"Đại bàng" và cuộc hồi sinh về nẻo thiện

Thứ Ba, 31/01/2017, 08:21
Nhìn người đàn ông hiền lành, ăn nói từ tốn này, ít ai nghĩ rằng anh ta từng là "đại bàng" một thời với "đầy rẫy" hành vi vi phạm pháp luật như đánh bạc, cố ý gây thương tích  "chủ soái" trong đường dây ma tuý từ Lào về Việt Nam. Thậm chí, khi đã vào trại rồi, Kiếm vẫn được "anh em" nể sợ, gần như coi hắn ở vị trí cao nhất trong buồng.


Từng là lái xe đường dài, từng là đại ca có "số", từng giang hồ ngang dọc đánh bạc, buôn ma tuý, tổ chức đánh bạn tù… nhưng sau tháng ngày đắm chìm trong tội lỗi, phải trả giá cho hành động của mình, "đại bàng" chợt tỉnh ngộ rằng, nếu không cố gắng vươn lên thì cuộc đời mình sẽ mãi chìm trong tăm tối, con cái mình có thể sẽ hư hỏng và cuộc đời chúng sẽ thiệt thòi khi bố mẹ cả đời sống ở trong tù... Vì thế, anh ta đã quyết tâm học tập, cải tạo. Cố gắng đó được bù đắp khi được Chủ tịch nước ân giảm án. Nhờ thế, anh ta đã có ngày về…

Phạm nhân Nguyễn Ngọc Kiếm và Ban tự quản phạm nhân chúc mừng Ban giám thị nhân Ngày truyền thống lực lượng CSND 20-7.

Lần nào vào Trại giam Thanh Lâm, tôi cũng gặp Nguyễn Ngọc Kiếm, 61 tuổi, trú ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Sở dĩ như vậy bởi anh ta là Đội trưởng Đội phạm nhân số 1, chịu trách nhiệm lao động tự giác trong khuôn viên trại.

Nhìn người đàn ông hiền lành, ăn nói từ tốn này, ít ai nghĩ rằng anh ta từng là "đại bàng" một thời với "đầy rẫy" hành vi vi phạm pháp luật như đánh bạc, cố ý gây thương tích  "chủ soái" trong đường dây ma tuý từ Lào về Việt Nam. Thậm chí, khi đã vào trại rồi, Kiếm vẫn được "anh em" nể sợ, gần như coi hắn ở vị trí cao nhất trong buồng.

Theo đó, Kiếm được nằm chỗ đẹp nhất, có thể sai khiến được người khác. Cũng chính vì chuyện "ngứa mắt" khi một phạm nhân khác mới "nhập trại" lại được nằm "chỗ đẹp", Kiếm và đồng bọn đã gây ra một vụ cố ý gây thương tích nghiêm trọng khi đang giam cứu tại Trại giam Công an TP Hà Nội.

Bị kết án tử hình về tội mua bán trái phép chất ma tuý, 2 năm tù về tội đánh bạc, 8 năm tù tội cố ý gây thương tích là những bản án mà Kiếm phải trả cho tội lỗi của mình. Tưởng rằng, cuộc sống đã chấm dứt nhưng nhờ biết hối lỗi nên Kiếm được ân giảm án…

Theo hồ sơ thì từ cuối năm 1997, Kiếm thân quen với Phạm Văn Yên (51 tuổi, ở xã Thái Thịnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) và một số đối tượng buôn bán ma túy ở Sơn La và nước bạn Lào để kết hợp hình thành một đường dây khép kín từ Sơn La, Hà Nội.

Từ đầu năm 1998 tới năm 2001, Kiếm đã mua và tiêu thụ của Yên hơn 11 bánh ma túy. Với tội lỗi trên, Kiếm bị kết án tử hình. May mắn được Chủ tịch nước tha tội chết, được ân giảm mức án từ tử hình xuống tù chung thân theo quy định mới của pháp luật thật chẳng khác nào Kiếm được pháp luật sinh ra lần thứ hai. Chính điều đó đã thức tỉnh trong Kiếm một lương tâm biết phải trái, ăn năn hối cải và quyết tâm phục thiện.

Nhớ lại những ngày tháng đen tối đã qua của cuộc đời, phạm nhân Kiếm chân thành thừa nhận vì quá hám lợi trước mắt nên đã dấn thân vào con đường tội lỗi. Suốt đời, Kiếm nhớ nhất cảm giác tuyệt vọng khi phải nhận án tử hình, để lại người vợ trẻ cùng hai đứa con thơ dại phải gánh chịu rất nhiều mặc cảm, tủi hổ vì có một người chồng, người cha mang trọng tội.

Thoát án tử tưởng chừng như là may mắn nhất trên đời bởi đó là được sinh ra lần thứ 2, được sống dù phải tù tội, là không phải mất ngủ vào ban đêm, không phải giật mình thon thót khi nghe tiếng kẹt cửa lúc mờ sáng.

Phạm nhân Nguyễn Ngọc Kiếm coi lao động như niềm vui mỗi ngày.

