Cuộc đời trầm luân của bản sao ca sĩ Y Moan

Thứ Ba, 02/08/2016, 14:22
Khi ông bước lên sân khấu, tiếng vỗ tay, hò reo vang dội. Khán giả ai cũng nghĩ mình đang tận mắt “mục sở thị” người ca sĩ của núi rừng Tây Bắc, Y Moan. Nhưng ngay cả khi ông tự giới thiệu về mình, rằng ông không phải ca sĩ Y Moan mà là Bạch Chí Tình, nghệ danh “Lý Cất Tình” thì nhiều người vẫn không tin.

Bởi lẽ, giọng hát và vóc dáng bề ngoài của ông chẳng khác nào một bản sao hoàn hảo của ca sĩ Y Moan.

Trở thành "ca sĩ bất đắc dĩ"

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà sập sệ, bừa bộn đủ biết chủ nhân của nó không hề coi trọng hình thức. Bạch Chí Tình khoe, vợ và con trai của ông hiện đang ở trong một ngôi nhà khang trang ngoài mặt phố. Còn ông vì không thích cuộc sống ồn ã cũng như muốn có một chốn thật sâu thẳm, riêng tư để thỏa mãn cái máu nghệ sĩ nên ông đã chuyển vào sống ở cái Bãi Chạo (xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) này. 

Ở đây ông có thể tự do giao du với những bạn bè có máu văn nghệ sĩ như mình mà không lo vợ con khó chịu. Mái tóc lớt phớt, xoăn xoăn, nước da ngăm đen, vận bộ quần áo dân tộc Ê Đê, đeo trang sức bằng nanh hổ nhìn ông chẳng khác nào anh em song sinh với nghệ sĩ Y Moan. Nó càng giống hơn gấp bội phần khi Bạch Chí Tình cất cao giọng hát. 

Ông chia sẻ: “Để có được chất giọng cùng phong thái biểu diễn giống với nghệ sĩ Y Moan tôi đã phải khổ luyện hơn 40 năm nay”.

Bạch Chí Tình chưa từng học qua trường lớp nghệ thuật nào nhưng với niềm đam mê ca hát đến cháy bỏng và trí nhớ siêu Việt khiến ông chỉ cần nghe qua ca khúc không quá 2 lần là đã thuộc cả lời và giai điệu. Duyên cớ để ông trở thành ca sĩ “bất đắc dĩ” cũng rất trớ trêu. 

Ông kể: “Hồi đó, vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đi khắp núi rừng Tây Bắc thu mua các sản vật bán cho các nhà hàng dưới xuôi. Trong một lần giao hàng cho nhà hàng Lệ Mật, Gia Lâm (Hà Nội) tôi thấy ông chủ đang lo cuống lên vì ca sĩ biểu diễn cho nhà hàng hôm đó đã không tới. Tôi thấy thế tự nhiên lại buột miệng bảo “để tôi hát cho”. Ông chủ nhà hàng trợn tròn mắt hỏi lại: “Ông có hát được thật không?”, tôi bảo được, thế là nhảy lên sân khấu hát”. 

Trước giờ biểu diễn, Bạch Chí Tình nhờ nhà hàng đi thuê cho bộ quần áo của người dân tộc Ê Đê rồi xõa tóc, lôi chiếc vòng cổ bằng móng vuốt ra ngoài áo và tự tin bước lên sân khấu. Chính Bạch Chí Tình cũng không thể ngờ rằng, khi ông xuất hiện trên sân khấu khán giả vỗ tay vang dội, miệng hô to: “Y Moan, Y Moan”. 

“Tôi không muốn lừa dối khán giả nên đã giải thích rằng tôi không phải là Y Moan mà là Bạch Chí Tình nhưng họ vẫn không tin. Đến khi nghe tôi cất giọng họ lại càng khẳng định tôi chính là ca sĩ Y Moan. Có khách còn trách ông chủ nhà hàng là, hôm nay mời được hẳn ca sĩ Y Moan mà không báo trước để họ đưa cả gia đình tới xem”. 

