án Bacolod xảy ra. Sau này, họ vẫn nổi tiếng nhưng chủ yếu là nhờ vào ánh hào quang của những thành tích trước đó. Quốc Anh âm thầm hơn, dùng thời gian chịu án phạt treo giò để rèn luyện chờ ngày trở lại sân cỏ. Cuối năm 2008, Quốc Anh chính thức tái xuất trong màu áo Đà Nẵng.

Cuộc đời thứ hai

Năm 2012, ở tuổi 27, Huỳnh Quốc Anh giành danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam. Một phần thưởng hoàn toàn xứng đáng, bởi năm đó chính anh là ngôi sao sáng nhất trong hành trình đăng quang V.League lần thứ 2 của SHB Đà Nẵng. Cuối năm, anh cũng là cầu thủ hiếm hoi nhận được lời khen ngợi trong hành trình AFF Cup không thành công của ĐT Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Phan Thanh Hùng.

Sai lầm của tuổi trẻ đã khiến Quốc Anh trở nên lặng lẽ hơn, nhưng cái chất ngang tàng vẫn còn nguyên ở đó. Nếu sự bồng bột làm cho cái chất ngang tàng ấy đi sai đường thì khi đã chín chắn hơn, người ta lại thấy được ở Quốc Anh những góc khuất không mấy ai biết.

Ở Đà Nẵng, Quốc Anh chơi thân nhất với Châu Lê Phước Vĩnh. Trong hành trình từ Đà Nẵng ra Hà Nội dự phiên tòa xử vụ Bacolod, "cu Tý" từng yêu cầu Phước Vĩnh đổ hết mọi tội lỗi cho mình, một mình đứng ra chịu trách nhiệm.

Huỳnh Quốc Anh trong đại án Bacolod.

Sau này, khi đã trở thành quả bóng Vàng Việt Nam, Quốc Anh cũng từ chối ký vào bản hợp đồng mới có giá trị 8 tỷ đồng từ Đà Nẵng chỉ vì chờ Phước Vĩnh, lúc đó chưa được gia hạn vì chấn thương, ký cùng.

Trong thời kỳ đỉnh cao phong độ, "cu Tý" nhận được rất nhiều lời mời hấp dẫn từ các đội bóng đại gia trong nước. Becamex Bình Dương từng sẵn sàng chi 10 tỷ để ký 3 năm với Quốc Anh, song chỉ nhận được cái lắc đầu. Vơi Quốc Anh, Đà Nẵng là đội bóng duy nhất anh muốn gắn bó bởi vì đây cũng là nơi đã dang rộng vòng tay đón anh trở lại sau án treo giò.

HLV Nguyễn Thiên, người thầy đầu tiên của Huỳnh Quốc Anh tại lớp năng khiếu bóng đá Quảng Nam năm 1998 nhận xét cậu học trò cũ của mình sống rất có tình nghĩa. Mỗi lần về Quảng Nam, Quốc Anh đều tranh thủ ghé thăm thầy.  Thậm chí, Quốc Anh vẫn còn nhớ qua chào cả "má Liên" - người phụ trách nấu ăn cho đội bóng khi xưa.

Nếu có một điều gì đó để tiếc nuối, thì có lẽ là việc "cu Tý" không thể chơi cho đội bóng quê nhà. Sau khi chia tay Đà Nẵng, anh có ý định về chơi cho QNK Quảng Nam song vì nhiều lý do, Quốc Anh quyết định giải nghệ và chuyển sang công tác huấn luyện.

Ngày càng thăng tiến trong nghiệp cầm quân

Sau 4 năm bước vào công tác huấn luyện bắt đầu từ đội U15, HLV Huỳnh Quốc Anh hiện đã có bằng B và vừa được Đà Nẵng giao nhiệm vụ dẫn dắt lứa U17 ở mùa giải 2020. 

Ngoài công việc chính tại trung tâm đào tạo trẻ Đà Nẵng, Quốc Anh còn là giám đốc một trung tâm bóng đá cộng đồng có tiếng, cùng với đó là ông chủ của quán cà phê Không tên ở Đà Nẵng rất đông khách và mang lại cho ông chủ môt nguồn thu đáng kể.

Ít ai biết rằng Quốc Anh cũng đã từng suýt chút nữa rẽ ngang trong thời gian thụ án treo giò. Nguyên nhân không phải là vì anh hết niềm đam mê với bóng đá mà do nỗi lo cơm áo gạo tiền. Trong thời gian thụ án, anh tranh thủ học lớp công nghệ thông tin với ý định nếu không quay trở lại được với bóng đá thì kiếm việc khác để có thu nhập.

Rất may cho Quốc Anh là anh được SHB Đà Nẵng giúp đỡ. Không chỉ được phép tập luyện chung với cả đội, hàng tháng Quốc Anh còn nhận được 50% lương để trang trải cuộc sống. Ân nghĩa đó là lý do vì sao Quốc Anh nhanh chóng từ chối lời mời từ các đội bóng khác tại V.League dù chi phí lót tay "khủng" cỡ nào.

Đơn Ca
.
.
.