Nhưng, Kiếm còn may mắn hơn, anh ta coi đó là ân huệ của cuộc đời bởi, anh ta được khoan giảm án 1 lần nữa, từ tù chung thân xuống có thời hạn. Điều này có nghĩa là, Kiếm đã có ngày về, có hi vọng được sống những ngày cuối đời bên gia đình, vợ con.

Tết này nữa là 14 năm Kiếm ăn Tết ở Trại. Quả là thời gian quá dài cho 1 đời người, nhưng lại vô cùng ý nghĩa với kẻ đã 2 lần thoát chết, 3 lần được sinh ra như Kiếm. Cầm quyển sổ ghi chép chi chít những số liệu, những chỗ gạch đỏ, gạch xanh, Kiếm cho biết, đây là công việc anh ta làm hàng ngày, đó là giúp cán bộ quản lí đội phạm nhân, nắm tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân báo cáo cán bộ có hướng động viên, xử lí kịp thời.

Công việc này Kiếm làm rất tốt, phần vì anh ta nhiều tuổi, trải đời có kinh nghiệm trong cuộc sống, phần vì sống ngay thẳng, nghiêm túc lại dễ mến, dễ gần nên có việc gì khó khăn các phạm nhân đều chia sẻ, tâm sự với Kiếm. Đặc biệt, với 2 lần được thoát án tử và được giảm án ở trại giam, Kiếm hiểu thế nào là cái giá của tự do, nên anh ta dần trở thành người anh, người truyền lửa cho các phạm nhân khác, để họ học tập theo.

Nguyễn Ngọc Kiếm cho biết "cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, với những chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không khí đón tết của phạm nhân như chúng tôi luôn vui vẻ, đầm ấm. Được sự quan tâm sâu sát của Ban giám thị, của cán bộ làm cho tôi cũng như anh em phạm nhân vơi đi mặc cảm tội lỗi và nỗi buồn khi phải sống xa gia đình, người thân.

Đồng thời như nhắc nhở chúng tôi phải "biết nhận rõ lỗi lầm, để con người tiến bộ" như lời ông Giám thị đã răn dạy. Là một người phải thi hành án tù chung thân, nay được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, giảm xuống còn 30 năm, bản thân tôi rất vui mừng và xúc động, tôi thấy mình như được sinh ra một lần nữa, tôi đã biết ngày về, dù ngày đó vẫn còn rất xa.

Khi hay tin tôi được giảm án xuống tù có thời hạn, vợ và các con tôi, cũng như người thân của tôi chia sẻ niềm vui cùng tôi, khiến tôi thấy niềm vui của mình được trọn vẹn trong mùa xuân mới. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Ban giám thị và tập thể cán bộ đã không quản ngày đêm khó khăn, gian khổ chỉ dạy cho chúng tôi học tập, lao động cải tạo tiến bộ để nhận lại hai tiếng hoàn lương, tạo điều kiện cho tôi có cơ hội đoàn tụ với gia đình.

Đây cũng là dịp nhắc nhở bản thân tôi phải tuyệt đối tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, tuân thủ pháp luật của Nhà nước, chấp hành tốt nội quy trại giam, có cuộc sống thân ái với mọi người, phải biết tôn trọng giá trị của cuộc sống".

Nghĩ về hoàn cảnh của mình, Kiếm cho biết là người lao động chính trong gia đình, là trụ cột để vợ con cậy nhờ; nhưng bản thân đã lầm đường, lạc lối vi phạm pháp luật và đã phải trả giá cho những hành vi của mình bằng những năm tháng trong trại giam, để lại cho những người thân yêu của mình gánh nặng của mưu sinh hằng ngày.

"Từ ngày tôi vi phạm pháp luật và bị bắt, vợ tôi phải một mình tần tảo nuôi dạy 2 con khôn lớn, giờ đây các cháu đã trưởng thành, có trình độ đại học, đã có gia đình riêng và sống hạnh phúc, các cháu cũng hiểu và tha thứ cho tôi khi tôi không làm tròn bổn phận của một người cha. Vợ tôi giờ đây đã 56 tuổi, lại bị tai biến mạch máu não, đi lại rất khó khăn. Có lẽ đó là hệ quả của việc phải lao động vất vả để nuôi dạy hai con khôn lớn, cũng như thăm nuôi chồng trong trại giam…"

Nhắc đến vợ, Kiếm rưng rưng nước mắt. Còn nhớ, cách đây mấy năm, trong một cuộc Trại giam Thanh Lâm tổ chức hội nghị gia đình phạm nhân, tôi gặp vợ Kiếm - một người phụ nữ hơi gầy nhưng có nụ cười rất tươi. Chị luôn đi sát bên chồng, luôn hồ hởi chào thân mật các gia đình phạm nhân khác.

Gần 15 năm nuôi con, chờ chồng cải tạo, đã lấy đi của người phụ nữ đó sức lực. Đó cũng là điều Nguyễn Ngọc Kiếm đau đáu nhất "tôi chỉ mong ngày về vợ tôi còn sức khoẻ, để tôi tạ tội với cô ấy, với cuộc đời…"

Phương Thuỷ
.
.
.