Buổi biểu diễn hôm đó tôi được ông chủ trả tiền cát – xê hậu hĩnh lắm, nhiều bằng mấy lần tôi đi đổ hàng trong một ngày ấy chứ”.

Từ sau lần bất đắc dĩ trở thành ca sĩ, ông được ông chủ nhà hàng Lệ Mật thường xuyên mời đến biểu diễn. Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà hàng khác của Hà Nội cũng mời ông tới biểu diễn. Cũng từ đó, nhiều đoàn nghệ thuật đi lưu diễn thường mời ông cùng đi. 

“Có lần tôi đi theo đoàn của nghệ sĩ hài Minh Vượng biểu diễn trên Lạng Sơn. Khi tôi xuất hiện trên sân khấu khán giả đã vỗ tay, reo hò nồng nhiệt. Họ gọi tôi là Y Moan. Lần đó tôi cứ hát hết bài này họ lại yêu cầu bài khác khiến tôi phải biểu diễn gần hết các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Cường mà ca sĩ Y Moan đã hát. Khi tiết mục của tôi kết thúc nhiều khán giả đã lên tặng hoa và xin chữ ký làm tôi có cảm giác như mình là một ca sĩ nổi tiếng vậy” – Bạch Chí Tình cười lớn kể lại kỷ niệm.

Không chỉ có khả năng ca hát mà nghệ sĩ chân đất Bạch Chí Tình còn có tài múa ba lê rất điêu luyện. Một lần tình cờ được xem các nghệ sĩ múa ba lê của nước Nga biểu diễn trên tivi đã khiến ông mê mẩn. Sau đó ông đã quyết tâm tự học múa ba lê. 

Thời gian đầu ông học đi bằng mũi chân, luyện đến mức mà các ngón chân tóe máu. Năm 1982, Bạch Chí Tình tham gia cuộc thi biểu diễn múa ba lê tại Hội trường Quân chủng phòng không không quân ở sân bay Bạch Mai. Cuộc thi có tới 360 nghệ sĩ trên khắp cả nước. Kết quả, ông vượt qua tất cả các nghệ sĩ không chuyên để giật giải A cho tiết mục múa tự biên đạo của mình.

Nhiều người nói, Bạch Chí Tình là nghệ sĩ chân đất nhưng lại rất đa tài. Không chỉ hát, múa mà ông chơi được hầu hết các loại nhạc cụ như: sáo, ghi ta, cồng chiêng… Loại nào ông chơi cũng đều rất xuất sắc khiến người được thưởng thức như lạc vào một cõi phiêu diêu.

Nghệ sĩ chân đất và cuộc đời sóng gió

Bạch Chí Tình lắm tài nhưng cũng rất nhiều tật. Sinh năm 1956, là con thứ 5 trrong một gia đình dòng dõi quan lang xứ Mường. Cuộc sống gia đình khá giả nhưng cậu bé Tình lại không được khỏe mạnh như bạn bè cùng trang lứa. Tuổi thơ của Bạch Chí Tình là những tháng ngày lẹo dẹo ở trên giường hoặc nổi trôi đó đây khắp các bệnh viện. 

“Lúc còn bé bố mẹ đưa tôi đi khám ở rất nhiều bệnh viện, ở đâu họ cũng kết luận tôi bị hở van tim hai lá. Hồi đó mà bị mắc bệnh này cũng được coi là vô phương cứu chữa. Tiền bạc trong gia đình có bao nhiêu cũng đội nón ra đi theo căn bệnh của tôi. Năm tôi 12 tuổi, bệnh viện trả về nhà nằm chờ chết. 

Thực sự những ngày tháng đó tôi lại khát khao sống hơn bao giờ hết. Đêm nào tôi cũng nói bà nội bế ra nhìn ánh trăng vì chỉ sợ sau này mình chết đi sẽ không có cơ hội được nhìn thấy thứ ánh sáng đó nữa”. 

Vậy mà, điều kỳ diệu cuối cùng đã xảy ra. Hôm đó, không hiểu sao cậu bé Tình lại nhớ lại như in những thang thuốc mà ông nội mình đã bốc để chữa bệnh cứu bao người trong bản. Tình gọi bà nội tới và nhờ bà vào rừng hái cho mình những loại cây: cùn gấc, lá xạ đen, xạ vàng, lá ngái về rửa sạch và cho vào đun. Một nồi để xông còn một nồi cất lên để uống. Thuốc ngấm đến đâu, cậu bé Tình cảm nhận sự sống hồi sinh đến đó. Và sau đúng 3 tháng, Tình đã có thể tự đi ra khỏi giường, chơi đùa với bạn bè.

Sau này, có thời gian Bạch Chí Tình đã hành nghề bốc thuốc và rất nổi tiếng với những thang thuốc quý. Tuy nhiên, chí tang bồng, thích phiêu lưu đây đó khiến Bạch Chí Tình không thể ngồi yên một chỗ. Chàng trai trẻ này đăng ký đi bộ đội. Thời gian ở quân ngũ, Bạch Chí Tình nổi tiếng là một cây văn nghệ đàn hay, hát giỏi cũng đồng thời nổi tiếng là một ông lang chữa “bách bệnh”.

Lại nhớ, thời gian ông được sống cuộc đời của một nghệ sĩ, đi đây đi đó, biểu diễn cho ngàn người nghe với tiếng vỗ tay vang dội và những bó hoa tươi thắm khiến ông ngất ngây. Nhưng những lúc thoát khỏi những phút giây ngây ngất ấy trở về với cuộc sống nghèo khó thực tại, vợ con vất vả ông không cam lòng. 

Tạm gác đam mê, ông quyết định đi buôn vàng để làm giàu. Ông đi buôn vàng cám khắp các bưởng Tây Bắc từ Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái…Chỉ sau 2 năm hành nghề buôn vàng Bạch Chí Tình trở thành cái tên khiến nhiều người ngưỡng mộ. 

Để thể hiện đẳng cấp của mình ông đã không tiếc tiền khi bỏ ra tới 30 cây vàng để đặt mua chiếc xe Michelin nhập khẩu từ nước ngoài. Chiều chiều đại gia phố núi cưỡi xe rong ruổi thành phố khiến nhiều người nể phục. Bởi tính tới thời điểm đó, ở Hòa Bình chỉ có duy nhất Bạch Chí Tình mới đủ khả năng để sở hữu chiếc xe huyền thoại ấy.

Có quá nhiều tiền nên Bạch Chí Tình sinh tật. Thường sau mỗi chuyến buôn vàng ông lại tụ tập những anh em thương lái khác quây sới chơi cờ bạc. Hồi đó, thấy ông thắng nhiều, thắng liên tiếp khiến những người cùng chơi rất cay cú. 

“Ai mà ngờ được vì thua nhiều nên bọn họ đã câu kết với nhau thuê một nhóm cờ bạc bịp về “đọ sức” với tôi. Cuối cùng bao nhiêu tiền của mà tôi kiếm được đội nón ra đi sạch. Từ tiếng đại gia vài hôm sau trở thành kẻ tay trắng” – ông bùi ngùi kể lại.

Sau chuyến khuynh gia bại sản ấy Bạch Chí Tình quay sang buôn đủ thứ từ buôn trâu, bò, móng vuốt lợn rừng, hổ đến rắn, rết, sản vật của núi rừng. Trong chuyện buôn bán, ông may mắn cũng nhiều và rủi ro cũng không ít. 

Đến giờ khi tuổi đã xế chiều, khi những tham, sân, si đã không khiến ông màng tới thì ông lại lui về ở ẩn trong một ngôi nhà nhỏ giữa núi rừng đại ngàn. Bạch Chí Tình chia sẻ: “Khi con cái lớn rồi, nợ đời cũng trả hết rồi giờ mình được quyền sống theo những gì mình thích”.

Phong Anh
.
.
.